Tổ chức dòng họ

Một phần của tài liệu tổ chức xã hội và tín ngưỡng tôn giáo của người lô lô ở miền tây cao bằng từ 1945 đến nay (Trang 36 - 42)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Tổ chức dòng họ

Dòng họ là một hiện tượng lịch sử - văn hóa mang tính phổ quát, xuất hiện từ lâu trong nhân loại và tồn tại ở mọi nền văn hóa.

37

Có nhiều quan niệm khác nhau về định nghĩa dòng họ: Nguyễn Từ Chi quan niệm: “Họ, quá lắm cũng chỉ có thể xem là một dạng đặc biệt của gia đình mở rộng, mà tác dụng chính đối với các thành viên của nó (tức là các gia đình nhỏ hợp thành nó) là tạo ra một niềm cộng cảm dựa trên huyết thống” [5, tr 253]; Phan Đại Doãn viết: “Theo nghĩa rộng thì dòng họ, ngoài mối liên hệ ngang lại có mối liên hệ dọc đứng đến chín đời (cửu tộc), ngoài ra còn có quan hệ nội ngoại, nhưng huyết thống bên nội là quan hệ quyết định nhất [7, tr 27].

Theo đó, về cơ bản, dòng họ là một thiết chế xã hội đặc biệt gắn bó với nhau bởi quan hệ huyết thống do khởi sinh từ một thủy tổ. Trong mối quan hệ đồng huyết này, các cá nhân bao gồm cả người đang sống và người đã chết đều mang tộc danh về phía bố. Chỉ mang tộc danh về phía bố nên người Việt thường coi trọng họ nội. Tuy nhiên, chính mối quan hệ quan trọng nhất - mối quan hệ huyết thống đó đã khiến dòng họ người Việt Nam hình thành hàng loạt mối quan hệ khác: quan hệ kinh tế với chế độ lưu giữ và trao truyền gia sản, quan hệ tín ngưỡng thờ tổ tiên mà trước hết là thờ thủy tổ, quan hệ cộng đồng của các thành viên cùng sống trong một thiết chế xã hội được tổ chức theo nguyên tắc luân lý…

Giống các dân tộc khác sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam - Người Lô Lô ở miền Tây Cao Bằng sống theo từng bản với nhiều dòng họ khác nhau. Theo tiếng Lô Lô dòng họ có nơi được gọi là “sía hộ”, có nơi gọi là “chẩu” (huyện Bảo Lạc)

Cũng như người dân tộc Mông, Tày, xã hội Lô Lô trước ngày giải phóng có sự phân hóa giai cấp sâu sắc, người dân nơi đây chịu sự áp bức giai cấp đồng thời còn bị chèn ép bởi chính sách chia rẽ dân tộc tàn bạo của bọn thực dân. Bị áp bức bóc lột nặng nề cộng với những lệ tục lạc hậu, dân tộc Lô Lô cứ bị mai một dần. Việc cư trú thành những chòm bản đơn độc giải rác dọc biên giới ngày nay và việc tồn tại nhiều dòng họ, mỗi dòng họ chỉ có vài ba nóc nhà thậm chí chỉ một gia đình đơn độc có lẽ phần nào nói lên tình trạng ấy. Người Lô Lô ở huyện Bảo Lạc kể rằng: trong các dòng họ Lô Lô ở đây chỉ có họ Chi là tên gọi của dòng họ mình.

38

Hiện nay, trong quá trình cộng cư, người Lô Lô có rất nhiều dòng họ như thống kê của tác giả ở bảng sau:

Bảng 2.4: Số nhân khẩu của các dòng họ ở huyện Bảo Lâm

STT Dòng họ Số nhân khẩu Tỉ lệ so với toàn bộ số nhân khẩu (%) 1 Dương 28 2,79 2 Nông 152 15,15 3 Tô 115 11,46 4 Lang 128 12,76 5 Nà 61 6,08 6 Châu 60 6,0 7 Chung 32 3,19 8 Chu 105 10,46 9 Mà 25 2,49 10 Hoàng 39 3,88 11 Cha 39 3,88 12 Mèo 9 0,89 13 Giàng 25 2,49 14 Lục 9 0,89 15 Ma 16 1,59 16 Mà 25 2,49 17 Vừ 10 0,99 18 Cừ 23 2,29 19 Giàng 25 2,49 20 Hà 6 0,6 21 Sần 24 2,5 22 Đào 14 1,4 23 Sùng 6 6,0 24 Nguyễn 27 2,69 Tổng cộng 1003 100

Nguồn: Phòng thống kê huyện Bảo Lâm [38]

Qua bảng trên, ta thấy, người Lô Lô có khá nhiều dòng họ, trong đó có một số dòng họ đặc trưng của dân tộc mình (Chi, Quan, Cô, Lang…), đồng thời một số thành phần người Lô Lô mang họ của một số dân tộc khác. Đây

39

chính là kết quả của việc cộng cư và giao thoa giữa người Lô Lô với các dân tộc lân cận khác. Chẳng hạn như họ Nguyễn, Giàng, Vừ…

Ngoài ra, các dòng họ của người Lô Lô còn thường tập trung sinh sống ở một địa phương nhất định. Ví dụ, họ Chi tập trung chủ yếu ở xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc), họ Lang tập trung đông nhất ở xã Hồng Trị (huyện Bảo Lạc).

