Trong thế giới nghệ thuật của Mai Văn Phấn, những tình cảm, cảm xúc thường được ông tiết chế một cách lí trí. Xuất phát từ cảm hứng tôn giáo, nên những tình cảm tôn giáo, cũng như cách đánh giá của ông về nhân sinh và thế giới cũng có khả năng thức nhận cao. Đến với tôn giáo – thế giới của sự đa dạng và phức tạp, Mai Văn Phấn thể hiện một cách nhìn, một quan niệm tỉnh táo và đúng đắn. Tuy là con chiên của đạo Thiên chúa nhưng trong tâm hồn thi sĩ có sự dung
hợp, hài hòa của các tôn giáo khác nhau. Tất cả cùng hòa điệu tạo nên vẻ đẹp rất riêng trong thơ Mai Văn Phấn. Mà đặc biệt nhất là nét đẹp tôn giáo trong thơ ông hiện lên trên hai bình diện cơ bản: đức tin và biểu tượng.
Tôn giáo luôn gắn liền với một thế giới các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là thế giới trừu tượng, hư vô, sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú, một tư duy hướng nội siêu hình. Bằng những quan điểm thẩm mỹ cùng với tài năng sáng tạo, Mai Văn Phấn đã đưa vào thơ mình hệ thống những biểu tượng mang ý nghĩa tôn giáo. Có những biểu tượng được đưa vào một cách trực tiếp, còn đa phần biểu tượng được linh hóa bởi một tư duy tôn giáo sắc sảo. Vì vậy, mỗi hình ảnh trong thơ khi mang ý nghĩa biểu tượng, nghĩa là hệ thống hình ảnh ấy đã vượt thoát ra ngoài những ý nghĩa tả thực. Các hình tượng trong bài thơ đã chuyển từ truyền cảm đến gợi cảm, mở ra nhiều chiều kích ý nghĩa. Điều ấn tượng hơn cả là, thế giới hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng trong thơ đều được lấy từ thiên nhiên, vũ trụ. Nhà thơ vĩ đại R.Tagore đã từng khẳng định trong một bài tiểu luận,
“có thể là phương Tây tin vào linh hồn của con người nhưng không thực sự tin rằng vũ trụ cũng có linh hồn. Thế nhưng, đó là niềm tin của phương Đông và toàn bộ đóng góp của phương Đông về mặt tinh thần cho nhân loại đều chứa đầy cái ý niệm này”. Như vậy, ở thời nào cũng vậy thiên nhiên luôn có một vị trí đặc biệt
trong tâm thức của nhà thơ phương Đông, cách nhìn thiên nhiên của các thi sĩ chứa đựng tư tưởng triết học, thiên nhân đồng thể hợp nhất. Hòa hợp với thiên nhiên, với vũ trụ là một phần của cuộc sống, của tình yêu và của chân lý. Tiếp nhận thiên nhiên và đời sống bên ngoài với nhiều nhà thơ phương Đông nói chung và đặc biệt ở Mai Văn Phấn có ý nghĩa như một tôn giáo.
Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn xuất hiện với mật độ dày đặc, đa số đều là hình ảnh của thiên nhiên, vũ trụ. Thế giới hình tượng trong thơ Mai Văn Phấn, khi được soi chiếu dưới nhãn quan tôn giáo của thi sĩ, thì
tính biểu tượng của nó không phải nằm ở những hình ảnh đơn lẻ mà là ở sự tương tác hài hòa của chúng. Mai Văn Phấn không triết lý mà để cho tư tưởng triết lý hiện lên một cách tự nhiên qua những biểu tượng thiên nhiên được nghệ thuật hóa.