Hình tượng người tình đồng nghĩa với nhân vật “em” trong các thi phẩm của Mai Văn Phấn. Hình tượng ấy được nhìn nhận ở nhiều bình diện khác nhau. Có lúc là con người hiện thực, lúc lại được nghệ thuật hóa bằng liên tưởng và tưởng tượng thành một hình tượng hư cấu. Vì vậy, hình tượng này hiện lên không hề đồng nhất mà thể hiện sự đa dạng, với nhiều dáng vẻ trong thơ. Và, nó chỉ thực sự nhất quán ở chiều sâu trong tâm thức người tiếp nhận.
Trước hết, “em” hiện ra ở sự đối xứng với “anh” trong tình yêu qua khuôn hình của kẻ đang yêu vô cùng tình tứ: Con sâu đo em đu lên người anh/ thì thầm
gặm hết những xanh non (Gió thổi). Trong thơ Mai Văn Phấn, tình yêu cũng là một
“nghi lễ” thiêng liêng, nghi lễ ấy được bao phủ bởi một sức mạnh quyền năng. Ở đây, “em” là khởi nguồn của tất cả sự sống, Yêu nhau. Là những nghi thức dâng
tụng trời đất. Bây giờ là mùa xuân. Anh mệnh kim và em mệnh hỏa. Từ lửa làm ra thổ, ra mộc, ra thủy. Đất rùng mình. Sông chảy. Ngàn vạn đọt mầm từ thân thể nở bung (Anh anh em em). Hình ảnh Em trong vẻ đẹp sinh nở, hoài thai, có lẽ là một
hình ảnh mang ý nghĩa nhân sinh cao cả: Khẽ nhắm mắt, khẽ ngậm vào tóc em/ Đang chết đi và đang sinh sản/ Dù có lả đi thành âm u bóng tối/ Lại thấy huy hoàng chạm những môi hôn (Anh đã rơi)… Vì thế cho nên, Anh là con đường lạc loài trong cỏ/ Biết bao giờ tới được vầng trăng/ Nước mắt đầu non nở thành hoa dại/ Rũ tàn phiêu dạt chốn cô liêu (Vầng trăng và con đường). Ánh sáng từ em là
thứ ánh sáng của vầng trăng ở trên cao, anh chờ đợi em soi chiếu như chờ một sự ban phát. Để rồi, sự mong mỏi đó trở thành một nỗi khát khao trong tâm hồn của một kẻ yêu “ngây dại”. Yêu em, cũng là yêu thứ “ánh sáng thanh cao” có thể soi tỏ mọi “con đường” trong anh.
Mặt khác, người tình mang trong mình một thứ quyền năng mầu nhiệm: Em đã nghe/ Nên gốc cây vừa mới tưới ngấm nhanh đến thế/ Vòm phượng vĩ đẫm sương sáng nay bốc cháy/ Những quả ngô đồng khô nỏ khua vang (Sáng mùa hè). Một
quyền năng thiêng liêng với cả vũ trụ bao la: Em gom mùa nào thức ấy/ chùm hoa
bưởi mùa thu/ trái mận mùa xuân (Từ nhà mình)
Nói về thơ tình, Mai Văn Phấn có không ít những bài thơ thật quyến rũ trong vóc dáng thanh tân hiện đại: Sáng mùa hè, Gương mặt em, Gió thổi, Nghe em qua
điện thoại, Vườn em. Những bóng hình em trong các bài thơ ưu tú ấy đều mang tư
thế của kẻ đem cho, che chở, dâng hiến, tạo dựng giá trị. Nữ tính và mẫu tính hài hòa trong mỗi giai nhân. Nhà thơ trong vai anh hiện ra như kẻ được ân hưởng, được “rửa tội”, được “ban phép lành thánh thể” như một tín đồ trong tính thiêng liêng mầu nhiệm của Đạo Yêu: … Lấy một ít nước gọi lên máu và sữa cỏ/ Em dịu
dàng rửa tội cho anh…(Nghi lễ cuối cùng). Vì thế, viết về tình yêu qua các giai
đoạn sáng tác cũng có sự thay đổi. Ở giai đoạn đầu, khi dấu ấn Thiên chúa giáo in đậm trong sáng tác, thì tình yêu, đặc biệt là vấn đề tình dục luôn được nhà thơ nghi lễ hóa bằng cách nâng người mình yêu lên “chín tầng trời”, xem những khát khao trong tình yêu là những vùng trời xa xôi, khó nắm bắt và đoán định. Nhưng, càng về giai đoạn sau, khi tư tưởng hòa đồng của các tôn giáo soi rõ tâm thức thơ, cùng với sự ảnh hưởng sâu sắc của đạo Phật, thì Mai Văn Phấn đã có một sự nhận thức lại về người mình yêu, cũng như sự tận hưởng trong tình yêu chính là “bữa tiệc ngay trong cuộc sống trần thế”.
