CHƯƠNG 3: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO
3.2 Giọng điệu trần thuật
Trong đời sống hằng ngày, giọng điệu là giọng nói, lời nói thể hiện một thái độ nhất định, Còn đối với lĩnh vực văn học, khi bàn về giọng điệu của tác phẩm nghĩa là đề cập đến thái độ, tình cảm của nhà văn đối với sự vật, hiện tượng được miêu tả mà người đọc có thể
cảm nhận được qua sắc thái biểu cảm của lời văn. Thái độ và tình cảm ấy của nhà văn được biểu lộ trực tiếp hay gián tiếp qua nhiều yếu tố, nhiều phương diện khác nhau của lời văn nghệ thuật. Một giọng điệu riêng sẽ tạo nên một phong cách riêng, mang tính cá thể hóa. Có thể nói, để tạo được một giọng điệu riêng trong sáng tác, các nhà văn phải luôn ý thức tạo một mối quan hệ khắng khít, bền chặt và hữu cơ giữa nội dung và hình thức (nói cái gì và nói như thế nào). Chính nhờ mối quan hệ gắn bó này mà từ giọng nói mới có thể nhận ra người nói, từ giọng điệu mới có thể nhận ra tác giả. Một nhà văn thành công là một nhà văn tạo được cho mình một giọng điệu riêng, rất riêng để người đọc khi tiếp nhận dễ dàng nhận ra tác phẩm ấy là của ai mà không chút do dự hay nhầm lẫn với một tên gọi khác. Văn đích thực là văn phải có giọng điệu. Nguyễn Công Hoan và Nam Cao là hai nhà văn đích thực. Nói thế có nghĩa là Nguyễn Công Hoan và Nam Cao chính là hai nhà văn mà trong các sáng tác của mình, họ đã tạo được những giọng điệu riêng đặc sắc và ấn tượng. Bởi cả hai nhà văn, trong sáng tác của mình, không chỉ có một hay hai giọng điệu mà là tập hợp cả một hệ thống giọng điệu vừa phong phú, đa dạng, vừa độc đáo, ấn tượng. Song, ở giới hạn của đề tài này, người viết không có tham vọng đi tìm hiểu hết tất cả các giọng điệu được biểu hiện trong các tác phẩm của hai nhà văn mà chỉ dừng lại ở việc đối chiếu, so sánh những tương đồng và dị biệt của hai nhà văn, tìm ra nét đặc sắc trong giọng điệu trần thuật của từng nhà văn.
Như trên đã nói, giọng điệu trần thuật của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao là cả một hệ thống phong phú, đa dạng. Tiêu biểu như ở Nguyễn Công Hoan là giọng điệu trào phúng, giọng điệu cười cợt, mỉa mai, giọng điệu lạnh lùng, dửng dưng...; ở Nam Cao là giọng buồn thương, chua chát; dửng dưng, lạnh lùng nhưng đầy thương cảm; hài hước thâm trầm sâu sắc... Trong sự đa dạng, phong phú về giọng điệu ấy, người viết sẽ đi sâu tìm hiểu những nét tương đồng và những điểm dị biệt đặc sắc chủ yếu ở hai sắc thái giọng điệu: giọng điệu hài hước và giọng điệu khách quan lạnh lùng trong các sáng tác của hai nhà văn.