Hợp đồng ủy quyền có thể bị chấm dứt theo quy định của pháp luật

Một phần của tài liệu Hợp đồng ủy quyền trong giao dịch đối với nhà chung cư (Trang 59 - 62)

pháp luật

Theo điểm 4 Điều 589 Bộ luật Dân sự 2005, hợp đồng ủy quyền đương nhiên sẽ bị chấm dứt dù các bên có thỏa thuận khác, trong trường hợp

"bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết".

Như vậy, nếu một trong hai bên của hợp đồng ủy quyền chết, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích thì hợp đồng ủy quyền bị chấm dứt. Những việc đã được tiến hành nhằm thực hiện công việc được ủy quyền cũng dừng lại, không tiếp tục được thực hiện nữa.

Khi người ủy quyền chết, hợp đồng ủy quyền đã chấm dứt, người được ủy quyền trong trường hợp này không còn được ủy quyền nữa và người được ủy quyền có trách nhiệm trao lại toàn bộ hồ sơ, tài liệu,... cho những người thừa kế. Những người thừa kế có trách nhiệm phải thanh toán toàn bộ những chi phí cho người được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc và phải trả thù lao tương ứng với công sức của người được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc. Trong trường hợp người được ủy quyền chết, nghĩa vụ thực hiện công việc ủy quyền không được phép chuyển giao cho người khác, đây là nét đặc thù của nghĩa vụ trong hợp đồng ủy quyền. Những người thừa kế của người được ủy quyền chỉ có trách nhiệm phải thông báo cho người ủy quyền mà không có trách nhiệm phải thực hiện công việc của người nhận ủy quyền để lại. Do hợp đồng ủy quyền chấm dứt, nếu người được ủy quyền đã nhận những gì của người ủy quyền hoặc người thứ ba thì người thừa kế của người nhận ủy quyền có trách nhiệm hoàn trả những gì đã nhận của người ủy quyền và của người thứ ba và nhận thù lao từ người ủy quyền nếu hợp đồng ủy quyền có thù lao.

Nhưng, rủi ro phát sinh ở đây phần lớn là cho những người đã tham gia mua bán căn hộ chung cư nhưng không làm thủ tục mua bán theo quy định, mà lại sử dụng hợp đồng ủy quyền thay thế. Cụ thể là nếu một bên, hoặc là bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền (bên bán và mua theo thỏa thuận mua bán) chết thì hợp đồng ủy quyền sẽ đương nhiên chấm dứt. Căn hộ chung cư là tài sản mua bán sẽ trở lại thuộc quyền sở hữu của bên ủy quyền (trong trường hợp bên được ủy quyền chết) hoặc được để thừa kế cho người thừa kế

của bên ủy quyền (trong trường hợp bên ủy quyền chết). Trong mọi trường hợp, người thừa kế của bên được ủy quyền đều không được thừa kế quyền của người được ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền (quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt bất động sản). Ngoài ra, nếu tòa án tuyên bên ủy quyền bị mất năng lực hành vi dân sự (bị tâm thần) hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (nghiện ma túy) thì đương nhiên hợp đồng ủy quyền cũng bị chấm dứt. Quyền định đoạt bất động sản sẽ được chuyển giao cho người đại diện theo pháp luật của bên ủy quyền. Tương tự như vậy, hợp đồng ủy quyền cũng chấm dứt, bất động sản được giao trả cho bên ủy quyền nếu tòa án tuyên bên được ủy quyền bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: Ông Trịnh Văn Bé mua một căn hộ chung cư tại Khu đô thị mới

Phú Mỹ, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng do chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nên các bên không lập hợp đồng mua bán nhà mà chỉ ký hợp đồng ủy quyền, ông Bé được toàn quyền quản lý, sử dụng và làm mọi thủ tục mua bán, thế chấp, cho thuê... căn hộ. Sau đó, ông Bé bán lại căn hộ cho bà Lưu Thúy Nhân cũng dưới hình thức hợp đồng ủy quyền cho bên thứ ba. Vài tháng sau, chủ bán nhà cho ông Bé qua đời, các con của chủ nhà kéo đến yêu cầu bà Nhân giao trả nhà cho họ để họ phân chia di sản thừa kế do cha họ để lại. Do ông Bé, bà Nhân chỉ là người đại diện theo hợp đồng ủy quyền chứ chưa chuyển quyền sở hữu căn hộ, chưa làm thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà ở và sang tên sở hữu, tên chủ sở hữu trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà được cấp vẫn mang tên người chủ cũ đã mất nên tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của người này. Khi người chủ cũ mất, hợp đồng ủy quyền nghiễm nhiên hết hiệu lực và tài sản thuộc di sản thừa kế cho những người thừa kế hợp pháp. Bà Lưu Thúy Nhân đứng trước nguy cơ mất nhà nếu tranh chấp đưa ra Tòa án có thẩm quyền, hợp đồng ủy quyền mà bà đã ký kết bị tuyên vô hiệu. Trong lúc đó thì người chủ bán nhà đầu tiên đã qua đời, ông Bé không phải chủ sở hữu trực tiếp mà chỉ là đại diện theo hợp đồng ủy quyền, sau khi ký hợp đồng ủy quyền cho bên thứ ba, ông Bé không còn quyền lợi và

nghĩa vụ liên quan nữa. Như vậy, chỉ cần một trong số những người đã tham gia giao dịch qua đời, hợp đồng ủy quyền đã chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Hợp đồng ủy quyền trong giao dịch đối với nhà chung cư (Trang 59 - 62)