Bút pháp xây dựng nhân vật qua hành động

Một phần của tài liệu bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của nguyễn công hoan và nam cao những tương đồng và dị biệt (Trang 66)

CHƯƠNG 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO

2.2.2Bút pháp xây dựng nhân vật qua hành động

Cùng với ngoại hình thì hành động cũng là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa bức chân dung của nhân vật một cách toàn diện. Bởi hành động của nhân vật không chỉ là yếu tố cần thiết cho nhân vật được bộc lộ tính cách mà còn là yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy diễn biến của cốt truyện trong tác phẩm. Đó chính là những việc làm cụ thể của nhân vật trong quan hệ ứng xử với các nhân vật khác và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Hành động của nhân vật cần phải được miêu tả một cách nhất quán để có thể cùng với vẻ ngoài của nhân vật mà cho ra được bức chân dung hoàn chỉnh nhất. Hành động của nhân vật được ví như chiếc kim của đồng hồ. Chiếc kim không dịch chuyển, nghĩa là nhân vật, các sự việc trong tác phẩm cũng nhưng những con số định giờ không giá trị.

Ở khía cạnh miêu tả hành động nhân vật, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao có sự khác biệt nhau rõ rệt. Ở Nguyễn Công Hoan, ta thấy nhân vật thể hiện rõ nhất tính cách của mình qua hành động. Nói cách khác, nhân vật mà Nguyễn Công Hoan xây dựng là kiểu nhân vật hành động. Tính cách, phẩm chất của nhân vật đều được bộc lộ qua lời nói và hành vi bên ngoài. Vậy nên, nhân vật của Nguyễn Công Hoan mang tính hướng ngoại là nhiều. Ví như khi tả hành động của cô Kếu trong truyện ngắn Cô Kếu, gái tân thời, Nguyễn Công Hoan viết như sau: “Rồi cô mặc quần trắng, xếp cho thẳng nếp, đứng ống. Rồi cô vận cái sơ mi, cái áo cánh và áo dài sặc sỡ, vuốt cho phẳng phiu. Xong đâu đấy, cô lận đôi giày mang cá, ôm cái ví đầm, đến trước tủ gương mà đứng. Cô quay đằng trước. Cô quay đằng sau. Cô đi đi. Cô lại lại. Cô uốn éo. Cô thướt tha. Rồi cô đứng yên. Cô ngắm. Cô bàn. Cô tán. Cô bình phẩm... Cô khoái lắm!”. Hàng loạt các hành động được nhân vật thực hiện nối tiếp

nhau qua những câu trần thuật có cấu trúc ngắn. Miêu tả hành động của nhân vật một cách ồ ạt như vậy, Nguyễn Công Hoan buộc người đọc phải dõi theo để cuối cùng bật ra tiếng cười bởi “Cô khoái lắm!”. Những hành động của cô Kếu cho thấy cô là một cô gái đua đòi, chưng diện đến thái quá. Những hành động thái quá của cô đã bộc lộ cái bản chất đích thực của con người cô: đang sốt lên với phong trào “Âu hóa”, “vui vẻ trẻ trung”. Và cái niềm vui, sự khoái chí của cô tầm thường đến độ chỉ cần được vài phút ăn diện với chính mình trước gương là đủ để “khoái lắm” rồi. Miêu tả hành động của nhân vật, Nguyễn Công Hoan thường dùng kiểu câu có cấu trúc ngắn, liên tiếp nhau để tả một chuỗi các hành động nối tiếp dồn dập, ào ạt để đẩy nhanh nhịp trần thuật và thu hút tính tập trung của người đọc. Những kiểu câu ngắn, kiểu câu có cách ngắt nhịp ngắn xuất hiện với tần số cao trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan:

- Nó cựa. Nó nhăn. Nó ôm bụng.

- Họ lại uỵch. Họ lại thụi. Họ lại tát. Họ lại đá.

(Thằng ăn cắp )

- Chửi. Kêu. Đấm Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân nó.

- Người ta móc mồm nó, gạng họng nó, quào chảy máu cả má nó.

- Vẫn chửi. Vẫn kêu. Vẫn đấm. Vẫn đá. Vẫn thụi. Vẫn bịch. Vẫn cẳng chân. Vẫn cẳng tay. Vẫn đòn càn. Vẫn đòn gánh.

(Bữa no đòn) - Anh ngửa đầu, dúm gân mặt, há mồm ra mà hát.

