Theo quy định của pháp luật thì khi HĐTD phát sinh hiệu lực pháp lý sẽ đương nhiên làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, kể từ thời điểm hợp đồng được xác lập (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác). Các quyền và nghĩa vụ pháp lý này phản ánh những hành vi pháp lý mà thông qua việc ký kết hợp đồng các bên được phép hoặc phải thực hiện. Trong HĐTD, do mỗi bên tham gia có tư cách, địa vị pháp lý khác nhau nên quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể pháp luật cũng quy định có sự khác nhau. Cụ thể như sau:
a. Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay (hay TCTD)
Theo quy định tại Điều 25 Quy chế cho vay của TCTD ban hành kèm theo QĐ số 1627/2001/QĐ-NHNN, bao gồm:
- Yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi, khả năng tài chính của mình và của người bảo lãnh trước khi quyết định cho vay;
- Từ chối yêu cầu vay vốn của khách hàng nếu thấy không đủ điều kiện vay vốn, dự án vay vốn hoặc phương án vay vốn không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của Pháp luật hoặc TCTD không có đủ nguồn vốn để cho vay.
- Kiểm tra, giám sát quả trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
- Chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm HĐTD;
- Khởi kiện khách hàng vi phạm HĐTD hoặc người bảo lãnh theo quy định của pháp luật.
- Khi đến hạn trả nợ mà khách hàng không trả nợ, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì TCTD có quyền xử lý TSBĐ vốn vay theo sự thoả thuận trong hợp đồng để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với trường hợp khách hàng được bảo lãnh vay vốn;
- Miễn, giảm lãi vốn vay, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ thực hiện theo quy định tại Quy chế cho vay của TCTD; mua bán nợ theo quy định của NHNN và thực hiện việc đảo nợ, khoanh nợ, xoá nợ theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN.
- Thực hiện đúng thoả thuận trong HĐTD;
- Lưu giữ hồ sơ tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật.
b. Quyền và nghĩa vụ của bên vay (hay TCTD):
Theo quy định tại Điều 24 Quy chế cho vay của TCTD ban hành kèm theo QĐ số 1627/2001/QĐ-NHNN, bao gồm:
- Từ chối các yêu cầu TCTD không đúng với các thoả thuận trong HĐTD; - Khiếu nại, khởi kiện việc vi phạm HĐTD theo quy định của pháp luật; - Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp;
- Sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện đúng các nội dung đã thoả thuận trong HĐTD và các cam kết khác;
- Trả nợ gốc và lãi vốn vay theo thoả thuận trong HĐTD;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng những thoả thuận về việc trả nợ vay và thực hiện các nghĩa vụ bảo đảm nợ vay đã cam kết trong HĐTD.
Quyền tự chủ của các bên khi tham gia giao kết, thực hiện HĐTD được pháp luật ghi nhận, tạo cơ sở pháp lý cho các bên trong quá trình thực
hiện hợp đồng. Tuy nhiên, quyền tự chủ của các bên đôi khi đã dẫn đến việc lợi dụng bởi một số đối tượng trong và ngoài ngân hàng, dẫn đến sai phạm và gây hậu quả khó lường đối với nền kinh tế. Một loạt các sai phạm của cá nhân, cán bộ ngân hàng đến các cơ quan tổ chức khác khiến cho các nhà làm luật và áp dụng luật nao núng đi tìm nút gỡ, vì sai phạm và tổn thất trong ngành Ngân hàng đặc biệt nhạy cảm, nó ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và gây hoang mang cho doanh nghiệp khi gửi đồng tiền mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của mình vào tổ chức này. Về lý, cá nhân nào có lỗi, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng thực tế không đơn giản như vậy, vì thực chất rủi ro về kinh tế thường vẫn do ngân hàng gánh chịu. Để làm sáng tỏ vấn đề trên, tác giả xin lược qua một số vụ án điển hình liên quan đến thế chấp, lừa đảo trong hoạt động ngân hàng gần đây.
Giám đốc công ty TNHH Trần Vũ dùng sổ đỏ giả thế chấp và chiếm đoạt 20 tỷ đồng của 5 ngân hàng, với hành vi trên, Trần Vũ đã bị Công an Đà Nẵng khởi tố về tội lừa đảo.
Vụ án Trần Lệ Thủy (sinh năm 1969, nguyên là cán bộ Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam BIDV, Chi nhánh Đông Đô) cùng 10 đồng phạm cấu kết làm giả sổ tiết kiệm, gây thất thoát hơn 170 tỷ đồng của BIDV Đông Đô. Trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến tháng 4/2008, Trần Lệ Thủy đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, cấu kết với người thân trong gia đình, bạn bè và một số cán bộ Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công (Hà Nội) sửa chữa, xác nhận khống số dư trên giấy chứng nhận tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của Vietcombank Thái Bình và Vietcombank chi nhánh Thành Công, sau đó đem thế chấp tại Quỹ tiết kiệm số 1 Ngân hàng BIDV Thái Bình và BIDV Đông Đô để chiếm đoạt tiền của các Ngân hàng trên. Bằng các thủ đoạn tương tự, từ năm 2003 đến tháng 4/2008, Thủy cùng đồng phạm đã sửa chữa, làm giả, tráo đổi 14 giấy chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn, chiếm đoạt của BIDV Thái Bình hơn 29 tỷ đồng. Ngoài ra, Thủy chỉ đạo người thân quen sửa chữa, làm giả 23 giấy chứng nhận tiền gửi, xác nhận khống nhiều giấy tờ có
giá trị để làm thủ tục vay hơn 260 tỷ đồng tại BIDV Đông Đô… Sau khi chiếm đoạt được tiền, các bị cáo đã dùng vào việc đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, vàng, tiêu xài cá nhân.
Vụ án Mạc Thanh Việt (sinh năm 1970) vào thời điểm 1998 - 2001 được bầu làm Tổ trưởng tổ vay vốn của ấp Láng Cùng để quan hệ với Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vay tiền phục vụ sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Việt đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của người dân để vay tiền bỏ túi riêng rồi trả lời với chủ hộ là vay không được. Chưa hết, Việt đã đánh cắp, mua và cả xin GCNQSDĐ của người khác, đem đi sửa hoặc đến cơ sở in lụa để in nâng diện tích đất trên giấy lên cao gấp nhiều lần và đem đến "người quen" là các cán bộ của xã Lương Thế Trân (cũ) để được ký chứng nhận, xác nhận các thủ tục giấy tờ cần thiết để vay tiền. Việt còn móc ngoặc với các "tay trong" là cán bộ ngân hàng để hồ sơ vay tiền khống, hồ sơ giả được "qua ải" trôi chảy mà không cần phải có bước kiểm tra, thẩm định. Khi các thủ tục đã xong, cuối cùng Việt thuê người đến ngân hàng ký vào các chứng từ để nhận tiền vay. Vụ việc diễn ra êm đến mức rất nhiều hộ dân tại xã Lương Thế Trân không hay rằng GCNQSDĐ của mình đã nằm trong ngân hàng, mãi cho đến khi cán bộ địa chính mang giấy nợ đến nhà thì mới "tá hỏa".
Hoặc gần đây nhất là những sai phạm trong hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã được Thanh tra chính phủ kết luận là trên 22 tỷ đồng. Cơ quan này yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm túc các cá nhân để xảy ra sai phạm tại ACB. Tại Kết luận thanh tra số 3957/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của ACB trong hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra hồ sơ do ACB cung cấp, phát hiện 83 hồ sơ cho vay có khuyết điểm, sai phạm.
Phương án vay vốn không thể hiện được sự phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh tương ứng với những khoản vay. Việc thẩm định cho vay
không đủ căn cứ để xác định thời hạn sử dụng vốn vay phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh. ACB đã không thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra tình hình kinh doanh của khách hàng, dẫn đến việc HTLS không phù hợp với nhu cầu thực tế vay vốn lưu động trong hoạt động kinh doanh của khách hàng…
Có 14/83 doanh nghiệp được vay vốn lưu động lớn hơn nhu cầu thực tế hoạt động kinh doanh đã sử dụng vốn vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn, hưởng lãi trong thời gian được hưởng tiền hỗ trợ lãi suất từ NHNN.
Cụ thể: Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (Công ty) (Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) vay vốn để mua lúa gạo. Tuy nhiên, Công ty đã sử dụng tiền vốn lưu động để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn (tại các Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, Ngân hàng ANZ, Ngân hàng HSBC…); số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng HTLS là 3.468 triệu đồng.
