Tại kỳ họp thứ năm, ngày 15 tháng 6 năm 2004, BLTTDS đã được Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua. Theo đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết là một loại việc dân sự được giải quyết theo một thủ tục độc lập quy định tại Phần thứ năm: "Thủ tục giải quyết việc dân sự" của BLTTDS bên cạnh thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Tại Chương XXIII và Chương XXIV Phần thứ năm: "Thủ tục giải quyết việc dân sự" của BLTTDS lần lượt quy định cụ thể về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích và thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết. Quyền yêu cầu và điều kiện để xác định một người mất tích hoặc là đã chết được quy định tại Điều 78 và Điều 81 BLDS năm 2005. So với các quy định của pháp luật TTDS của các giai đoạn trước, BLTTDS đã có những kế thừa đồng thời cũng có những phát triển hoàn thiện hơn về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết. Cụ thể, về thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết, Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết là Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng hoặc Tòa án nơi người yêu cầu cư trú. Tuy nhiên, BLTTDS cũng đã quy định bổ sung về thẩm quyền giải quyết loại việc này của Tòa án nơi người yêu cầu có nơi làm việc. BLTTDS cũng kế thừa các quy định về thời hạn biệt tích của
một người để từ đó làm phát sinh quyền yêu cầu của người có quyền, theo đó, khi một người biệt tích từ hai năm liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố người đó mất tích; khi một người biệt tích năm năm liền trở lên mà không có tin tức là người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố người đó là đã chết.
Trong các quy định của pháp luật TTDS của các giai đoạn trước yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết có thể được giải quyết trong cùng một vụ án khác như vụ án ly hôn, vụ án chia thừa kế ... thì nay, theo quy định của BLTTDS, trong các trường hợp đó, Tòa án phải tiến hành giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết trước sau đó mới tiến hành giải quyết vụ án ly hôn, vụ án chia thừa kế .... Bên cạnh đó, theo các quy định của pháp luật TTDS các giai đoạn trước thì yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết được giải quyết theo một thủ tục chung với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì nay theo quy định của BLTTDS, các yêu cầu đó được giải quyết theo một thủ tục riêng - thủ tục giải quyết việc dân sự . Mặt khác, theo quy định của pháp luật TTDS trước đây, khi người bị tuyên bố mất tích hoặc đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống được coi là căn cứ để vụ án được giải quyết lại theo thủ tục tái thẩm thì hiện nay, tình tiết đó là căn cứ phát sinh quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết của những người có quyền - một loại việc dân sự mới.