CHƯƠNG 3: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO
3.1.2.2 Ngôn ngữ độc thoạ
Độc thoại nội tâm là tiếng nói, ý nghĩ thầm kín bên trong tâm hồn, là sự tự đối diện với chính mình của con người. Qua độc thoại nội tâm của nhân vật, người đọc mới có thể biết một cách đích xác về nhân vật, bởi độc thoại nội tâm thể hiện chân thật nhất về một con người. Bằng hình thức độc thoại nội tâm, Nam Cao đã thể hiện được những suy tư riêng,
cách cảm nghĩ riêng của nhân vật về đời sống, về con người, về hiện thực đương thời rồi từ đó tự đánh giá, tự phê bình, tự mổ xẻ con người mình. Độc thoại nội tâm giúp nhân vật tự khám phá về sự thật bản chất con người mình, giúp họ giải tỏa những khúc mắc cũng như giúp người đọc cảm nhận được bi kịch tinh thần mà nhân vật phải trải qua, từ đó có cái nhìn đúng đắn, cảm thông về họ. Bên cạnh những dòng đối đáp là những dòng độc thoại triền miên đầy suy tư, day dứt. Nhân vật tự nói với chính mình, dằn vặt mình, tự vấn lương tâm mình. Những dòng độc thoại thể hiện tâm trạng bế tắc của nhân vật và cả sự xót xa, cảm thông của Nam Cao dành cho nhân vật của mình là một trong những đặc sắc ngôn ngữ truyện ngắn Nam Cao. Nhà văn chú ý nhiều nhất tới những trí thức tiểu tư sản nghèo đã quá mệt mỏi, chán chường vì luôn lẩn quẩn trong vòng bế tắc. Trong những truyện ngắn thuộc chủ đề trí thức tiểu tư sản, người đọc bắt gặp những dòng tâm trạng bất tận đan xen nhau, những lời tự vấn lương tâm, sự dằn vặt bản thân không ngừng được bộc lộ. Đó là tâm trạng bế tắc của một anh trí thức nghèo luôn bị cái nợ cơm áo, nỗi lo về tiền bạc vây bủa và khổ sở vì luôn chịu đựng cái gắt gỏng của vợ, tiếng khóc của con: “Hắn thấy mình khổ quá, khổ như một con chó vậy. Hắn nhịn đói từ sáng đến giờ. Hắn đi bộ què chân, nắng hờ sém cả da. Hắn xén từng đồng xu nước uống trở đi. Hắn chịu nhục với mọi người... Như thế, bởi vì đâu? Chẳng phải vì vợ, vì con ư? Nhưng nào vợ con có thèm biết cho đâu! Đã chẳng ai an ủi một lời, vợ hắn còn vơ lấy một sự hắn quên để mà đay nghiến hắn. Ừ, mà cho rằng hắn không quên nữa, cho rằng hắn không lấy thuốc cho con là cố ý, là muốn khỏi mất mấy đồng bạc nữa, thì vợ hắn có nên nói tệ hắn như vậy hay không? Hắn hà tiện vì ai? Hắn khổ sở vì ai, riêng vào cái thân hắn cũng chẳng phí phạm một xu nào cả. Mấy mươi lần vợ hắn giục hắn may một cái áo sơ mi, hắn chỉ ư hừ rồi để đấy, chưa bao giờ dám bỏ tiền ra mà may cả. Thế rồi bao nhiêu tiền cũng vào vợ vào con hết... Hắn bủn xỉn, hắn tiếc tiền... Ừ, nhưng mà hắn tiếc tiền cho ai?...”