Giọng điệu thương cảm, xót xa

Một phần của tài liệu bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của nguyễn công hoan và nam cao những tương đồng và dị biệt (Trang 108 - 121)

CHƯƠNG 3: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO

3.2.3Giọng điệu thương cảm, xót xa

Giọng điệu chính là một yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo nên phong cách riêng biệt ở mỗi nhà văn. Ở Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, có sự khác biệt khá sâu sắc về giọng điệu. Điều này bị chi phối bởi mục đích sáng tác. Nếu Nguyễn Công Hoan sử dụng ngòi bút của mình để phản ánh hiện thực, châm biếm, lên án cái ác, cái xấu trong xã hội thì Nam Cao, bên cạnh mục đích phản ánh hiện thực, ông còn bày tỏ nỗi thương cảm sâu sắc đến những số phận con người cùng cực trong xã hội. Vậy nên nếu giọng điệu trào phúng là sở trường của Nguyễn Công Hoan khi xây dựng tác phẩm thì đối với Nam Cao, giọng thương cảm, xót xa chính là giọng chủ đạo xuyên suốt trong các tác phẩm của ông.

Ở những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, ta cũng thấy sự xuất hiện của giọng điệu thương cảm, xót xa. Tuy nhiên mức độ còn mờ nhạt. Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Công Hoan chủ yếu đóng vai nhân vật “tôi” ở bên ngoài kể lại câu chuyện với trình tự như nó vốn có, với giọng điệu khách quan, trào lộng. Và những nhân vật điển hình Nguyễn Công Hoan xây dựng thường là những nhân vật phản diện: những tên nhà giàu tham lam hà hiếp, bóc lột, “ăn bẩn” của dân nghèo… nên giọng điệu thường là giọng cười cợt, mỉa mai, châm biếm sâu cay. Tuy ở mức độ nhạt nhưng trong một số truyện ngắn của

Nguyễn Công Hoan ta vẫn cảm nhận được giọng điệu xót xa, thương cảm khi ông viết về những nhân vật có cuộc sống lầm than, sống dưới đáy xã hội. Tiêu biểu như trong truyện

Anh Xẩm, bằng giọng thương cảm, xót xa, tác giả đã thể hiện sự đồng cảm, thương xót cho cảnh đời nghèo khổ, cơ cực của anh Xẩm - dân nghèo thành thị. Cả tác phẩm là những điệp khúc buồn với âm hưởng xót xa được tác giả nhắc đi nhắc lại da diết

“Gió Mưa Não nùng

[…] Anh ngồi trên manh chiếu, trước cái thau sắt tây thủng, một đùi ghếch lên mặt đàn. Tay nắm cần, tay bật dây, anh uốn cung đàn trầm bổng theo tiếng hát khàn khàn. Cái mũ dạ, trơn từ đỉnh đến ria, mềm oặt theo khuôn đầu, che cho anh khỏi lạnh gáy. Nhưng cái áo tây _ vàng rộng thùng thình không giữ nổi hơi rét cắt da. Mặt anh xám lại.

[…] Anh ngửa đầu, dúm gân mặt, há mồm ra mà hát. Tiếng đàn từng tưng hòa theo, lúc khoan, lúc nhặt.

[…] Thau anh vẫn không có một tiếng vang động. Một xu cũng chẳng có. Một trinh to cũng chẳng có. Một trinh con cũng chẳng có.

[…] Anh càng hết sức để hát, để đàn, và để . . . không ai nghe.

[…] Anh cứ hát, Hết sức hát. Gò ngực mà hát. Há miệng to mà hát. Hát như con cuốc kêu thương.

[…] Và khi đã hiến hết tất cả các bài anh thuộc, anh ngồi im lặng để chờ và để nghe. Sau hết sờ vào lòng thau không để vét.

Rồi anh run cầm cập, xếp thau, ôm đàn, cuốn chiếu, cầm gậy, đứng dậy, thong thả lần lối đi.

Gió. Mưa. Não nùng”.

