Đến những hạng người xấu xa.

Một phần của tài liệu bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của nguyễn công hoan và nam cao những tương đồng và dị biệt (Trang 52)

CHƯƠNG 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO

2.1.3 đến những hạng người xấu xa.

Bức tranh hiện thực phong phú, đa dạng và có ý nghĩa sâu sắc khi nó phản chiếu được tất cả các góc cạnh của cuộc sống được nhìn từ mọi phía. Hiện thực cuộc sống của xã hội đương thời không chỉ là cuộc sống của những số phận con người thê thảm vì cái nghèo, cái đói mà ở đó, theo Nguyễn Công Hoan, còn là sự góp mặt của số đông những hạng người ở “chiếu trên”, “mâm trước”. Đó là những kẻ đại diện cho bọn người có tiền và có quyền nhưng bản chất thì vô cùng xấu xa, ghê tởm. Khi viết về loại nhân vật này, Nguyễn Công Hoan tỏ ra rất cứng tay và quyết liệt. Hầu hết trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan không ít thì nhiều đều có những nhân vật phản diện này góp mặt. Nguyễn Công Hoan dành 33/57 truyện viết về hạng ông chủ, bà chủ có tiền cùng lũ quan lại tham lam, đê tiện, bóc lột, đè nén dân đen bằng nhiều hình thức khác nhau. Bọn người có tiền và có quyền tuy khác nhau về tên gọi, địa vị, chức vụ, quyền hạn nhưng nhìn chung tất cả chúng đều giống nhau ở bản chất xấu xa, đê tiện. Khinh ghét hạng người giàu mà bất nhân, vô đạo, Nguyễn Công Hoan có thế mạnh trong việc vạch trần bộ mặt ghê tởm, nhem nhuốc và tàn ác ấy.

Ông không chừa một ai. Đó là những ông quan phụ mẫu, những cụ Chánh, ông Lý ở nông thôn đến những ông chủ, bà chủ ở nơi thành thị. Ngòi bút hiện thực Nguyễn Công Hoan chĩa thẳng vào những thói xấu, những bản chất phi nhân tính của chúng mà vạch trần, mà phơi bày, tố cáo.

Truyện Cụ Chánh Bá mất giày đả kích cay độc bọn cường hào địa chủ tác oai, tác quái ở những vùng quê hẻo lánh. Đó là cụ Chánh “dữ như con hùm, khét tiếng trong hàng tổng là quyền hành, hách dịch, thét ra lửa”. Điều “đáng kính” ở nhân vật cụ Chánh này là “xưa nay chúa ghét những thói gian giảo”. Nhưng đằng sau bộ mặt tôn nghiêm đáng sợ kia lại chính là một tên “gian giảo”, xảo trá chính hiệu. Cụ Bá là một tên ăn cắp có “nghệ thuật” bởi kẻ mất cắp lại sợ sệt, mà kẻ lấy cắp lại đường hoàng, oai nghiêm một cách trâng tráo. Nhân vật những tên quan tham vô đạo cứ trở đi trở lại trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Trong truyện Thằng ăn cướp, Nguyễn Công Hoan tài tình khi xây dựng một nhân vật là quan huyện nhưng lại là một thằng ăn cướp chính tông. Ai cũng biết quan là để phụng sự nhân dân, là để trị cướp nhưng ngược đời thay, quan huyện ta lại là một kẻ cướp, một kẻ cướp không cần lao tâm lao lực, cướp một cách trơ trẽn nhưng không bị tội, cướp nhưng không bị tai tiếng, không sợ pháp luật vì pháp luật đã nằm sẵn trong tay quan. Nực cười thay những kẻ hành pháp lại là những kẻ phạm pháp. Quan tham là một kiểu nhân vật chủ yếu của ngòi bút phê phán Nguyễn Công Hoan. Bằng cách xây dựng tình huống, miêu tả ngoại hình hành động, Nguyễn Công Hoan đã lần lượt lật tẩy, phơi bày tất cả bản chất xấu xa của những kẻ đứng đầu bộ máy pháp luật. Từ trên xuống dưới, cả một hệ thống với quyền hành, thế lực đè nén, bóc lột con người lao động vất vả nghèo khó. Quan bóc lột người sống đã đành, đến người chết cũng chẳng yên. Thịt người chết, một truyện ngắn làm người đọc phải nao lòng, xót xa khi cái thây người chết trương phình ra, đang “là ân nhân của đàn cá, ruồi nhặng, quạ. Chân tay vẫn co quắp như dọa, mặt mũi vẫn nhăn nhó như nát, nhưng anh vẫn bị rỉa, bị hút, bị đớp như thường”. Người mẹ tru tréo vì đau đớn. “Người thở dài. Người lau nước mắt” nhưng duy chỉ có quan huyện tư pháp là vô cảm trước nỗi đau của đồng loại bởi “Đến đây, ông là đại biểu cho pháp luật, ông đã từ người bằng thịt, bằng xương biến thành pho tượng bằng sắt đá lạnh lùng [...]. Cảm được sắt đá, duy chỉ có một vật. Nó làm bằng bạc”. Quả là, đồng tiền có sức mạnh khiến quan có thể dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại và lòng tham khiến quan có thể xem mạng người chết như một “món mồi ngon” để rút rỉa. Quan tham và vô đạo đến thế là cùng. Các nhân vật quan tham của Nguyễn Công Hoan có chung những tính xấu xa đến đê tiện. Càng thấy được bộ mặt kinh