(Anh xẩm)

Hành động của nhân vật được Nguyễn Công Hoan chú ý quan sát tỉ mỉ và miêu tả rất cụ thể. Nó được miêu tả trong thế đối lập với bản chất thật sự vốn có của nhân vật. Sự mâu thuẫn, tương phản này đã tạo nên tiếng cười cho người đọc khi truyện kết thúc, khi tính cách thật của nhân vật được bộc lộ hoàn toàn. Hành động của nhân vật như cái vỏ bọc bên ngoài, che đậy cái bản chất bên trong. Qua những hành vi, cử chỉ, lời nói, bản chất của nhân vật dần hé lộ; đôi khi cái bản chất đối lập với hành động ấy được cất giấu kín đáo đến phút cuối cùng và tất cả vỡ òa khi đến dấu chấm hết truyện. Để có được sự đối lập giữa hành động và bản chất ấy, Nguyễn Công Hoan đã tạo nên sự đối lập giữa hành động trước với hành động sau; giữa cái giả với cái thật ngay trong chính bản thân từng nhân vật. Đây là một đặc sắc trong bút pháp xây dựng nhân vật của Nguyễn Công Hoan. Hai truyện ngắn Báo hiếu: trả

nghĩa chaBáo hiếu: trả nghĩa mẹ là minh họa điển hình cho đặc điểm này. Hành động của ông chủ hiệu xe cao su kiêm chủ hãng ôtô “Con cọp” ở thời điểm trước - nghĩa là trong bữa tiệc giỗ bố là hành động của một đại hiếu tử. Ông tổ chức bữa tiệc cho thật linh đình, mời mọc thật nhiều khách, “để tỏ rằng mình, tuy nhờ trời làm ăn đã được khá, nhưng chẳng phải hạng uống nước quên nguồn - bởi đạo làm con là phải báo hiếu cho cha mẹ”. Cách tổ chức, tiếp đón của vợ chồng ông chủ khiến cho người dự phải “tự xét mình lấy làm xấu hổ vì bất hiếu”. Nhưng hành động sau đó của “đại hiếu tử” ấy ra sao khi bắt gặp mẹ mình đến nhà ngay trong khi tiệc giỗ đang diễn ra linh đình? Nếu như khi tiếp khách, “ông hết sức khoe cái cười lấy lòng, cái cười thiệp đời của nhà tư bản”, “chắp tay vái chào cung kính, rồi mời mọc ân cần, quí quí, hóa hóa, ăn nói rõ ra một nhà nền nếp, gia giáo”, tỏ ra mình là một đại hiếu tử thì khi gặp bà lão - cụ thân sinh ra ông thì thái độ đầu tiên là “cau mặt, ra ý không bằng lòng, tặc lưỡi một cái”, tiếp sau là “nét mặt hầm hầm, trợn mắt, khoanh tay vào ngực mà gắt”. Rõ ràng là, đối ngược với hành động ở thời điểm trước, hành động của nhân vật ông chủ lúc này là hành động của một “đại bất hiếu tử”. Quát mắng không tiếc lời, xua đuổi không tiếc thương, ông chủ lúc này đã lộ cái bản chất xấu xa của hắn qua những hành động đối với mẹ mình. Tiệc tùng, linh đình cùng những hành động thành kính trong việc giỗ cha chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài của một tên bất hiếu chẳng ra gì. Chính lúc này, cái giả và cái thật trong con người ấy đã được phơi bày.

Trong Báo hiếu: trả nghĩa mẹ cũng vậy. Cái chết của người mẹ chưa rõ trắng đen bởi những câu văn mập mờ của tác giả, trong hành động ở thời điểm trước - lúc đôi co của hai ông bà chủ tư sản giàu có đối lập gay gắt với hành động ở thời điểm sau - trong đám tang. Đám tang của bà cụ được miêu tả “hoành tráng” với tất cả những thứ cần thiết và không cần thiết của một đám tang, nhưng nổi bật lên trên hết là hình ảnh của người con trai và người con dâu. Ông chủ hãng xe hơi “Con cọp” lúc này đang “bưng miệng mà khóc, còng lưng xuống mà khóc, đến nỗi phải chống gậy”, rồi “vì thương mẹ quá mà thành ra ốm yếu, họ hàng sợ người ấy ngã lăn ra, cho nên phải cử người đi kèm, vừa che ô, vừa ôm chặt lấy ngang lưng cho đỡ khuỵu”. Người con dâu thì “kêu khản cả tiếng”, “khóc hết cả hơi”, “nằm lăn ra đường mà chắn lối”, “kêu gào rầm rầm”, lúc hạ nguyệt thì “nhảy đánh tụp xuống mà nằm thẳng cẳng ra, ôm chặt lấy mà hờ, mà khóc” rồi “ngất đi”. Hàng loạt hành động của nhân vật được Nguyễn Công Hoan quan sát và miêu tả thật chi tiết. Hành động của hai vợ chồng ông chủ bà chủ này quả là có sự đối lập gay gắt. Bản chất là xấu xa, cái thật của những con người này là bất hiếu, đối xử thậm tệ với bậc sinh thành nhưng họ vẫn

cố tình che đậy bằng cái vỏ ngoài giả tạo qua những hành động có hiếu giả tạo đáng cười chê đến đáng khinh bỉ. Cái thật tương phản cái giả, sự đối lập trong hành động của nhân vật càng góp phần bộc lộ tính cách của nhân vật.

