1.5.1. Hình thức
Mặc dù Điều 681 Bộ luật Dân sự chỉ qui định: Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản không qui định cụ thể Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải được công chứng, chứng thực
nhưng trên thực tế đối với quyền sử dụng đất hay với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì việc công chứng, chứng thực văn bản thỏa thuận thừa kế được xem như bắt buộc trong quá trình đăng ký sang tên đối với cơ quan đăng ký sang tên (thậm chí với cả cơ quan thuế) bởi nó đảm bảo về hình thức và nội dung của Văn bản thừa kế theo đúng qui định của pháp luật.
Hiệu lực của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không chỉ phụ thuộc vào nội dung mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hình thức của văn bản. Một trong những vấn đề phải chú ý và coi trọng khi dự thảo văn bản thoả thuận phân chia di sản là cần phải chặt chẽ về nội dung và phải đáp ứng đúng quy định về hình thức của một Văn bản công chứng. Luật công chứng quy định về chữ viết trong văn bản "phải rõ ràng, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không được viết xen dòng, viết đè dòng, không được tẩy xoá, không được để trống. Văn bản có từ hai trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự". Đây là những vấn đề cần thiết đối với hình thức của một Văn bản thoả thuận phân chia di sản.
Việc ký và điểm chỉ trong văn bản công chứng được quy định đối với người thừa kế và người làm chứng (nếu có) là phải ký trước mặt công chứng viên. Việc điểm chỉ được thay thế khi người thừa kế, người làm chứng không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký.
Khi muốn sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ văn bản thoả thuận phân chia di sản đã được công chứng thì phải có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia trong văn bản thoả thuận phân chia di sản và phải được công chứng.
1.5.2. Thủ tục
Đầu tiên, người thừa kế họp mặt để thống nhất về phương án phân chia di sản. Nếu những người thừa kế thỏa thuận được thì việc lập văn bản
thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được thực hiện tại cơ quan công chứng: bao gồm Phòng Công chứng và Văn Phòng Công chứng
Những người thừa kế chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như: Những giấy tờ nhằm chứng minh quan hệ của người thừa kế với người để lại di sản: Giấy Chứng tử, Giấy khai sinh, Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, đăng ký kết hôn, Xác nhận tình trạng hôn nhân, Giấy nhường quyền thừa kế, Giấy ủy quyền, Di chúc, Văn bản từ chối quyền hưởng di sản thừa kế. Những giấy tờ về quyền sở hữu di sản: Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, Hồ sơ kỹ thuật thửa đất, Hồ sơ hiện trạng nhà, Chứng chỉ tiền gửi, cổ phiếu…