Kinh nghiệm các tổ chức quốc tế và các nước về xóa đói giảm nghèo

Một phần của tài liệu phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến đói nghèo ở huyện khánh vĩnh tỉnh khánh hòa (Trang 28 - 33)

1.3.2.1. Kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế

Đấu tranh chống nghèo đói hiện đang là vấn đề rất cấp bách không chỉ của riêng một vùng hay một quốc gia nào mà còn là của toàn thế giới. Điều này xảy ra vì hai nhu cầu bức thiết chính: Một là, nghèo đói ở từng vùng, từng quốc gia ngày ngày đe dọa đến sự ổn định và an toàn xã hội. Muốn tránh được xung đột xã hội có thể xảy ra, mỗi vùng hay mỗi quốc gia phải quan tâm đến việc giảm nghèo, quá sức chịu đựng của xã hội. Hai là, xu thế toàn cầu hóa đang buộc các quốc gia phải mở rộng tính dân chủ. Khẩu hiệu chung về một xã hội công bằng có trật tự kinh tế và phân phối tiến bộ khiến cho các quốc gia phải có những chính sách, những hành động cụ thể để hội nhập.

Vì vậy, một mặt việc xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của Chính phủ từng nước; mặt khác, các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA), Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP)... Giữ vai trò quan trong giúp các quốc gia giảm bớt gánh nặng nghèo đói.

Biện pháp đầu tiên thường được sử dụng là chu cấp các khoản vay có gắn với các điều kiện giải ngân theo các chương trình xóa đói giảm nghèo. Đây được đánh giá là một biện pháp trực tiếp và có nhiều yếu tố tích cực nếu quá trình tổ chức thực hiện hạn chế được lãng phí và tham nhũng của các quan chức trung gian.

Tiếp theo đó là những nỗ lực của các quốc gia công nghiệp phát triển, Hội nghị thượng đỉnh Rio năm 1992 đã đề ra một công ước chung, theo đó viện trợ phát triển cho các quốc gia nghèo thuộc thế giới thứ ba cần phải chiếm 0,7% tổng sản phẩm xã hội của các quốc gia công nghiệp phát triển với mục tiêu đóng góp vào việc giảm số người nghèo trên thế giới. Tính đến cuối thế kỷ XX, quốc gia dẫn đầu về thực hiện Công ước này là Hà Lan và Thụy Điển, họ chi tới trên 0,8% GDP. Các nước khác như Anh đã chi trong năm 1999 là 0,24%, sang năm 2000 tăng lên 0,31%. Sau đó là Thụy sỹ 0,34%, Pháp 0,33%, riêng Cộng Hòa Liên bang Đức năm 1998 đã chi 0,4% GDP cho viện trợ phát triển, nhưng đến đầu thế kỷ XXI Chính phủ Đức lại giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay còn 0,27%.

Biện pháp tiếp theo là gián tiếp, thường tập trung vào các giải pháp giãn nợ, giảm nợ đối với các quốc gia rơi vào cảnh nghèo đói đến mức mất khả năng trả nợ. Trong số các sự kiện liên quan đến sự việc này, trước hết phải kể đến các Hội nghị thường niên của WB và IMF về xử lý nợ cho các nước nghèo, các câu lạc bộ như Câu lạc bộ Pari, Câu lạc bộ Luân Đôn... Chẳng hạn tại hội nghị ở Washington (tháng 10 năm 1996) đã quyết định giảm ít nhất 5,6 tỉ USD nợ của khoảng 20 nước nghèo nhất trên thế giới, và đến những năm gần đây con số giảm nợ đã tăng lên đến hàng chục tỉ USD.

Các biện pháp thường tập trung vào giải quyết những vấn đề dễ phát sinh lớn, như trong lĩnh vực bảo hiểm, thiết lập một hệ thống can thiệp của các công ty bảo hiểm và nhà nước vào những thiệt hại lớn do thiên tai gây ra... Ngoài ra, còn có các hoạt động của những tổ chức nhân đạo, như Hội chữ thập đỏ quốc tế, UNICEF... cũng thường tổ chức các hỗ trợ nhân đạo, tiêm chủng mở rộng, cung cấp nước sạch, tóm lại là hướng vào các hoạt động hỗ trợ người nghèo, lấy người nghèo đói làm trung tâm, đối tượng để triển khai các dự án hỗ trợ và giúp đỡ.

