0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (80 trang)

Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết

Một phần của tài liệu THỦ TỤC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT TÍCH HOẶC LÀ ĐÃ CHẾT TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM (Trang 35 -40 )

Theo quy định tại Điều 331 BLTTDS thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích là 20 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 336 BLTTDS thì thời hạn này đối với yêu cầu tuyên bố một người là đã chết là 30 ngày. Trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết, thẩm phán được Chánh án phân công giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết phải tiến hành các công việc sau:

- Thông báo thụ lý: Hiện nay tại Chương XXIII và Chương XXIV BLTTDS không có quy định về việc Tòa án phải gửi thông báo thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết. Tuy nhiên, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật để giải quyết việc dân sự quy định tại Điều 311 BLTTDS, Tòa án cần áp dụng Điều 311 và Điều 174 BLTTDS, trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết để ra thông báo bằng văn bản

gửi cho người yêu cầu, người có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho VKSND cùng cấp về việc Tòa án thụ lý yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết. Văn bản thông báo phải có đầy đủ các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 174 BLTTDS.

- Sau khi thông báo thụ lý, thẩm phán được phân công phụ trách giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết tiến hành nghiên cứu đơn yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ mà người yêu cầu gửi kèm theo đơn yêu cầu. Trong trường hợp xét thấy chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ cơ sở để giải quyết thì thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ.

- Thông báo tìm kiếm và công bố thông báo: Theo quy định tại khoản 1 Điều 331 BLTTDS thì ″Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Toà án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích″. Như vậy, theo quy định này thì đối với việc giải quyết yêu

cầu tuyên bố một người mất tích thì thủ tục thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là bắt buộc. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 336 BLTTDS thì ″Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết không quá ba mươi ngày, kể từ ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn đó, Toà án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu″. Theo quy định này,

nhà làm luật đã không đề cập đến việc thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trong thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu. Xuất phát từ ý nghĩa của việc thông báo tìm kiếm là tìm kiếm nhằm xác định lại lần cuối về tin tức của người biệt tích trước khi Tòa án ra quyết định về số phận pháp lý của họ đồng thời nâng cao tính xác thực, khách quan, chính xác trong quyết định của Tòa án nên đó là thủ tục bắt buộc khi Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Vì vậy, khi giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết mà chưa thông qua thủ tục tuyên bố người đó mất tích (đối với các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 81 BLDS năm 2005) thì thông báo tìm kiếm cũng là thủ tục bắt buộc. Đối với trường hợp người đã bị tuyên bố mất tích nhưng sau ba năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin

tức gì là người đó còn sống (điểm a khoản 1 Điều 81 BLDS năm 2005) và có yêu cầu tuyên bố người đó là đã chết thì vẫn phải tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm. Bởi lẽ, trong khoảng thời gian ba năm đó rất có thể người bị Tòa án tuyên bố mất tích xuất hiện nhưng vì một lý do nào đó họ và những người liên quan không yêu cầu hủy quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án. Vì vậy, chúng tôi cho rằng để đảm bảo tính xác thực của quyết định tuyên bố một người là đã chết thì việc thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết cũng phải là một thủ tục bắt buộc trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết. Do đó, việc BLTTDS không quy định thủ tục thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trong thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu là không hợp lý.

Thông báo tìm kiếm phải có nội dung theo quy định tại Điều 327 BLTTDS. Việc công bố thông báo được thực hiện theo quy định tại Điều 328 BLTTDS. Theo đó, thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết phải được đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong ba ngày liên tiếp. Chi phí cho việc đăng, phát thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết do người yêu cầu chịu.

- Thực hiện một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự. Tại phần thứ năm: "Thủ tục giải quyết việc dân sự" của BLTTDS không có quy định về việc Tòa án thực hiện một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ khi có yêu cầu của đương sự, nhưng theo nguyên tắc áp dụng pháp luật giải quyết việc dân sự quy định tại Điều 311 BLTTDS thì ngoài các quy định tại Chương XX BLTTDS, Tòa án sẽ áp dụng các quy định tại các chương khác của BLTTDS để giải quyết những việc dân sựquy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 26, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28, khoản 1 và khoản 4 Điều 30, khoản 3 Điều 32 của BLTTDS nếu những quy định đó không trái với những quy định tại Chương XX BLTTDS. Vì vậy, trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết, Tòa án cần áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS dẫn chiếu đến Phần IV Nghị quyết số 04/2005/NQ – HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về ″Chứng minh

