0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (80 trang)

Thụ lý yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết

Một phần của tài liệu THỦ TỤC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT TÍCH HOẶC LÀ ĐÃ CHẾT TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM (Trang 29 -35 )

Theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ học "thụ lý" được hiểu là ″Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận giải quyết vụ kiện hoặc vụ án hình sự″

[85, tr 884]. Thụ lý vụ án được hiểu "là việc Tòa án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và vào sổ thụ lý vụ án dân sự để giải quyết″ [75, tr 248]. Từ khái niệm thụ

lý và thụ lý vụ án có thể hiểu một cách khái quát về thụ lý yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết như sau:

Thụ lý yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết là việc Tòa án tiếp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết và vào sổ thụ lý việc dân sự để giải quyết.

Mặc dù tại Phần thứ năm: "Thủ tục giải quyết việc dân sự" của BLTTDS không có quy định về thủ tục thụ lý yêu cầu giải quyết việc dân sự, nhưng theo nguyên tắc áp dụng luật để giải quyết việc dân sự quy định tại Điều 311 BLTTDS, Tòa án cần vận dụng các quy định về thụ lý vụ án dân sự để tiến hành thủ tục thụ lý yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết nói riêng và yêu cầu giải quyết việc dân sự nói chung là cần thiết.

Vận dụng quy định tại Điều 311 và Điều 167 BLTTDS, khi nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết, Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp người yêu cầu nộp đơn trực tiếp tại Toà án, thì Toà án ghi ngày, tháng, năm nhận đơn vào sổ nhận đơn. Ngày yêu cầu được xác định là ngày nộp đơn. Trường hợp người yêu cầu gửi đơn đến Toà án qua bưu điện, thì Toà án ghi ngày, tháng, năm nhận đơn do bưu điện chuyển đến vào sổ nhận đơn và ghi ngày, tháng, năm người yêu cầu gửi đơn theo dấu bưu điện nơi gửi. Ngày yêu cầu được xác định là ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng,

năm theo dấu bưu điện trên phong bì, thì Toà án phải ghi chú trong sổ nhận đơn là ″không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện″. Trong trường hợp này ngày yêu cầu được xác định là ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau:

- Thụ lý đơn yêu cầu nếu yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; - Chuyển đơn yêu cầu cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người yêu cầu, nếu yêu cầu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;

- Trả lại đơn yêu cầu cho người yêu cầu, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Để có thể xác định được ra quyết định nào trong số các quyết định trên, sau khi nhận được đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết do người yêu cầu nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện. Tòa án phải xem xét đơn yêu cầu và kiểm tra các điều kiện để thụ lý:

- Điều kiện về quyền yêu cầu: Khi một người biệt tích quá lâu khỏi nơi cư trú đã làm gián đoạn các quan hệ xã hội mà họ đã tham gia, làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của những người có liên quan đến họ trong các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại,… Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan đến người biệt tích trong các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại, pháp luật quy định các chủ thể này có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết. Quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết của người có liên quan đến người biệt tích trong các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại được quy định tại các Điều 78, 81 BLDS năm 2005 và các Điều 330, 335 BLTTDS. Theo quy định tại khoản 1 Điều 78 BLDS năm 2005, khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật TTDS nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Còn theo quy định tại khoản 1 Điều 81 BLDS năm 2005, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu

Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây: + Người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích nhưng sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống;

+ Người biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống;

+ Người bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

+ Người biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống, thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của BLDS.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 330 và khoản 1 Điều 335 BLTTDS, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết theo quy định của BLDS. Tuy nhiên, cho đến nay BLDS cũng như BLTTDS chưa có giải thích cụ thể thế nào là người có quyền, lợi ích liên quan. Chúng tôi cho rằng, người có quyền, lợi ích liên quan được xác định là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự biệt tích của người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết tại nơi cư trú như cha, mẹ, vợ, chồng, các con đã thành niên của người đó, những người có liên quan đến họ theo các quan hệ về dân sự, hành chính, lao động... Quyền yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết của các cơ quan, tổ chức hữu quan không được ghi nhận trong BLTTDS.

- Điều kiện về năng lực hành vi TTDS: Để thực hiện được quyền yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết của mình thì người có quyền yêu cầu phải có năng lực hành vi TTDS. Theo quy định tại khoản 2, Điều 57 BLTTDS

″Năng lực hành vi TTDS là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham gia TTDS″. Năng lực hành vi TTDS của cá nhân

được xác định dựa trên cơ sở khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của cá nhân đó và trên cơ sở tính chất, yêu cầu của việc tham gia quan hệ pháp luật TTDS. Quá trình giải quyết vụ việc dân sự là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều thủ tục, nhiều giai đoạn tố tụng khác nhau, trong đó đương sự có thể tham gia tất cả

các giai đoạn đó để thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Vì vậy, để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án thì đương sự phải có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và phải có hiểu biết về pháp luật nội dung và pháp luật TTDS một mức độ nào đó, cũng như phải có kinh nghiệm nhất định. Do vậy, BLTTDS đã quy định, cá nhân được coi là có năng lực hành vi TTDS khi đã đủ mười tám tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đối với người chưa đủ mười tám tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