Tuy vậy trên thực tế, hiệu quả đích thực của các biện pháp mà các nước giàu, cũng như các tổ chức quốc tế đưa ra để giúp đỡ các nước nghèo thường rất hạn chế và rất không cơ bản. Chẳng hạn các biện pháp đầu tư phát triển và hỗ trợ thương mại cho các nước nghèo rốt cuộc thường làm cho các nước nghèo chịu nhiều thua thiệt “các luật chơi” của thị trường thế giới. Theo BBC (Kênh truyền hình BBC có trụ sở chính tại Anh) ngày 20/5/2001, một báo cáo do Oxfam đưa ra cho thấy, những biện pháp hạn chế về thương mại mà các nước giàu áp dụng đã làm cho các nước nghèo nhất thế giới thiệt hại một khoản thu ngoại tệ lớn là 2.5 tỷ USD/năm. Ví dụ, ở Bangladesh, cứ 1

USD nhận được từ viện trợ của Mỹ thì trên thực tế lại bị thiệt hại 7 USD do những hạn chế thương mại mà Mỹ áp đặt và còn bị thiệt hại gấp 5 lần như thế nếu so với 1 USD viện trợ nhận được từ Canada.

Có thể nói rằng, thời gian qua các nước công nghiệp phát triển nhất chỉ đưa ra những lời hứa hão với các nước nghèo của thế giới thứ ba về viện trợ, giảm nợ và thương mại. Lời nói còn cách quá xa so với việc làm cụ thể. Khoảng 11% hàng hóa xuất khẩu của các nước nghèo (LDC) phải chịu mức thuế quan trên 15%, cao gấp 3 lần thuế quan đánh vào hàng hóa cùng loại nhập từ các nước khác. Các nước công nghiệp thuộc tổ chức hợp tác và phát triển (OECD) hứa tăng hỗ trợ phát triển cho các nước LDC lên 0,2 %GDP của họ. Nhưng kể từ đó cho đến nay, OECD đã giảm 3,5 tỷ USD và mức viện trợ bình quân đầu người của họ đã giảm. Trong khi đó họ lại trợ giá nông sản (thường là mặt hàng xuất khẩu chủ lực các nước nghèo) trong nước lên tới 1 tỷ USD/ngày, tương đương với tổng GDP của tất cả các nước LDC.

1.3.2.2. Kinh nghiệm giảm nghèo một số nước: Trung Quốc

Trung Quốc là một quốc gia rất thành công trong việc xóa đói giảm nghèo, từ những năm sau cuộc cải cách 1978, Trung Quốc đã giảm tỷ lệ nghèo một cách ngoạn mục thông qua những chính sách cải cách đặc biệt và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Theo chuẩn nghèo của quốc gia thì số người nghèo đã giảm từ 200 triệu vào năm 1981 xuống còn 28 triệu vào năm 2002. Mặt khác, dùng chuẩn nghèo theo thu nhập 1 USD/ngày của Ngân hàng thế giới, số người nghèo đã giảm từ khoảng 490 triệu người xuống còn 88 triệu người trong cùng giai đoạn. Tỷ lệ nghèo đã giảm từ 49% năm 1981 xuống còn 6,9% năm 2002.

Trung Quốc đã đạt được thành quả giảm nghèo thần tốc như vậy chủ yếu là nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. GDP thực tăng trung bình 9,4% trong giai đoạn 1979-2003. Sự tăng trưởng nhanh này là kết quả của những cải cách liên tục và sự thay đổi cơ cấu chuyển từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, từ nông nghiệp sang dịch vụ, mở cửa thương mại quốc tế và trao đổi công nghệ. Nghèo đói ở Trung Quốc là hiện tượng ở nông thôn, do sự di cư từ nông thôn ra thành thị bị hạn chế nên việc phát triển nông thôn là yếu tố quan trọng nhất để giảm nghèo. Trung Quốc đã tập trung cải cách về thể chế ở nông thôn như việc sở hữu đất, sản xuất và giá thu mua vì thế tỷ lệ nghèo ở Trung Quốc giảm một nữa từ 49% xuống còn 24% theo chuẩn 1

USD/ngày, số người nghèo ở nông thôn năm 1978 là 250 triệu người giảm xuống còn 125 triệu người vào năm 1985.