và chứng cứ″ để tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự. Cụ thể, khi đương sự có yêu cầu, thì Toà án tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ sau đây: ghi lời khai của đương sự trong trường hợp đương sự không thể tự viết được (khoản 1 Điều 86 của BLTTDS); lấy lời khai của người làm chứng (khoản 1 Điều 87 của BLTTDS); đối chất (khoản 1 Điều 88 của BLTTDS); trưng cầu giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo (khoản 1 Điều 91 của BLTTDS); ủy thác thu thập chứng cứ (Điều 93 của BLTTDS); thu thập chứng cứ do cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được (khoản 1 Điều 94 của BLTTDS).

Ngoài ra, Toà án có thể tự mình tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ sau đây: lấy lời khai của người làm chứng khi xét thấy cần thiết (khoản 1 Điều 87 của BLTTDS); đối chất khi xét thấy có sự mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng (khoản 1 Điều 88 của BLTTDS).

Khi có yêu cầu Tòa án tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ, đương sự phải có yêu cầu được thể hiện bằng văn bản (có thể làm bằng văn bản riêng, có thể ghi trong bản khai, trong biên bản ghi lời khai, biên bản đối chất). Trong trường hợp đương sự trực tiếp đến Toà án yêu cầu thì phải lập biên bản ghi rõ yêu cầu của đương sự. Trường hợp yêu cầu Toà án tiến hành thu thập chứng cứ bằng biện pháp yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ (Điều 94 của BLTTDS) thì phải làm đơn yêu cầu.

- Ra một số quyết định: Trong thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết, Tòa án có thể ra một số quyết định sau:

+ Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết: Theo quy định tại khoản 3 Điều 331 và khoản 2 Điều 336 BLTTDS thì trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết, Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu. Ngoài hai trường hợp trên, Tòa án cần áp dụng Điều 311 và Điều 192 BLTTDS để

ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết trong quá trình chuẩn bị xét đơn yêu cầu khi: người yêu cầu đã chết mà quyền và nghĩa vụ của họ không được thừa kế.

+ Quyết định tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết: BLTTDS không có quy định cụ thể việc thẩm phán được phân công giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết có được ra quyết định tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hay không? Căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết? Tuy nhiên, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật để giải quyết việc dân sự quy định tại Điều 311 BLTTDS, thẩm phán được phân công giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết cần áp dụng Điều 311 và Điều 189 BLTTDS để ra quyết định tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết khi: người yêu cầu đã chết mà chưa có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người đó; người yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật.

+ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp được Tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản hiện có hoặc bảo đảm việc thi hành án. Hiện nay, BLTTDS không có quy định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết việc dân sự nói chung và giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết, yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết nói riêng. Tuy nhiên, xuất phát từ ý nghĩa của biện pháp khẩn cấp tạm thời là nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của đương sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo vệ bằng chứng hoặc đảm bảo cho việc thi hành án thì ″bất kể đó là vụ án dân sự hay việc dân sự đều cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi cho đương sự″ [77, tr 16]. Mặt khác, đối với yêu cầu tuyên bố một người

mất tích hoặc là đã chết, đây là trường hợp người bị yêu cầu vắng mặt không tham gia tố tụng tại Tòa án, việc giải quyết yêu cầu này liên quan đến quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người yêu cầu, người bị yêu cầu và những người có liên quan

như trong trường hợp người bị yêu cầu đang phải thực hiện một nghĩa vụ tài sản nào đó đối với người khác hoặc những người đang quản lý tài sản của người bị yêu cầu đang thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người bị yêu cầu …. Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo vệ bằng chứng hoặc đảm bảo cho việc thi hành án, Tòa án cần áp dụng nguyên tắc áp dụng pháp luật để giải quyết việc dân sự quy định tại Điều 311 BLTTDS để ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết. Tuy nhiên, những biện pháp khẩn cấp tạm thời nào sẽ được áp dụng trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết cần được hướng dẫn cụ thể.

Một phần của tài liệu THỦ TỤC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT TÍCH HOẶC LÀ ĐÃ CHẾT TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM (Trang 35 -40 )

×