NGHIỆP XÂY LẮP
2.1.3.2. Phân loại chi phí sản xuất trong doanh nghiệp xây lắp
• Phân loại chi phí sản xuất theo mục đích và công dụng của chi phí.
Do yêu cầu quản lý và đặc điểm của việc lập dự toán chi phí trong lĩnh vực sản xuất xây lắp là lập dự toán cho từng công trình, hạng mục công trình xây lắp theo từng khoản mục chi phí, nên chi phí sản xuất xây lắp cần được phân loại căn cứ vào mục đích, công dụng của chi phí. Theo cách phân loại này, chi phí sản xuất xây lắp được chia thành các khoản mục chi phí. Những chi phí có cùng mục đích, công dụng được xếp vào cùng một khoản mục chi phí, không phân biệt nội dung, tính chất kinh tế của chi phí đó. Theo quy định hiện hành, toàn bộ chi phí sản xuất xây lắp được chia thành các khoản mục chi phí:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Là chi phí về các loại vật liệu chính, vật liệu phụ, vật liệu sử dụng luân chuyển các cấu kiện, bán thành phẩm, thiết bị và các vật liệu khác cần thiết để tạo nên sản phẩm xây lắp.
- Chi phí nhân công trực tiếp: Là chi phí về tiền lương (tiền công), các khoản phụ cấp có tính chất thường xuyên (Phụ cấp lưu động, phụ cấp trách nhiệm) của công nhân trực tiếp sản xuất xây lắp không kể lao động trong biên chế hay ngoài biên chế doanh nghiệp.
- Chi phí sử dụng máy thi công: Là các chi phí liên quan đến hoạt động của các loại máy thi công như chi phí nhiên liệu, vật liệu, tiền lương công nhân vận hành máy, chi phí khấu hao xe, máy, chi phí vận chuyển xe, chi phí sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, chi phí dịch vụ, điện nước liên quan đến vận hành máy xúc, máy đào, máy ủi, máy trộn bê tông…
- Chi phí sản xuất chung: Là một bộ phận trong chi phí chung của hoạt động xây lắp bao gồm: tiền lương của nhân viên quản lý đội xây lắp, các khoản trích theo lương (BHXH, BHYT, KPCĐ) của công nhân xây lắp, công nhân sử dụng máy thi công, nhân viên quản lý đội xây lắp, chi phí vật liệu, công cụ dụng cụ, chi phí khấu hao TSCĐ dùng chung cho hoạt động của đội và các chi phí khác liên quan đến hoạt động của đội xây lắp.
Tác dụng của cách phân loại này là phục vụ cho việc quản lý chi phí theo định mức và dự toán, cung cấp số liệu hco công tác tính giá thành, phân tích tình hình thực hiện kế hoạch giá thành, làm tài liệu tham khảo đẻ lập định mức chi phí sản xuất và lập kế hoạch giá thành sản phẩm cho kỳ sau.
• Phân loại chi phí sản xuất theo nội dung, tính chất kinh tế của chi phí
Theo cách phân loại này, căn cứ vào nội dung, tính chất kinh tế của chi phí để chia chi phí sản xuất xây lắp và chi phí sản xuất ngoài xây lắp thành các yếu tố chi phí. Các chi phí sản xuất có chung nội dung kinh tế được xếp vào một yếu tố chi phí, không phân biệt mục đích, công dụng của chi phí đó như thế nào. Cách phân loai này còn được gọi là phân loại chi phí theo yếu tố. Theo quy định hiện hành, toàn bộ chi phí sản xuất trong DNXL được chia thành các yếu tố chi phí sau:
- Chi phí nguyên vật liệu: Là chi phí về các loại nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, công cụ dụng cụ mà doanh nghiệp đã sử dụng và tính vào chi phí sản xuất trong kỳ.
- Chi phí nhân công: Là toàn bộ số tiền lương (tiền công) và các khoản trích BHXH, BHYT, KPCĐ tính trên tiền lương của công nhân sản xuất, công nhân sử dụng máy thi công và nhân viên quản lý sản xuất ở các bộ phận, đội sản xuất.
- Chi phí khấu hao TSCĐ: Là số tiền trích khấu hao TSCĐ dùng cho hoạt động sản xuất trong DNXL, bao gồm khấu hao TSCĐ là máy thi công và khấu hao các TSCĐ khác sử dụng cho hoạt động sản xuất và phục vụ sản xuất ở các tổ đội, bộ phận sản xuất.
- Chi phí dịch vụ mua ngoài: bao gồm toàn bộ số tiền DNXL chi trả cho các loại dịch vụ mua từ bên ngoài phục vụ cho hoạt động sản xuất như tiền điện, tiền điện thoại, FAX, tiền nước, internet…
- Chi phí khác bằng tiền: gồm các chi phí khác chi ra bằng tiền cho hoạt động sản xuất ngoài 4 yếu tố chi phí đã kể trên.
Tác dụng của cách phân loại này cho biết nội dung, kết cấu tỷ trọng từng loại chi phí mà doanh nghiệp đã sử dụng vào quá trình sản xuất trong tổng chi phí sản
xuất doanh nghiệp. Số liệu chi phí sản xuất theo yếu tố là cơ sở để xây dựng các dự toán chi phí sản xuất, xác định nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, xây dựng các kế hoạch về lao động, vật tư, tài sản ... trong doanh nghiệp.
• Phân loại chi phí sản xuất theo phương pháp tập hợp chi phí sản xuất vào các đối tượng chịu chi phí
Theo cách phân loại này, toàn bộ chi phí sản xuất được chia thành 2 loại:
- Chi phí trực tiếp: Là các chi phí sản xuất quan hệ trực tiếp với từng đối tượng chịu chi phí (từng loại sản phẩm được sản xuất, từng công việc được thực hiện… như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp). Các chi phí này được kế toán căn cứ trực tiếp vào các chứng từ phản ánh chúng để tập hợp trực tiếp cho từng đối tượng liên quan.
- Chi phí gián tiếp: Là những chi phí sản xuất liên quan đến nhiều đối tượng chịu chi phí (chi phí sử dụng máy thi công, chi phí chung), chúng cần được tiến hành phân bổ cho các đối tượng chịu chi phí theo tiêu thức phân bổ thích hợp.
• Phân loại chi phí sản xuất theo mối quan hệ giữa chi phí sản xuất với khối lượng hoạt động
Theo cách phân loại này, chi phí sản xuất trong DNXL được chia thành 2 loại: - Chi phí sản xuất cố định (định phí): Là các chi phí sản xuất không thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi về khối lượng hoạt động như chi phí khấu hao TSCĐ tính theo phương pháp bình quân, chi phí tiền lương trả theo thời gian cố định cho nhân viên quản lý sản xuất ở các tổ, đội, bộ phận sản xuất…
- Chi phí biến đổi (biến phí): Là những chi phí có sự thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi về khối lượng hoạt động như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp…