- Nhờ thu phiếu trơn ( clean collection):
3.5.2.3.Thành lập quỹ phòng ngừa rủi ro TTQT:
Như chúng ta đã biết, bất cứ hoạt động sinh lợi nào đều tiềm ẩn các rủi ro. Không thể nói rằng sẽ không phát sinh rủi ro trong quá trình hoạt động. Tuy việc nhận biết và phòng ngừa rủi ro là yếu tố quan tâm hàng đầu trong hoạt động TTQT nhưng đồng thời phải có các biện pháp khắc phục trong trường hợp rủi ro xảy ra. Thành lập quỹ dự phòng rủi ro TTQT là một trong những biện pháp khả thi để có thể giúp các chi nhánh khắc phục rủi ro trong hoạt động TTQT.
Quỹ phòng ngừa rủi ro TTQT được trích lập tại Hội sở chính, do các chi nhánh đóng góp với một tỷ lệ nhất định trên cơ sở doanh số hoạt động TTQT của từng chi nhánh. Khi có những rủi ro phát sinh, chi nhánh có thể đề nghị Hội sở chính trích quỹ phòng ngừa rủi ro để bù đắp các thiệt hại phát sinh.
Tuy nhiên, IVB cần xây dựng quy chế hoạt động của quỹ phòng ngừa rủi ro TTQT để đảm bảo quỹ phòng ngừa rủi ro phát huy tác dụng, hỗ trợ chi nhánh một cách tốt nhất khi gặp phải các rủi ro TTQT.
KẾT LUẬN
Trong lộ trình hội nhập nền kinh tế sắp tới, khi mà “Luật chơi chung” được áp dụng thì sự cạnh tranh được tỷ lệ thuận theo sự phát triển của nền kinh tế thế giới, nghĩa là sẽ gay gắt hơn, khốc liệt hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh tiềm ẩn ngày càng nhiều rủi ro hơn. Yêu cầu quản lý rủi ro đặt ra vừa như một cứu cánh vừa như một mệnh lệnh buộc chúng ta phải thực hiện để hoạt động kinh doanh vừa hiệu quả, vừa an toàn. Ngành tài chính ngân hàng là ngành cung cấp những sản phẩm vô hình mang lại lợi nhuận khá cao tỷ lệ thuận với rủi ro kinh doanh, một trong những sản phẩm chủ yếu là thanh toán quốc tế.
Trước nhu cầu đó, việc phân tích rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế là hết sức cần thiết. Đây không phải là vấn đề mới đề cập song trong bối cảnh cạnh
tranh hội nhập thì rủi ro là “muôn màu muôn vẻ”, cần có những nhận định, đánh giá để đề ra những giải pháp phù hợp hơn với tình hình nhằm quản lý các rủi ro đó hiệu quả hơn.
Luận văn “Giải pháp hạn chế rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng liên doanh Indovina- chi nhánh Hà nội ” không nằm ngoài mục đích đó, với mong muốn tổng hợp những vấn đề liên quan đến những rủi ro của các phương thức thanh toán quốc tế và đề xuất những biện pháp hữu hiệu để quản lý rủi ro các phương thức thanh toán quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu tại Indovina chi nhánh Hà nội.
Trên cơ sở vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu, bám sát mục tiêu, phạm vi và đối tượng nghiên cứu, chuyên đề đã hoàn thành nhiệm vụ sau.
Thứ nhất: Luận văn đã khái quát được những vấn đề cơ bản về rủi ro và quản trị rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại.
Thứ hai: Luận văn phân tích được thực trạng quản trị rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế tại IVB Hà nội.
Thứ ba: Luận văn đã đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế tại IVB Hà nội và những kiến nghị với các chính phủ, ngân hàng nhà nước trong việc hạn chế rủi ro và tổn thất trong thanh toán quốc tế.
Do hạn chế về không gian và thời gian; việc phân tích, xử lý số liệu thực tế đưa vào chuyên đề còn gặp nhiều khó khăn và khiếm khuyết nhất định. Rất mong được sự đóng góp của thầy, cô, cán bộ phòng thanh toán quốc tế và bạn bè để đề tài được hoàn chỉnh hơn nữa đối với công tác quản trị rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế.