a. Kiểm tra việc quản lý và sử dụng các khoản vốn bằng tiền:
- Kiểm tra tiền mặt tại quỹ gồm: Kiểm tra số lượng tiền mặt thực có trong quỹ (tiền Việt Nam, ngoại tệ, ngân phiếu, trái phiếu...), đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán.
- Kiểm tra các khoản thu chi tiền mặt có đúng với quy định hiện hành và bảo đảm tính kịp thời đầy đủ hay không.
- Kiểm tra số dư tiền gửi của đơn vị tại các ngân hàng, tiền đang chuyển, đối chiếu giữa thực tế với số liệu trên sổ kế toán có khớp đúng hay không, kiểm tra việc mở và sử dụng tài khoản có đúng quy định hiện hành hay không.
- Kiểm tra các khoản đầu tư tài chính mà đơn vị đang nắm giữ, tính hợp pháp và thời gian còn lại của các khoản đầu tư này.
- Kiểm tra các quan hệ thanh toán đối với nội bộ trong đơn vị, đối với các đơn vị bên ngoài như tạm ứng, các khoản phải thu, phải trả.
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định kế toán đối với các khoản vốn bằng tiền tại đơn vị.
b. Kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài sản cố định
- Kiểm tra việc mua sắm tài sản cố định gồm: Mục đích sử dụng, chất lượng tài sản, giá cả.
- Kiểm tra việc ghi chép, phân loại tài sản cố định như: Thẻ sổ đăng ký tài sản cố định, tình hình tăng, giảm, thanh lý tài sản cố định.
- Kiểm tra tình hình huy động và sử dụng tài sản cố định, tài sản cố định thuê tài chính, tài sản cố định tham gia góp vốn liên doanh...
- Kiểm tra việc tính hao mòn và khấu hao tài sản cố định có đúng các quy định hiện hành hay không, kiểm tra việc phân bổ khấu hao TSCĐ cho các đối tượng sử dụng có đúng quy định và hợp lý hay không.
- Kiểm tra việc sửa chữa lớn tài sản cố định, kiểm tra tài sản cố định đã thanh lý, chờ thanh lý, chi phí và thu nhập khi thanh lý TSCĐ của đơn vị.
- Kiểm tra việc tính toán, ghi chép và lưu trữ tài liệu kế toán về TSCĐ có đầy đủ và kịp thời hay không.
c. Kiểm tra kế toán chi phí sản xuất kinh doanh
- Kiểm tra việc mua sắm, sử dụng nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất có hợp lý không, có đúng các định mức kinh tế kỹ thuật không, có phù hợp với quy chế, quy định của đơn vị không.
- Kiểm tra việc tính toán, thanh toán chi phí nhân công trực tiếp có đúng với quy định không, thanh toán tiền lương theo hình thức nào, có phù hợp với quy chế của đơn vị không.
- Kiểm tra các loại chi phí quản lý sản xuất chung như chi phí quản lý phân xưởng, có hợp lý và tiết kiệm không, tình hình sử dụng công cụ, dụng cụ, chi phí khấu hao TSCĐ có đúng quy định hiện hành hay không, kiểm tra các loại chi phí bằng tiền khác có đúng và hợp lý hay không.
- Kiểm tra việc phân bổ chi phí cho giá thành sản phẩm, tiêu thức và cách phân bổ có chính xác và hợp lý không.
- Kiểm tra các chi phí phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm như bào bì, quảng cáo, khuyến mại... có đúng quy chế của đơn vị không.
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định kế toán đối với các khoản chi phí sản xuất kinh doanh tại đơn vị.
d. Kiểm tra kế toán doanh thu
- Kiểm tra việc thu tiền bán hàng hoá sản phẩm được xác định là đã bán trong kỳ kế toán (bao gồm số đã thu và số phải thu), đối chiếu việc thực tế bán hàng với sổ sách kế toán có đúng và chính xác hay không.
- Kiểm tra việc thu tiền bán các sản phẩm dịch vụ, doanh thu về hoạt động tài chính (nếu có) có đúng với quy định về phân chia và quyền được hưởng hay không.
