Ngôn ngữ siêu thực

Một phần của tài liệu CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN (Trang 100 - 106)

Nhà văn Đình kính đã từng nhận xét “Mai Văn Phấn rất có ý thức trong cách

sử dụng ngôn từ, nhưng anh đi theo lối hiện đại, mới mẻ, tránh sự mòn nhảm, anh biết để câu chữ lan toả trọn vẹn hết nội hàm và sức lay động của nó trong từng

tình huống thơ. Đấy chính là cấu trúc điển hình ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn” [13,

6].

Còn nhà thơ Đặng Thân trong bài viết Mai Văn Phấn và công nghệ cách tân

thơ thì cho rằng: “Ngôn từ mà Mai Văn Phấn ghi lại ấy xứng đáng được đi vào thơ ca Việt, vào văn học sử như một dòng thơ cách tân mãnh liệt nhất. Ngôn ngữ thơ ấy chưa ai từng viết. Nó mới lạ đến từng từ”. Và, trong sự “lạ hóa” của các thủ

pháp nghệ thuật chúng ta không thể không nhắc đến hệ thống ngôn ngữ siêu thực. Đây là ngôn ngữ chủ yếu tạo nên cái hồn cốt của thơ ca Mai Văn Phấn nói chung và trong những tác phẩm viết về thế giới tâm linh, tâm cảm nói riêng. Chúng ta phải thừa nhận rằng, để có được một thế giới ngôn từ như vậy xuất phát từ những cảm quan của nhà thơ đối với những vấn đề của chủ nghĩa siêu thực. Chủ nghĩa

siêu thực là trào lưu văn nghệ xuất hiện vào khoảng sau chiến tranh thế giới thứ

nhất ở Pháp do Andre Breton và P.Soupault đề xướng với sự tham gia của L.Aragon và P.Eluard. Quan điểm và thi pháp của họ chống lại sự sùng bái các trào lưu văn học hiện thực và lãng mạn thế kỷ XIX, đưa ra một phương pháp sáng tác mà họ gọi là “lối viết tự động”, tức là ghi lại những ảo giác tự phát theo “trạng thái của những người bị thôi miên”... nói tóm lại, là theo chủ quan của người nghệ sĩ thoát ly mọi liên hệ với thực tế xã hội. Họ chủ trương “giải phóng” thơ khỏi những qui cách, lề lối gò bó trước đó mà họ cho là khuôn sáo, hàn lâm, chủ trương dùng những từ ngữ kiểu cách, kỳ lạ, âm luật và cú pháp thất thường. Đề tài của họ là những mơ tưởng huyền ảo quái dị, là sự đau khổ nhớ nhung quá khứ, là tình yêu. Họ cho rằng chỉ với lối sáng tác ấy người ta mới đạt đến một hiện thực cao hơn hiện thực tầm thường hằng ngày, một “siêu hiện thực”, chữ mà A.Breton đặt ra (Bách khoa toàn thư Việt Nam).

Ngôn ngữ siêu thực là một trong những đặc trưng của bút pháp Mai Văn Phấn. Nó biểu hiện ở dạng thức thơ không vần, không nhịp điệu, không đăng đối

và thường đảo ngược cấu trúc ngữ pháp. Đúng như phát hiện của nhà thơ Lê Đạt, “chữ bầu nên thơ”, hiệu ứng của những dòng thơ cấu trúc ngôn ngữ bị thay đổi hay chuyển dịch vị trí cú pháp dẫn đến thay đổi cả về nội dung ngữ nghĩa lẫn giá trị biểu cảm. Cũng như hầu hết các nhà thơ vận dụng thủ pháp siêu thực, thơ Mai Văn Phấn khêu gợi nỗi kinh ngạc bằng cách phá vỡ thói quen sử dụng từ ngữ sáo mòn và khai mở các dáng vẻ phong phú của thế giới bằng những hình ảnh chói sáng. Bởi hình ảnh chính là một phương tiện giải phóng cái nhìn, gắn kết tưởng tượng với tự nhiên, biến các khả năng thành hiện thực. Thơ Mai Văn Phấn cũng xuất hiện nhiều hình ảnh lạ và bất ngờ, kiểu như:

Tôi thổi vào lòng ống sáo tối đen địa ngục để tìm ra bảy lối tới thiên đường: đồ rê mi fa son la si (Viết cho cây sáo)

Con gián bò quanh tôi và nói/ vừa đầu thai được ba tháng tuổi/ kiếp trước từng là người đường hoàng (Chuyện con dài)

