Các yếu tố trong nước

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp xuất khẩu rau quả của việt nam sang thị trường đài loan (Trang 48 - 51)

2.2.1.1. Điều kiện tự nhiên, thổnhưỡng ở Việt Nam

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và ôn đới theo vùng và theo mùa cho phép nông dân trồng trọt, thu hoạch quanh năm. Đất đai Việt Nam giàu dinh dưỡng, phì nhiêu với nhiều loại đất như đất phù sa, đất đỏ bazan, đất xám… Đất đai, khí hậu Việt Nam thích hợp cho việc phát triển nhiều chủng loại rau quả như ĐBSCL có đất phù sa chiếm trên 6 triệu ha, thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả nhiệt đới, khí hậu mát lạnh ở Tây Nguyên phù hợp để trồng các loại súp lơ, cải thảo. Hiện nay trên lãnh thổ nước ta có 27 loại cây ăn quả được trồng trên diện tích lớn, trong đó chuối, dứa, cam, xoài đã chiếm 57% tổng diện tích trái cây cả nước với chất lượng và khối lượng lớn. Nhờ vào điều kiện khí hậu và đất đai đặc trưng

mà nhiều vùng chuyên sản xuất rau quả có những chủng loại rau quả mang hương vị đặc trưng, chất lượng và sản lượng cao như bưởi ở Đoan Hùng, mơ, mận ở Tây Bắc, xoài cát Hòa Lộc, nhãn ở Hưng Yên, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang…Bên cạnh những thuận lợi trên, những khó khăn về điều kiện thời tiết do ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới… cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Cụ thể như Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, là một trong 5 ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ước tính tổn thất về kinh tế hàng năm do thiên tai, bão lũ gây ra tương ứng khoảng 3,6 tỷ USD hay hiện tượng sương mù xuất hiện vào sáng sớm ở khu vực Nam Bộ gây các bệnh sâu cuốn lá, ốc bươu vàng trên cây ăn quả (Diễn đàn môi trường, 2012).

2.2.1.2. Nguồn nhân lực của Việt Nam

Nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp dồi dào, chiếm trên 75% dân số lao động nhưng đa số người nông dân vẫn còn trồng trọt theo phương thức truyền thống nên phần nào đã hạn chế đến chất lượng, sản lượng rau quả. Mặt khác, nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp, các chuyên viên nghiên cứu, phát triển nông nghiệp vẫn chưa đủ về số lượng để phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp. Mặc dù hoạt động phát triển, nâng cao nguồn lực ở các đơn vị nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được đẩy mạnh trong các năm qua nhưng hiệu quả của các hoạt động này vẫn chưa cao. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam đang rất thiếu. Việt Nam hiện giờ trong tổng số trên 60 triệu nông dân, chỉ có trên 4.800 cán bộ khuyến nông chuyên trách, được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, hơn 10.500 cán bộ khuyến nông không chuyên trách và trên 15.700 cộng tác viên khuyến nông phục vụ các thôn bản (Rfa, 2010). Hiện tại, để triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020”, Bộ NN & PTNT đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành thực hiện các nhiệm vụ trong đề án phê duyệt dự án thí điểm mô hình đào tạo nghề nông nghiệp tại 11 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề sơ cấp và dạy nghề thường xuyên, thí điểm dạy nghề ở Bến Tre và Thanh Hoá (Vụ Kế hoạch, Bộ NN & PTNT, 2012).

2.2.1.3. Điều kiện cơ sở hạ tầng, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp ở Việt Nam

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã huy động được trên 29 nghìn tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn. Năm 2006, 8.488 xã có đường ô tô đi lại được quanh năm, có 6.356 xã (chiếm 70%) đường ô tô được nhựa, bê tông hóa. Về thủy lợi, cả nước có trên 1.952 hồ chứa nước lớn, 10.000 trạm bơm, 1000 km kênh trục chính… Tổng năng lực thiết kế tưới của các hệ thống đảm bảo cho 1 triệu ha rau quả. Về điện lưới quốc gia, 97,95% huyện có hệ thống điện, 10.522 xã phường có điện lưới quốc gia, đạt 96,80%... Nhờ đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn được tạo điều kiện phát triển, giải quyết việc làm, nên thu nhập của người dân đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã giảm rõ rệt. Thu nhập bình quân 1 hộ nông thôn hiện tại đạt 26,1 triệu đồng, tăng 11,3 triệu đồng (75,8%) so với năm 2002; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn là 18% giảm 3,2% so 2004 (Tin kinh tế, 2010).

Nhiều chương trình, dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp đã thực hiện thành công. Chẳng hạn như chương trình nông thôn và miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ trong các năm từ 2004 - 2010 đã đầu tư 535,55 tỷ đồng triển khai 213 dự án ở 58 tỉnh, thành phố. Chương trình đã huy động được 1.200 cán bộ kỹ thuật và chuyển giao thành công 438 quy trình tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Thông qua các mô hình, các lớp tập huấn được tổ chức với 1.566 kỹ thuật viên, tập huấn cho 35.136 lượt nông dân để có năng lực tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật, đào tạo được 225 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 1.189 cán bộ, nông dân về thông tin khoa học kỹ thuật, xây dựng 11 trung tâm thông tin khoa học công nghệ ở 9 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía Bắc… (Truyền thông Khoa học và Công nghệ, 2012).

2.2.1.4. Tác động của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam

Chính phủ, Nhà nước Việt Nam đã và đang tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu rau quả Việt Nam được thuận lợi hơn thông qua các luật, chính sách, quyết định, nghị định… Chính phủ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, chính

sách như nghị định 163/2004/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vào ngày 07/09/2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về Vệ sinh an toàn thực phẩm, quyết định 01/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ban hành vào ngày 30/07/2008.

Bộ NN & PTNT phối hợp với các Bộ ngành liên quan vẫn đang thực hiện vai trò chủ chốt của mình trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước; quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Ngành trồng trọt được Bộ NN & PTNT quản lý, giám sát, hỗ trợ thông qua thông qua việc thường xuyên cập nhật, sửa đổi các thông tư, quyết định, danh mục… Tiêu biểu như quyết định số 52/2007/QĐ-BNN vào ngày 05/06/2007 về Quy hoạch phát triển rau quả và hoa cây cảnh đến năm 2010, tầm nhìn 2020 với định hướng quy hoạch đến năm 2020 diện tích cây ăn quả khoảng 1,3 triệu ha, diện tích rau khoảng 750.000 ha hay quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN ban hành vào ngày 28/01/2008 về quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn, hướng dẫn áp dụng VietGAP trong sản xuất nông nghiệp nói chung và rau quả nói riêng nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các môi nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Hiện nay, Bộ NN & PTNT cũng thường xuyên cập nhât các danh mục giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam… nhằm đảm bảo chất lượng rau quả của Việt Nam, đáp ứng được mục tiêu xuất khẩu, phù hợp với các tiêu chuẩn nhập khẩu của thế giới và Đài Loan.

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp xuất khẩu rau quả của việt nam sang thị trường đài loan (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)