tởm của hạng người đó, ta càng xót xa cho thân phận của những người nông dân tội nghiệp, đáng thương kia.

Loại nhân vật phản diện mà Nguyễn Công Hoan chĩa thẳng ngòi bút để công kích, phê phán còn là những ông chủ, bà chủ lắm tiền nhưng cũng lắm tính xấu. Những ông chủ, bà chủ ấy là những con người giàu có, sang trọng nhưng bất hiếu, bất nghĩa, là những con người giả tạo đến kinh sợ. (Báo hiếu: trả nghĩa cha; Báo hiếu: trả nghĩa mẹ). Đó là những con người khi cần giúp thì ngọt ngào, tử tế; xong việc rồi lại là những kẻ vong ơn, đểu cáng (Thằng điên). Đó là hạng người sống ỷ lại đồng tiền mình có mà coi giá trị của những người nghèo khổ chẳng ra gì. Trong Răng con chó của nhà tư sản, tên chủ nhà giàu điên tiết quát lên: “À, mày đánh gẫy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!” Rõ ràng, đối với những ông chủ, bà chủ lắm tiền này thì mạng sống của một con người cũng chỉ có giá trị là ba chục bạc, không hơn không kém. Những ông chủ, bà chủ có tiền cùng hạng quan lại tham ô, vô đạo trong xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời là hình tượng những nhân vật phản diện mà ngòi bút Nguyễn Công Hoan xây dựng mang tính tố cáo, phê phán cao độ. Có thể nói, thành công trong việc xây dựng hình tượng các nhân vật điển hình của nhà văn Nguyễn Công Hoan nổi bật và đáng ghi nhận nhất là các nhân vật phản diện. Nhà văn dùng giọng cười cợt để qua đó thể hiện sự mất niềm tin vào cuộc sống bởi qua lăng kính cá nhân của nhà văn Nguyễn Công Hoan, ta thấy cuộc đời mà ông thể hiện qua những truyện ngắn hầu hết đều là những chuyện nhố nhăng, đáng buồn. Đúng như Nguyễn Công Hoan đã từng khẳng định về mình “Tôi vẽ người xấu nhạy hơn người tốt”. Đóng góp chính của ông trong văn đàn hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945 chính là xây dựng thành công và đa dạng những hình tượng phản diện, vì thế ý nghĩa chính trong những sáng tác của ông cũng thiên về mặt phê phán.

