Luận thuyết “vạn vật hữu linh”

Một phần của tài liệu tổ chức xã hội và tín ngưỡng tôn giáo của người lô lô ở miền tây cao bằng từ 1945 đến nay (Trang 58 - 61)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Luận thuyết “vạn vật hữu linh”

Cũng như các dân tộc láng giềng khác ở phía Bắc nước ta, tín ngưỡng của người Lô Lô chủ yếu thiên về “vạn vật hữu linh”. Họ giải thích mọi hiện tượng tự nhiên đều dựa vào các lực lượng siêu nhiên, vạn vật đều có linh hồn.

Linh hồn là một trong những quan niệm tín ngưỡng phổ biến. Người Lô Lô gọi linh hồn là “duy thá”. Người Lô Lô còn cho rằng tất cả mọi vật từ lợn, gà, trâu, bò đến chim muông thú rừng cũng như cây cỏ… đều có linh hồn. Nhưng linh hồn chỉ tồn tại ở những vật có khả năng sinh trưởng - tức là những vật sống, những vật như: đá, núi, sông… đều không có hồn. Tuy nhiên họ có sự phân biệt giữa linh hồn người và linh hồn của các loài khác. Mỗi loại cây cỏ và gia súc chỉ có một hồn. Riêng hồn của con người thì phức tạp hơn, gọi chung là “hồn người”. Theo quan niệm của người Lô Lô, mỗi một con người có 9 hay 12 vía. Người Lô Lô không có sự phân biệt về hồn và vía, mà thường đồng nhất hai khái niệm này.

Có quan niệm cho rằng: hồn là một thể thống nhất về sức mạnh, các hồn có vị trí và vai trò như nhau. Nhưng cũng có quan niệm cho rằng hồn ở người bao giờ cũng có một hồn chính, còn các hồn còn lại là hồn phụ. Hồn chính quyết định sự sống, hồn điều khiển mọi hoạt động của con người, mất hồn chính con người sẽ chết, còn mất hồn phụ thì chỉ bị ốm đau, bệnh tật. Người Lô Lô cho rằng có một lực lượng siêu nhiên có thể tách hồn lìa khỏi xác, đó là cái loại thần linh. Trong thế giới thần linh phức tạp có hai vị thần đứng đầu, đó là thần Kết Dơ cai quản vũ trụ tạo ra con người, còn thần Mít Dơ cai quản mặt đất

59

che chở cho con người. Xưa kia bị đau ốm, đồng bào thường mời thầy mo về bói và cúng giúp

Theo người Lô Lô, linh hồn là rất yếu đuối, cho nên người ta luôn chú ý để bảo vệ. Người càng trẻ thì hồn càng yếu. Trẻ sơ sinh, thiếu nhi hồn yếu nhất “mải chơi nhất”, những người ở tuổi thanh niên (25 – 50 tuổi) hồn khỏe nhất. Đồng thời, ở trong bất kì một đám ma nào, nhất là khi chôn cất, người ta rất chú ý đến việc giữ gìn và bảo vệ linh hồn của những người đi đưa đám hoặc với những người gia đình có trẻ sơ sinh. Điều này gần giống với người Kinh, thành viên trong một gia đình có trẻ sơ sinh sau khi đi đám ma về, trước khi bước vào nhà thường phải “đốt vía”, để tránh việc hồn ma theo người đó vào nhà. Người Lô Lô có những cách thức khác nhau để bảo vệ linh hồn của mình, nếu chẳng may, linh hồn bị hại thì người ta thường tìm đến thầy cúng – những người có khả năng giao tiếp với thần linh để cứu vớt linh hồn. Chính vì vậy, saman giáo - một hình thức tôn giáo xuất hiện từ thời kì chế độ thị tộc tan rã, đã kết hợp với luận thuyết “vạn vật hữu linh” - hình thức tín ngưỡng đã tồn tại từ thủa sơ khai của loài người, ngày càng được phát triển hơn nữa. Người Lô Lô thường làm lễ gọi hồn cho trẻ sơ sinh, lễ gọi hồn cho người ốm và tất cả các thành viên trong gia đình - đây chính là biểu hiện của sự kết hợp chặt chẽ đó.

