CHƯƠNG 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO
2.1.2 cùng những kiếp người tha hóa
Thế giới nhân vật trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đã giúp người đọc cảm nhận được cái không khí ngột ngạt và tù túng, u ám và bế tắc của hiện trạng xã hội lúc bấy giờ. Người nghèo, người đói, người bất đắc chí... nhan nhản khắp nơi. Chính cái hiện thực cuộc sống ấy, chính cái xã hội thực dân nửa phong kiến mục ruỗng ấy đã đưa đẩy biết bao con người phải lâm vào hoàn cảnh bần cùng hóa, tha hóa. Họ sống mà chỉ như sự tồn tại, sống không ra cuộc sống của một con người đúng nghĩa. Vấn đề tha hóa của những số phận con người đã được Nguyễn Công Hoan và Nam Cao phản ánh trong những trang viết của mình bởi nó chính là hệ quả tất yếu của một xã hội bế tắc. Con người sống trong xã hội ấy, trong hoàn cảnh ấy tất yếu sẽ bị tác động, chi phối, dồn đẩy. Đó là điều không chối cãi. Song khi xây dựng nhân vật tha hóa thì mỗi nhà văn mỗi khác bởi nhãn quan nghệ thuật, quan điểm về xã hội, về con người của mỗi nhà văn mỗi khác.
Đối với Nguyễn Công Hoan, con người sống trong hoàn cảnh bế tắc như vậy thì vấn đề tha hóa là tất yếu. Nói cách khác, con người biến chất một cách hoàn toàn, không suy nghĩ, dằn dặt, đắn đo và cũng không quá “bận tâm” về vấn đề ấy. Trong cách xây dựng các nhân vật tha hóa của mình, Nguyễn Công Hoan chỉ chú ý miêu tả quá trình hoạt động của nhân vật để thấy rằng nhân vật ấy đã phải biến chất, trở thành người xấu chứ chưa cho thấy phần “tâm trạng” của những nhân vật bị rơi vào con đường bần cùng hóa đến tha hóa. Vì vậy, giá trị tác phẩm chỉ dừng lại ở mức độ tố cáo, phơi bày, phản ánh mà giá trị nhân đạo chưa được sâu sắc. Tiêu biểu là những truyện ngắn nói về thói ăn cắp, ăn cướp. Nguyễn Công Hoan dựng lên những tình huống, tạo ra những hoàn cảnh bắt buộc khiến con người
không thể là người lương thiện. Cái nghèo khiến người ta bần cùng, không thể ăn uống một cách bình thường mà phải là ăn xin, ăn cắp, ăn cướp. Con người ta khi cái bụng đói thì cần gì lòng tự trọng và cũng chẳng còn biết gì là nhục, là đau. Trong truyện Một bữa no... đòn, Nguyễn Công Hoan khắc họa nhân vật “nó” bần cùng đến độ phải ăn cắp. Xây dựng nhân vật này, Nguyễn Công Hoan không hề chú ý đến tâm trạng, các chi tiết tâm lý mà ông chỉ thuần tả hành động của nhân vật. Và để lý giải cho hành động ấy, Nguyễn Công Hoan cũng chỉ trình bày vỏn vẹn có một câu “Duy chỉ khác với mọi người là chẳng may nó bị tạo hóa ruồng bỏ, cho nên đói khát, phải ăn cắp giấm giúi để nuôi thân”. Tiếp đó, nhà văn chú ý miêu tả rất kỹ hành động của nhân vật: “Nó thu một tay vào bọc, méo mồm, nhăn mặt để gãi quai hàm, sai mắt đi do thám”. Rồi khi đã đắn đo thật lâu, chờ thật lâu thì cuối cùng nó hành động: “Nó liếc mắt xuống, nhằm củ khoai to nhất... Nhất định nó liều. Nó khuỵu cẳng. Ngã phịch. Một củ khoai ở mẹt biến mất.”. Các hành động được mô tả, bằng nhiều câu có cấu trúc ngắn, trong một thời gian ngắn hành vi ăn cắp của nhân vật được bộc lộ. Hệ quả của hành vi ấy là một trận no đòn: “Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân nó (...) Người ta móc mồm nó, gạng họng nó, quào chảy máu cả má nó. Nó cứ cố ghì, nhất định không nhả (...) Người ta ghì chặt lấy nó. Nó oằn oài, cố cứa. Rồi gò miệng vào gần tay, co tay vào gần miệng, nó đưa bật được miếng khoai nát bét, lẫn cả đất cát vào mồm. Phóm phém, nó nhai. Rồi nuốt xong, nó nằm yên lặng nhăn mặt để cho tiêu... trận đòn càng dữ dội”. Các hành động của nhân vật được tác giả chú ý quan sát và mô tả rất chi tiết. Vì thế cũng có thể nói rằng cái đau của nhân vật tha hóa cũng chỉ là cái đau bên ngoài của thể xác. Đau vì đòn. Đó là cái đau diễn ra trong một thời gian ngắn. Khảo sát truyện ngắn khác như Thằng ăn cắp, Thế cho nó chừa ta cũng có những đánh giá tương tự. Có thể nói, vấn đề tha hóa ở các nhân vật của Nguyễn Công Hoan được mô tả trong một tình huống và hành động tha hóa thường chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc.