Ở khía cạnh này, Nam Cao so với Nguyễn Công Hoan có nét khác biệt. Thống kê số tác phẩm của Nam Cao, người viết thấy rằng số truyện tập trung vào nhân vật phản diện không nhiều, không phải là mục đích sáng tác cuối cùng của Nam Cao. Nhân vật trọng yếu trong thế giới nghệ thuật mà Nam Cao sáng tạo chính là những nhân vật cần sự đồng cảm của người đọc, nói một cách khác là những nhân vật chính diện. Đó là người nông dân bị dồn đến chân tường, là anh nhà văn, là ông cụ, bà lão nghèo khó, bị rượt đuổi bởi miếng ăn hằng ngày. Nam Cao cũng có khắc họa nhân vật phản diện nhưng số lượng không nhiều. Nổi bật là tên Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo. Đây là nhân vật phản diện tiêu biểu trong những nhân vật phản diện của Nam Cao. Tuy không là nhân vật trung tâm trong

truyện, nhưng Bá Kiến thực sự là hạng người đáng sợ nơi thôn quê, những con người sống dựa vào sự bóp nặn, đè nén người khác. Bá Kiến đẩy Chí Phèo vào tù, Bá Kiến “bắt tay” với Chí Phèo, Bá Kiến “cười” với Chí... tất cả là một mánh khóe cai trị ghê gớm của con người sõi đời. Bá Kiến là một tên cường hào, ác bá điển hình cho lớp địa chủ ở nông thôn bấy giờ. Hắn là một tên cáo già, lọc lõi, có thừa kinh nghiệm trong việc bóc lột, đàn áp nông dân. Hắn nghiệm ra rằng “ở cái đất nhà quê, bọn dân hiền lành chỉ è cổ làm nuôi bọn lý hào, nhưng chính bọn lý hào, nhiều khi lại phải ngậm miệng cung cấp cho những thằng cùng hơn cả dân cùng nên liều lĩnh, lúc nào cũng có thể cầm dao đâm người hay đâm mình”. Hắn cho rằng “già néo đứt dây, đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng mà đi là dại. Mười thằng đã đi thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được từ phương xa. Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế, để đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào vì thương anh túng quá!” Bản chất của Bá Kiến là bản chất của tên thống trị gian xảo: “trị không lợi thì cụ dùng. Cụ nghĩ bụng cũng phải có những thằng đầu bò chứ? Không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị những thằng đầu bò?” Vì thế nên “thế lực của cụ sở dĩ lấn át được những vây cánh khác, một phần lớn cũng bởi cụ biết mềm biết cứng, biết thu dụng những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi ở tù.”. Qua hình tượng nhân vật Bá Kiến gian ác, bóc lột, hống hách, nham hiểm,... Nam Cao đã dựng lên một điển hình sắc nét, sinh động về nhân vật phản diện trên văn đàn văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945. Viết về nhân vật phản diện, đối với Nam Cao, có lẽ Bá Kiến là nhân vật ấn tượng nhất. Dẫu cho nhân vật thuộc giai cấp thống trị trong sáng tác của Nam Cao không nhiều về số lượng như trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan nhưng lại có sức sống với đầy đủ giá trị của điển hình nghệ thuật. Nam Cao nhìn vấn đề ở những mặt khác biệt với Nguyễn Công Hoan: nhân vật thống trị của Nam Cao không chỉ ham làm giàu bất chính, bóc lột, hà hiếp người dân nghèo thấp cổ bé họng mà bọn phong kiến địa chủ còn chặn đứng khả năng làm người, tước đoạt quyền làm người lương thiện của họ. Bá Kiến trong Chí Phèo đã giúp ta nhận thấy rõ điều ấy. Bá Kiến không chỉ bóc lột, đè nén những người thấp cổ bé họng mà hắn còn “bắt tay” với nhà tù thực dân đương thời khiến cho những con người lương thiện sa vào con đường tha hóa và rơi vào bi kịch thảm hại: bị tước đoạt quyền làm người. Truy nguyên đến cùng chính Bá Kiến đã xô đẩy Chí Phèo vào cái nhà tù thực dân, mở đường cho Chí Phèo trở thành “con quỷ của làng Vũ Đại”. Từ một Chí Phèo lương thiện, “hiền như đất” trở thành một Chí Phèo chuyên rạch

mặt ăn vạ, triền miên trong những cơn say, những câu chửi vô nghĩa lý đến một Chí Phèo nằm chết trên vũng máu luôn có sự chi phối của bàn tay Bá Kiến. Qua hình tượng Bá Kiến, Nam Cao đã thể hiện cái nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn, mới mẽ hơn về giai cấp thống trị đương thời.

Một phần của tài liệu bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của nguyễn công hoan và nam cao những tương đồng và dị biệt (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)