Trong khá nhiều truyện, Nguyễn Công Hoan luôn có chủ ý xây dựng các nhân vật có hành động và bản chất mâu thuẫn nhau, tập trung ở các nhân vật phản diện: ông chủ, bà chủ giàu có sang trọng; những tên quan quyền cao chức trọng, ăn trên ngồi trước;... Để đạt được hiệu quả nghệ thuật, nhà văn đã sử dụng tối đa biện pháp tương phản và tăng cấp. Càng đối lập nhau về hành động thì bản chất càng được bộc lộ. Hành động của nhân vật lúc này tương phản cả với các nhân vật khác trong tác phẩm trong từng thời điểm nhất định. Trong

Cụ chánh Bá mất giày,ta thấy tương phản giữa hành động của nhà chủ “tái mét mặt, mối lo đùn đùn đưa lên đến ngực”, “lẳng lặng soi khắp nhà”, “hỏi khẽ” đến lo lắng hơn khi tìm khắp không thấy rồi “đánh liều bỏ phí một đồng bạc để treo giải thưởng cho người tìm thấy” nhưng “tìm mãi không thấy, hai vợ chồng nhà chủ trợn mắt, trợn mũi, luống cuống chỉ trỏ bàn nhau” thì cụ chánh Bá vẫn thản nhiên với ván tổ tôm như không hay biết, “vẫn đương vui vẻ gọi phỗng, và tính nước bài” và khi thấy đôi giày “thật mới, bóng nhoáng, kiểu Gia Định, và đế cờ lếp, được để cẩn thận bên gậm sập” thì “hiểu ý, liếc mắt nhìn nhà chủ” rồi “làm như ngạc nhiên, không hiểu”: “Ờ! Không phải...” Rõ là, hành động, thái độ của nhà chủ và cụ chánh Bá hoàn toàn tương phản nhau. Chính sự tương phản này càng làm tăng cao sự đối lập giữa hành động và bản chất của cụ chánh. Đó là con người với lớp vỏ bên ngoài “dữ như con hùm, khét tiếng trong hàng Tổng là quyền hành, hách dịch, thét ra lửa”, “chúa ghét những thói gian xảo” nhưng hành động lại lồ lộ một con người với bản chất hoàn toàn trái ngược: keo kiệt đến bẩn thỉu, chúa gian xảo, ăn cắp một cách đê tiện. Cái độc đáo của Nguyễn Công Hoan là qua hành động của nhân vật, cao trào của truyện càng được ông đẩy lên cao, cái gút càng được thắt chặt hơn và khi đẩy cao trào đến đỉnh điểm thì gút được mở một cách bất ngờ. Lúc này, bản chất nhân vật cũng được bộc lộ trọn vẹn. Sự đối lập giữa hành động và bản chất còn được Nguyễn Công Hoan xây dựng trong nhiều truyện khác như:

Đồng hào có ma, Hé! Hé! Hé!, Thế là mợ nó đi Tây, Mất cái ví... Chính sự đối lập này đã tạo nên tiếng cười và hiệu quả nghệ thuật cho truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Rõ ràng, khi xâu chuỗi vấn đề miêu tả nhân vật qua ngoại hình và qua hành động trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, ta thấy được nét đặc sắc của ngòi bút nhà văn trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Tài năng quan sát tinh tế đã giúp nhà văn có thể tạo ra những bức chân dung nhân vật từ góc độ kết hợp hai yếu tố ngoại hình và hành động để từ đó tính cách, bản

chất của nhân vật được bộc lộ một cách tự nhiên qua sự cảm nhận, vỡ lẽ của người đọc. Từ hình tượng nhân vật, Nguyễn Công Hoan phản ánh được hiện thực xã hội đầy rẫy những hạng người xấu xa, giả tạo, có hành động và bản chất trái ngược nhau.

