Các giải pháp cải tiến nội dung chuyên mục

Một phần của tài liệu Chuyên mục Dành cho báo chí trên website của doanh nghiệp (Trang 86 - 90)

Để cải tiến nội dung chuyên mục, qua quá trình khảo sát tác giả đã rút ra một vài tiêu chí cải tiến nội dung như sau:

Thứ nhất, những người làm truyền thông doanh nghiệp nên cung cấp thông tin liên hệ (bao gồm tên, số điện thoại cá nhân, địa chỉ email và lĩnh vực phụ trách) một cách công khai trên chuyên mục "Dành cho báo chí" trên website của doanh nghiệp. Các nhà báo cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy thông tin mà họ cần biết bằng cách liên hệ trực tiếp với người đã cung cấp thông tin lên website. Đó chính là cách làm việc của nhà báo. Nếu như họ không thể liên lạc được với nhân viên quan hệ công chúng của doanh nghiệp, vấn đề đó có thể bị nhà báo lãng quên hoặc họ tìm cách khai thác thông tin ở những doanh nghiệp khác.

Thứ hai, doanh nghiệp cũng nên cung cấp thông tin về tiểu sử của doanh nghiệp (bao gồm lịch sử phát triển, các đời lãnh đạo, sứ mệnh, địa chỉ...). Đó là những thông tin nền mà phần lớn nhà báo đều cần biết và nó có

giá trị trong bài viết của họ. Nếu được, doanh nghiệp có thể cung cấp thêm logo, biểu tượng của doanh nghiệp (ở dạng tải xuống được) để nhà báo có thể sử dụng trong các bài viết của mình. Những thông tin này sẽ có tác dụng quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp rất tốt trong bài viết của nhà báo.

Thứ ba, các thông tin định vị giá trị và hình ảnh của doanh nghiệp là cần thiết để nhà báo đánh giá về doanh nghiệp. Ví dụ như các video hoặc các bài viết mà báo chí đã viết về doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp tự sản xuất...sẽ giúp cho các nhà báo hiểu và có cái nhìn tổng quát về doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã từng được nhiều nhà báo quan tâm và đã xuất bản những ấn phẩm thì điều đó có thể góp phần khích lệ những nhà báo truy cập vào sau có thêm sự tò mò và cảm hứng viết bài về doanh nghiệp. Nếu như website của doanh nghiệp không đủ băng thông để cho phép tải nhanh các đoạn video thì giải pháp cho doanh nghiệp là tải đoạn video lên các mạng xã hội như Vimeo, Youtube...sau đó nhung đường dẫn về website của mình.

Thứ tư, chuyên mục nên tạo một danh sách các thông cáo báo chí, các bài viết về các sự kiện đã diễn ra trong thời gian gần đây. Tốt hơn nữa là phân ra các sự kiện theo từng tháng để giúp nhà báo nhanh chóng tìm thấy các thông tin họ cần, thậm chí là lục lại các bài viết, thông cáo báo chí đã diễn ra trước đây. Một trong những ưu điểm của chuyên mục "Dành cho báo chí" trên website của doanh nghiệp chính là khả năng lưu trữ và tạo thành một thư viện trực tuyến về những gì doanh nghiệp đã làm được, đạt được. Nhà báo thích những thư viện trực tuyến vì họ có thể khai thác thông tin bất cứ lúc nào mà không phải di chuyển hay nhờ vả đến ai đó.

Thứ năm, chuyên mục "Dành cho báo chí" trên website của doanh nghiệp nên cập nhật các nội dung đa phương tiện để làm phong phú thêm nguồn thông tin. So với các hình thức truyền thông khác (thư, email, điện thoại...) thì website có một ưu thế là khả năng lưu trữ, hiển thị các thông tin

