Giải pháp vi mô

Một phần của tài liệu Hoạt động thu hút khách du lịch Hàn Quốc tại thị trường du lich Hà Nội (Trang 94 - 105)

1. Tổng doanh thu Triệu

3.2.2. Giải pháp vi mô

Kết quả điều tra doanh nghiệp lữ hành có hoạt động khai thác khách du lịch Hàn Quốc đều cho thấy những khó khăn doanh nghiệp thường gặp phải trong quá trình tổ chức tour cho khách du lịch Hàn Quốc như: Chưa có đủ thông tin về khách; Chưa xây dựng được sản phẩm theo thị hiếu khách; Chưa có hướng dẫn viên giỏi tiếng Hàn,... Hầu hết các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào đối tác trong việc tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình du lịch, chưa tìm được biện pháp tiếp cận trực tiếp đến khách Hàn,… Chính vì vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp du lịch Hà Nội cần chủ động hơn nữa tìm kiếm thông tin của khách hàng, phát triển sản phẩm du lịch cho từng đoạn thị trường mục tiêu theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển các kênh phân phối, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến,…

3.2.2.1. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm

Như đã phân tích, một trong những điểm yếu của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là chính sách phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề sản phẩm đối với mỗi một thị trường mang sắc thái khác nhau. Tương ứng với mỗi đoạn thị trường cần có những sản phẩm mang tính chủ lực và những sản phẩm phụ trợ nhằm đa dạng hoá các sản phẩm cho từng thị trường.

"Một nguyên nhân khiến khách ít muốn quay lại Việt Nam vì các bạn không có sản phẩm du lịch mới" - ông Lee Sang Kun trưởng đại diện Hãng hàng không Korean Air (Hàn Quốc) tại Hà Nội nhận xét.

Kết quả nghiên cứu ở Chương 2 cho thấy khách du lịch Hàn Quốc sang Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ở độ tuổi từ 40 - 49 chiếm ưu thế

nhất, tiếp theo là khách ở độ tuổi 18 - 29; 30 - 39; 50 - 59, đối tượng khách ở các độ tuổi khác (dưới 18 tuổi; trên 60 tuổi) chiếm tỷ trọng không đáng kể. Tính đa dạng trong cơ cấu khách du lịch đòi hỏi các doanh nghiệp cần bổ sung thêm một số dịch vụ, những hoạt động thay thế để phù hợp hơn với từng đoạn thị trường. Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội nên tập trung phát triển một số sản phẩm mới có tính hấp dẫn và chuyên sâu cao hơn cho từng đoạn thị trường mục tiêu. Ví dụ như: khách trẻ tuổi tập trung phát triển các chương trình du lịch thăm quan các di tích lịch sử văn hóa, làm quen với cộng đồng và văn hóa ẩm thực, tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí,..; Khách là người trung niên, đi theo công ty hoặc đối tượng doanh nhân kết hợp trong chương trình du lịch có thăm quan các khu công nghiệp đã và đang phát triển; Khách là người cao tuổi tập trung phát triển các chương trình thăm quan cảnh quan thiên nhiên, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, các chương trình đến các làng nghề thủ công mỹ nghệ, các điểm mua sắm, …

Việc xây dựng khảo sát chương trình du lịch cần có sự tham gia cố vấn của đối tác Hàn Quốc, vì thực tế cho thấy những chương trình du lịch, những điểm dịch vụ mà phía công ty du lịch Việt Nam cung cấp không có sự đồng thuận từ phía công ty Hàn Quốc rất khó có thể triển khai được.

Ngoài việc xây dựng sản phẩm cho từng đoạn thị trường, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua những biện pháp mang tính đồng bộ và kịp thời. Các doanh nghiệp cần hoàn thiện quy trình nghiệp vụ trong các khâu kinh doanh, chủ yếu là marketing và điều hành. Với việc áp dụng công nghệ thông tin, tốc độ xử lý và khả năng lưu giữ thông tin được cải thiện cơ bản tuy nhiên cũng cần chú ý đề phòng những sai sót có thể xẩy ra.