- Kiểm tra việc tính toán thuế suất phải nộp, kiểm tra về chiết khấu thương mại có đúng các qui định của nhà nước, đúng quy định của đơn vị hay không.
- Kiểm tra việc xác định tỷ giá (đối với ngoại tệ) khi bán hàng thu tiền bằng ngoại tệ có đúng quy định không.
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định kế toán đối với doanh thu tại đơn vị.
5.2. Kiểm tra kế toán
Đây là hình thức các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đơn vị kế toán cấp trên kiểm tra kế toán đơn vị.
5.2.1. Nhiệm vụ kiểm tra kế toán
- Khái niệm: Kiểm tra kế toán là xem xét, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về kinh tế, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán.
- Đơn vị kế toán chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền và không quá 1 lần kiểm tra cùng một nội dung trong một năm. Việc kiểm tra kế toán chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Công tác thanh tra kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm mục đích giúp các đơn vị cơ sở thực hiện hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, bảo vệ lợi ích người lao động, lợi ích nhà nước và quyền lợi hợp pháp của cơ sở sản xuất kinh doanh.
- Doanh nghiệp có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra hoặc mua chuộc cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra kiểm tra.
5.2.2. Nội dung kiểm tra kế toán bao gồm
- Kiểm tra tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán
- Kiểm tra việc tổ chức quản lý và hoạt động nghề nghiệp kế toán
- Kiểm tra các việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về kế toán. - Nội dung kiểm tra kế toán phải được xác định trong quyết định kiểm tra.
5.2.3. Trình tự và thủ tục kiểm tra
- Việc tiến hành thanh tra, kiểm tra phải căn cứ vào chương trình kế hoạch đã được phê duyệt và phải được thông báo cho doanh nghiệp trước khi công bố quyết định kiểm tra. Quyết định kiểm tra phải ghi rõ căn cứ pháp lý để kiểm tra thực hiện yêu cầu, nội dung, phạm vi cuộc kiểm tra, thời hạn kiểm tra, các thành viên đoàn, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được kiểm tra.
- Nghiêm cấm việc thanh tra, kiểm tra không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự ý mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra, sử dụng các giấy tờ khống hoặc vi phạm các quy định khác về thủ tục thanh tra kiểm tra.
- Trong quá trình thanh tra kiểm tra việc áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, niêm phong tài liệu phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục do pháp luật quy định.
5.2.4. Quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra kế toán
- Khi kiểm tra kế toán đoàn kiểm tra kế toán phải xuất trình quyết định kiểm tra kế toán. Đoàn kiểm tra có quyền yêu cầu đơn vị kinh tế được kiểm tra cung cấp tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra kế toán và giải trình khi cần thiết.
- Khi kết thúc kiểm tra kế toán đoàn kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra kế toán và giao cho đơn vị được kiểm tra kế toán ít nhất là 1 bản. Nếu phát hiện có vi phạm pháp luật về kế toán thì sử lý theo thẩm quyền để sử lý theo quy định của pháp luật.
- Trưởng đoàn kiểm tra kế toán phải chịu trách nhiệm về các kết luận kiểm tra.
5.2.5. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp
- Doanh nghiệp được thanh tra kiểm tra có quyền:
+ Từ chối thanh tra kiểm tra khi không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
+ Kiến nghị, giải trình về những nội dung thanh tra, kiểm tra. + Được nhận quyết định thanh tra, kiểm tra.
+ Khiếu lại, tố cáo theo quy định của pháp luật về các việc làm trái pháp luật trong quá trình thanh tra, kiểm tra, yêu cầu đền bù thiệt hại do các biện pháp xử lý trái pháp luật của cán bộ thanh tra, kiểm tra gây ra.
- Doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra có nghĩa vụ:
+ Cử người có thẩm quyền làm việc với đoàn cán bộ về thanh tra, kiểm tra.
+ Cung cấp tài liệu kế toán có liên quan đến nội dung kiểm tra, giải trình các nội dung theo yêu cầu của đơn vị kiểm tra.
Chương 6