Tại Hậu Giang

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ tại xã nhuận trạch huyện lương sơn tỉnh hòa bình (Trang 32 - 35)

Mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả nông dân và nhà doanh nghiệp, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa hấu tại HTX sản xuất dưa hấu VietGAP (ấp 1, xã

Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) là một minh chứng, vai trò của "4 nhà" trong mô hình này có thể tóm tắt như sau:

- Nhà nông: Nhà nông ở đây bao gồm các hộ tham gia mô hình liên kết sản xuất dưa hấu. Vào cuối năm 2010, Bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng Nông nghiệp chủ nhiệm dự án, được PGS.TS Trần Thị Ba – Trường Đại học Cần Thơ làm cố vấn, phối hợp với địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền vận động những nông dân trồng dưa hấu có diện tích nhỏ lẻ, nên liên kết sản xuất tập trung. Sau các cuộc vận động có 15 hộ tự nguyện tham gia, với diện tích trồng dưa hấu đạt 10ha. Các hộ nông dân trồng dưa hấu thực hiện các công đoạn (trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch,…) theo quy trình sản xuất dưa hấu do PGS.TS Trần Thị Ba – Trường Đại học Cần Thơ và Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn. Thông qua các lớp tập huấn và hướng dẫn tại đồng ruộng đã từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, thực hiện sản xuất dưa hấu theo Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Đến ngày 02-8-2011, HTX sản xuất dưa hấu trên đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm – Thủy sản vùng 6, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, là mô hình trồng dưa hấu đạt VietGAP đầu tiên của tỉnh Hậu Giang. Sản lượng dưa hấu sản xuất ra được doanh nghiệp thu mua 100%, giữa doanh nghiệp và HTX có hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.

- Nhà doanh nghiệp: Cty CP Nông trại sinh thái Ecofarm là doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm dưa hấu cho các xã viên thông qua hợp đồng giữa công ty và HTX. Khi liên kết thực hiện, công còn hỗ trợ cho nông dân HTX tiền mua hạt giống đầu vụ. Trong quá trình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, doanh nghiệp ký hợp đồng thông qua người đại diện là chủ nhiệm HTX, chứ không ký trực tiếp với từng nông dân. Hình thức này có những thuận lợi nhất định, doanh nghiệp không cần phải quản

lý sâu đến tận từng nông hộ mà chỉ kiểm tra chất lượng sản phẩm của họ khi bán cho doanh nghiệp. Chủ nhiệm HTX có trách nhiệm đôn đốc các xã viên thực hiện quy trình sản xuất tại các nông hộ nhằm đạt sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nhờ liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, Cty CP Nông trại sinh thái Ecofarm đã thu mua được nguồn nguyên liệu dưa hấu với số lượng lớn, ổn định, chất lượng cao, đồng đều và an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu.

- Nhà khoa học: Trong mô hình này, vai trò của nhà khoa học được thể hiện rõ nhất qua sự tham gia của PGS.TS Trần Thị Ba – Trường Đại học Cần Thơ trong suốt quá trình từ khâu vận động, tổ chức sản xuất tập trung, chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân trồng dưa hấu, hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất dưa hấu VietGAP, tập huấn chuyển giao thông tin thị trường dưa hấu… Các nông hộ tham gia mô hình cùng áp dụng thống nhất mô hình của PGS.TS Trần Thị Ba đưa ra. Nhờ thống nhất quy trình sản xuất, sản phẩm dưa hấu từ các ruộng của hộ tham gia mô hình có độ đồng đều cao, chất lượng trái, màu sắc vỏ trái ít biến động so với các trường hợp sản xuất tự phát bên ngoài HTX. Trước đây, nông dân trồng dưa hấu bón phân, xịt thuốc chủ yếu theo kinh nghiệm; lượng phân bón sử dụng không hợp lý, dẫn đến tình trạng dư thừa số lượng, mất cân đối NPK, tăng chi phí đầu tư trong khi năng suất không cải thiện. Bây giờ sản xuất theo quy trình của PGS.TS Trần Thị Ba đưa ra, nông dân tiết kiệm được đáng kể chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với trước khi tham gia dự án. Lợi ích đem lại từ mô hình liên kết khá rõ nét: năng suất dưa đạt bình quân 30 - 40tấn/ha/vụ, tăng 20% so với hộ ngoài HTX; chất lượng trái dưa cải thiện tốt (trái to hơn, màu sắc vỏ trái đẹp hơn, thời gian bảo quản lâu hơn), đáp ứng tiêu chuẩn của nhà doanh nghiệp thu mua xuất khẩu; sản

lượng dưa cho thị trường lớn hơn nhiều so với quy mô nhỏ lẻ của mỗi hộ trước đây

- Nhà nước: Bao gồm các cơ quan quản lý trong tỉnh, huyện, xã… giúp doanh nghiệp và nông dân trong đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng trồng, và hỗ trợ một phần kinh phí cho bà con xã viên… Ngay từ khi vận động thành lập hợp tác xã, Phòng Nông nghiệp huyện phối đã phối hợp địa phương vận động nông dân tham gia vào HTX, đồng thời tư vấn hồ sơ thủ tục thành lập HTX. Ngoài ra, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện luôn bám sát, hướng dẫn bà con trong quá trình sản xuất, và để thực hiện được dự án Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ một phần kinh phí cho bà con tham gia dự án, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương mà mô hình sản xuất dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX đạt được thành công.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ tại xã nhuận trạch huyện lương sơn tỉnh hòa bình (Trang 32 - 35)