Khác với Nguyễn Công Hoan vấn đề nhân vật tha hóa của Nam Cao thường được mô tả trong một quá trình, có chiều dài lẫn chiều sâu. Và cái đau của nhân vật bị tha hóa không chỉ là cái đau bên ngoài thể xác mà còn là cái đau ở tinh thần. Cùng một hiện tượng, song hai nhà văn có cách nhìn và cách phản ánh khác nhau. Nguyễn Công Hoan xem vấn đề con người tha hóa là một hiện tượng, là một hệ quả tất yếu của cái xã hội bỉ ổi và nhố nhăng, khi con người bị đẩy vào ngõ cụt sinh tồn thì họ buộc phải từ bỏ lương thiện để có được sự tồn tại. Nhân vật tha hóa của Nam Cao lại khác. Nhà văn nhìn nhận vấn đề tha hóa của con
người không phải bằng con mắt phán xét để phản ánh, tố cáo mà nhìn bằng con mắt thông cảm và sẻ chia. Nhân vật tha hóa của Nam Cao, những nhân vật tha hóa ấy, tự trong sâu thẳm vẫn còn những bản chất tốt đẹp của con người. Họ tha hóa bởi bị hoàn cảnh đẩy đưa song bên trong con người họ vẫn luôn tồn tại cuộc đấu tranh giữa tốt - xấu dẫu khi họ đang đứng chênh vênh ở ranh giới của hai con người: lương thiện và bất nhân. Vì vậy, nếu Nguyễn Công Hoan nghiêng về xây dựng hình tượng nhân vật qua những hành động bên ngoài thì Nam Cao lại xoáy sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật, quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân vật, Nam Cao có một lối miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế. Nhìn hiện thực, khám phá hiện thực cuộc sống không chưa đủ, nhà văn còn muốn phát hiện ra bản chất thực của cuộc sống thông qua lôgic phát triển tính cách trong sự chi phối, tác động của hoàn cảnh cá nhân, xã hội và trong sự đấu tranh giằng xé nội tâm giữa những giá trị tốt đẹp với những cái xấu như là những xung lực trong tính cách, tâm lí con người tha hóa. Và vấn đề con người tha hóa không chỉ là vì nghèo đói mà con người ta có thể dễ dàng buông xuôi, trôi theo hoàn cảnh. Những nhân vật bị đẩy vào con đường tha hóa, hoặc sắp phải rơi vào con đường bế tắc luôn được Nam Cao chú ý miêu tả đến sự giằng xé nội tâm dữ dội. Vấn đề tha hóa không phải của riêng một cá nhân nào mà nó trở thành một hiện tượng phổ biến của một kiếp người. Chạm đến vấn đề tha hóa, Nam Cao đã chạm đến vấn đề số phận của con người trong cái hoàn cảnh tù túng, bế tắc của xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ. Đó là cuộc sống mà cái nghèo, cái khổ bủa vây và vùi dập khiến con người bị méo mó về nhân hình, nhân tính và muốn giữ được nhân cách đôi khi họ phải đấu tranh nội tâm dữ dội và có thể kết thúc bằng cả cái chết.
Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao là một điển hình bất tử. Chí Phèo bắt đầu là một chàng canh điền “hiền lành như đất”, trai trẻ và có ước mơ về một gia đình nho nhỏ có “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả chỉ mua dăm ba sào ruộng làm”. Nhưng cuộc đời của Chí Phèo có thể coi là một sản phẩm của tình trạng áp bức bóc lột ở nông thôn nước ta trước Cách mạng tháng Tám 1945. Chí Phèo là hiện tượng người lao động lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh, tha hóa. Bị Bá Kiến đẩy vào tù, cuộc đời Chí Phèo sang trang u tối, cái nhà tù thực dân đã tiếp tay lũ cường hào thâm độc, đã giết đi cái phần “người” trong Chí Phèo, biến người nông dân lương thiện thành con quỷ dữ. Ở đây, người đọc thấm thía rằng nỗi thống khổ ghê gớm của nhân vật Chí Phèo không phải là không nhà, không cửa, không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích... mà chính là Chí Phèo đã bị xã hội lấy đi khuôn mặt
người trả lại bằng khuôn mặt đầy những vết sẹo quỷ dữ; bị cướp đi linh hồn người, sống kiếp tối tăm của con vật. Đó chính là nỗi thống khổ của cá thể sinh ra là người nhưng lại không được làm người bị xã hội từ chối, xua đuổi. Đến cả Thị Nở, người phụ nữ xấu ma chê quỷ hờn là chỗ dựa, là sợi dây cuối cùng và duy nhất để Chí bám víu vào cũng từ chối hắn. Sự tha thiết mong được thương yêu, được cảm thông, được sống hòa nhập với mọi người và trên hết là được trở về làm người lương thiện đã bị xã hội đương thời dập tắt, cự tuyệt. Do vậy Chí Phèo chết, cái chết thể hiện sự bế tắc nhưng cũng thể hiện cái khát khao mãnh liệt của Chí muốn được trở thành con người lương thiện nhưng không thể. Rõ ràng từ anh Chí lương thiện, hiền lành đến một Chí Phèo quỷ dữ của làng Vũ Đại là cả một quá trình. Quá trình này tiến triển một cách “thuận lợi” vì có sự “tiếp tay” của tên cường hào ác bá Bá Kiến và cái nhà tù thực dân. Song quá trình từ Chí Phèo con quỷ dữ của làng Vũ Đại đến anh Chí khát khao trở thành người lương thiện là một quá trình có sự giằng xé nội tâm sâu sắc. Say và tỉnh, tỉnh rồi say, Chí Phèo “lạc lối” đến nhà Bá Kiến, đâm chết Bá Kiến, rồi tự vẫn với câu nói như xé cả tâm can người đọc: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa”. Nam Cao đặc biệt độc đáo khi để Chí Phèo gào thét bằng câu hỏi, một câu hỏi lớn của cả một kiếp người lầm than trong xã hội đương thời. Vì thế mà nhân vật Chí Phèo trở thành một nhân vật tha hóa điển hình trong văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945. Như vậy, điểm tương đồng của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan ở hình tượng con người tha hóa là cả hai nhà văn đều nhìn vấn đề như một hệ quả tất yếu trong mối quan hệ xã hội - cá nhân của quy luật nhân quả. Cái khác của Nam Cao là ông không dừng lại ở đó mà đã “khơi nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Đó là xây dựng nhân vật trong sự xung lực không chỉ với xã hội, tha nhân mà còn với chính mình. Quá trình đấu tranh vật vả giữa hai con người trong một con người Chí Phèo và kết cục của quá trình đó là một dạng thái hiện thực. Đó là hiện thực tâm lí, hiện thực văn hóa, hiện thực ở bề sâu. Nam Cao đã “sinh hạ” một Chí Phèo “thấy lòng thành trẻ con”, “muốn làm nũng với thị (Thị Nở) như mẹ”, một Chí Phèo “thèm lương thiện” ngay trong chính Chí Phèo quỷ dữ. Đó là đặc sắc bút pháp hiện thực của Nam Cao. Vì thế, Chí Phèo vươn lên mặt bằng của con người xã hội học mà trở thành điển hình văn học, vượt ra ngoài khung xã hội Việt Nam 1930 - 1945 để mang tính nhân loại bất tử.