Theo số liệu thống kê, ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc có tất cả 52 hộ gia đình bao gồm các dòng họ: Chi, Na, Pâu, Phùng, Dương. Trong đó dòng họ Chi ở đây có 25 hộ gia đình, chiếm 48 % tổng số hộ gia đình ở xóm Khuổi Khon [38]. Đặc biệt, dòng họ Chi ở xã Kim Cúc tập trung tất cả các thành viên ở xóm Khuổi Khon, còn những xóm còn lại trong xã không có hộ gia đình họ Chi nào sinh sống.

Chứng tỏ rằng, người Lô Lô có tính cố kết dòng tộc rất cao. Khi cả dòng họ cùng chung sống trong một địa phương, họ sẽ dễ dàng giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày cũng như khi gia đình, dòng họ có việc lớn, hay nhân dịp lễ, tết.

Dòng họ của người Lô Lô theo chế độ phụ hệ, bao gồm các thành viên có cùng huyết thống trong vòng từ 4 đến 5 đời. Mỗi dòng họ chia thành những tông tộc nhỏ. Những gia đình cùng tông tộc thường ở chung một bản, cùng thờ tổ tiên duy khế và có một bộ trống đồng . Tuy nhiên người Lô Lô ở xã Hồng Trị (Bảo Lạc) không xây dựng nhà thờ và lập gia phả họ [33, tr 74]

Đứng đầu mỗi họ là trưởng họ (theo tiếng Lô Lô: trăng phắng, thầu chư, trương chua). Trưởng họ là những người nhiều tuổi, thuộc ngành trưởng, có nhiệm vụ trông coi toàn tông tộc, giữ gìn lề thói phong tục cho dòng họ mình. Trưởng họ theo tục cha truyền, con nối; trưởng họ là người thay mặt cả họ trong việc cúng tế dòng họ, cúng bái đám ma, đám cưới cho các thành viên trong dòng họ cũng như giải quyết các xung đột trong dòng họ và giao thiệp với các họ khác trong thôn. Do vai trò của trưởng họ rất quan trọng, nên họ được cả dòng họ quý mến, kính nể. Tuy nhiên, trong các công việc quan

40

trọng, đặc biệt là khi tổ chức thờ cúng tổ tiên, họ vẫn phải bàn bạc và có sự thống nhất của những người lớn tuổi trong dòng họ. Ngoài ra, trưởng họ cũng là người chỉ đạo việc lao động sản xuất trong khu vực canh tác riêng của dòng họ mình, các thành viên khác cùng hưởng lợi chung từ thành quả lao động trên mảnh đất đó. Các thành viên trong một dòng họ cùng gắn bó với nhau khá chặt chẽ bằng những quan hệ huyết thống và có sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày. Đối với những dòng họ lớn ở trong bản, trưởng họ của dòng họ ấy còn được đại diện dân bản thực hiện các yêu sách của chế độ chức dịch trong vùng: giám sát và thu thuế các gia đình, giải quyết việc đi phu đi lính…Với quyền thế như vậy, cho nên những người trong dòng họ ấy thường giàu có hơn, có nhiều đất sản xuất và được miễn thuế nông nghiệp, không phải đi phu đi lính. Tuy nhiên họ lại luôn tôn trọng tập quán tộc người, không tham gia bóc lột tiền của và sức lao động của người dân trong bản. Điều này cho thấy sự gắn bó, đoàn kết và yêu thương nhau của người Lô Lô. Trong thời kì hợp tác xã nông nghiệp, khi bầu ban chủ nhiệm hợp tác xã, ông trưởng họ lớn trong bản được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm hoặc phó chủ nhiệm. Họ không chỉ quản lí dân bản về mặt hành chính và còn quản lí các gia đình thành viên về mặt phong tục tập quán và nắm giữ việc cũng bái trong các nghi lễ cộng đồng.

Mỗi một dòng họ của người Lô Lô thường cư trú quây quần thành từng xóm riêng. Những dòng họ có từ ba bộ trống đồng trở lên là những dòng họ lớn và có vị thế trong làng. Các thành viên trong dòng họ được sử dụng trống đồng chung đó và trưởng họ là những người có trách nhiệm bảo quản. Đặc biệt, chỉ những người trong dòng họ mới được phép sử dụng trống đồng, những người ở dòng họ khác không được sử dụng. Trống đồng của người Lô Lô là nhạc cụ chỉ dùng trong nghi lễ chôn người đã khuất. Trống đồng là tài sản của từng dòng họ. Khi có người trong dòng họ qua đời, người trong dòng họ sẽ dùng 3 cặp trống, mỗi cặp có một trống đực và một trống cái để thực

41

hiện nghi lễ chôn cất. Vì tập quán kiêng kỵ dùng trong đám ma nên trống đồng thường chỉ được để ở bên ngoài nhà, khi nào có người mất thì mang ra dùng. Người Lô Lô quan niệm, nếu không có tiếng trống đồng dẫn đường thì hương hồn của người quá cố không thể về với tổ tiên được. Mỗi một dòng họ của người Lô Lô có một nghĩa địa riêng và chọn nơi chôn cất theo phong tục riêng của dòng họ mình, thường là ở địa thế trước sau đều có núi, bởi theo họ như thế mồ mả sẽ được bảo vệ cẩn thận.

