luật nội dung, đồng thời tăng cường vai trò tư vấn pháp luật của các công chứng viên nhằm giải thích giúp cho các bên liên quan hiểu đúng bản chất của hợp đồng
Khi xã hội hóa hoạt động công chứng - vốn được coi là hoạt động mang tính hành chính nhà nước đã tồn tại ở nước ta từ rất lâu, động thái này đã được sự ủng hộ lớn từ xã hội với mong muốn tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc thiết lập các giao dịch dân sự, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức công chứng, giảm nhẹ bộ máy hành chính Nhà nước. Nhưng qua quá trình hơn 2 năm Luật Công chứng đi vào thực hiện tới nay, đã xuất hiện nhiều bất cập, từ công tác chứng nhận của các tổ chức công chứng đến vai trò của các Công chứng viên trong việc "kinh doanh dịch vụ công".
Những hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn thuế, lừa đảo ngày càng diễn ra nhiều hơn khi hoạt động công chứng được xã hội hóa đồng nghĩa với việc tư nhân được mở các Văn phòng công chứng cung cấp dịch vụ này. Bởi vậy, cần rà soát lại hoạt động công chứng thời gian qua, xây dựng một quy chuẩn chung của việc công chứng để các Phòng công chứng cũng như Văn phòng công chứng thực hiện. Việc rà soát hoạt động công chứng bao gồm nhiều hoạt động như: thanh tra, kiểm tra theo định kỳ, đột xuất; báo cáo hàng tháng, hàng quý của các Phòng công chứng, Văn phòng công chứng.
Có thể nhận thấy việc các cá nhân lợi dụng hoạt động công chứng để trục lợi cũng vì nguyên nhân các Công chứng viên còn chưa thể hiện được vai trò của mình trong việc giải thích pháp luật liên quan đến các giao dịch cho khách hàng mà chủ yếu chỉ tập trung vào số lượng văn bản chứng nhận, tính hợp pháp bên ngoài mà chưa đi sâu xem xét cội nguồn sâu xa của giao dịch. Bản chất của mỗi hợp đồng, giao dịch mà các bên liên quan xác lập cần phải hiểu chính xác, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng hiểu sai, hiểu chưa đúng mà hợp đồng ủy quyền giao dịch nhà ở chung cư thay cho hợp đồng mua bán nhà ở chung cư là một ví dụ, gây thiệt hại không nhỏ cho khách hàng, xã hội cũng như gây những bất lợi cho các giao dịch dân sự nói chung. Thực tế cho thấy khi khách hàng đến một tổ chức công chứng để thực hiện các giao dịch của mình chưa được tư vấn đầy đủ và cần thiết. Nhiều khách hàng tự tìm hiểu trước khi đến, một số thông qua người quen hoặc người môi giới dịch vụ, một số được sự tư vấn của cán bộ phòng công chứng, những sự tư vấn này không đầy đủ, không trao đổi hết được những vấn đề pháp lý của một giao dịch. Bởi vậy khi tiến hành ký và chứng nhận văn bản công chứng, Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng cần giải thích cho khách hàng hiểu bản chất của giao dịch, thông qua đó cũng đánh giá được những yếu tố thực sự ẩn sau một giao dịch, đảm bảo những giao dịch này thực sự đúng pháp luật, không trái đạo đức xã hội.