Một nhân vật khác cần được nói đến nữa là lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Đây không phải là nhân vật tha hóa nhưng cần nói đến ở đây để thấy được cái tài và cái tâm của Nam Cao khi xây dựng nhân vật trong cảnh khốn cùng, cái hoàn cảnh dễ làm
con người sa chân vào cái xấu. Nhân vật lão Hạc được xây dựng chân thật hơn bao giờ hết với hình ảnh của người nông dân nghèo trước cách mạng tháng Tám. Lão Hạc chưa bị đẩy đến bước đường tha hóa như Chí Phèo, song nhân vật đang chênh vênh đứng giữa ranh giới giữa con người lương thiện và con người vô lương. Và để giữ được phẩm chất, nhân cách cao đẹp của mình, để không bị tha hóa như bao con người sống trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, lão Hạc đã chọn cái chết vật vã bằng bả chó. Lão Hạc khác với Chí Phèo vì khi chết lão vẫn chưa bị cái đói nghèo, bần cùng của xã hội làm thay đổi nhân hình, nhân tính. Lão Hạc chết để bảo vệ danh dự, bảo vệ cái phần phẩm giá trong sạch, cái nhân cách tốt đẹp của con người. Lão Hạc tuy “bị sống” trong cái không khí ngột ngạt, tù túng của xã hội thực dân nửa phong kiến trước 1945, song vẫn giữ được tất cả vẻ đẹp của một con người nông dân lương thiện khi hy sinh cả đời mình vì hạnh phúc của đứa con. Lão là người nhân hậu thủy chung, bán con chó mà vẫn ân hận là đã phụ bạc, ốm gần chết mà vẫn lo liệu để khỏi làm phiền đến bà con lối xóm và khi phải đứng giữa lằn ranh tốt - xấu; lương thiện - tha hóa, lão Hạc đã chọn cho mình cái chết để giữ được phẩm cách tốt đẹp vốn có của con người. Vậy là dù cho người nông dân bị tha hóa hay chưa tha hóa thì sống trong xã hội đương thời, con người ta muốn là người lương thiện thì dường như phải chọn cái chết. Nhân vật của Nam Cao luôn phải đối mặt với thử thách. Không vượt qua được thử thách, họ là con người tha hóa; vượt qua được họ sẽ là những con người lương thiện. Cái chết trên vũng máu đỏ tươi của Chí Phèo; cái chết giẫy giụa, quằn quại, đau đớn của lão Hạc là cách cuối cùng để họ được bảo toàn nhân cách nhưng xét đến cùng đó cũng không phải là cách giải thoát. Đó là sự bế tắc. Bế tắc đến tuyệt vọng.
Đến đây thì Nguyễn Công Hoan và Nam Cao lại có một điểm khác nhau nữa khi xây dựng hình tượng nhân vật tha hóa. Đối với các nhà văn hiện thực chủ nghĩa, một tác phẩm “đạt yêu cầu” là một tác phẩm chạm đến những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Họ phải khám phá và phát hiện ra bản chất, quy luật những vấn đề cuộc sống. Một nhà văn hiện thực tài năng là phải thể hiện được một cách sáng tạo những nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực. Ở đây, người viết muốn đề cập đến những nguyên tắc xây dựng những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Tính cách của nhân vật luôn đi đôi, gắn bó mật thiết với yếu tố hoàn cảnh nên việc nghiên cứu, phân tích tính cách của nhân vật sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi ta tách rời nó với hoàn cảnh. Bởi tính cách nhân vật, trong thực tế, không thể phát triển tự thân mà cần có chi phối của một hoàn cảnh nhất định. Trong đời sống thực tế, hoàn cảnh là một khái niệm rộng bao gồm các địa điểm hoạt động cụ thể của con người;
những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa,... của gia đình, xã hội, địa phương, thời đại; là những mối quan hệ cụ thể của một cá nhân với mọi người, với cuộc sống xung quanh. Nhưng khi sáng tác một tác phẩm văn học, nhà văn không phản ánh một cách rập khuôn, máy móc cái hoàn cảnh trong thực tế. Hoàn cảnh trong tác phẩm văn học vừa mang tính khái quát vừa mang tính cá biệt bởi nó cũng chịu sự tác động của quy luật sáng tạo văn học, đồng thời là sáng tạo mang tính nghệ thuật của người nghệ sĩ. Tính khái quát của hoàn cảnh là những vấn đề chung của sự vận động, bản chất, quy luật của đời sống hiện thực. Nhưng