Thế giới hình ảnh biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn đều nằm trong sự quy chiếu của lẽ phồn sinh và hóa sinh bất định với tất cả sự sống động của chúng. Như trên đã nói, quan niệm thẩm mỹ như thế nào sẽ có cách lựa chọn và biểu đạt đối tượng thẩm mỹ tương ứng. Trong rất nhiều thi ảnh bề bộn ở thơ Mai Văn Phấn, có hai hình ảnh cô đọng nhất thể hiện ý nghĩa tái sinh và sinh nở: Đất đai và nước
Trước hết, về hình ảnh đất đai. Trong thơ Phấn, không một hình ảnh nào lại có mặt với một mật độ dày đặc như hình ảnh đất đai. Vốn trong tâm thức dân gian, đất được hình dung như là Mẹ, mang tính Mẫu (Cha trời, mẹ đất) gắn liền với sự bình yên, che chở, sinh sôi. Nhưng trong thi cảm nhà thơ Mai Văn Phấn, thì đất lại được ví với người đàn ông, nhất thể hóa với người đàn ông: Đất đai- người đàn ông nằm ngủ/…/ Trên ngực còn vương tro than của mùa đốt đồng (Sau mùa gặt); Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/…/ Anh cựa mình nồng nàn tươi xốp (Bài ca
buổi sớm). Hóa ra, nhà thơ đã nuôi nấng trong mình một nỗi khao khát thật lạ: Ta thèm một lần nhân danh đất đai (Khúc phóng túng). Đây là điều thực sự độc đáo ở
thơ Mai Văn Phấn. Sự độc đáo ấy thể hiện trước hết ở cách nhà thơ bộc lộ bản lĩnh sáng tạo của mình. Quả thật chúng ta ít thấy một nhà thơ đàn ông nào lại ví bản thân mình với đất. Hẳn phải có lý do gì đó. Có lẽ rằng, xuất phát từ sự tôn thờ tột bậc sự phồn sinh và hóa sinh bất định, nên nhà thơ đã nhất thể hóa bản thân và hóa sinh bất định đó. Một câu thơ thật trìu mến: Đồng đất quê ta hao hao giống những
mặt người/Một sớm dậy nhìn ta thân thiết thế…/Đất vạm vỡ dưới bầu trời tươi tốt
mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất/ Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình (Nhật ký đô thị hóa). Một khía cạnh nữa về hình ảnh đất: đất luôn
luôn trong trạng thái che chở, dung dưỡng, sinh sôi; và chỉ có như vậy đất mới hiện lên như một biểu hiện thuộc về Cái Đẹp. Cái đẹp đó bao hàm một thứ quyền năng thiêng liêng của sự che chở, bảo vệ. Phải chăng chính nó, là cái nôi mà Đấng – Toàn – Năng đã tạo ra để nuôi dưỡng sự sống, cứu rỗi con người. Hãy dừng lại với những câu thơ này: Kìa thửa ruộng đang vươn lên che chở những ngôi nhà (Cấu trúc tạm thời); Lao vào đất những ngón chân khát nước/ Chiếc lá mới nhô lên đặt
lại ca từ (Sáng mùa hè). Hay, Trên ngực bùn nâu đã linh thiêng ban lộc/Máu hồi sinh rần rật chạy qua/ Thấy nghĩa địa lặn đi thành vết sẹo/ Thấy người xưa tỉnh lại cấy cày (Hồi sinh). Đó là sự ban ơn của đất trời đối với sự sống, yếu tố siêu thực
tạo nên màu sắc hư ảo làm cho ý thơ có chút kì bí, nhưng rất ấn tượng đối với người tiếp nhận. Với ý thơ, Đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt/
dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời (Bài hát mùa màng) lại một lần nữa chứng thực
một cách chắc nịch tinh thần phồn thực sinh nở như hiện thân của Cái Đẹp trong thơ Mai Văn Phấn. Để từ đó, tâm hồn nhà thơ lóe lên những dự cảm về tương lai và ngày mai tươi sáng: Bó gối những gốc cây/ Nhắm mắt ngọn đồi gió/ Hạt giống
rơi trong bùn ngấu thảnh thơi/ Ngày mai mặt đất này / Và thế giới sẽ đổi khác.
(Mùa trăng)
Mặt khác, khi nói về hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho sự hồi sinh và sự sinh sôi nảy nở còn thể hiện ở sự kết hợp độc đáo của các thi ảnh. Như trên đã nói, những hình ảnh biểu tượng cho ý nghĩa tôn giáo không phải là những hình ảnh biệt lập, mà nó luôn tồn tại trong sự kết hợp với các hình ảnh khác để tạo ra nét đẹp cân đối, hài hòa. Cùng với “Đất đai” thì “Nước” cũng là một hình ảnh biểu tượng độc đáo cho sự sinh sôi, nảy nở. Nếu như đất là cái nôi nuôi dưỡng sự sống thì nước cũng là ngọn nguồn sự sống con người. Ngọn nguồn sống ấy mang vẻ đẹp
của sự tinh khiết và khả năng thanh tẩy: Nước ấm nóng mở đầu nghi lễ thanh tẩy/
Lăn trơn anh chuỗi hạt xổ tung (Hình đám cỏ - nhịp IV). Tôn giáo trong thơ đó là
một cách thể hiện tự nhiên và cũng hết sức tế vi. Trong thế giới bao la hạn hữu của đời người thì có một thế giới khác của hư vô và hư không luôn tồn tại. Đó là thế giới trường cửu của muôn vàn sự sống khác. Hình tượng “nước” tồn tại đôi khi không chỉ đơn giản là sự gột rửa, thanh tẩy bụi trần để hướng tới thế giới thanh sạch, mà quan trọng hơn là sự thanh sạch trong cõi lòng, … Một thời phờ phạc
thiên di/ Tìm trong bóng nước thấy gì nữa đâu/ Mảng đêm đập cánh đi mau/ giọt sương trong mắt trên đầu hư không (Thay lời chim làm tổ).
