Xuất phát từ tính chất của nghề luật sư là nghề tự do, các luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của khách hàng để nhận thù lao từ khách
hàng, nên sự phát triển về số lượng luật sư trước hết phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội. Do đó, việc phát triển số lượng luật sư phải được thực hiện trong một tổng thể của các giải pháp không chỉ mang tính nghề nghiệp mà còn giải pháp kinh tế, giải pháp mang tính xã hội.
Nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và của mỗi người dân về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội, góp phần tăng tính hấp dẫn của nghề luật sư, thu hút ngày càng đông đội ngũ cử nhân luật mới ra trường tham gia hành nghề luật sư:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về luật sư và hành nghề luật sư; Mở rộng các diễn đàn phù hợp để luật sư tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, người dân, đặc biệt là diễn đàn luật sư - doanh nghiệp để tạo cầu nối và cơ chế dễ dàng tiếp cận với luật sư và dịch vụ pháp lý của luật sư;
Việc đào tạo định hướng nghề nghiệp luật sư cần được thực hiện trong chương trình đào tạo cử nhân luật để sinh viên có kiến thức về nghề luật sư, từ đó hình thành sự quan tâm và nguyện vọng trở thành luật sư;
Cần nghiên cứu thực hiện đào tạo liên thông cử nhân luật hướng nghiệp tư pháp và đào tạo nghề để khơi dậy tính nghề ngay từ khi còn đang học đại học qua đó có thể rút ngắn được thời gian đào tạo nghề luật sư sau này.
Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải xây dựng và duy trì uy tín, danh dự nghề nghiệp; cơ chế pháp lý bảo đảm quyền, nghĩa vụ của luật sư trong hành nghề phải được thực hiện nghiêm chỉnh để người dân và xã hội thực sự tin tưởng vào vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội.
Tiếp tục phát triển thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư từ phía các cơ quan, tổ chức và cá nhân:
Hình thành và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý chất lượng cao phục vụ nhu cầu tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp thương mại của doanh nghiệp, đặc biệt là trong giao dịch thương mại quốc tế.
Cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo nghề luật sư theo hướng tập trung vào kỹ năng hành nghề, kinh nghiệm thực tiễn; kết hợp việc giảng dạy tại trường lớp với việc thực hành nghề nghiệp tại các tổ chức hành nghề luật sư, Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra; có chế độ đãi ngộ xứng đáng để thu hút đội ngũ luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên giỏi tham gia đào tạo nghề luật sư; thường xuyên nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài:
Bộ Tư pháp xây dựng và ban hành Chương trình khung đào tạo nghề luật sư; trên cơ sở Chương trình khung, các cơ sở đào tạo nghề luật sư xây dựng chương trình đào tạo cụ thể của mình. Việc xây dựng chương trình đào tạo nghề luật sư trước hết phải xuất phát từ mục tiêu chính là cung cấp cho học viên những kỹ năng hành nghề cơ bản.
Chương trình đào tạo nghề luật sư phải kết hợp giữa đào tạo về lý thuyết với thực hành nghề nghiệp. Việc đào tạo lý thuyết cũng phải thông qua các tình huống cụ thể để áp dụng pháp luật thực định. Thời gian thực hành nghề nghiệp tại tổ chức hành nghề luật sư, cơ quan tư pháp và cơ quản quản lý nhà nước cần chiếm tỷ lệ hợp lý.
