Tuyên bố từ chố

Một phần của tài liệu Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Trang 39)

Điều 642. Bộ luật Dân sự 2005 đã quy định:

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cáo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng nhà nước hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.

3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế [5].

Quy định trên cho thấy, pháp luật hiện hành về thừa kế của nước ta luôn luôn tôn trọng ý chí tự do của cá nhân trong việc nhận di sản thừa kế. Việc nhận di sản được pháp luật xác định là một quyền, không ai có thể bị buộc phải nhận di sản, nếu không muốn. Vì thế, từ chối nhận di sản cũng được coi là quyền tự do ý chí của người thừa kế. Tuy nhiên, để giảm thiểu sự phức tạp trong thực tế cũng như để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người

khác, tự do ý chí này sẽ bị pháp luật hạn chế một số điểm và phải tuân thủ theo một hình thức, thủ tục nhất định sau đây:

+ Về hạn chế:

- Không được từ chối nhận di sản để trốn tránh nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Hạn chế này nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp cho người có quyền mà người từ chối nhận di sản đang có nghĩa vụ phải thực hiện cho họ các khoản nợ như: món nợ đã vay, khoản tiền phải bồi thường thiệt hại, tiền công lao động v.v… Vì vậy, nếu người thừa kế không thực hiện các khoản nợ khi đã đến hạn vì không còn khả năng tài sản để thanh toán, đồng thời lại từ chối quyền hưởng di sản thì được phép suy đoán việc từ chối là nhằm trốn tránh việc thực hiện các nghĩa vụ nói trên. Trong trường hợp này, người thừa kế đó buộc phải nhận di sản và phần di sản đó được dùng để thanh toán các khoản nợ mà người đó phải thực hiện đối với người khác.

Trong những trường hợp vì một lý do nào đó mà việc từ chối nhận di sản đã được hoàn tất thủ tục nhưng về sau lại có đủ căn cứ để xác định rằng, tại thời điểm từ chối nhận di sản, người thừa kế đó không còn khả năng tài sản để thực hiện các nghĩa vụ đã đến hạn đối với người khác thì việc từ chối nhận di sản coi như không có hiệu lực. Theo đó, mặc nhiên coi phần di sản mà người thừa kế đã từ chối vẫn là của họ và sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ mà họ đã thực hiện đối với người khác.

- Người thừa kế chỉ có quyền từ chối nhận di sản trong một thời hạn nhất định.

Mặc dù từ chối nhận di sản đã được xác định là quyền tự do ý chí của người thừa kế nhưng nhằm hạn chế sự phức tạp trong thực tế giải quyết những tranh chấp về thừa kế, pháp luật hiện hành đã đưa ra một hạn chế về

thời gian đối với quyền từ chối nhận di sản. Với hạn chế này, pháp luật xác định rằng, người thừa kế chỉ được "hưởng" quyền từ chối nhận di sản trong một thời hạn là sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế.

+ Về hình thức:

Việc từ chối nhận di sản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người thừa kế khác. Vì vậy, ý chí về việc từ chối nhận di sản của một người thừa kế nào đó cần phải được thể hiện một cách minh bạch bằng một hình thức nhất định. Giả sử rằng, nếu pháp luật thừa nhận việc từ chối nhận di sản bằng hình thức miệng thì vấn đề sẽ trở lên vô cùng phức tạp, nếu chính người đã từ chối nhận di sản sau đó lại đòi hưởng di sản. Luật dân sự quy định việc từ chối bắt buộc phải được thiết lập bằng hình thức viết. Đó là điều kiện để việc từ chối có giá trị, đồng thời nhằm nâng cao tính xác thực về mặt chứng cứ của việc từ chối.

Văn bản từ chối nhận di sản có thể được cơ quan công chứng nhà nước chứng nhận hoặc Ủy ban nhân dân cấp cơ sở chứng thực nếu có yêu cầu của người từ chối nhận di sản nhưng không phải là trình tự bắt buộc. Tuy nhiên, nếu văn bản từ chối nhận di sản mà có chứng nhận, chứng thực của cơ quan nói trên thì tính xác thực của nó sẽ được tăng lên rất nhiều.

- Về thủ tục:

Việc từ chối nhận di sản phải được thông báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, Công chứng nhà nước, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế. Trong Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng như các văn bản pháp luật khác không qui định việc thông báo này phải tuân theo một hình thức nào nên dù việc thông báo là bắt buộc nhưng người từ chối nhận di sản có thể thông báo bằng văn bản, cũng có thể thông báo bằng miệng.

Mặt khác, luật cũng không quy định người đã từ chối nhận di sản có quyền hủy bỏ việc từ chối đó hay không. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, một khi việc từ chối đã có hiệu lực thì di sản thừa kế sẽ được chia cho những người thừa kế khác, nên người đã từ chối không được hủy bỏ việc từ chối đó nữa. Đặc biệt là đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng nếu đã hoàn thành việc đăng ký sang tên quyền sở hữu, sử dụng thì người từ chối không có quyền hủy bỏ việc từ chối. Tôi thấy rằng, nếu người từ chối chỉ thông báo việc từ chối bằng miệng thì sau đó, nếu họ muốn, họ vẫn có thể hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản và nói rằng họ chưa bao giờ từ chối nhận di sản. Khi đó, tranh chấp sẽ xảy ra và những người thừa kế khác sẽ không có chứng cứ để chứng minh cho quyền được hưởng phần di sản đó. Vì vậy, tôi cho rằng, pháp luật cần phải quy định: Văn bản từ chối nhận di sản phải được lập thành nhiều bản có giá trị như nhau và người đã từ chối nhận di sản phải gửi văn bản đó cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, và một trong những cơ quan nhà nước nói trên. Văn bản từ chối nhận di sản cần phải được công chứng, chứng thực để đảm bảo về hình thức và nội dung.

Từ những phân tích trên, tôi khẳng định: Người từ chối nhận di sản đương nhiên cũng không được tham gia vào việc thỏa thuận phân chia di sản.

Một phần của tài liệu Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)