- Điều kiện về thời hiệu yêu cầu: ″Thời hiệu yêu cầu là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công công, lợi ích của Nhà nước nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác″ [75, tr 212-213]. Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 159 BLTTDS thì

trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu. Theo hướng dẫn tại Mục 2, Phần IV, Nghị quyết số 01/2005/NQ – HĐTP ngày 31 tháng 3 năm 2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất ″Những quy định chung″ của BLTTDS, nếu quyền yêu cầu phát sinh trước ngày 01/01/2005 thì thời hạn một năm tính từ ngày 01/01/2005; nếu quyền yêu cầu phát sinh từ ngày 01/01/2005 thì thời hạn một năm tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

- Điều kiện về thẩm quyền giải quyết: Khi nhận được đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết, Tòa án phải tiến hành kiểm tra xem yêu cầu đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mình hay không, cụ thể là:

+ Về thẩm quyền của Tòa án các cấp: Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 33 BLTTDS thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết là TAND cấp huyện. Tuy nhiên đối với yêu cầu này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài thì theo quy định tại

điểm c, khoản 1 Điều 34 BLTTDS thì thẩm quyền giải quyết thuộc về TAND cấp tỉnh. Đối với trường hợp người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài nhưng đã biệt tích theo quy định tại Điều 78 hoặc Điều 81 BLDS năm 2005 thì những người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án nhân dân cấp huyện giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết theo thẩm quyền thụ lý giải quyết vì trường hợp hợp này không phải là có đương sự ở nước ngoài [59, tr 28].

+ Về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ: Theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 35 BLTTDS thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết là Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng. Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng được hiểu là Tòa án nơi cư trú của người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết trước khi người đó biệt tích hoặc trước khi không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết. Nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại Điều 52 BLDS năm 2005 là nơi người đó thường xuyên sinh sống, trường hợp không xác định được nơi người đó thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống và theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 thì ″Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú....Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú″

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 36 BLTTDS thì Tòa án nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu cũng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết nếu người yêu cầu lựa chọn.

Bên cạnh việc kiểm tra các điều kiện về nội dung, Tòa án phải tiến hành kiểm tra về hình thức đơn yêu cầu. Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết phải ghi đầy đủ, rõ ràng. Đơn yêu cầu phải có đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 312 BLTTDS. Người yêu cầu phải gửi kèm theo đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ cũng như chứng minh việc đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm như giấy xác nhận của chính quyền địa phương,

cơ quan quản lý hộ tịch, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài hoặc giấy xác nhận của người láng giềng, người thân thích của người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết về thời gian người đó vắng mặt tại nơi cư trú, giấy xác nhận của cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình về việc đăng phát tin tìm người vắng mặt, giấy xác nhận việc người đó có mặt trong các sự kiện thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh .... Nếu hình thức đơn không rõ ràng hay đơn yêu cầu không có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 312 BLTTDS, Tòa án sẽ áp dụng quy định tại Điều 311 và Điều 169 BLTTDS thông báo cho người gửi đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu. Thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu do Tòa án ấn định nhưng không quá ba mươi ngày kể từ ngày người yêu cầu nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu, trong trường hợp đặc biệt Tòa án có thể ra hạn nhưng không quá mười lăm ngày. Nếu người gửi đơn yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án sẽ trả lại đơn yêu cầu cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn cho người gửi đơn yêu cầu.

Sau khi kiểm tra, nhận thấy đơn yêu cầu đã đáp ứng đầu đủ các điều kiện về nội dung và hình thức, Tòa án sẽ xác định tiền tạm ứng lệ phí và thông báo cho người có đơn yêu cầu nộp tiền tạm ứng lệ phí tại cơ quan thi hành án cùng cấp, trừ trường hợp được miễn lệ phí hoặc miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, người yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng lệ phí. Khi người yêu cầu xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng lệ phí, Tòa án sẽ ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu. Nếu người yêu cầu được miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí hoặc miễn nộp lệ phí thì Toà án phải thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết khi nhận được đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Trong trường hợp đơn yêu cầu vi phạm các điều kiện trên, Tòa án sẽ áp dụng quy định tại Điều 311 và Điều 168 BLTTDS ra quyết định trả lại đơn yêu cầu. Tòa án sẽ ra quyết định trả lại đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết trong các trường hợp sau: người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi TTDS; chưa đủ điều kiện để yêu cầu tuyên bố một người mất tích

hoặc là đã chết; yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết đã được giải quyết bằng một quyết định giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người yêu cầu đã được Tòa án hướng

Một phần của tài liệu THỦ TỤC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT TÍCH HOẶC LÀ ĐÃ CHẾT TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM (Trang 29 -35 )

×