Điểm đáng chú ý là vào năm 1994, Chính phủ Trung Quốc ban hành “Chương trình 8-7” (Chương trình giảm nghèo quốc gia) với mục tiêu đem phần lớn của 80 triệu người nghèo còn lại lên trên đường nghèo của Chính phủ trong 7 năm từ 1994-2000. Thực chất chương trình 8-7 nhằm vào các khu vực nghèo, nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với hiệu quả giảm nghèo trong quyền hạn của họ. Chương trình này có những mục tiêu chính: trợ giúp những hộ gia đình nghèo tận dụng đất đai, cho vay để tăng vụ và sản xuất chăn nuôi và kiếm việc làm phi nông nghiệp; cung cấp cơ sở hạ tầng như đường, điện cho các quận huyện và nước sạch cho đa số các làng xã nghèo; hoàn thành giáo dục cơ sở và chăm sóc sức khỏe. Từ năm 1997, quỹ dành cho xóa đói giảm nghèo tăng vọt đến 50%.

Chương trình 8-7 đã tác động lớn đến việc giảm nghèo ở Trung Quốc, đóng góp cho sự phát triển cả về kinh tế và xã hội của các khu vực nghèo ở Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp ở những vùng này là 7,5% so với tốc độ trung bình cả nước là 7%, thu nhập ròng hộ gia định bình quân tăng 12,8% cao hơn so với trung bình cả Chương trình này.

Từ kế hoạch 8-7, chính phủ Trung Quốc đã phát động một Chương trình giảm nghèo nông thôn thế kỷ mới cho giai đoạn 2011-2010. Bên cạnh những khu vực nghèo trước đây, sẽ có thêm 500.000 làng nghèo được đưa vào chương trình, chương trình nghèo mới đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của người dân vào các chương trình giảm nghèo, hơn nữa bệnh tật cũng được xem như là một yếu tố gây nghèo ở nông thôn vì vậy chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chương trình chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội ở nông thôn. Trung Quốc đạt được thành tựu giảm nghèo như trên là do những cải cách đúng đắn và sự phát triển mạnh của khu vực nông thôn, thực trạng những khu vực nghèo của Việt Nam cũng khá tương đồng với những khu vực nghèo của Trung Quốc, việc trợ giúp những hộ gia đình nghèo để tận dụng đất đai, cho vay để tăng vụ sản xuất chăn nuôi, kiếm việc là phi nông nghiệp, cung cấp cơ sở hạ tầng như điện, đường, nước sạch cho các xã nghèo và hoàn thành giáo dục, chăm sóc sức khỏe là điều đáng để Việt Nam học tập.

Hàn Quốc

Hàn Quốc là nước tiêu biểu cho chính sách phát triển kinh tế bứt lên trước, xử lý nghèo đói sau và đã có những thành công nhất định.

Trước những năm 60, Hàn Quốc có xuất phát điểm là rất nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, vốn và công nghệ khi thực hiện chính sách và chiến lược phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu. Các chính sách phát triển ấy đã hứa hẹn rằng nghèo đói sẽ được loại bỏ trong quá trình tăng trưởng GDP. Kết quả là Hàn Quốc đã đạt được tăng trưởng cao kỷ lục khoảng 9%/năm trong suốt thời kỳ 1962-1988 và nếu căn cứ vào chuẩn nghèo tuyệt đối của năm 1988 được áp dụng cho các hộ nông dân là 5.525 USD/năm/hộ thì tỷ số hộ nghèo đói năm đó đã giảm xuống còn 6,5% so với 33,7% năm 1967.

Thế nhưng do phát triển kinh tế quá nhanh nên bức tranh nghèo đói tương đối lại hoàn toàn khác, chuẩn nghèo đói tương đối áp dụng cho các hộ nông dân năm 1988 ở Hàn Quốc là 7.324 USD/năm/hộ. Tỷ lệ nghèo đói tương đối trong nông thôn tính cho năm 1988 là 17,9% với 31,6% năm 1970. Điều đó chứng tỏ tăng trưởng kinh tế thực sự đã làm giảm tỷ lệ số hộ thuộc diện nghèo đói ở nông thôn. Tuy vậy, chuẩn nghèo ở Hàn Quốc lại phân biệt khá rõ giữa các vùng thành phố lớn, thành phố vừa và nhỏ và vùng nông thôn. Chuẩn nghèo ở vùng nông thôn chỉ bằng 80% chuẩn nghèo ở thành phố lớn và bằng 90% chuẩn nghèo ở thành phố vừa và nhỏ. Nhìn chung, tỷ lệ các hộ nghèo tương đối vùng nông thôn tuy có giảm những vẫn còn chậm hơn so với tỷ lệ số hộ nghèo tuyệt đối, hố ngăn cách giàu nghèo có dãn ra nhanh chóng nhưng nhìn chung cho năm 1993 thì hệ số Gini vẫn không quá lớn, chỉ khoảng trên 0,31.

