III. Một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng quản lí thu thuế XNK tạ
3. Đối với Cục Hải quan tỉnh Thanh Hoá
3.5. Nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở
Mục tiêu: Chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí, chức danh công việc. Thực hiện việc đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu tiêu chuẩn hoá cán bộ, yêu cầu chuyên môn sâu, yêu cầu quy hoạch, yêu cầu cải cách, phát triển, hiện đại hoá ngành Hải quan và yêu cầu tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ.
Giải pháp và các hoạt động thực hiện:
- Tổng rà soát, đánh giá sát thực lại đội ngũ CBCC theo các tiêu chí: bằng cấp đào tạo, khả năng, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, phẩm chất, đạo đức... xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch đạo tạo và triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược đào tạo của ngành Hải quan. Tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên sâu về tin học, ngoại ngữ. Tổ chức đào tạo lại để có đội ngũ cán bộ, công chức được chuẩn hoá theo chức danh và hoàn chỉnh theo hướng chuyên sâu. Phương thức thực hiện: Chọn cán bộ gửi các trường chính quy trong nước, tham gia các khoá học nâng cao, các lớp tập huấn chuyên đề của ngành tổ chức; Chủ động tự tổ chức các
lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tại Cục Hải quan tỉnh và tại các đơn vị cơ sở; Xây dựng phương án đào tạo tại chỗ, tổ chức các lớp tự kèm cặp bồi dưỡng tại các đơn vị cơ sở để cập nhật chế độ chính sách mới, đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc hàng ngày, đồng thời khuyến khích cán bộ, công chức tự học tập để nâng cao trình độ.
- Triển khai thực hiện việc đào tạo theo các chỉ tiêu sau: 100% CBCC được đào tạo chuẩn hoá theo chức danh công việc và ngạch công chức; 100% CBCC được đào tạo cơ bản và sử dụng được tin học, ngoại ngữđáp ứng yêu cầu công việc. Trong đó, những CBCC có công việc tiếp xúc với khách nước ngoài hoặc yêu cầu nghiên cứu có trình độ ngoại ngữ giao tiếp; những CBCC trực tiếp làm việc với máy vi tính có khả năng khai thác, sử dụng thành thạo các chương trình ứng dụng CNTT; 100% CBCC được bồi dưỡng các kiến thức hội nhập, quản lý rủi ro, thông quan điện tử, các kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu quản lý Hải quan hiện đại; 100% Lãnh đạo các cấp được đào tạo cơ bản về quản lý Hải quan hiện đại, kỹ năng quản lý và điều hành hệ thống, có kỹ năng chuyên sâu về các lĩnh vực nghiệp vụ Hải quan, có trình độ lý luận chính trị. Đội ngũ cán bộ nghiệp vụ thừa hành được đào tạo có kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực nghiệp vụ được phân công. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, chuyên sâu các lĩnh vực về nghiệp vụ hải quan, kiểm tra sau thông quan, trị giá tính thuế, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hoá, thu thập xử lý thông tin, kiểm soát chống buôn lậu, công nghệ thông tin.... được đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn các kỹ năng liên quan đến lĩnh vực chuyên sâu, trong đó khoảng 10% được đào tạo nâng cao để hình thành đội ngũ chuyên gia của Cục. Thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá nghiêm túc hiệu quả, chất lượng công tác của CBCC sau khi được đào tạo, bồi dưỡng; gắn việc đào tạo với việc sử dụng cán bộ sau khi được đào tạo.
Ngoài các giải pháp và hoạt động thực hiện kể trên, để nâng cao chất lượng quản lí thu thuế XNK, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Tổ chức cập nhật đầy đủ, triển khai kịp thời các văn bản pháp luật về hải quan và các văn bản có liên quan, nghiên cứu kỹ, sâu các văn bản pháp luật, quy trình nghiệp vụ hải quan nhằm phát hiện và báo cáo kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan, Chính phủ, Nhà nước sửa đổi bổ sung kịp thời các bất cập, các vướng mắc trong các văn bản pháp luật.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện theo dõi phân loại doanh nghiệp đánh giá chính xác, khách quan đảm bảo tăng tỉ lệ hàng hoá miễn kiểm tra trên 90%.
- Tiếp tục duy trì các Tổ giải quyết vướng mắc tại Cục và các Chi cục, tổ chức đào tạo cán bộ, công chức trong các tổ giải quyết vướng mắc nhằm nâng cao kỹ năng và trình độ hướng dẫn tư vấn cho các doanh nghiệp trong thực hiện pháp luật về hải quan.
- Tăng cường mối quan hệ công tác với các Cục Hải quan: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cục Điều tra chống buôn lậu và các Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế như: Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế sân bay Nội Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng: Hải Phòng, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), nơi làm thủ tục hàng hoá chuyển cửa khẩu về địa bàn Thanh Hoá, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của các đơn vị bạn, tạo thuận lợi về thời gian cho hàng hoá được chuyển về địa điểm kiểm tra tại nơi sản xuất, chân công trình của doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời đưa vào sản xuất và thị trường nội địa tiêu thụ.
- Nắm bắt kịp thời, bám sát các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá để chỉ đạo, điều hành đơn vị thực hiện đúng chủ trương, nghị quyết của tỉnh, thực hiện báo cáo các vướng mắc vượt thẩm quyền và thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Thanh Hoá.
- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lí thị trường Thanh Hoá, xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa Công an, Bộ đội Biên phòng, Chi cục Quản lí thị trường và Cục Hải quan tỉnh Thanh Hoá, đồng thời chỉ đạo các Chi cục, Đội kiểm soát hải quan xây dựng Quy chế phối hợp công tác với các Đồn Biên phòng, Đội Quản lí thị trường và Công an tại khu vực cửa khẩu.
- Hàng năm tổ chức đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp kết hợp tuyên truyền chế độ, chính sách thủ tục hải quan mới ban hành, chuyển tải thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế các sai sót và vi phạm trong quá trình khai báo và làm thủ tục hải quan.
- Đề xuất Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cấp kinh phí để Cục Hải quan Thanh Hoá làm chủ đầu tư xây dựng địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tập trung xử lí kiến nghị, đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo kịp thời các vướng mắc phát sinh về chính sách XNK, cơ chế điều hành, thủ tục hải quan, phân loại hàng hoá, chính sách thuế và giá hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi có yêu cầu .