Nếu như ở thời kì trước của thơ mới Việt Nam, Trường thơ loạn trong sự

ảnh hưởng của quan niệm về cái đẹp của Baudelaire, các nhà thơ đã mở rộng nội

hàm cái đẹp để tiệm cận với cái kinh dị, cái ghê rợn, cái xấu và đem những cái ấy làm thi liệu cho thơ, đẩy thơ đến bờ chủ nghĩa siêu thực với các tác giả tiêu biểu như Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử, thì hôm nay, người đọc cũng bắt gặp trong

Hôm sau của Mai Văn Phấn những hình ảnh thơ cũng không kém phần kinh dị, ghê

rợn: Cái miệng đang trôi kia chắc của người đã chết/ lúc trên cao/ lúc chạm vào

mặt đất./ Bộ xương của cái miệng giờ tan vào cát bụi/ vẫn vàng ươm/ hay đã xỉn đen trong chiếc tiểu sành? (Cái miệng bất tử)

Ngôn ngữ siêu thực tạo nên một bầu không khí tâm linh mang âm hưởng liêu trai:

… Những linh hồn thoát xác tìm cách quay về chiến đấu với loài quạ dữ. Sau những loạt đạn không gây sát thương, khói hương căng thành bảng, viết con chữ đầu tiên của bài học mới.

Đây là dòng cuối cùng trong một bản di chúc: “Bắt đầu lễ Thiên tang khi xuất hiện bóng quạ” (Biến tấu con quạ)

Ta cũng bắt gặp trong Biến tấu con quạ những hình ảnh ám ảnh, ma mị khiến người đọc không khỏi kinh ngạc: Bổ nhào từ đỉnh/ Bằng đôi cánh sắc/ Lấy

tâm điểm xác chết/ Chém toác bầu không/ Gió hấp tấp không kịp băng bó./ Móc từ hốc mắt/ Những nhãn quan/ Di ảnh là vật chứng/ Mổ vào lưỡi / và kéo dài/ Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ/ Bóc từng mảng thịt/ Tháo rời tứ chi/ Sổ tung lục phủ ngũ tạng/ Hộp sọ vừa được dựng lên/ Rêu đã phủ đầy/ Không viết nổi những dòng bi ký. Màu sắc kì dị được soi chiếu dưới nhãn quan sắc sảo của người nghệ sĩ, như

mở ra trước mắt người đọc một thế giới của những điều tưởng như phi thực nhưng lại luôn tồn tại trong cuộc sống con người.

Ngôn ngữ siêu thực thể hiện rõ nhất trong việc thi sĩ không sử dụng cách viết đăng đối như trong thơ truyền thống mà biến tấu nó theo nhịp của tâm linh, vì thế thơ không theo vần điệu, cấu trúc truyền thống có khi bị đảo ngược hoàn toàn. Trong “Mùa trăng”, Mai Văn Phấn đã tìm ra thi pháp của riêng mình khi vị trí của các thực thể bị hoán cải, cấu trúc ngữ pháp đảo lộn: … Đây là thời khắc ái ân/

Thắp sáng lãnh địa bóng tối/ Mùa phồn sinh thụ phấn, kết hạt/ Mặn nồng thiêm thiếp trăng khuya/ Bó gối những gốc cây/ Nhắm mắt ngọn đồi gió/ Hạt giống rơi trong bùn ngấu thảnh thơi/ Ngày mai mặt đất này/ Và thế giới sẽ đổi khác. Ở đây,

sự “phồn sinh, hóa sinh bất định” đã làm cho vạn vật có sự đổi khác, ngòi bút Mai Văn Phấn như vừa kịp quy chụp được linh hồn của vạn vật. Những hồn thơ được “thả rơi” một cách tự do, không câu nệ sự đăng đối của vần điệu, cấu trúc.

Đến “Hình đám cỏ” chính là cách nhìn siêu thực thông qua hình thức tân cổ điển. Cũng như “Mùa trăng”, ngôn ngữ diễn đạt của “Hình đám cỏ” thoát khỏi cấu trúc mô hình truyền thống, triệt để sử dụng loại câu không chủ ngữ hoặc chủ ngữ ẩn đi, đảo ngược chức năng cú pháp, đưa ngôn ngữ thơ vào đời thường, hạ phóng

thơ từ tháp ngà đến với quảng đại công chúng: Tiếng chim qua đỉnh đầu/ Vào cơ

thể anh lúc đang tịnh độ/ Xua đi cho lòng yên lặng/ Sao về được tâm không…

Hay: Đi về phía cuối con đường/ Nơi bắt đầu cơn giông/ Dọn lòng thanh sạch… Xuất phát từ quan niệm của tôn giáo “vạn vật hữu linh”, Mai Văn Phấn đã thể hiện những triết lí sâu sắc về sự hòa điệu kì diệu giữa con người và vạn vật. Để từ đó, trước mọi sự biến chuyển của thiên giới, thi sĩ đã có những cách nhìn nhận và đánh giá sâu sắc, như cách “người họa sĩ vẽ trúc trước hết phải sống cuộc đời của trúc vậy”. Quả nhiên, cái cõi “tâm không” với lòng “thanh sạch ấy” thì làm gì có công thức, quy chuẩn nào cho nó. Có chăng, là xuất phát từ khả năng “tịnh độ” của con người để hướng tới một sự tư do tuyệt đối trong cả vùng ý thức và vô thức.