Người Lô Lô cho rằng khi chết thì hồn sẽ chia thành 4 phần khác nhau: một phần sẽ được con cháu đưa về nơi quê cha đất tổ; một phần sẽ được đưa về khu mộ của làng bản; một phần sẽ về trên sàn gác bếp và biến thành ma bếp, giúp con cháu trông coi nhà cửa, không cho ma khác xâm nhập vào nhà; còn một phần hồn chính là phần được con cháu rước lên thờ trên bàn thờ tổ tiên và được con cháu thờ cúng chu đáo. Sau khi một người chết đi, trong đám tang, người Lô Lô cũng tiến hành gọi hồn cho người chết. Bởi theo họ, khi còn sống con người có thể tha phương cầu thực, sống ở nhiều nơi, đi nhiều vùng, nên hồn có thể còn lang thang đâu đó. Cho nên thầy cúng phải làm lễ, khấn vái để đưa tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên. Ngoài ra, họ còn tiến hành lễ dẫn

60

đường cho linh hồn người chết đến với thế giới ma để linh hồn đó không bị lạc đường và quay về làm hại con cháu. Họ chuẩn bị một con gà bị bóp chết, sau đó thầy cúng mở đường, hướng dẫn linh hồn từ biệt những người thân trong gia đình, rồi dẫn linh hồn đó đi qua nhiều nơi để về với tổ tiên.

Người Lô Lô ở Bảo Lạc (Cao Bằng) còn có lệ làm ma khô cho người chết. Nghĩa là tổ chức làm ma lần thứ hai. Bởi theo họ, sau khi làm ma khô xong, vong linh người chết mới đến được các nơi để con cháu thờ cúng. Lễ “ma khô” thường được tổ chức to hơn lần trước, họ làm cơm thiết đãi mọi người trong vài ngày, tổ chức nhảy múa và đánh trống đồng. Tuy nhiên, phong tục của người Lô Lô ở đây không tảo mộ và cũng không cúng giỗ hàng năm cho người chết.

Ngoài ra, người Lô Lô còn cho rằng thần “nềnh” là lực lượng siêu nhiên có khả năng tác động đến đời sống con người. Người Lô Lô quan niệm có nhiều loại “nềnh”, tuy nhiên chủ yếu vẫn có hai loại: ma lành và ma dữ. Ma lành thì bảo vệ con người, phù hộ cho người sống được tai qua nạn khỏi, mùa màng tươi tốt. Ma dữ thì gây tai họa cho con người, làm cho con người bị ốm đau bệnh tật hoặc chết đột ngột.

Trong quan niệm của người Lô Lô, họ cho rằng trái đất hình tròn, và vũ trụ có ba thế giới khác nhau: Thế giới trong lòng đất, đây là thế giới của ma, do người chết đem chôn biến thành; thế giới trên trời là thế giới của tổ tiên loài người. Theo họ: trời là cha, đất là mẹ, có trời mới có đất, có đất mới sinh cỏ. Trời là vị thần tối linh nhất, có quyền năng nhất đối với thế giới thần linh. Trời sáng tạo ra thế giới trần gian, loài người, muôn vật. Trời quyết định vận mệnh của loài người; Thế giới trần gian – đây là thế giới của loài người sinh sống và tồn tại.

Tóm lại, đời sống tâm linh của người Lô Lô rất phong phú với nhiều tín ngưỡng và quan niệm về đời sống tự nhiên. Họ lí giải sự vật xung quanh qua luận thuyết “vạn vật hữu linh”. Mọi sự vật, hiện tượng thiên nhiên và con

61

người đều do một lực lượng siêu nhiên bí ẩn tạo nên. Đây vừa là nét văn hóa khác biệt nhưng cũng thể hiện trình độ nhận thức về thế giới quan - nhân sinh quan của người Lô Lô chưa đạt đến sự phát triển. Thế giới xung quanh họ đều có linh hồn - đều có thể gây ra những hiện tượng bí ẩn, khác lạ mà họ không thể giải thích nổi. Chính vì vậy, mọi vấn đề họ đều giải quyết bằng phương pháp mời thầy cúng. Ốm đau bệnh tật đều mời thầy cúng đến để đuổi tà ma.

Hiện nay, với sự tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, người Lô Lô đã phần nào nâng cao được sự hiểu biết. Ốm đau bệnh tật đã đến trạm xá, bệnh viện để chữa trị. Tuy nhiên, do giao thông đi lại khó khăn, lại nằm xa khu trung tâm, cho nên nhận thức và đời sống của họ vẫn còn nhiều hạn chế.

Một phần của tài liệu tổ chức xã hội và tín ngưỡng tôn giáo của người lô lô ở miền tây cao bằng từ 1945 đến nay (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)