Mặt khác, nước cũng mang ý nghĩa về sự tái sinh và hồi sinh bất tận, Tôi trồng hoa
nơi cỗi cằn đất không còn là đất/ Mưa đang tái sinh bỗng lại nắng lụi tàn (Lời
người trồng hoa). Phải chăng, thời khắc của sự tái sinh là thời khắc thiêng liêng nhất không chỉ của kiếp người mà còn của triệu triệu đời sống khác. Trong tôn giáo, đặc biệt là với Thiên chúa giáo và Phật giáo, luôn quan niệm về thế giới thứ hai với niềm tin mãnh liệt. Thiên chúa giáo cho rằng cuộc sống hiện tại chỉ là sự nương nhờ, tạm bợ còn cuộc sống sau khi chết mới là cuộc sống thực sự. Còn Phật giáo, lại đề cao sự tu nhân tích đức ở đời sống hiện tại để sau khi chết lại được đầu thai. Còn Mai Văn Phấn xem cái chết như một sự khởi đầu, mở ra sự sống mới, rồi cứ thế hóa hóa sinh sinh, vô cùng vô tận, miên viễn. Ý thức hóa sinh này bắt nguồn từ một cảm niệm có ý nghĩa triết học: chết chưa phải đã chấm dứt, chết có thể là một sự khởi đầu của một quá trình mới. Điều này bắt gặp tinh thần Phật giáo. Phật học cho rằng cái chết là sự luân hồi. Có thể Mai Văn Phấn không suy tư theo hướng Phật giáo. Nhưng với một nhân sinh quan khỏe khoắn, cộng với bản tính tự nhiên, hồn thơ này luôn hướng về sự sống tái sinh, phục sinh, hồi sinh, sinh lại,
khai sinh, phôi thai - những chữ được nhà thơ sử dụng nhiều lần, với tần suất
quan niệm muốn được đầu thai sống một kiếp sống khác sẽ tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn, vì thế “nước” cũng là điểm tựa để dung dưỡng sự sống, che chở sự sống,
Lá sen và ngó sen/ Tỉnh dậy trong vòng tay của nước (Sáng mùa hè). Cùng
thể hiện ý nghĩa về sự sinh nở, “nước” đang cất lên bài ca sinh nở ngàn đời, dòng sông vừa chảy/ vừa sinh nở (Đất mở). Để rồi, nó báo hiệu cho những điều tốt đẹp
khác sẽ đến, Sông rất sáng/ Một ngày dài rất đẹp (Ngày đẹp trời).
Vẻ đẹp hài hòa của hình tượng đất và nước trong thơ Mai Văn Phấn là mối quan hệ gắn kết cùng đồng hiện. Vẻ đẹp của nó hiện lên không phải là ở trạng thái biệt lập mà có sự tương tác, tương tác trong chiều sâu nội tại khi: …Khoảnh khắc cuối ban mai/ Căng ngang trời đại lộ trong suốt/ Đất đai, mặt hồ đẫm ướt/ Che kín dấu chân… (Rời tay để bạn đi). Rõ ràng, sự xuất hiện tương xứng giữa hai hình
tượng đã tạo cho không gian thơ mang đậm màu sắc tâm linh, mở ra một vùng trời của một cõi khác, cái cõi tồn tại của một kiếp sống khác. Thế giới thơ của Mai Văn Phấn là một thế giới “phồn sinh và hóa sinh bất định”, vì thế “cái tình” trong thơ không chỉ tồn tại giữa người với người mà vạn vật cũng có sự giao linh thiêng liêng để tạo nên những phép màu kì diệu, Mồ hôi và nước mắt dẫn dắt phù sa lăn
vào trong đất. Còn máu bao giờ cũng tươi tốt, vì thế chăng mà đất đai chẳng nỡ bạc màu. Cho mọi dấu chân đều hy vọng đến được chân trời, cho hạt lép được nghiền ra làm cám trấu. Cuộc ái ân của đất với nước ngân lên thành tiết tấu và mọi cánh đồng được thấy mình sinh ra bên cạnh dòng sông. (Người cùng thời). Quả thật, đó là bản giao hưởng mang vẻ đẹp của một cuộc sinh nở kì diệu, tái sinh mọi sắc màu của sự sống thiêng liêng. Đây cũng là thời khắc đẹp nhất trong cõi nhân sinh, nơi quy tụ những mầm sống mới.
Có thể nói, “đất và nước” là những hình ảnh biểu tượng độc đáo cho sự “phồn sinh và hóa sinh bất định” trong thơ Mai Văn Phấn. Chính sự kết hợp hài hòa của những hình ảnh này đã tạo nên một thế giới hình tượng mang đậm màu sắc
triết lí. Và, cũng chính khả năng liên đới của chúng đã mang đến vẻ đẹp tâm linh tinh tế từ ý nghĩa thầm kín trong bản thể sự vật.