Giọng điệu khách quan, lạnh lùng

Một phần của tài liệu bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của nguyễn công hoan và nam cao những tương đồng và dị biệt (Trang 105)

CHƯƠNG 3: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO

3.2.2Giọng điệu khách quan, lạnh lùng

Giọng điệu là một yếu tố góp phần tạo nên giá trị cho tác phẩm. Đồng thời, giọng điệu cũng đóng góp không nhỏ trong việc định hình và tạo nên nét độc đáo cho phong cách nhà văn. Một nhà văn tài năng thật sự là một nhà văn có giọng điệu riêng không lẫn vào đâu được. Như Nguyễn Công Hoan, trong hầu hết tác phẩm của ông, giọng điệu chủ đạo và xuyên suốt là giọng hài hước, trào phúng. Chính giọng điệu này đã gây ấn tượng sâu sắc cho người tiếp nhận, tao nên tên tuổi Nguyễn Công Hoan mà các thế hệ cầm bút sau này khó ai sánh kịp. Giọng hài hước trào phúng là phong cách của Nguyễn Công Hoan, còn đối với

Nam Cao, nó chỉ là một nốt trầm bè vào để giọng điệu tác phẩm được phong phú và đa dạng. Ấn tượng của Nam Cao tạo cho người đọc là ở giọng điệu khách quan, lạnh lùng. Khi tìm hiểu về sắc thái giọng điệu khách quan, lạnh lùng trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, người viết nhận thấy có những khác biệt sâu sắc.

Trong quá trình sáng tạo tác phẩm, nhà văn đóng vai trò là “người biết hết” nhưng chỉ ở bên ngoài để kể lại. Điều này tạo nên tính khách quan cho tác phẩm và từ đó giọng điệu khách quan được hình thành. Đó là một tất yếu. Do vậy, ta luôn cảm nhận được giọng điệu này trong các tác phẩm của hai nhà văn. Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đóng vai trò là người bên ngoài kể lại câu chuyện; nếu có xưng “tôi” thì nhân vật “tôi” ấy cũng kể lại chuyện theo trình tự vốn có của nó một cách khách quan. Như trong truyện ngắn Thằngăn cắp của Nguyễn Công Hoan, nhà văn đứng bên ngoài, khách quan kể lại các sự việc theo trình tự của nó và không hề biểu hiện cảm xúc cá nhân nào khi miêu tả cảnh thằng ăn cắp bị bắt và bị đánh một trận tơi bời:

“Người ta chạy tới dần - Nắm chặt lấy nó!

Nhưng chẳng nắm, nó cũng chẳng chạy được. Huỵch! Huỵch! Bốp! Bốp!

- Này chừa này! Ăn cắp này!

Ai cũng phải giã cho cẩn thận, để bõ lúc chạy mửa mật bắt nó! Nó lạy. Nó van. Nhưng ai tha? Dại gì mà tha thằng ăn cắp? Họ càng ghét, túm lại, đánh như mưa.

- Cho đáng kiếp! Nó giật đôi khuyên vàng của người ta! Họ lại đánh túi bụi không tiếc tay.

- Mười ba mười bốn tuổi đầu, đã dám lần lưng, lấy của người ta năm đồng bạc, rồi lại đánh người ta!

Họ lại tức dữ. Lại cho thêm một trận.

Nó đau quá. Nằm sóng soài, không nói được nữa. Hai mắt lừ đừ, khốn nạn như con chó bị trói giật bốn cẳng ra đằng sau lưng.”

Ở sự việc trên, tác giả chỉ đứng bên ngoài chứng kiến và kể lại một cách khách quan, không hơn không kém; không hề có bình luận, cảm xúc chủ quan với một giọng kể khách quan, dửng dưng. Tác giả lần lượt miêu tả hành động của đám đông và tình trạng của thằng ăn cắp, không phân bua, không lời biện minh cũng không tỏ một chút ái ngại nào cho tình