(Anh Xẩm)

Trong đoạn trích trên, giọng điệu xót xa, thương cảm thấm nhuần trên mặt từng câu chữ. Miêu tả ngoại hình, miêu tả hành động, kể lại sự việc… tất cả đều với một giọng xót xa đến não nề. Anh Xẩm đã hát hết sức mình, chịu mưa, chịu rét để có cái ăn. Nhưng dù anh có “nguêu cổ lên mà hát”, “há mồm ra mà hát”, “hết sức để hát”, “gò ngực mà hát” thì cuối cùng anh trở về cũng như khi anh đến: cái thau vẫn trống không. Mỗi câu, mỗi chữ đều

nhuốm sự chua xót, thương cảm. Một Nguyễn Công Hoan trào phúng, mỉa mai hoàn toàn không còn mà thay vào đó là một Nguyễn Công Hoan đầy lòng trắc ẩn với giọng thương cảm sâu sắc cho những kiếp người nghèo khó, lầm than trong xã hội lúc bấy giờ.

Hay trong truyện ngắn Chiếc quan tài, giọng điệu thương cảm, xót xa cũng được biểu hiện một cách rõ nét: “chiếc quan tài như con thuyền không chủ, bập bềnh, lách theo lũy tre. Lúc nó dừng lại. Lúc nó nhích đi. Lúc nó giúi nghiêng lại bạt vào bụi. Rồi sau hết, nó tới một chỗ có khe rộng. Tự nhiên, nó lao một cái, thích hai cạnh vào tre hai bên, rồi đâm thẳng ra giữa lạch chảy xiết. Đến đây, nó quay mấy vòng, rồi lừ lừ, nó trôi dọc theo dòng nước…” (Chiếc quan tài). Nguyễn Công Hoan đã miêu tả sự việc với một giọng điệu bi thương, chua xót. Đó là một cảnh thật sự đau lòng xót dạ. Người nông dân thật đáng thương, khi sống thì họ lâm vào cảnh đói nghèo cùng cực, khi chết thì cũng chẳng được yên thân. Hình ảnh chiếc quan tài bập bềnh giữa mênh mông nước nổi cứ ám ảnh người đọc một cách thảm sầu.

Hoặc như trong truyện ngắn Phành phạch, Nguyễn Công Hoan cũng bày tỏ sự thương cảm, xót xa cho phận đi ở của con Đỏ: “Con Đỏ mỏi lắm rồi. Nó ê ẩm cả người. Nó cố mở mắt ra, mà hai mí cứ muốn cặp díu lấy nhau. Tay nọ đổi tay kia, nhưng rút cục hai tay cùng rã rời. Nó cứ phải quạt mãi. Nhưng rồi chẳng đủ sức để chống được giấc ngủ, nó gục đầu, đánh rơi tay, đánh rơi quạt. Nó ngủ […]. Rồi đưa tay ra, bà giúi cho nó một cái thực mạnh. Rồi lại nằm xuống. Con bé bàng hoàng, mở mắt, luống cuống. Nó cúi nhặt quạt, vội vàng phẩy phành phạch vào mặt bà…”. Nguyễn Công Hoan với giọng thương cảm sâu sắc đã miêu tả được nỗi khổ của kiếp đi ở đáng thương. Các chi tiết cứ xô đẩy nhau. Hành động này nối liền hành động kia và cuối cùng cho người đọc thấy được toàn cảnh khổ cực của phận tôi tớ. Giọng điệu Nguyễn Công Hoan tưởng là khách quan nhưng lại thấm đẫm sự thương cảm xót xa.

Nhìn chung, khi tìm hiểu các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, bên cạnh giọng điệu trào phúng, mỉa mai, châm biếm ta còn cảm nhận được giọng điệu thương cảm, xót xa khi Nguyễn Công Hoan viết về những số phận con người cơ cực nghèo khổ, đáng thương sống cuộc đời tối tăm giữa nơi thành thị phồn hoa tráng lệ. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm có giọng trần thuật như thế còn ít. Giọng trào phúng, mỉa mai vẫn là giọng điệu chủ đạo trong hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Đây là điểm khác biệt giữa ông và nhà văn Nam Cao. Với Nam Cao, giọng thương cảm xót xa là giọng chính trong hầu hết tác phẩm của ông. Mặc dù, Nam Cao cố “bao bọc” bên ngoài bằng giọng hài hước, giọng lạnh lùng,

khách quan nhưng các trang văn của ông đều có giọng điệu thương cảm, xót xa. Nam Cao phản ánh hiện thực một cách khách quan như nó vốn có. Ông tỏ vẻ lạnh lùng, dửng dưng trước số phận mỗi nhân vật nhưng khi tiếp nhận tác phẩm của Nam Cao, người đọc vẫn cảm nhận một cách rõ nét tấm lòng yêu thương con người đao đáo trong mỗi trang văn qua giọng điệu trần thuật. Bằng giọng điệu trần thuật, Nam Cao đã thể hiện được tấm lòng tràn đầy tình yêu thương, nhân đạo, sẻ chia đối với từng cảnh đời, từng số phận, từng nhân vật …

