Vị trí địa lý, địa hình

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng hoạt động khuyến nông tại huyện Lang Giang Bắc Giang (Trang 29 - 31)

Lạng Giang là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, nằm ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, Việt Nam. Trung tâm huyện cách thủ đô Hà Nội 60 Km về phía Bắc. Hệ thống giao thông đường bộ trong huyện và nối với các địa phương khác khá phát triển, đến nay cơ bản đã được hoàn thiện.

Sơ đồ 2: Bản đồ hành chính huyện Lạng Giang

Lạng Giang gồm 23 xã, thị trấn, có vị trí tiếp giáp với các địa phương của tỉnh Bắc Giang và các tỉnh khác như sau:

Phía Bắc giáp huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn. Phía nam giáp huyện Lục Nam và huyện Yên Dũng. Phía tây giáp huyện Tân Yên và Yên Thế.

Với vị trí địa lý như vậy, Lạng Giang rất thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế với các huyện khác trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt trên địa bàn huyện có 2 thị trấn Vôi, Kép là 2 trung tâm tập trung dân cư đông đúc, tiềm năng phát triển to lớn chắc chắn sẽ thúc đẩy kinh tế toàn huyện tiến bước vững chắc trong thời gian tới.

Về địa hình, Lạng Giang có hướng dốc chính nghiêng từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, được chia làm 3 vùng địa hình chính là vùng cao, vùng đồng bằng và vùng thấp.

Vùng cao là vùng gò đồi gồm các xã phía bắc và đông bắc của huyện, có diện tích tự nhiên 9.580 ha chiếm 39% diện tích tự nhiên toàn huyện, cao trình đất tự nhiên 9- 12m có khả năng phát triển các loại cây ăn quả phục vụ cho công nghiệp chế biến như: Vải thiều, nhãn, dứa, na, ổi,…

Vùng đồng bằng có diện tích tự nhiên là 10.000 ha, bằng 41% diện tích đất tự nhiên toàn huyện, cao trình đất từ 7-10m. vùng này có khả năng quy hoạch thành vùng sản xuất rau sạch cung cấp cho các đô thị và sản xuất lúa chất lượng cao.

Vùng thấp có diện tích 5.500 ha bằng 20% diện tích tự nhiên toàn huyện, cao trình đất tự nhiên của vùng từ 5-7m trong đó có 1.500 ha đất trũng cao trình 2-2,5m thường ngập úng vào mùa mưa, có thể được quy hoạch thành vùng nuôi chồng thủy sản nước ngọt.

Đặc điểm thổ nhưỡng: Theo kết quả điều tra quy hoạch đất đai huyện Lạng Giang (1999), Lạng Giang có 4 loại nhóm đất chính là:

- Đất xám bạc màu: 5.858 ha chiếm 24,2% diện tích đất tự nhiên. - Đất đỏ vàng: 10.084 ha chiếm 43,4% diện tích đất tự nhiên. - Đất phù sa: 5.887 ha chiếm 24% diên tích đất tự nhiên.

- Đất thung lũng dốc tụ là 72 ha chiếm 0,3% diện tích đất tự nhiên.

Đất đai ở Lạng Giang tương đối đa dạng, trong nhóm đất đỏ vàng chiếm vị trí lớn nhất. Nhóm đất phù sa và nhóm đất xám bạc màu có tỷ trọng khá lớn thuận lợi cho việc phát triển sản xuất lúa, rau và các loại cây công nghiệp ngắn ngày như thuốc lá, đậu tương, lạc,… tỷ trọng đất có khả năng sản xuất nông nghiệp khá cao xong độ phì của đất Lạng Giang thuộc loại thấp, tình trạng xói mòn rửa trôi còn xảy ra ở các vùng gò đồi.

Nhìn chung địa hình, thổ nhưỡng huyện Lạng Giang phân bố không đồng đều nhưng tương đối bằng phẳng, đây là một trong những yếu tố tạo nên sản xuất nông nghiệp đa dạng trên địa bàn huyện.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng hoạt động khuyến nông tại huyện Lang Giang Bắc Giang (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w