Công ty Lương thực, Thực phẩm An Giang (Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) vay vốn để mua lúa gạo. Công ty đã sử dụng tiền vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn (tại chính Ngân hàng ACB); số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng HTLS là 382 triệu đồng.
Công ty May Nhà Bè (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh) vay vốn để sản xuất kinh doanh hàng may mặc. Công ty đã sử dụng tiền vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn trong năm 2009 với số tiền là 148.439 triệu đồng; số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng HTLS là 669 triệu đồng.
Công ty Liên doanh TNHH KFC Việt Nam (số 292 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vay vốn để thanh toán tiền mua nguyên liệu trong nước và kinh doanh hệ thống cửa hàng KFC. Công ty đã sử dụng tiền vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn (trên tài khoản 128); số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng HTLS là 545 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Docimexco (Phường 1, Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vay vốn để bổ sung vốn lưu động thu mua gạo dự trữ từ nông dân. Thực tế, Công ty đã sử dụng tiền vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn; số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng HTLS là 1.776 triệu đồng.
Tương tự các công ty trên, các khách hàng dưới đây cũng có thực trạng vay vốn lưu động lớn hơn nhu cầu thực tế hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp sử dụng vốn vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn, điều chuyển vốn cho đơn vị khác như: Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH Domyfeed (tỉnh Đồng Tháp), Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (TP. Hải Phòng), Công ty Cao su Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Trung (tỉnh Bình Định), Công ty TNHH Minh Long I (tỉnh Bình Dương), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang, Công ty Cổ phần sản xuất hàng gia dụng Quốc tế (tỉnh Bình Dương).
Tổng hợp kết quả tính toán từ các dữ liệu, tài liệu do ACB cung cấp cho thấy: có 83/111 hồ sơ xác định thời gian cho vay, số lượng vốn vay lớn hơn nhu cầu vốn lưu động thực tế của khách hàng, dẫn đến việc hỗ trợ lãi suất cho cả những khoản vay không có nhu cầu sử dụng vốn; số tiền đã HTLS không đúng quy định phải thu hồi về Ngân sách Nhà nước tại 83 doanh nghiệp là 22.113 triệu đồng. Ngoài ra, ACB hỗ trợ lãi suất với những hồ sơ cho vay không đủ căn cứ pháp lý để HTLS là 664 triệu đồng.
Việc sai phạm nêu trên một phần là do khách hàng lợi dụng chính sách và khe hở của pháp luật, do có sự chênh lệch lãi suất tiền gửi và lãi suất tiền vay có hỗ trợ lãi suất là đáng kể, dẫn đến khách hàng vay có xu hướng lợi dụng khe hở của cơ chế nhà nước để trục lợi. Đồng thời, ACB và các doanh nghiệp vay vốn chưa tuân thủ các quy định về Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng.
Như vậy, nguyên nhân để xảy ra các sai phạm, khuyết điểm có thể một phần là do việc cho vay hỗ trợ lãi suất là một chủ trương, chính sách mới,
chưa có tiền lệ, ban hành và thực hiện gấp rút nên việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện còn khó khăn hoặc các quy định của pháp luật hay TCTD dù có chặt chẽ đến đâu, nhưng những người có trình độ thẩm định tính hợp pháp của giấy tờ và cán bộ ngân hàng nếu không làm đúng chức năng, nhiệm vụ và tư lợi cá nhân thì sai phạm và thất thoát tất yếu sẽ xảy ra, do vậy, kiện toàn quy định pháp luật phải đồng nghĩa với việc kiện toàn nhân lực, xây dựng quy chế quy định về trình độ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng để giảm thiểu tối đa những vụ án nghiêm trọng như đã xảy ra trong thời gian gần đây. Các biện pháp bảo đảm thực chất là để ràng buộc nghĩa vụ giữa các bên, nhưng nếu được áp dụng và hiểu không đúng bản chất thì đôi khi nó lại trở thành công cụ để một số đối tượng lạm dụng để trục lợi.
Thêm vào đó, công tác quản trị, hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các NHTM còn yếu kém, nhất là các ngân hàng nhỏ và vừa. Hệ thống thông tin quản lý chưa được tương xứng với sự phát triển về quy mô, nghiệp vụ kinh doanh hiện đại nên chưa thực hiện giám sát đầy đủ và xử lý kịp thời rủi ro phát sinh trong hoạt động tín dụng.