Truyện ngắn Chí Phèo là một tiêu biểu vượt qua giọng điệu khách quan của một người đứng bên ngoài kể chuyện, giọng điệu bao trùm toàn tác phẩm vẫn là giọng thương cảm, xót xa. Thương cho Chí Phèo cả cuộc đời gắn liền với con số không vô nghĩa: không mẹ, không cha, không nơi nương tựa, không gia đình, không vợ con, và cuối cùng là không được làm người lương thiện. Khi Chí Phèo tự nhìn lại mình cảm thương cho bản thân, cho cuộc đời chính mình thì giọng điệu đầy chua xót, bi thương: “Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời”, “ Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt và đâm chém người? Đó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi. Hay trận ốm thay đổi hẳn về sinh lý, cũng thay đổi cả tâm lý nữa? Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa. Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Đã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều được nữa. Bấy giờ mới nguy! Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. Cả đoạn trích đều được thể hiện bằng giọng thương cảm, xót xa. Lời tự than, tự thương của Chí Phèo dành cho chính bản thân mình tràn ngập giọng điệu thương cảm. Nam Cao bày tỏ thái độ của mình bằng giọng điệu. Qua giọng điệu thương cảm, xót xa ấy, Nam Cao bày tỏ sự chua xót của mình cho thân phận của Chí Phèo. Sự thức tỉnh trong tâm hồn Chí, của cái phần người trong hắn từ lâu đã ngủ quên khiến người đọc càng xót xa hơn cho cuộc đời của Chí. Đó là một cuộc đời bắt đầu bằng ao ước giản dị, đẹp đẽ lương thiện và kéo dài trong triền miên say, trong máu và kết thúc cũng trong vũng máu đỏ tươi. Sự tự vấn của Chí Phèo, sự tìm về của lý trí, của tâm hồn lương thiện càng làm người đọc chua xót. Giọng điệu thương xót ấy, ta còn có thể tìm gặp trong truyện ngắn Lão Hạc. Không trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình, Nam Cao gửi gắm sự

thương cảm, xót xa qua từng chi tiết miêu tả. Giọng văn tha thiết, trĩu nặng nỗi yêu thương: “Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên mà cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Nam Cao thương xót, đồng cảm cho một kiếp người: nghèo khó nhưng lương thiện nên khi trót lừa một con chó, lão Hạc mới vật vã, đau khổ như vậy. Miêu tả hành động của lão Hạc, Nam Cao cũng thể hiện bằng giọng văn thương cảm tha thiết.

Có thể nói giọng thương cảm, xót xa là giọng điệu chủ đạo trong các trang viết của Nam Cao. Nhưng giọng điệu này không phải lúc nào cũng thể hiện rõ ràng qua câu chữ mà đôi khi nó ẩn sau một giọng điệu khác. Khi trần thuật đằng sau giọng hài hước có thể là giọng xót xa, lạnh lùng trần thuật nhưng sau đó người đọc vẫn thấy toát lên sự thương xót, đồng cảm ẩn sau sự lạnh lùng ấy. Như trong Lão Hạc, đoạn văn miêu tả cái chết của lão Hạc hoàn toàn là khách quan, khách quan đến lạnh lùng: “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội”. Một cái chết được Nam Cao tái hiện bằng giọng điệu hết sức khách quan. Nhưng đằng sau sự khách quan đó là sự đồng cảm, thương xót, là sự đau đớn của tác giả trước số phận của con người. Nam Cao thương cho lão Hạc nghèo túng, khó khăn và xót vì con người trong xã hội đương thời khi quyết định đi về phía lương thiện thì đồng thời họ phải đi đến cái chết. Chính sự thương cảm này đã làm nổi bật giá trị của tác phẩm: giá trị nhân đạo.

