Đó là năng lực gia công về mặt sư phạm của giáo viên đối với tài liệu học tập nhằm làm cho nó phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm cá nhân học sinh, trình độ, kinh nghiệm của các em và đảm bảo logic sư phạm.
Muốn làm được điều đó trước hết người giáo viên phải biết đánh giá đúng tài liệu. Qua đó xác định được mối quan hệ giữa yêu cầu kiến thức của chương trình với trình độ nhận thức của học sinh.
Trên cơ sở đánh giá đúng đắn tài liệu, người giáo viên phải biết gia công, chế biến tài liệu làm cho nó vừa đảm bảo tính logic của sự phát triển khoa học, vừa phù hợp với logic sư phạm, lại thích hợp với trình độ nhận thức của trẻ. Trong cơ chế dạy học trên quan điểm hoạt động, người giáo viên không phải làm việc vận chuyển tài liệu từ sách giáo khoa đến trò, mà tổ chức cho trẻ giành lại tri thức khoa học đã được gửi gắm trong sách giáo khoa, truyền đạt sức sống của kiến thúc làm cho ý thức có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống của học sinh.
Người giáo viên muốn làm được điều đó trước hết phải có khả năng phân tích tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức, khi trình bày một tài liệu nhất là tài liệu mới, khó… người giáo viên phải biết phân tích để thấy cái gì là bản chất cơ bản. mối quan hệ giữa chúng với các chi tiết, cái chủ yếu và thứ yếu, để suy nghĩ cách trình bầy, dẫn dắt làm cho chúng trở nên nổi bật, trở thành đối tượng tiếp thu của trẻ.
Hai là, người giáo viên phải có óc sáng tạo, truyền đạt kiến thức cho người khác hiểu không phải là vấn đề đơn giản, không phải là mọi cái mình hiểu thì nói cho người khác cũng hiểu đúng và đầy đủ như mình. Do đó việc dựng lại cấu trúc tài liệu cho phù hợp với đặc diểm đối tượng là là một việc sáng tạo, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là làm cho tài liệu trở nên đơn giản. Tính sáng tạo của người giáo viên khi chế biến tài liệu thể hiện ở khả năng trình bày tài liệu theo suy nghĩ lập luận của mình cung cấp cho học sinh những kiến thức chính xác và mở rộng kiến thức đã học với đời sống.