trạng của nó. Lúc này, giọng điệu của nhà văn là giọng điệu của một “anh thư ký”, ghi chép lại một cách khách quan. Và trong hầu hết các tác phẩm của mình, Nguyễn Công Hoan luôn sử dụng giọng điệu khách quan để kể lại câu chuyện từ đầu đến cuối, từ khi thắt nút đến lúc mở nút. Đôi khi, tác giả cũng bộc lộ cảm xúc của mình, song điều đó chỉ được thể hiện bằng vài câu mờ nhạt không đáng kể. Ở điểm này, Nam Cao cũng tương đồng với Nguyễn Công Hoan. Nhưng, nếu Nguyễn Công Hoan khách quan, dửng dưng thì Nam Cao lại có giọng điệu khách quan đến lạnh lùng trong từng lời kể, trong cách gọi tên nhân vật, trong cách miêu tả tâm trạng. Nếu như Nguyễn Công Hoan gọi nhân vật của mình một cách khách quan như “nó”, như “cô”, “bà ấy”, hay gọi bằng những từ ngữ xưng hô thể hiện tình cảm hơn như “anh”, “chị”... thì Nam Cao lại lạnh lùng gọi các nhân vật của mình bằng những đại từ lạnh lùng: hắn, y, thị, gã, mụ... Các nhân vật của Nam Cao cũng khoác trên mình những cái tên xấu xí, kỳ khôi, chẳng giống ai: Chí Phèo, Thị Nở, Rự, Trạch Văn Đoành... Cuộc đời họ đã buồn lắm rồi, bi kịch lắm rồi, còn mỗi cái tên, Nam Cao cũng lạnh lùng gọi bằng những danh từ mà thoáng nghe người ta cũng sờ sợ. Nam Cao lạnh lùng khi miêu tả chân dung của nhân vật. Những gương mặt xấu xí được vẽ ra qua ngòi bút của ông: khách quan và sắc lạnh. Không hề có một chút cảm thông, không hề có một chút ái ngại, Nam Cao thẳng thừng vẽ ra gương mặt xấu ma chê quỷ hờn của Thị Nở với những chi tiết thiếu “thẩm mỹ”: “cái mặt của thị thật là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nổi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu hai má nó phinh phính thì mặt còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh...”. Nam Cao chẳng hề xót xa khi phải tả một người con gái xấu như Nhi trong

Nửa đêm: “Người nó phục phịch quá, giá có phải lợn bán được đến hơn hai mươi đồng. Bàn chân to và đầy hùm hụp, nhấc được lên kể đã là khó nhọc. Cái mặt thì chỉ thịt rồi lại thịt, nẫn lên những thịt. Hai má phi, cái mũi to mà lỗ thì lại nhỏ gần như đặc, mắt không còn chỗ để phô ra, cái mi mắt đủ đầy như một cái môi, và cái môi thì dầy như... không có cái gì dầy đến thế”. Nam Cao miêu tả nhân vật của mình thật khách quan, thật trần trụi. Thường người ta sẽ nói giảm, nói tránh để nhân vật “bớt xấu” đi nhưng nhà văn lại lạnh lùng miêu tả những cái xấu, khiến chúng cứ lồ lộ trước mặt người đọc. Nhưng nếu xét một cách cặn kẽ thì trước những bức chân dung ấy, người đọc sẽ vừa ghê sợ, vừa thương xót, thông cảm. Đằng sau những lời văn tưởng chừng như không có tình cảm, không hề có một tín hiệu cảm xúc nào ấy ta bắt gặp, cảm nhận được nhiều điều có giá trị. Nén chặt cảm xúc, dửng dưng,

lạnh lùng, phải chăng Nam Cao muốn sự việc mình kể, đối tượng mình tả thật sự là khách quan? Phải chăng, ông muốn giữ cho ngòi bút của mình được tỉnh táo không để cảm xúc làm chệch hướng viết? Dù khách quan đến đâu, lạnh lùng đến đâu, Nam Cao vẫn không thể che giấu tình cảm của mình dành cho những số phận con người đáng thương trong xã hội. Đằng sau cách xưng hô dửng dưng, lạnh lùng; đằng sau những gương mặt xấu xí, những cái tên không ý nghĩa ấy là sự phẫn uất, xót xa. Lạnh lùng, cực đoan trong giọng điệu lời kể bởi thực tế cuộc sống xã hội đương thời vốn lạnh lùng, cực đoan với con người nhất là những số phận con người thấp kém, dưới đáy xã hội. Giọng điệu càng lạnh lùng, Nam Cao càng khơi gợi nhiều hơn từ người đọc sự thông cảm, xót xa. Người đọc thấy xót xa rùng mình về số phận quá thê thảm của những số phận con người bị đè nén, bị bóc lột và bị sỉ nhục hết sức tàn ác, bất công. Nam Cao khách quan tối đa để có thể phản ánh trung thực nhất hiện thực xã hội bế tắc đương thời. con người bị đè nén, bị “tước đoạt” từ diện mạo đến tinh thần; bao nhiêu cái đẹp đẽ, cao quý của con người đều bị xã hội bóp méo. Càng tỏ ra lạnh lùng, Nam Cao càng thể hiện được cái nhìn hiện thực hết sức khách quan và nhân đạo. Thông điệp của nhà văn là: ẩn sau những khuôn mặt “vật lạ”, đằng sau những tên gọi khác người là cái tâm con người, người hơn cả những kẻ mang tên người.

Một phần của tài liệu bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của nguyễn công hoan và nam cao những tương đồng và dị biệt (Trang 105)