An Giang là 1 trong 13 tỉnh, thành của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Toàn tỉnh có tổng diện tích tự nhiên là 353.676 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 84,22% và diện tích đất khác chiếm 15,78 %. Để ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống của hơn 1,5 triệu nông dân, dân cư nông thôn, khi bắt tay vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo chủ trương của Đảng, An Giang đã chủ động xây dựng mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học) trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở tỉnh từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX và mô hình này được đẩy mạnh sau khi có Quyết định số 80/TTg của Chính phủ, ban hành ngày 24-6-2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.
Khi thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, vai trò và lợi ích của các bên tham gia được nâng lên đáng kể. Nhà
nông (nông hộ cá thể, hợp tác xã, nhóm/câu lạc bộ…) có điều kiện tiếp cận vốn, các tiến bộ khoa học và công nghệ, được cung cấp vật tư nông nghiệp và được bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, họ yên tâm và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh. Nhà doanh nghiệp (đại lý vật tư, công ty bảo vệ thực vật, công ty lương thực, nhà máy, thương lái…), có nơi tiêu thụ vật tư, phân bón, xăng dầu, thuốc phòng trừ dịch bệnh, có nguồn nguyên liệu ổn định, chủ động trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. Nhà nước (chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan) tổ chức liên kết, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và nâng cao vai trò quản lý. Nhà khoa học (cơ quan khuyến nông, cơ quan nghiên cứu, viện/ trường, trạm/ trại) có điều kiện nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến lúa gạo, từng bước đưa nông dân vào tiến trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế của hạt gạo An Giang.
Theo một số nhà khoa học, qua thực tiễn triển khai thực hiện cho thấy, vai trò liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang còn được đánh giá thông qua 6 tiêu chí là: hỗ trợ chính sách, tổ chức liên kết, cung ứng vật tư, cung ứng kỹ thuật, cung cấp vốn và tiêu thụ lúa gạo. Vai trò của từng nhà được xếp theo thứ tự: nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà nông và cuối cùng là nhà khoa học, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò rất quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Vai trò của các tác nhân trong liên kết “4 nhà” ở An Giang được thể hiện qua 6 tiêu chí vừa nêu như sau:
- Tiêu thụ lúa gạo, có 3 tác nhân chính tham gia và xếp theo thứ tự quan trọng là thương lái, nhà máy và công ty lương thực.
- Cung ứng vật tư, các cửa hàng đại lý vật tư cấp I và cấp II tại địa phương là tác nhân chủ yếu cung ứng vật tư cho nông dân. Ngoài ra, việc cung ứng vật
tư và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân còn có công ty bảo vệ thực vật, công ty xuất, nhập khẩu tham gia.
- Cung cấp vốn, chủ là ngân hàng, các tổ chức tín dụng, có sự tham gia của hội nông dân, hội phụ nữ. Tuy nhiên, các tổ chức này chỉ thực hiện theo chức năng của mình, chứ không có mối liên kết nào rõ ràng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
- Cung ứng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chủ yếu là cơ quan, cán bộ khuyến nông, bên cạnh đó là sự tương tác lẫn nhau giữa các nông hộ, các nhà khoa học đến từ các viện/ trường cũng được xem là những kênh chuyển giao khoa học - kỹ thuật có hiệu quả, gắn kết mối quan hệ giữa nhà nông với nhà khoa học.
- Tổ chức liên kết, hỗ trợ chính sách, chủ yếu là Nhà nước (chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành liên quan) vì Nhà nước có quyền lực và chức năng tổ chức liên kết, hỗ trợ chính sách và là cơ quan đại diện, làm trung gian, người “trọng tài” bảo đảm cho mối liên kết “4 nhà” bền vững.
Sự thành công của mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang mặc dù còn khá khiêm tốn, nhưng cũng đã góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Năm 2010, sản lượng lúa đạt 3.640.000 tấn, tăng 1,77 lần; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 800 triệu USD, tăng 7,74 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 21 triệu đồng, tăng 1,75 lần so với năm 2000, và năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 34%/tổng lao động xã hội, tăng 23%; giải quyết việc làm cho 170.000 lao động, tăng hơn 100.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%, giảm xuống 9% so với năm 2005.
An Giang có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo cao so với nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL, hằng năm kim ngạch xuất khẩu gạo chiếm hơn 29%/tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Năm 2010, lượng gạo
xuất khẩu của An Giang ước tính đạt trên 530,3 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt gần 224,5 triệu USD, tăng 16% về lượng, 22% về giá trị so với năm 2009. Thị trường xuất khẩu gạo của An Giang năm 2010 được mở rộng ở 49 nước thuộc nhiều châu lục khác nhau, trong đó châu Phi: 16 nước, châu Á: 15 nước, châu Âu: 9 nước, châu Mỹ: 5 nước và châu Đại Dương.