đa phương tiện một cách hữu dụng và tiện ích hơn. Những kho ảnh, video, âm thanh trên chuyên mục chắc chắn sẽ hấp dẫn giới báo chí và thu hút họ ghé thăm chuyên mục thường xuyên hơn. Đây cũng là kiến nghị của chị Nguyễn (Phóng viên Báo điện tử Infonet.vn – Bộ Thông tin và Truyền thông) khi được hỏi về những kiến nghị của chị đối với chuyên mục “Dành cho báo chí” trên website của doanh nghiệp Việt Nam với tư cách là một nhà báo thường xuyên truy cập vào chuyên mục. Chị Nguyễn Lê nói thêm: “Nếu có kiến nghị thì tôi mong rằng các doanh nghiệp nên cập nhật các thông tin càng cụ thể càng tốt thay vì chỉ giới thiệu chung chung về công ty, về tập đoàn, về lãnh đạo…”. Chị Phạm Phương Thảo – Biên tập viên của trang báo điện tử news.zing.vn cũng cho rằng: “cung cấp nhiều hơn các yếu tố về đồ hình, đồ họa, ảnh, video…để làm phong phú hơn nguồn tin và chúng tôi để thể sử dụng như một tư liệu chính thống do doanh nghiệp cung cấp…”. Mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với các thông tin đa phương tiện trên chuyên mục “Dành cho báo chí”, anh Nguyễn Trọng Huy (Biên tập viên mảng quảng cáo doanh nghiệp VOV3) – một người thường xuyên phải tiếp xúc với các thông tin doanh nghiệp cũng cho rằng: “Các chuyên mục có sự tổng hợp đa phương tiện: file ghi âm, hình ảnh, TVC, và nếu được sẽ còn có các bài phỏng vấn trực tiếp, ghi hình…”. Từ những ý kiến của những nhà báo được phỏng vấn, có thể đề xuất các chuyên mục “Dành cho báo chí” nên cải tiến nội dung thông tin phong phú hơn về cả hình thức lẫn nội dung để khoảng cách giữa thông tin trên mạng chuyên mục và thông tin được truyền tải qua các phương tiện khác (truyền hình, thông cáo báo chí…) không có quá nhiều sự khác biệt.

Góp ý thêm về việc cải tiến nội dung chuyên mục, những phóng viên, nhà báo – người thường xuyên tiếp xúc và trải nghiệm chuyên mục “Dành cho báo chí” trên website của doanh nghiệp đã có những kiến nghị nhằm nâng cao nội dung của chuyên mục. Chị Phan Lệ Hằng (Phóng viên Truyền hình

Thông Tấn Xã Việt Nam) cho rằng: Muốn chuyên mục này trở nên hấp dẫn hơn với các nhà báo và phát huy hết năng lực, tác dụng của nó thì những người quản trị cần phải cập nhật thông tin trên trang một cách nhanh chóng hơn nữa. Chị Hằng cũng nói thêm rằng: “Hiện nay việc liên lạc giữa nhà báo và nhân viên quan hệ công chúng rất đơn giản, nếu như website không cải tổ cách thức cập nhật thông tin thì thông tin trên trang sẽ trở nên cũ kĩ và trở thành những thông tin không hữu ích. Bạn biết đấy “Không có gì cũ hơn một tờ báo cũ” mà…”. Ngoài ra, theo chị Hằng, các nhân viên quan hệ công chúng cũng không xóa bỏ các thông cáo báo chí cũ bởi các thông cáo báo chí cũ cũng có tác dụng đối với nhà báo khi họ muốn tìm kiếm và lấy thông tin về những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Ngoài ra, chuyên mục sẽ tốt hơn nếu cải thiện được các yếu tố như: Chuyên mục sẽ hiệu quả hơn nếu các nhân viên quan hệ công chúng không đăng tải thông tin ở dạng tải xuống được mà đăng tải thông cáo báo chí như một văn bản trên trang web, bên cạnh đó cung cấp một bản tải xuống được dạng PDF để khi nhà báo cần có thể tải xuống. Tránh trường hợp, nhà báo muốn xem qua nội dung thông cáo báo chí, họ buộc phải tải văn bản xuống, gây mất thời gian và họ cũng e ngại vi-rút.

Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin liên hệ của các nhân viên quan hệ công chúng một cách công khai và rõ ràng đã được các nhà báo đánh giá rất cao vì nó giúp họ tiết kiệm thời gian tìm kiếm và thắt chặt hơn mối quan hệ cũng như mở rộng mối quan hệ với nhân viên quan hệ công chúng.

Cuối cùng, chuyên mục nên tăng cường thêm các bài phỏng vấn trực tiếp, ghi hình trên chuyên mục để tăng tính chính xác, tăng độ uy tín của thương hiệu là một trong những ý kiến của phóng viên Trọng Huy (BTV mảng Quảng cáo doanh nghiệp VOV3).

Trên đây là những kiến nghị, đề xuất của tác giả sau khi trải qua quá trình quan sát, khảo sát, khái quát và thu thập ý kiến phỏng vấn từ các nhà báo về việc nâng cao chất lượng chuyên mục. Hy vọng những đóng góp về cải thiện nội dung chuyên mục kể trên có thể giúp chuyên mục “Dành cho báo chí” trên website của doanh nghiệp Việt Nam đa dạng và đáp ứng được nhu cầu của nhà báo hơn.

Một phần của tài liệu Chuyên mục Dành cho báo chí trên website của doanh nghiệp (Trang 86 - 90)