Một số kiến nghị khác

Một phần của tài liệu Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Trang 82 - 86)

- Cần quy định rõ một số loại quyền cũng thuộc di sản thừa kế (ngoài quyền sử dụng đất đã được quy định trong Bộ luật Dân sự thì còn có các quyền khác như: quyền sử dụng nhà cho thuê... Ở Việt Nam, Nhà nước đã chính thức công nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng nhà cho thuê, nên quyền này đã được chuyển hóa thành một giá trị nhất định). Vấn đề thừa kế tài sản của doanh nghiệp tư nhân, cần quy định sao cho việc xử lý di sản không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

- Cần phải quy định rõ hơn nữa về chủ thể trong quan hệ thừa kế mà người thừa kế là: cơ quan, tổ chức... (đặc biệt nếu là cơ quan, tổ chức nước ngoài?).

- Cần phải bổ sung vấn đề thừa kế có nhân tố nước ngoài.

- Đưa vào và bổ sung thêm quy định về hạn chế phân chia di sản vào chương các quy định chung của phần thừa kế.

- Khoản 2 Điều 681 cần được sửa đổi bổ sung như sau: Mọi thỏa thuận của người thừa kế phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.

KẾT LUẬN

Luận văn xuất phát từ quan điểm của tác giả rằng thỏa thuận là hình thức phân chia di sản hiệu quả và tối ưu hơn hình thức phân chia di sản khác.

Luận văn trước hết hệ thống hóa và cập nhật các qui định của pháp luật liên quan đến thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, cách vận dụng các qui định này trong thực tế, phát hiện các bất cập trong việc áp dụng để từ đó đề xuất những giải pháp nhằm làm cho việc thỏa thuận phân chia di sản trước hết đúng về hình thức và nội dung, bảo đảm không bỏ sót người thừa kế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các người thừa kế và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Bản luận văn đã tập trung nghiên cứu:

- Khái niệm và những yếu tố và nội dung cấu thành chế định thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, mối quan hệ tương tác của chế định này với các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Công chứng… qua đó khẳng định thỏa thuận phân chia di sản có những đặc điểm cơ bản của một hợp đồng dân sự xét từ khái niệm, nguyên tắc giao kết, chủ thể, đối tượng của thỏa thuận, hình thức, nội dung của thỏa thuận, địa điểm, thời điểm giao kết, hiệu lực của thỏa thuận cụ thể như sau:

+ Luận văn đã khẳng định thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thỏa mãn yêu cầu về khái niệm của một hợp đồng dân sự bởi thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là sự thỏa thuận giữa những người thừa kế về việc chấm dứt tình trạng sở hữu chung đối với di sản thừa kế.

+ Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vừa phải tuân theo những nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự về thỏa thuận vừa phải tuân theo các nguyên tắc riêng của thừa kế.

+ Giải thích vì sao người tham gia thỏa thuận phân chia di sản trước hết phải là người được hưởng di sản sau đó phải là người có năng lực hành vi dân sự.

+ Xác định những người có quyền thỏa thuận phân chia di sản; những người không được quyền thỏa thuận phân chia di sản, tư cách chủ thể của người thỏa thuận

- Luận văn cũng đi sâu vào phân tích đối tượng của thỏa thuận, cách thức thỏa thuận phân chia di sản, phạm vi về tài sản có thể thỏa thuận phân chia, tài sản không thể thỏa thuận phân chia hoặc bị hạn chế phân chia.

- Về phương thức thỏa thuận: Luận văn đã phân tích về hình thức thỏa thuận phân chia di sản, một số thủ tục liên quan đến việc phân chia di sản, giá trị pháp lý của thỏa thuận, các thủ tục phải thực hiện sau khi thỏa thuận như đóng thuế, lệ phí, làm thủ tục đăng ký sang tên.

- Đặc biệt luận văn đã đi sâu phân tích những vấn đề liên quan đến người thừa kế mới, cách thức giải quyết khi phát sinh người thừa kế mới.

- Luận văn cũng liệt kê các nguyên nhân có thể dẫn đến thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu.

- Những tồn tại, vướng mắc khi áp dụng những quy định về thỏa thuận phân chia di sản thừa kế trong thực tế như những sai sót, vướng mắc khi áp dụng pháp luật thừa kế, việc bỏ sót người thừa kế khi thỏa thuận phân chia di sản, nguồn gốc di sản, phương hướng và cách thức khắc phục những vấn đề đó.

- Đề xuất một số ý kiến về việc ban hành các quy định pháp luật liên quan đến thỏa thuận phân chia di sản thừa kế như xác định lại vị trí của cha mẹ tại hàng thừa kế, kiến nghị việc đơn giản hoá thủ tục hành chính khi thỏa thuận phân chia di sản, kiến nghị sửa đổi qui định về việc từ chối nhận di sản, về vai trò của người phân chia di sản và một số kiến nghị.

Một phần của tài liệu Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Trang 82 - 86)