Với thực trạng về công tác sales - marketing như hiện nay thì một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho công ty là cần tổ chức lại công tác sales – marketing nhằm đẩy mạnh công tác tìm kiếm nguồn khách hàng mới có nhu cầu nhập khẩu hàng FCL.
Những biện pháp có thể thực hiện là:
+ Tổ chức các hội nghị sales - marketing để nhân viên kinh doanh có cơ hội
đúc rút kinh nghiệm và hình thành phương pháp sales - marketing hiệu quả, thuyết phục được những khách hàng muốn nhập khẩu hàng FCL nhưng khó tiếp cận , tăng ngân sách cho hoạt động sales - marketing, gửi nhân viên công ty học kinh nghiệm sales-marketing của các nhân viên xí nghiệp…
+ Điều quan trọng trong công tác sales - marketing là phải hiểu được nhu cầu của khách hàng, họ mong muốn gì khi ký hợp đồng với công ty (giá cả, chất lượng, thời gian giao hàng hay đảm bảo an toàn hàng hóa,…), họ hiểu đến đâu về công tác giao nhận hàng hóa nhập khẩu FCL bằng đường biển, nghĩa vụ trách nhiệm của hai bên và các bên liên quan khi thực hiện hợp đồng… Những nhân viên thực hiện nghiệp vụ giao nhận hàng hóa bằng đường biển trực tiếp là mối nối quan trọng đưa khách hàng đến với công ty, sự thành công của nghiệp vụ sales - marketing phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân viên này.
+ Thái độ hành vi trong giao tiếp ứng xử, các kỹ năng cá nhân trong quá trình tiếp xúc với khách hàng như kỹ năng giao tiếp qua điện thoại, kỹ năng xử lý trực diện các tình huống khó khăn trong quá trình thực hiện công việc… tính chuyên nghiệp của nhân viên đem lại cho khách hàng chính là phương pháp marketing hiệu quả nhất.
Công tác chăm sóc khách hàng cũng cần phải được đẩy mạnh và hoàn thiện. Chăm sóc khách hàng phải bắt nguồn từ văn hoá và niềm tin của công ty, chứ không phải là các giải pháp mang tính tình thế để đối phó với những phàn nàn khiếu nại của khách hàng. Công ty phải tạo cho mình từ cấp cao nhất đến thấp nhất có một nếp "văn hoá chăm sóc khách hàng", trong đó hình tượng khách hàng luôn được định hướng để mỗi cán bộ nhân viên tận tâm chăm sóc. Nếp văn hoá này thể hiện trong mọi lĩnh vực từ thông tin, giao dịch, trao đổi với khách hàng đến thái độ phục vụ, thời gian và sự giải quyết linh hoạt mọi tình huống xảy ra. Nếp văn hoá chăm sóc khách hàng phải được cam kết từ cấp lãnh đạo cao nhất trong công ty và nhất quán trong mọi phòng ban, tránh tình trạng phòng ban làm việc không thống nhất. Văn hoá này sẽ là đặc trưng của công ty và sẽ làm cho các khách hàng của công ty hài lòng đối với các dịch vụ công ty cung cấp cũng như cách làm việc của nhân viên.