Kinh nghiệm tại Đài Loan

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ tại xã nhuận trạch huyện lương sơn tỉnh hòa bình (Trang 25 - 27)

Sự ra đời của các HTX nhóm sản xuất và tiếp thị đã giúp nông dân Đài

Loan yên tâm sản xuất.Trước đây, cũng như bao quốc gia và vùng lãnh thổ khác, xuất khẩu trái cây là ngành khá xa lạ ở Đài Loan (Trung Quốc). Tại đây, cây ăn trái lâu năm chiếm tới 80% tổng sản lượng trái cây, trong khi cây ôn đới chỉ chiếm 20%. Tuy nhiên, từ những năm 1990, khi Đài Loan tiến hành 6 dự án nhằm làm giảm giá thành sản xuất và tiếp thị, cũng như cải thiện về mặt chất lượng, tính cạnh tranh của ngành sản xuất trái cây đã có bước tiến mới.

Diện tích sản xuất nông hộ ở Đài Loan khá nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ chỉ 1,2ha. Làm thế nào để nâng cao giá trị cho nông sản là mối quan tâm hàng đầu. Nông dân dễ dàng học hỏi những kỹ thuật sản xuất bằng nhiều cách khác nhau, tuy nhiên làm thế nào để tiếp thị sản phẩm vẫn là vấn đề hóc búa. Sự yếu kém trong công tác tiếp thị trái cây là do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, các nhóm nông dân sản xuất và tiếp thị đã được hình thành theo mô hình hợp tác xã (HTX) vào năm 1992. Những nhóm này được tổ chức theo hình thức tự nguyện do những nhóm nông dân trồng cùng một loại trái cây nằm liền kề nhau. Từng nhóm có từ 10-20 nông dân với diện tích khoảng 15-30ha. Nhóm này cùng nhau hợp tác để cùng bán và vận chuyển sản phẩm. Bằng cách này, họ nâng cao năng lực tiếp thị và tăng thu nhập cho chính họ.

Có khoảng 2.256 nhóm nông dân sản xuất và tiếp thị như vậy ở Đài Loan và có khoảng 47.613 hộ nông dân sản xuất cây ăn trái tham gia theo

nhóm. Hoạt động của các nhóm này được phân chia thành 3 loại hình HTX khác nhau: Hội nông dân, HTX tiếp thị trái cây và HTX nông nghiệp. Các tổ chức này chịu trách nhiệm về mặt quản lý hành chính, còn các trung tâm khuyến nông chịu trách nhiệm tổ chức và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Trên cơ sở đó, nhóm sản xuất và tiếp thị trái cây tổ chức các buổi họp nhóm theo định kỳ 1-2 tháng/lần và trong các cuộc họp này đều có sự tham gia của cán bộ khuyến nông cấp tỉnh. Trong các cuộc họp này, mỗi nông dân phải chia sẻ kinh nghiệm của mình để cả nhóm cùng nhau thảo luận, qua đó các thành viên khác trong nhóm có thể học hỏi, từ đó nâng cao kỹ thuật sản xuất và tiếp thị một cách nhanh chóng.

Nếu nhóm có khó khăn về sản xuất, tiếp thị thì cán bộ khuyến nông cấp huyện /thị trấn sẽ giúp đỡ, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của chuyên gia kỹ thuật. Các thành viên trong từng nhóm có thể trao đổi thông tin với nhau, mua vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thậm chí hợp tác với nhau trong hoạt động tiếp thị. Trên cơ sở này, họ có quyền quyết định thỏa thuận về giá cả cũng như giảm giá thành sản xuất và tiếp thị. Nông dân vận chuyển sản phẩm của họ đến nhà đóng gói để phân loại, tuyển chọn và sau cùng là đóng gói. Nhiệm vụ của công việc tiếp thị thông qua kiểm soát toàn bộ chất lượng có thể làm gia tăng giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập cho nông dân.

Các nhà lãnh đạo Đài Loan đánh giá nhóm sản xuất nông nghiệp và tiếp thị định kỳ hàng năm. Bước đầu, chính quyền địa phương và trạm cải tiến nông nghiệp cấp quận sẽ chọn lựa ra 100 nhóm sản xuất nổi bật nhất. Sau đó, 10 nhóm nổi bật sẽ được đánh giá và lựa chọn bởi các giáo sư của các trường đại học. Kết quả chọn lựa ra 10 nhóm sản xuất sẽ nhận giải thưởng do Hội đồng Nông nghiệp cấp.

Sở dĩ có được những thành công như vậy là do Đài Loan đã biết khác phục những bất lợi, khó khăn của mình như về diện tích đất manh mún để từ đó đưa ra hướng sản xuất phù hợp. Họ đã biết kết hợp giữa các tác nhân trong sản xuất như hộ nông dân, HTX tiếp thị trái cây, HTX nông nghiệp và các trung tâm khuyến nông để hợp tác, trao đổi giúp đỡ nhau trong sản xuất. Chính sự liên kết chặt chẽ có hiệu quả đã đem lại cho họ sự thành công.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ tại xã nhuận trạch huyện lương sơn tỉnh hòa bình (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w