Qua giọng điệu, phong cách của nhà văn được bộc lộ rõ. Ở Nguyễn Công Hoan, về giọng điệu, so với những tác phẩm văn học trước đây đã có những cách tân mới. Ông không kể chuyện đơn giọng mà đã có sự phối hợp giọng điệu khi trần thuật. Ông phối hợp giọng hài hước với giọng khách quan, lạnh lùng, giọng châm biếm mỉa mai… nhưng nhìn chung dù với sắc thái giọng điệu nào, Nguyễn Công Hoan cũng nhìn nhân vật bằng nhãn quan của tác giả ở điểm nhìn của “người kể chuyện biết hết”. Vì vậy, dù có sự phối hợp trong giọng điệu nhưng mỗi tác phẩm của Nguyễn Công Hoan vẫn mang một giọng chủ đạo từ đầu đến cuối. Đây là một điểm khác biệt giữa Nguyễn Công Hoan và Nam Cao khi trần thuật, Nam Cao đã có sự kết hợp, hòa phối các giọng điệu nên giọng điệu trần thuật trong các truyện ngắn của ông mang tính đa thanh. Do Nam Cao muốn khám phá, tìm hiểu hiện thực tâm lý của nhân vật nên việc phối hợp các giọng điệu khác nhau khi trần thuật là cần thiết. Tính đa thanh trong giọng điệu của Nam Cao còn bị chi phối bởi điểm nhìn nghệ thuật. Khi tác giả

trần thuật theo quan điểm khách quan của người bên ngoài kể chuyện thì giọng điệu khách quan dửng dưng. Khi tác giả xê dịch điểm nhìn vào nhân vật thì tác phẩm được trần thuật theo quan điểm, giọng điệu của những nhân vật khác nhau. Lúc đó, nhân vật trung tâm được soi rọi từ nhiều phía, từ nhiều góc cạnh khác nhau và chân dung cuối cùng của nhân vật hiện ra mới đầy đủ, toàn diện. Vì có nhiều điểm nhìn khác nhau của những nhân vật khác nhau về một nhân vật nên tạo thành tính đa thanh hay nói khác đi là sự đa dạng về giọng điệu trần thuật. Ta thấy rõ điều này trong tác phẩm Chí Phèo. Nhân vật Chí Phèo được mổ xẻ đánh giá từ nhiều điểm nhìn của các nhân vật khác nhau trong truyện. Tất nhiên là bằng nhiều giọng điệu khác nhau. Chí Phèo qua cái nhìn của dân làng Vũ Đại là một con quỷ dữ của làng, là tên không biết sợ chuyên rạch mặt ăn vạ và tránh đi càng xa càng tốt. Chí Phèo qua cái nhìn của Bá Kiến chỉ là một tên tay sai, là một công cụ thực hiện những việc có lợi cho hắn, là một thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò khác. Chí Phèo qua cái nhìn của Thị Nở là một thằng đáng thương, là một thằng hiền và “thị thấy như yêu hắn”. Chí Phèo qua cái nhìn của chính bản thân hắn “thấy hắn già mà vẫn còn cô độc […] Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu […] Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời, […] đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Mỗi lần điểm nhìn dịch chuyển thì giọng điệu theo đó cũng thay đổi. Toàn tác phẩm, ta bắt gặp cái giọng điệu khách quan dửng dưng, lạnh lùng đến tàn nhẫn của Nam Cao đan xen với nhiều giọng điệu khác. Khi Chí Phèo tự nhìn lại mình, thương cho chính mình thì giọng điệu chua xót nhưng cũng đầy uất ức. Khi để bà cô Thị Nở nói về Chí Phèo thì Nam Cao lại sử dụng giọng điệu chì chiết, đay nghiến, lạnh lùng. Và chính ở Nam Cao, giọng điệu trần thuật cũng có sự đa dạng: khi thì lạnh lùng, dửng dưng, khi thì thương cảm, xót xa. Qua sự đa dạng của giọng điệu trần thuật, của điểm nhìn, nhân vật được đặt trong mối tương quan soi chiếu lẫn nhau. Và chính giọng điệu dửng dưng, bình thản, lạnh lùng ấy đã thể hiện sự lắng đọng, độ nén cao của cảm xúc mà tác giả dành cho nhân vật và khiến cho sự phẫn uất, xót thương ngày càng tăng trong lòng người đọc. Khi đó giá trị của tác phẩm càng được nâng cao. Có thể nói, đa thanh trong giọng điệu trần thuật là một nét mới của bút pháp hiện thực Nam Cao.

3.3 Tiểu kết

Về ngôn ngữ

Cả hai nhà văn đều rất ý thức sử dụng tiếng nói của nhân dân, ngôn ngữ từ trong dân gian gắn bó với cuộc sống hằng ngày của nhân dân khi sáng tác. Vì điểm chung này mà các

Một phần của tài liệu bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của nguyễn công hoan và nam cao những tương đồng và dị biệt (Trang 108 - 121)