Đặc biệt trong “Cửa Mẫu”, hình thức thơ cũng hoàn toàn xé rào ra khỏi sự đăng đối. Bút pháp siêu thực thể hiện trong cấu trúc thơ, Giọng nói rất gần/ Dưới

bình minh con hãy lột xác!/ Hoa quả/ Lửa đèn/ Âm dương chén nước/ Như trườn qua cơn chạng vạng/ Rút dần cơ thể khỏi lớp vỏ bọc/ Con hớp những giọt sương. Ở

đây, mạch vận động của cấu trúc thơ không câu nệ đến sự cân đối, phổ thông. Mà quan trọng ở việc tạo được kết nối thiêng liêng giữa “con” với “đấng sáng tạo”. Điều đó không phải ở đâu xa, mà nó thực sự tồn tại bằng sự tri nhận của giác quan, của cảm nhận.

Cùng với đó, không duy hình, không duy lý nhưng nhiều sáng tạo, những triết lý nhân sinh, cái nhìn luôn luôn “động” của Mai Văn Phấn đã mang đến cho thơ ông một nhịp điệu khỏe khoắn, và không hề bị o ép trong một quy chuẩn nào. Nhịp điệu thơ cũng chính là nhịp điệu của thế giới tâm linh, tâm cảm, nó bắt rễ vào chiều sâu tâm thức, để một lần nữa thi sĩ giúp chúng ta nhìn nhận lại cuộc đời. Có thể, khi mới lướt qua chúng ta cảm giác thiếu một sự cân xứng, liền mạch trong ý thơ, … Bát nước và tôi màu trắng/ Mặt đất ngả vàng/ Cánh đồng phía trước/ Cùng

chiếc chuông/ Vàng sậm/ …/ Tôi thỉnh chuông/ Màu vàng / Màu trắng lan đi (Tĩnh lặng). Nhưng chậm rãi hơn một chút, chúng ta sẽ có thể hiểu được với lối tư duy phức hợp, tính ổn định truyền thống bị chính ông “bóc gỡ”. Dường như Mai Văn Phấn muốn làm khác đi, phá vỡ những cấu trúc, cách sắp xếp ngôn ngữ thông thường, phong cách mới một lần nữa đã được định hình. Ngôn ngữ trong thơ tự tạo cho mình những “bộ cánh” mới để bay cao và xa hơn đến những vùng chân trời sâu thẳm của cuộc đời.

Có thể nói, trong thơ Mai Văn Phấn, các cách diễn đạt của ngôn ngữ siêu thực chỉ là một phương tiện biểu hiện những nội hàm rất khác của thơ ông so với chủ nghĩa siêu thực thời kì trước. Thơ Mai Văn Phấn không thoát ly mọi liên hệ với thực tế xã hội, nó bám rễ rất chắc vào đời sống, luôn theo sát mọi diễn biến của đời sống con người và phản ánh nó với các dạng thức mới lạ, tìm tòi, “khơi những mạch nguồn chưa ai khai mở với đúng nghĩa của sự sáng tạo”. Nhưng trên các nẻo đường của sự sáng tạo không ngừng ấy, Mai Văn Phấn luôn có ý thức hướng bạn đọc đến chiều sâu của hiện thực, một hiện thực đa chiều với nhiều chiều kích phong phú. Để từ đó, một lần nữa Mai Văn Phấn giúp người đọc gọi tên những xúc cảm, những suy tư khó đoán định trong thế giới tâm linh của con người. Từ những am hiểu về thế giới ấy, ông đã mang đến cho độc giả những lối thể hiện ấn tượng theo mạch vận động của “Đời sống thứ hai”. Cách viết không đăng đối, không vần nhịp, đảo ngược những cấu trúc thông thường không có tác dụng vỗ về cảm xúc cho người tiếp nhận, mà nó đưa ra một cái nhìn tỉnh táo, xuyên thấu đời sống vô thức. Để từ đó, tạo hiệu ứng liên đới trong chính cuộc sống của mỗi người cả về bề mặt và bề sâu. Đến đây, Mai Văn Phấn đã quyết dấn thân, tìm tòi, đổi mới, làm lại một “bình minh” mới cho thơ mình.

Một phần của tài liệu CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN (Trang 100 - 106)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(121 trang)
w