Chất lượng các chương trình du lịch cũng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dịch vụ của những nhà cung cấp. Nhưng các dịch vụ này nằm

ngoài phạm vi tác động trực tiếp của doanh nghiệp lữ hành. Các doanh nghiệp lữ hành nên đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng của mình cho các dịch vụ có trong chương trình. Các tiêu chuẩn này phụ thuộc vào đối tượng khách phục vụ và chủng loại dịch vụ đó là gì. Các hoạt động kiểm tra, kiểm định nhà cung cấp phải tiến hành theo một trình tự nhất định, nhằm đem đến cho khách chất lượng dịch vụ cung cấp tốt nhất.

3.2.2.2. Phát triển hệ thống các kênh phân phối sản phẩm

Trước hết, bản thân các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cần xây dựng và phát triển các mối quan hệ bền chặt đối với các doanh nghiệp lữ hành gửi khách du lịch Hàn Quốc. Mối quan hệ này không chỉ đơn thuần là giữa các đối tác kinh doanh mà phải được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ giữa các cá nhân trực tiếp tham gia vào marketing và điều hành chương trình. Các cán bộ điều hành của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cần phải biết rõ mình đang làm việc với cán bộ điều hành nào của các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và các cán bộ marketing cũng phải như vậy.

Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội nên thực hiện các chương trình quảng cáo phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành gửi khách du lịch Hàn Quốc. Mặc dù đây là một hoạt động đòi hỏi có chi phí lớn, nhưng việc phối hợp quảng cáo trên thị trường cho thấy thiện chí của các doanh nghiệp lữ hành nhận khách Hà Nội. Hoạt động này góp phần gắn kết lợi ích của cả các bên, qua đó tên tuổi của doanh nghiệp lữ hành Hà Nội gắn với thương hiệu của các doanh nghiệp lữ hành gửi khách Hàn Quốc là cơ hội tốt để tiếp cận thị trường.

Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội nên chủ động thành lập các liên minh với các doanh nghiệp lữ hành gửi khách Hàn Quốc với nhiều hình thức hợp tác gắn bó và phong phú hơn. Tăng cường ký kết hợp đồng ngắn và dài hạn với các hãng lữ hành gửi khách lớn tại

Hàn Quốc trên cơ sở hợp tác nhằm xây dựng một cơ chế phân chia lợi ích hợp lý hướng tới những mục tiêu dài hạn. Chỉ có như vậy mới tạo ra được mối quan hệ tỷ lệ thuận lợi ích giữa các doanh nghiệp lữ hành gửi khách và các doanh nghiệp lữ hành nhận khách Hà Nội.

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau trong vấn đề liên doanh lữ hành với Hàn Quốc, nhưng liên doanh là một con đường nhanh nhất giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường và phát triển nguồn nhân lực. Hiệu quả của liên doanh trước hết phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên doanh chứ không phải là bản chất của hình thức liên doanh gây những tác động không tốt tới hoạt động lữ hành du lịch. Phát triển hình thức liên doanh cũng sẽ góp phần làm giảm bớt các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư “chui” (núp bóng dưới các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam) vào Việt Nam.

Một điều không thể phủ nhận là Internet đã tác động rất lớn tới phương thức kinh doanh lữ hành. Đặc biệt với quốc gia có số lượng người sử dụng Internet nhiều như Hàn Quốc (chiếm 72% dân số) thì việc bán tour qua Internet được coi là một kênh bán hữu hiệu. Tuy nhiên hiện nay có quá ít doanh nghiệp lữ hành Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng bán hàng qua mạng, và đặc biệt thiếu các trang web giới thiệu du lịch Hà Nội bằng tiếng Hàn Quốc. Các doanh nghiệp nên chủ động có một chiến lược dài hạn hơn trong việc đầu tư vào xây dựng các trang Web bằng tiếng Hàn Quốc, phải thực sự làm cho các trang Web này trở nên sống động hơn với thông tin được thường xuyên cập nhật. Xây dựng các hệ thống online đối thoại trực tiếp với khách hàng. Tiếp tục cung cấp các dịch vụ gia tăng trên trang Web như tư vấn, cung cấp thông tin, tìm kiếm đối tác. Trang Web không chỉ là kênh bán hàng mà còn là phương tiện quảng cáo khuyếch trương hữu hiệu nhất.