Người Lô Lô không cho phép những người cùng một dòng tộc kết hôn với nhau (tức là cùng dòng máu trực hệ 4 hoặc 5 đời), có thể được phép kết hôn với những người (3 đời) thuộc dòng họ bên ngoại. Con trai cô được phép kết hôn với con gái cậu. Bởi theo họ, con gái khi đi lấy chồng là thuộc dòng họ khác, cho nên con cái được phép kết hôn với những người thuộc dòng họ mẹ. Mối quan hệ dòng họ của người Lô Lô chỉ trong phạm vi 4 – 5 đời, cho nên dòng họ của người Lô Lô không có nhiều chi.

Về đằng họ mẹ, nổi lên vai trò của ông cậu. Ông cậu đến thăm nhà phải tiếp đón tử tế, khi có ăn uống phải tìm mời ông cậu, gả bán con gái quyền thách cưới là ở ông cậu. Trong đám cưới, khi đoàn nhà gái đi đưa dâu thì nhất thiết phải có ông cậu của cô dâu. Khi mẹ chết phải tìm ông cậu đến xem mặt rồi mới được liệm. Song cũng từ khi mẹ chết mối quan hệ với đằng họ mẹ dần dần mờ nhạt đi. Cũng như họ mẹ, họ vợ chỉ bền chặt được có hai đời. Lệ tục người Lô Lô có quy định con rể phải khiêng một đầu quan tài của bố mẹ vợ, phải cùng với anh em cậu (anh trai hoặc em trai của vợ) lấp những hòn đất đầu tiên cho nấm mồ bố mẹ vợ. Trong đám tang của bố mẹ vợ, chàng rể phải mang đầu lâu giả dẫn dầu đoàn múa tiễn biệt vong linh của người đã khuất. Ngoài ra, trong ngày thu hoạch lúa đầu tiên, luôn cần sự có mặt của ông cậu và con rể. Họ chính là người đập những bông lúa đầu tiên vào thùng gỗ. Họ cầm một bó lúa nhỏ đập 3 lần vào thành thùng lấy lệ, vừa đập vừa nói: “một tạ, hai tạ, ba tạ” với mục đích cầu mong vụ này gia đình thu hoạch được nhiều lúa. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của ông cậu trong đời sống của người Lô Lô.

42

Hiện tượng phổ biến hơn cả là hôn nhân con cô con cậu, con trai cô lấy con gái cậu. Ở bản Ngàm Lầm, xã Cô Ba, Bảo Lạc có 8 cặp vợ chồng kết hôn theo kiểu hôn nhân con cô con cậu [6, tr127]. Ông cậu mới sinh con gái, bà cô sang chơi mang cho vuông vải phần để mừng đứa cháu mới ra đời, phần cũng là “miếng trầu bỏ ngỏ” đánh dấu từ đấy cô cháu gái bé bỏng sẽ trở thành nàng dâu tương lai của bà cô. Song tục lệ cũng chỉ cho phép ông cậu được gả một đứa con gái của mình cho một con trai bà cô, gả nhiều bị dư luận chê cười. Cho đến hiện nay, hiện tượng này đã giảm dần, bởi người dân Lô Lô nơi đây đã được Đảng và Nhà nước tuyên truyền, vận động về việc hôn nhân cận huyết thống sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và giống nòi của dòng họ thế hệ sau. Hiện nay, nam nữ được tự do tìm hiểu nhau qua lao động, qua các phiên chợ nhất là chợ tình vào ngày 30 tháng 3 và ngày 15 tháng 8 âm lịch, từng tốp nam nữ người Lô Lô mang cơm nắm đến chợ từ chiều hôm trước chợ phiên.

Như vậy, có thể thấy rằng, dòng họ của người Lô Lô mang tính cố kết chặt chẽ. Trong một dòng họ, trưởng họ là người có nhiều quyền lực, thay mặt các thành viên khác giải quyết nhiều vấn đề về đời sống tinh thần cũng như trong sản xuất, đồng thời là người xử lí những công việc mang tính chất đối ngoại với các dòng họ khác trong bản. Các thành viên trong dòng họ có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ những tài sản chung của dòng họ (trống đồng, mồ mả…), đồng thời giúp đỡ nhau tích cực trong lao động và đời sống. Dòng họ chính là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho người Lô Lô.

Một phần của tài liệu tổ chức xã hội và tín ngưỡng tôn giáo của người lô lô ở miền tây cao bằng từ 1945 đến nay (Trang 36 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)