Phƣơng hƣớng hoàn thiện

Một phần của tài liệu Hợp đồng cho vay tại ngân hàng thương mại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 90 - 92)

- Tổ chức kinh tế

3.1.Phƣơng hƣớng hoàn thiện

Thứ nhất, bảo đảm tính thống nhất và sự phù hợp giữa pháp luật điều chỉnh HĐTD với hệ thống pháp luật Việt Nam.

Như đã trình bày ở trên, một trong những tồn tại của pháp luật HĐTD là, tuy BLDS 2005 được coi như một "bộ luật gốc" điều chỉnh những quan hệ cơ bản và thiết lập những quy tắc chung nhất và các luật chuyên ngành khác phải được xây dựng trên nền tảng đó, nhưng giữa BLDS 2005, Luật Thương mại năm 2005 và Luật các TCTD 2010 vẫn còn nhiều điểm chưa tương đồng. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có quy định về HĐTD theo đúng hướng mà BLDS đã xây dựng. Sự thống nhất pháp luật về hợp đồng thương mại, đầu tư nói chung và HĐTD nói riêng thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau:

BLDS là sự quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc, điều chỉnh các quan hệ tài sản nói chung. Các quy định về hợp đồng trong BLDS được áp dụng đối với mọi quan hệ hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự hay hợp đồng trong kinh doanh.

(i) Luật thương mại năm 2006 là nguồn quan trọng điều chỉnh các giao dịch thương mại giữa các nhà kinh doanh với nhau và với các bên có liên quan nhằm triển khai hoạt động kinh doanh. Luật thương mại hiện hành điều chỉnh hoạt động thương mại bằng các quy định về quyền và nghĩa vụ đặc trưng của các bên trong hoạt động thương mại (và một số ít quy định về hợp đồng). Luật thương mại được xây dựng trên cơ sở tiếp tục phát triển các quy định mang tính nguyên tắc của BLDS, cụ thể hóa các nguyên tắc này cho thích hợp để điều chỉnh quan hệ hợp đồng trong kinh doanh;

(ii) Bên cạnh các quy định trong BLDS và Luật thương mại, một số hợp đồng đặc thù trong thương mại, đầu tư còn được điều chỉnh bởi quy định trong các luật chuyên ngành như Luật các TCTD, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật xây dựng, Bộ luật hàng hải...Thông thường, ngoài việc phải tuân thủ những quy định chung về hợp đồng trong BLDS và Luật thương mại, mỗi loại hợp đồng cụ thể còn chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành đó.

Trong thời gian tới, hệ thống pháp luật cần được xây dựng theo hướng hạn chế sự chồng chéo giữa Luật các TCTD năm 2010, các quy định về ngân hàng với BLDS năm 2005 và các luật, các quy định pháp luật khác có liên quan cùng điều chỉnh HĐTD. Mọi hoạt động của ngân hàng không phân biệt đối tượng, kể cả các định chế tài chính phi ngân hàng của nhà nước tiến hành đều phải chịu sự điều chỉnh của các luật ngân hàng và chịu sự quản lý của NHNN. Sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật về ngân hàng theo hướng mở cửa thị trường tài chính trong nước theo lộ trình hội nhập đã cam kết quốc tế và từng bước thực hiện thông lệ và chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy chế, cơ chế về hoạt động thị trường tiền tệ nhằm khuyến khích các TCTD cạnh tranh lành mạnh, mở rộng khả năng huy động vốn và đầu tư trên thị trường tài chính.

Như trường hợp về lãi suất và lãi suất nợ quá hạn đã trình bày ở trên, ngoài BLDS 2005 còn có Luật thương mại năm 2005 và một số văn bản hướng dẫn khác của NHNN cũng quy định về vấn đề này. Nhưng cả ba loại văn bản này lại chưa thống nhất về quan điểm tiếp cận, cụ thể là cách tính lãi suất trong hạn, lãi suất nợ quá hạn là có sự khác nhau trong một số trường hợp, dẫn đến việc khó khăn trong công tác áp dụng hay giải thích pháp luật. Như phân tích ở trên, BLDS được coi là bộ luật gốc, vì vậy cần có quy định mang tính bao quát và "để dành" một số "không gian" nhất định để các văn bản luật và dưới luật khác - tùy theo từng trường hợp, trong lĩnh vực của mình - sẽ tự quy định cụ thể đối với trường hợp đó một cách hợp lý và thực tế nhất, và quan trọng hơn, là vẫn cứ đi theo đúng cách tiếp cận mà BLDS 2005 đã đặt ra.

Theo quan điểm của tác giả, các nhà lập pháp cần nghiên cứu để đi đến giải pháp xây dựng một Luật hợp đồng riêng áp dụng trong thời gian tới, trong đó quy định những vấn đề cơ bản, nguyên tắc về hợp đồng và đặc thù của từng loại hợp đồng chuyên biệt, mà một trong các loại đó là HĐTD áp dụng tại các TCTD.

Thứ hai, nhìn chung pháp luật về HĐTD nói riêng và Quy chế cho vay theo Quyết định số 1627/QĐ-NHNN cùng các văn bản sửa đổi, bổ sung hiện hành đã thể hiện xu hướng mới trong hoạt động xây dựng văn bản pháp luật ngân hàng, đó là đề cao và mở rộng quyền chủ động và xác định tính tự chịu trách nhiệm của TCTD cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ nền kinh tế. Đồng thời, khách hàng vay vốn tại ngân hàng đã có cơ chế rõ ràng để chủ động trong việc vay, trả nợ và được hưởng thêm nhiều phương thức cho vay tiện ích từ các dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Bên cạnh những điểm tích cực nêu trên, hệ thống pháp luật về HĐTD cần được sửa đổi và ban hành với một số cơ chế tín dụng cho phù hợp với Luật các TCTD được Quốc hội ban hành năm 2010, có hiệu lực từ 01/01/2011 và điều kiện của các bên tham gia giao dịch cũng như môi trường pháp lý ở Việt Nam trong điều kiện cơ chế thị trường hiện nay, nhất là về cơ chế cho vay và thủ tục cho vay. NHNN phải kiểm soát lãi suất, công bố, công khai lãi suất cơ bản trên thông tin đại chúng,… trên cơ sở tham khảo lãi suất trên thị trường; áp dụng các biện pháp để kiểm soát những biến động của lãi suất thị trường. Việc xác định lãi suất tín dụng phải phù hợp với quyết định của Luật NHNN, luật các TCTD và các văn bản khác, điều kiện của các bên và môi trường pháp lý ở Việt Nam trong điều kiện cơ chế thị trường hiện nay, nhất là cơ chế về cho vay và thủ tục cho vay.

Một phần của tài liệu Hợp đồng cho vay tại ngân hàng thương mại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 90 - 92)