Năng lực của các bên tham gia hợp đồng bảo lãnh

Một phần của tài liệu Bảo lãnh trong quan hệ vay tiền ở các tổ chức tín dụng (Trang 49 - 53)

- Điều kiện bảo lãnh: Để được ngân hàng bảo lãnh, cần có đủ các điều kiện sau: Phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự

2.6.3.Năng lực của các bên tham gia hợp đồng bảo lãnh

Là một hợp đồng dân sự, do vậy, bảo lãnh đòi hỏi ở các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng có đầy đủ các điều kiện về năng lực chủ thể theo quy định của Bộ luật Dân sự: phải là người đã thành niên; không bị hạn chế, bị mất năng lực hành vi. Tuy vậy, phải ghi nhận một số thực tế là có rất nhiều người không có, mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, nhưng họ có tài sản riêng và đủ lớn để có thể đứng ra bảo lãnh cho một nghĩa vụ dân sự nào đó. Vậy, họ có quyền thông qua người khác (người giám hộ) để xác lập hợp đồng bảo lãnh hay không?

Trường hợp khác xảy ra đối với người có tài sản vắng mặt hoặc người bị tuyên bố mất tích, bằng một quyết định của Tòa án, liệu người quản lý tài sản của người này có quyền giao kết hợp đồng bảo lãnh bằng các tài sản đặt dưới sự quản lý của họ?

Ngoài ra, đại diện của pháp nhân có quyền nhân danh pháp nhân để giao kết hợp đồng bảo lãnh trong những trường hợp và điều kiện nào? Nếu pháp nhân đó đồng thời là một tổ chức tín dụng, thì người đại diện, hoặc một người có chức vụ khác có quyền ký hợp đồng bảo lãnh cho một hợp đồng tín dụng với chính doanh nghiệp của mình không?

Trường hợp nữa là trong gia đình, chỉ có vợ hoặc chồng tham gia vào hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng đó có hợp pháp không; và nếu hợp pháp thì khối tài sản nào đứng đằng sau cam kết bảo lãnh loại này?

Dưới đây, chúng tôi sẽ lần lượt xem xét đến năng lực của những chủ thể đặc biệt. Như đã nói ở phần trên, hợp đồng bảo lãnh là loại hợp đồng trong đó người bảo lãnh chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ. Vì vậy, chúng tôi chỉ tập trung phân tích về năng lực của người bảo lãnh.

Như chúng ta đã biết, thực chất trong quan hệ bảo lãnh, mục tiêu chính của người nhận bảo lãnh là tài sản của người bảo lãnh chứ không phải cá nhân người bảo lãnh. Do vậy, khi tồn tại một khối tài sản độc lập có chủ sở hữu hợp pháp, thì quan hệ bảo lãnh về lý thuyết có thể được thiết lập. Tuy nhiên, do chủ sở hữu của các khối tài sản này không đủ năng lực để tham gia giao kết hợp đồng mà phải thông qua người quản lý tài sản.

Do quy định chưa rõ ràng của Điều 69 Bộ luật Dân sự, mà xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề người quản lý tài sản có được phép bảo lãnh nhân dân người có tài sản hay không? Nên hiểu và mở rộng theo hướng người quản lý tài sản có quyền này. Tuy nhiên, cần phải tuân theo một thủ tục chặt chẽ, đặc biệt phải kiểm tra mục đích của giao dịch có vì lợi ích của người có tài sản không. Tuy nhiên, trên thực tế loại giao dịch rất khó thẩm định, hoặc khó kiểm tra mục đích thực của giao dịch.

Đối với trường hợp quản lý tài sản của người vắng mặt hoặc mất tích pháp luật không cho phép người quản lý tài sản đưa các loại tài sản này vào tham gia các loại giao dịch, trừ một số giao dịch đặc biệt. Ví dụ: Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hỏng. Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn... Khái niệm quản lý trong các trường hợp này cần phải hiểu là chiếm hữu, sử dụng hạn chế và định đoạt trong giới hạn rất hẹp theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể khẳng định ngay, người quản lý tài sản của một người vắng mặt hoặc mất tích không có quyền tham gia hợp đồng bảo lãnh nhân danh người vắng mặt, mất tích trên nền khối tài sản của anh ta.

Như chúng ta đều đã biết, pháp nhân có quyền bảo lãnh cho một nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, pháp nhân là một khái niệm riêng biệt, hoạt động của pháp nhân đều phải thông qua người đại diện hợp pháp của pháp nhân.