3.2.2.3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

Tăng cường đầu tư cho đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực, trình độ cho nguồn nhân lực làm công tác lữ hành từ quản lý, marketing, kinh doanh tour đến điều hành, hướng dẫn viên. Trang bị cho họ một cách bài bản nhất những kiến thức về hội nhập, giỏi về ngoại ngữ, tin học văn phòng, nghiệp vụ du lịch, am hiểu thị trường, luật pháp quốc tế,... Điều đặc biệt quan trọng là phải xây dựng chế độ đãi ngộ, cơ chế và điều kiện làm việc thoả đáng để hạn chế nguy cơ “chảy máu chất xám” sang các công ty lữ hành nước ngoài,...

Đối với đội ngũ nhân viên marketing chú trọng đào tạo các kỹ năng nghiên cứu thị trường và bán tour để có thể xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược và kế hoạch marketing của doanh nghiệp trong việc thu hút khách du lịch Hàn Quốc. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch về trình độ ngoại ngữ , kiến thức và kỹ năng cần có để thỏa mãn sở thích tiêu dùng của khách du lịch Hàn Quốc, những yêu cầu của khách du lịch Hàn Quốc trong quá trình thực hiện tour,... Bên cạnh đó, đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ quản lý và điều hành tour cho các lãnh đạo doanh nghiệp.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phải gắn chặt với mục tiêu chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp theo nội dung chủ yếu sau: Xác định nhu cầu đào tạo, lựa chọn nhân sự để đào tạo, phương pháp và hình thức đào tạo... Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ nhân viên nhiệt huyết với công việc, giỏi chuyên môn để có thể tích cực tham gia khảo sát, khám phá mở tour tuyến mới, tạo ra tính cạnh tranh trong sản phẩm của doanh nghiệp. Đây là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với mỗi doanh nghiệp lữ hành trong việc muốn duy trì sự ổn định chất lượng sản phẩm du lịch cung cấp cho khách du lịch Hàn Quốc.

3.2.2.4. Nâng cao hiệu quả của các hoạt động xúc tiến chương trình du lịch

Để củng cố thương hiệu và uy tín của mình trên thị trường khách du lịch Hàn Quốc, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm quảng cáo, tích cực sử dụng các loại sản phẩm mới như CD - ROM, DVD. Những phương tiện quảng cáo này không chỉ có chi phí tương đối thấp so với các sản phẩm quảng cáo in ấn truyền thống mà còn có khả năng lưu trữ và truyền tải thông tin lớn, dễ cập nhật. Tất nhiên là các sản phẩm in ấn truyền thống vẫn có những ưu thế nhất định (đặc biệt là đối với khách du lịch), do vậy cần có một sự kết hợp tối ưu giữa các phương tiện và sản phẩm quảng cáo. (Xem phụ lục 7)

Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội cần nhìn nhận chính xác hơn về vai trò của giá trong các chính sách marketing của mình. Các doanh nghiệp nên có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà cung cấp dịch vụ để tổ chức những chương trình khuyến mại mang tính chất toàn diện để có được những sản phẩm thực sự hấp dẫn về giá. Tuy nhiên cần phải hết sức hạn chế khả năng lây nhiễm của “các chương trình du lịch có chi phí bằng không”

trên thị trường Hàn Quốc vì nó có khả năng phá huỷ hệ thống sản phẩm và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội. Tuyệt đối cần phải tránh hình ảnh trùng lặp giá thấp tương ứng với chất lượng thấp thường gặp trong kinh doanh lữ hành thời gian gần đây.

Một hoạt động khác cần phải được hoàn thiện là nâng cao hiệu quả tham gia các hội chợ du lịch tại Hàn Quốc. Như đã phân tích trong chương 2, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội còn gặp phải khá nhiều khó khăn trong việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, một phần do chi phí tham gia hội chợ là khá lớn, mặt khác mức độ thành công ngày càng thấp hơn.