. Những lời độc thoại trên là tâm trạng chán nản, thất vọng của nhân vật trong cảnh bế tắc vì tiền nong mà lại chẳng được vợ thông cảm, sẻ chia. Hắn cảm thấy ghét vợ vô cùng. Nhưng sau đó hắn lại tự nói với mình rằng: “Thị vốn thương con lắm. Những lúc thị gắt gỏng với con như thế chỉ là những lúc thị sốt ruột quá, lo lắng quá. Cũng như hắn vậy, sao hắn nỡ đem lòng giận thị? Ai chả thế? Người không phải là thánh. Sự khổ sở dễ khiến lòng chua chát. Khi người ta lam lũ quá, lại còn lo trăm thứ, bị làm rầy vì trăm thứ, thì ai mà bình tĩnh được? Ai mà chả hay gắt gỏng? Gắt gỏng thì chính mình khổ trước. Không giữ được thì phải bật ra ngoài như vậy. Thật ra có ai muốn cau có làm chi?... Vậy thì vợ hắn gắt lên với hắn lúc nãy cũng chỉ là việc thường thôi.” Qua hai đoạn đối thoại trên,
trong truyện ngắn Nước mắt, ta cảm nhận được cảnh sống ngột ngạt vì thiếu thốn của đôi vợ chồng trí thức nghèo và hình dung sâu sắc hơn về con người của “hắn”. “Hắn” không tệ, “hắn” luôn biết nghĩa cho vợ con và cảm thông với họ. Nam Cao, bằng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, đã len lỏi vào nơi sâu kín của nhân vật mà khám phá bản chất thật của con người. Với Nam Cao, hiện thực không chỉ ở bề ngoài cuộc sống xã hội mà nó còn hiện diện trong cả đời sống tinh thần tâm lí của con người, không chỉ là những cái biểu hiện trên bề nổi mà nó còn là phần chìm sâu trong những con người. Khi bế tắc, khi trở ngại, phần chìm sâu ấy mới nổi rõ qua những dòng độc thoại trong tư tưởng. Nhân vật tự vấn mình bằng những câu hỏi phần lớn không có câu trả lời. Điền trong Nước mắtđã cố dấm dúi, đã rút lui đến cùng đường mà vẫn thấy mình sao cứ khổ. Hay văn sĩ Hộ trong Đời thừa cũng tự chất vấn bản thân mình bằng hàng loạt câu hỏi: “Chao ôi! Hắn đã viết những gì?”, “Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì mà nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt? Hắn để mặt vợ con khổ sở ư? Hắn bỏ liều, hắn ruồng rẫy chúng, hắn hy sinh như người ta vẫn nói ư?”, “Thế mà hắn đã làm gì để cho đời Từ đỡ khổ hơn? Hắn đã làm gì để cho đời Từ khỏi khổ?”...Nam Cao đã cho nhân vật tự hỏi thật nhiều nhưng lại không tìm ra được câu trả lời. Đó là một sự bế tắc, bế tắc đến tuyệt vọng. Mỗi câu hỏi là một sự dằn vặt, một tiếng thở dài trăn trở. Đó là sự bế tắc của một con người bị vỡ mộng khi nhận ra rằng những hoài bão, những lí tưởng đẹp đẽ một thời đã bị cái nợ cơm, áo “ghì sát đất”. Rõ ràng là độc thoại nội tâm cũng đã góp phần quan trọng trong việc bộc lộ tính cách nhân vật một cách sắc sảo. Đây là một nét đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ nhân vật khi khắc họa chân dung nhân vật của Nam Cao so với Nguyễn Công Hoan và các nhà văn cùng thời. Nam Cao còn để lại dấu ấn độc đáo khi “khơi những nguồn chưa ai khơi” ở trường hợp các nhân vật nông dân nghèo. Tiêu biểu như hình tượng nhân vật lão Hạc và Chí Phèo. Cách hành xử với tha nhân và với chính mình ở phần kết của số phận thể hiện các chiều kích sâu thẳm của con người và họ luôn ở trong thế tự đấu tranh với chính mình. Như thế có nghĩa nhân vật phải luôn độc thoại - một kiểu độc thoại không hiển ngôn.