Có thể nhận định rằng, ngòi bút Nguyễn Công Hoan là ngòi bút hướng ngoại. Sở dĩ nói vậy vì ông chỉ tập trung ở lớp bên ngoài, cái bề mặt mà ông quan sát được: ngoại hình, cử chỉ, hành vi,... Ở đấy, Nguyễn Công Hoan chỉ có thể miêu tả nhân vật với tính cách đơn giản, một chiều bởi ông chỉ mới mô tả được con người bên ngoài mà chưa đi sâu vào phần sâu thẳm bên trong của họ. Nhân vật của Nguyễn Công Hoan thường biểu trưng cho một số loại người, hạng người nào đó trong xã hội. Nói cách khác, đó là con người xã hội, con người tầng lớp. Ta chưa thấy đời sống bên trong của họ, trong họ chưa có những xung đột, mâu thuẫn giằng xé, những sự đấu tranh và sự phức tạp của tâm lí con người. Nguyễn Công Hoan miêu tả rất kỹ diện mạo, hành vi nhưng chưa mổ xẻ quá trình tâm lí dẫn đến hành vi, nếu có thì cũng rất ít. Đó là điểm khác biệt rõ rệt giữa ông và nhà văn Nam Cao. Là nhà văn hiện thực ở địa hạt truyện ngắn hiện đại, tất nhiên, cả Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đều nắm bắt được nguyên tắc sáng tác chung của khuynh hướng hiện thực. Tức là cả hai đều xây dựng được những nhân vật có tính chất điển hình qua phương diện ngoại hình, hành động, tâm lí... Song, mức độ của hai nhà văn có độ đậm nhạt khác nhau và trong kỹ thuật xây dựng nhân vật cũng có những độc đáo khác nhau. Nguyễn Công Hoan quan tâm sâu sắc đến cốt truyện và chủ yếu miêu tả nhân vật tập trung ở ngoại hình, hành động; từ đó tính cách qua hành động mà bộc lộ; do vậy ông ít quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân vật. Mảnh đất tâm lí của nhân vật, Nguyễn Công Hoan ít khi đào xới, nếu có chỉ là những khoảnh khắc tâm lí trong ít ỏi truyện mà thôi. Điển hình như trong hai truyện ngắn Tôi cũng không hiểu tại làm sao (I) và ( II), Nguyễn Công Hoan có đề cập đến những suy nghĩ diễn ra trong đầu nhân vật “tôi”, những dằn vặt của “tôi” khi phải hành động trái với những suy nghĩ của mình. Song, nó chỉ thể hiện một nét tính cách đơn giản, thiếu độ sâu. Hay trong

Mất cái ví, Nguyễn Công Hoan cũng chú ý khai thác những chi tiết của quá trình diễn biến tâm lí của nhân vật ông cậu khi chứng kiến cuộc xét hỏi của đứa cháu về việc bị mất cái ví. Diễn biến tâm lí của nhân vật này được nhà văn miêu tả theo mức độ tăng dần: không biết nó có nghi mình không → nghi cho vú em → nghĩ ông Tham nghi cho mình ( nó đểu quá) → muốn bộc bạch, thề độc cho nó đỡ nghi → càng muốn làm lớn chuyện → rõ ràng nó nghi mình. Quá trình diễn biến tâm lí của nhân vật ông cậu được miêu tả qua chuỗi các hành động tương ứng: ông cụ khó chịu → trở mình → hơi tức đầy đến ngực → giật nhổm ngồi

dậy → hỏi dồn → mắng → thề không họ hàng gì nữa → đội khăn, mặc áo, cắp ô ra về. Các biến cố của hành vi và chuỗi suy tư của nhân vật ông cậu có giá trị gia tăng tính phức tạp trong tính cách nhân vật này nhưng nó cũng chỉ nằm trên một mặt phẳng một chiều của tính cách. Ở nhân vật này chưa có sự va đập giữa các mặt, các chiều trong tâm lí con người. Như vậy, Nguyễn Công Hoan có quan tâm đến tâm lí nhưng vẫn chưa đủ độ sâu, yếu tố hành động vẫn còn chi phối nhiều trong việc xây dựng hình tượng nhân vật và đẩy diễn biến truyện đi đến kết thúc. Yếu tố tâm lí chưa được Nguyễn Công Hoan đào sâu vì thế chủ yếu nhà văn, qua các sáng tác của mình chỉ ngừng lại ở việc mô tả quá trình nhận thức của con người về xã hội, cuộc đời và cả con người xung quanh.

Qua truyện Mất cái ví, ta nhận rõ được thêm hạng người vô tình vô nghĩa, bịa đặt để đạt được mục đích đuổi ông cậu về quê cho đỡ tốn kém. Truyện Thằng điêngiúp ta nhận rõ chân dung những kẻ đểu cáng, khi cần thì giọng điệu ngọt ngào tử tế, khi không cần nữa thì ra mặt vênh váo, vong ơn. Và qua nhiều truyện khác nữa, nhân vật nhận thức được về cái chua chát, xót xa của thế thái nhân tình. Nói chung, nhân vật của Nguyễn Công Hoan dừng

Một phần của tài liệu bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của nguyễn công hoan và nam cao những tương đồng và dị biệt (Trang 66)