Trong những năm 90, Hàn Quốc đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong công tác giảm nghèo, tỷ lệ nghèo đói ở thành thị đã giảm trung bình xuống còn 20% một năm trong giai đoạn 1990-1997 và không có sự gia tăng bất bình đẳng. Nhưng khi khủng hoảng nổ ra thì thất nghiệp và nghèo đói đã tăng lên nhanh chóng. Diện nghèo đói ở khu vực thành thị đã tăng gấp đôi từ 9% năm 1997 lên đến 19,2% năm 1998. Thất nghiệp tăng từ 2,6% trong quý II năm 1997 lên tới đỉnh điểm là 8,7% vào đầu năm 1999. Mức lương thực tế giảm 20,7%, chính sách tài khóa mở rộng năm 1998 và 1999 đóng vai trò thiết yếu để ngăn chặn suy thoái kinh tế. Chi tiêu cho bảo trợ xã hội đã tăng ba lần từ 0,6% năm 1997 lên 2,0% năm 1999. Chính phủ đã sử dụng công cụ bảo trợ xã hội chính để giúp đỡ người thất nghiệp, người nghèo và người già đó là: mở rộng chương trình bảo hiểm thất nghiệp, tạo ra thêm việc làm công cộng và ban hành chương trình bảo đảm nguồn sống. Tính đến cuối năm 2001, tỷ lệ nghèo ở Hàn Quốc chỉ có 4% và GDP bình quân đầu người là 19.400 USD. Việt Nam có thể học hỏi để

vận dụng cho phù hợp với bối cảnh của kinh tế xã hội của nước ta như giúp đỡ những người thất nghiệp, người già và những người nghèo.

Bangladesh

Là một nước nông nghiệp, dân số khoảng 120 triệu, trên 80% sinh sống tại nông thôn và bằng nghề nông, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 120-150 USD năm 1999, trên 50% số hộ nông dân có ruộng, cuộc sống của phần lớn trong số họ nằm dưới mức nghèo khổ. Nhưng từ khi xuất hiện hình thức cấp tín dụng cho người nghèo của Grameen Bank (năm 1976), mà người đặt nền móng là giáo sư Yunus trường Đại học Chittagong, người nghèo ở Bangladesh đã được hưởng một sự giúp đỡ thật sự hiệu quả.

Thống kê đến tháng 10 năm 2003, hai mươi năm sau ngày chính thức thành lập, Grameen Bank đã có 3,02 triệu người đến vay, trong đó 95% là phụ nữ. Tổng số khoản nợ còn lưu hành là 262,71 triệu USD, tổng số cho vay tính từ ngày thành lập là 4,12 tỷ USD trong đó có 3,73 tỷ USD đã được hoàn trả lại. Grameen Bank cho vay theo nhóm mà không phải thế chấp và áp dụng nhiều lãi suất khác nhau tuy theo mục đích vay và đối tượng. Làm như thế, ngân hàng này đã dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là tín nhiệm nhau và liên đới chịu trách nhiệm tập thể giữa các người nghèo. Đồng thời, Grameen Bank cũng chứng minh được rằng người nghèo có khả năng chi trả và vì tín dụng cùng có hiệu quả ở hai phía người đi vay và người cho vay.

Nhận xét chung của những người nghiên cứu ngân hàng này là nó rất kiên trì mục tiêu phục vụ người nghèo và khai thác triệt để những đặc điểm của người nghèo, khơi dậy mặt tích cực của họ. Nhờ đó số hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bằng các khoản vay nhỏ từ Grameen Bank đang tăng lên ngày một nhiều.

Điều này cho thấy một trong những nhân tố nhằm giảm nghèo của Bangladesh mà Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng cần học hỏi đó là việc cấp tín dụng cho người nghèo để có những vốn liếng nhất định phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông thường tại Việt Nam, những hộ nghèo không có tài sản nên không thể thế chấp từ các tổ chức tín dụng, nên sử dụng chính sách tín dụng này đối với người nghèo cũng là giải pháp hay cần học tập.

Một phần của tài liệu phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến đói nghèo ở huyện khánh vĩnh tỉnh khánh hòa (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)