Hình tượng Em có lúc đồng nhất với Người tôi yêu mến, nhưng phần đa chúng ta khó đoán định được ở sự thống nhất, bởi nó không nằm ở một sự nguyên phiến nhất định, khi: Chúa Jê-su và Phật Thích – ca/ Trên cỗ xe năm 2000/ Cả
Người tôi yêu mến nữa/ Họ cùng bên nhau lặng yên… (Hoang tưởng năm 2000).
Một thế giới thơ gợi mở, để người đọc thỏa sức với sự tự do sáng tạo và kích thích trí tưởng tượng ở họ. Đây là tố chất thơ tiến bộ của thơ hôm nay nói chung và đặc biệt là ở cách thể hiện của thơ Mai Văn Phấn. Nhà thơ đã tạo nên một sợi dây gắn kết thiêng liêng giữa đạo – đời và tình yêu. Bởi, trong triết lí của một hồn thơ tôn
giáo, dù là Chúa, Phật hay Người yêu mến thì đều gặp gỡ ở một tình yêu lớn. Tình yêu ấy có đủ khả năng để san lấp mọi khoảng cách, cùng thiết lập một thế giới đại đồng yêu thương. Cũng như vậy, hình tượng Em còn có khả năng tạo sự gắn kết trong cõi nhân sinh, …. Mới nghe nửa câu điện thoại/ Đã biết anh lạc đâu đâu/
Tiếng nước từ đỉnh thác êm/ Em đang nối hai đầu thế giới… (Hình đám cỏ)
Rõ ràng, hình tượng Em không phải là một hình tượng đơn thuần, mà nó mang một ý nghĩa triết học. Nhà thơ luôn đứng ở một vị trí tương thích để cảm nhận về Em với một niềm ngưỡng vọng. Niềm ngưỡng vọng ấy được soi tỏ như cách của “một con chiên” đối diện với Đấng tối cao. Bởi thế hình tượng em có lúc được nâng lên thành một “thánh nhân”: Ngược dốc tới gần cổng chùa/ Khuôn mặt em chợt hiện
Quán Thế Âm Bồ Tát/ Mang chiếc túi màu nâu/ Cổ cao, váy chùng, nhẫn trắng.../ Vòng vòng hào quang/ Trong vòm trời sáng láng/ Tâm tưởng con xin sấp mình/ Thân con rỗng không/ Hạc khô chiếc mõ chân tâm trì chú.../ ... "Om Mani Padme Hum"∗ (Lên chùa).
Ở đây, Em đồng nghĩa với “thánh nhân” - Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị Bồ tát hiện thân lòng từ bi của tất cả chư Phật, luôn lắng tai nghe âm thanh kêu cứu từ chúng sinh cùng khổ. Quan Thế Âm thường được xem là đại diện cho người Mẹ với tình thương bao la, luôn lắng nghe tiếng than thở từ chúng sinh và hết lòng cứu giúp trong cơn nguy khó. Dưới ngòi bút của Mai Văn Phấn, hình ảnh thanh cao về Người đã trở nên gần gũi hơn. Thi sĩ gọi Người là Em nhưng lại xưng Con, cách đối thoại như vậy có vẻ mâu thuẫn trong logic thông thường nhưng lại thống nhất ở logic bề sâu. Nhờ thế, hình ảnh Quán Thế Âm không phải chỉ là một hình ảnh mơ hồ, luôn ngự trên ngôi cao xa cách, mà có ngay trong hiện thực đời sống. Người sẽ đến (có thể là chỉ trong ý nghĩ), khi tâm con “thanh tịnh” và một lòng cầu nguyện.
Như vậy, hình tượng người tình không phải đơn thuần là một hình hài cụ thể, một tình cảm cụ thể mà là một ý niệm trong tư duy siêu thực xuyên suốt hành trình thơ. Dù là hình ảnh thực được miêu tả rất chi tiết về móng chân màu cà phê, làn tóc mây, giọng nói thánh thót, hay sự linh hóa thành những biểu tượng của sự “cứu rỗi”, “siêu thoát”, “hồi sinh” thì Em vẫn là một hình ảnh thánh thiện và là hình tượng đẹp trong anh. Em lẫn trong hành trình sáng tác có lúc vô hình, vô ảnh nhưng lại là điểm tựa cần thiết cho sáng tạo nghệ thuật, từ đó tạo nên một sự đa diện, để người đọc có thể cảm nhận một cách toàn vẹn nhất.