Cải cách phương pháp đào tạo nghề luật sư: thay thế phương pháp diễn giảng độc thoại và nặng về lý thuyết sang phương pháp phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tư duy của học viên, đào tạo tập trung vào kỹ năng hành nghề, kinh nghiệm thực tiễn. Việc đào tạo nghề luật sư nên được thực hiện thông qua những công việc thực tế tại các tổ chức hành nghề luật sư. Theo cách thức này, học viên được phân chia thành các nhóm và được gửi luân phiên đến các tổ chức hành nghề luật sư, cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp để học trực tiếp từ công việc.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua việc trang bị cho đội ngũ giảng viên đào tạo nghề luật sư phương pháp đào tạo mới, theo đó học viên đóng vai trò trung tâm, giảng viên chỉ là người dẫn dắt học viên phát triển ý tưởng và khái quát hóa ý tưởng của học viên trở thành lý thuyết, cần có sự tham gia nhiều hơn của đội ngũ các luật sư kỳ cựu để truyền đạt những kinh nghiệm, những "mảng", "miếng", những kỹ thuật trong hành nghề dựa trên nguyên tắc "đứng trên vai người khổng lồ sẽ cao hơn người khổng lồ".
Nâng cao chất lượng tập sự hành nghề luật sư:
Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tập sự hành nghề luật sư; tăng cường trách nhiệm của Đoàn Luật sư trong việc giám sát người tập sự hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn, tổ chức hành nghề luật sư trong việc tuân theo quy chế tập sự hành nghề luật sư. Tạo điều kiện thuận lợi để người tập sự hành nghề luật sư được trực tiếp tham gia hoạt động nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng hành nghề.
Thường xuyên cập nhất kiến thức pháp luật và bồi dưỡng về kỹ năng hành nghề nói chung, kỹ năng tranh tụng nói riêng, văn hóa ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cho luật sư:
Xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho luật sư phù hợp với từng thời kỳ và tình hình thực tiễn về tổ chức, hoạt động luật sư của khu vực và từng địa phương. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ bắt buộc cho luật sư theo định kỳ.
Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển và sử dụng đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế:
Trước thực tiễn hiện nay trong nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của nước ta phải thuê các công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết, chi phí cho việc thuê công ty luật nước ngoài, luật sư nước ngoài rất cao, trong khi đó, chúng ta lại
không chủ động được về thời gian và nắm bắt diễn biến giải quyết tranh chấp; vấn đề cung cấp và bảo mật thông tin trong một số trường hợp cũng gây nhiều khó khăn cho các bên. Chính vì vậy việc phát triển được đội ngũ luật sư giỏi phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề cấp thiết. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, cần xây dựng chương trình chuyên biệt để đào tạo luật sư chuyên về hội nhập. Chương trình này song song cùng với chương trình đào tạo nghề luật sư. Chương trình chuyên biệt đào tạo luật sư hội nhập phải bảo đảm cho học viên khi tốt nghiệp đáp ứng được các tiêu chí sau: được trang bị kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề về thương mại nói chung và thương mại quốc tế nói riêng và sử dụng thành thạo một ngoại ngữ trong hoạt động hành nghề luật sư.
Thành lập thí điểm cơ sở liên doanh, liên kết với cơ sở đào tạo luật sư nước ngoài để đào tạo luật sư chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế. Sau thời gian thí điểm trong việc liên doanh, liên kết với nước ngoài để đào tạo đội ngũ luật sư hội nhập kinh tế quốc tế thì Chính phủ sẽ đánh giá về hoạt động này, nếu tốt có thể cần có chính sách khuyến khích liên doanh, liên kết để đào tạo luật sư hội nhập kinh tế quốc tế. Tuyển chọn và gửi một số luật sư đáp ứng điều kiện về chuyên môn và khả năng ngoại ngữ đi đào tạo ở nước ngoài. Các luật sư được đào tạo ở nước ngoài sẽ là nòng cốt để phát triển đội ngũ luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Xây dựng chương trình chuẩn quốc gia về đào tạo luật sư chuyên sâu về hội nhập: Đối tượng tham gia có thể là cử nhân luật hoặc luật sư đang hành nghề; Nội dung của khóa học bao gồm kiến thức và kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực thương mại quốc tế và ngoại ngữ, thời gian của khóa học từ hai đến ba năm, trong đó thời gian học trên lớp dự kiến sáu tháng, thời gian còn lại học viên được gửi đến các tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam và nước ngoài được lựa chọn để thực hành nghề nghiệp.