Sẽ không có vấn đề gì nếu người đại diện theo pháp luật của pháp nhân (thường là giám đốc, tổng giám đốc hoặc chủ tịch hội đồng quản trị) trực tiếp ký kết hợp đồng bảo lãnh nhân danh pháp nhân để bảo lãnh. Vấn đề trở nên phức tạp khi người đại diện theo pháp luật không trực tiếp ký kết hợp đồng bảo lãnh mà ủy quyền cho người khác tham gia ký kết hợp đồng này. Trong hệ thống Ngân hàng của Việt Nam hiện nay, do đặc điểm của hoạt động kinh doanh tiền tệ. Ngân hàng nào cũng thành lập hệ thống chi nhánh, văn phòng đại diện tại các đơn vị hành chính các cấp. Tuy nhiên, chỉ có Ngân hàng Trung ương là có tư cách pháp nhân, còn lại chi nhánh, văn phòng đại diện ở các địa phương không có tư cách pháp nhân theo Điều 92 Bộ luật Dân sự. Văn phòng đại diện, chi nhánh không phải là pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. Với quy định này, có thể khẳng định giám đốc chi nhánh, văn phòng đại diện của Ngân hàng ở địa phương không có quyền ký hợp đồng bảo lãnh với tư cách là đại diện theo pháp luật của ngân hàng. Trong thực tế, các ngân hàng thương mại thường có giấy tờ ủy quyền riêng của Tổng Giám đốc để thực hiện việc bảo lãnh này. Về nguyên tắc, pháp nhân có thể ủy quyền cho bất cứ một cá nhân nào tham gia một hoặc một số công việc nhất định. Ngân hàng thương mại cũng có thể ủy quyền cho bất cứ ai ký kết hợp đồng bảo lãnh thay cho mình, nhưng thông thường là lãnh đạo các chi nhánh.

Trên nguyên tắc này, Quy chế về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng ban hành kèm theo quyết định số 196/QĐ-NH14 ngày 16/9/1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo Điều 15 và áp dụng cho các bảo lãnh không phải để vay vốn nước ngoài theo Điều 4, có quy định: Người có thẩm quyền ký văn bản bảo lãnh của Ngân hàng là Tổng Giám đốc (giám đốc) ngân hàng. Người này có thể ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trực thuộc mình ký bảo lãnh. Người được ủy quyền không được phép ủy quyền lại.

Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho tất cả các pháp nhân khác. Pháp nhân có thể trực tiếp ký hợp đồng bảo lãnh thông qua người đại diện theo pháp luật, hoặc ủy quyền cho người khác tham gia ký kết hợp đồng bảo lãnh.

Như vậy là có hai loại người được phép đại diện cho pháp nhân để ký kết hợp đồng bảo lãnh, đó là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Mặc dù đều là đại diện cho pháp nhân, song quyền hạn của hai người này là không giống nhau. Quyền hạn của đại diện theo pháp luật được quy định trong luật và cụ thể hóa ở Điều lệ của doanh nghiệp và thông thường quyền hạn của người này là bao quát. Còn quyền hạn của người đại diện theo ủy quyền do hai bên thỏa thuận, thông thường là một vụ việc với nội dung cụ thể, có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định (một năm, hai năm...) hoặc giới hạn mức giá trị của nghĩa vụ bảo lãnh (mức bảo lãnh tối đa là một tỷ, hai tỷ đồng...).

Trường hợp pháp nhân bảo lãnh là một tổ chức tín dụng, thì mức bảo lãnh đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ các nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của các tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác. Mức bảo lãnh đối với một khách hàng và tổng mức bảo lãnh của một tổ chức tín dụng không vượt quá tỷ lệ so với vốn tự có của tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định theo Điều 79, Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997.

Với mục đích bảo vệ lợi ích của pháp nhân, đặc biệt là pháp nhân kinh doanh tiền tệ, khoản 3 Điều 77 Luật Các tổ chức tín dụng quy định (trừ tổ chức tín dụng hợp tác) không được chấp nhận bảo lãnh của những người sau đây để làm cơ sở cho việc cấp tín dụng đối với khách hàng.

- Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của tổ chức tín dụng;

- Bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc).

Đối với bảo lãnh của vợ hoặc chồng, như đã nói ở trên, mục đích của người nhận bảo lãnh là khối tài sản của người bảo lãnh. Tuy nhiên, khi quan hệ vợ chồng đang tồn tại thì khối lượng tài sản của gia đình là tài sản chung hợp nhất của cả hai vợ chồng theo Điều 27 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000. Về nguyên tắc, cá nhân vợ hoặc chồng đều có quyền đứng ra bảo đảm cho một nghĩa vụ nào đó. Hành vi bảo lãnh cho một nghĩa vụ của mỗi người không phải là hành vi định đoạt tài sản bởi, bản chất của bảo lãnh là đối nhân. Do vậy, hành vi này không vi phạm Điều 28 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000. Vấn đề còn lại là xác định khối tài sản của người bảo lãnh. Trường hợp một trong hai người tham gia hợp đồng bảo lãnh và được sự đồng ý của người còn lại mặc dù người này không tham gia ký kết hợp đồng, thì khối tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm phần tài sản riêng của người bảo lãnh và toàn bộ tài sản chung của hai vợ chồng. Ngược lại, nếu người vợ hoặc chồng ký kết hợp đồng bảo lãnh mà không được sự đồng ý của người còn lại thì khối tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh chỉ bao gồm tài sản riêng của người bảo lãnh và phần tài sản chung mà người này có trong khối tài sản chung hợp nhất của hai vợ chồng. Tuy nhiên, việc yêu cầu chia tài sản chung hợp nhất của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đang tồn tại là việc làm tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian. Do vậy, trong điều kiện mỗi cá nhân đều không có khối tài sản riêng đủ lớn để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh, thì giải pháp tốt nhất mà người nhận bảo lãnh nên lựa chọn là yêu cầu cả vợ, chồng cùng tham gia vào hợp đồng bảo lãnh với tư cách là đồng bảo lãnh.

Một phần của tài liệu Bảo lãnh trong quan hệ vay tiền ở các tổ chức tín dụng (Trang 49 - 53)