Các doanh nghiệp nên phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để lên kế hoạch phối hợp tham gia hội chợ, liên hệ với công ty tổ chức hội chợ để đăng ký tham gia (nếu cần thiết) và lấy thêm các thông tin hữu ích như vị trí gian hàng, danh sách khách đến hội chợ, chương trình hội chợ.

Trong thời gian hội chợ, các cán bộ của doanh nghiệp sẽ phải tiếp xúc và gặp gỡ với các đối tác tiềm năng, trao đổi và cung cấp cho họ những thông tin cần thiết. Và quan trọng hơn cả là tạo ra mong muốn bán chương trình du lịch đi Việt Nam và sự tin tưởng vào năng lực tổ chức của các đối tác đối với doanh nghiệp lữ hành Hàn Quốc. Những cam kết trong hội chợ cần phải được tôn trọng có thể bắt đầu bằng những bức thư cám ơn, sau đó tiếp tục quá trình trao đổi thông tin. Điều lưu ý các doanh nghiệp du lịch Hà Nội trong quá trình tham gia hội chợ du lịch cần tận dụng cơ hội để phát các tập gấp, chiếu phim video về đất nước con người Việt Nam, tổ chức các chương trình văn nghệ mang bản sắc văn hóa Việt Nam, đây là dịp có rất nhiều khách du lịch Hàn Quốc tham dự, các phương tiện thông tin đại chúng Việt Hàn đưa tin về sự kiện.

Tiểu kết chương 3

Chương 3 đã đề xuất giải pháp thu hút khách du lịch Hàn Quốc trên cơ sở định hướng và mục tiêu phát triển của du lịch Hà Nội cũng như những đánh giá mặt thành công, hạn chế của hoạt động thu hút khách du lịch Hàn Quốc tại thị trường du lịch Hà Nội được đề cập ở Chương 2.

Giải pháp đưa ra từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch (vĩ mô) và từ phía các doanh nghiệp du lịch (vi mô) với những nội dung cụ thể sau:

Nhóm giải pháp vĩ mô: Phát huy vai trò định hướng cho doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu khách du lịch Hàn Quốc; Triển khai đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch Hàn Quốc; Tăng cường hoạt động xúc tiến sang thị trường Hàn Quốc; Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, quản lý doanh nghiệp kinh doanh du lịch,…

Nhóm giải pháp vi mô: Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; Phát triển hệ thống các kênh phân phối sản phẩm; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao hiệu quả của các hoạt động xúc tiến chương trình du lịch,...

KẾT LUẬN

“Hàn Quốc năng động-Dynamic Korea”, là khẩu hiệu dân tộc mới của Hàn Quốc, tượng trưng cho hình ảnh hiện đại và đầy sức sống của một quốc gia xếp vào hàng thứ 12 về kinh tế trên thế giới và đang nỗ lực trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về kinh tế trong thiên niên kỷ mới. Thị trường khách du lịch Hàn Quốc là một thị trường đầy tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam. Trong những năm qua, số lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam và Hà Nội không ngừng tăng lên và chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong tổng lượng khách quốc tế.

Bước vào thực hiện đề tài “Hoạt động thu hút khách du lịch Hàn Quốc tại thị trường du lịch Hà Nội”, tác giả gặp những thuận lợi và khó khăn cơ bản sau đây:

Trước hết, thị trường khách du lịch Hàn Quốc hiện đang là một trong mười thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Việt Nam. Do đó sự quan tâm của tác giả về đề tài này cũng là mối quan tâm chung của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như các doanh nghiệp du lịch với mong muốn phân tích đánh giá thực trạng thu hút khách và đề xuất giải pháp thu hút khách du lịch Hàn Quốc tại thị trường Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trước tác giả đã có một số công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Một phần của tài liệu Hoạt động thu hút khách du lịch Hàn Quốc tại thị trường du lich Hà Nội (Trang 94 - 105)