0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (111 trang)

Tín ngưỡng liên quan đến sản xuất nông nghiệp

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO CỦA NGƯỜI LÔ LÔ Ở MIỀN TÂY CAO BẰNG TỪ 1945 ĐẾN NAY (Trang 69 -75 )

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.4. Tín ngưỡng liên quan đến sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp là ngành kinh tế chính – nguồn thu nhập chủ yếu của người Lô Lô. Chính vì vậy, họ luôn mong muốn một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh hay thiên tai cản trở. Cho nên, người Lô Lô rất coi trọng các nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Các nghi lễ này chủ yếu tiến hành đối với các cây lương thực, trong đó cơ bản là lúa, ngô, và các loại cây trồng khác như: cây ăn quả, cây bông, chàm… Các nghi lễ này chủ yếu tiến hành ở từng gia đình. Tuy nhiên, có một số nghi lễ khác lại đòi hỏi phải có thầy cúng chuyên nghiệp hay những người biết hành lễ. Nội dung cơ bản của các nghi lễ này là mong sản xuất được thuận lợi, bội thu sản phẩm, lúa thóc đầy kho. Muốn được như vậy phải cầu đến hồn lúa, tổ tiên, các lực lượng thiên nhiên (sấm sét, gió bão), thần (ma). Tổ tiên và thần đất chủ yếu làm nhiệm vụ phù trợ, giúp cho lúa khỏi bị thú rừng, chim muông phá hoại. Các lưc lượng thiên nhiên như sấm sét đều gây hại đến sản xuất, cho nên phải thờ cúng. Còn các loại sâu bọ, chim muông phá hoại mùa màng thì không cúng trực tiếp mà cúng gián tiếp thông qua tổ tiên.

Ở người Lô Lô có một số nghi lễ liên quan đến nông nghiệp cụ thể như sau: - Lễ cầu mưa: Với những nghi thức đặc sắc, độc đáo, lễ cầu mưa được lưu truyền từ đời này tới đời khác, đến nay không chỉ là một sự kiện mang tính tín ngưỡng, mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, bàn chuyện làm ăn, trai gái giao duyên. Ở huyện Bảo Lâm, lễ hội được tổ chức ở các xóm: Cà Pẻn A, Cà Pẻn B, Cà Đổng, Cà Mèng [33, tr 170]

70

Việc cầu mưa không thể làm tuỳ tiện, không phải năm nào cũng làm lễ, mà chỉ vào những năm thời tiết khắc nghiệt, khô hạn, người dân trong vùng mới tập trung lại, mời người làm lễ (là trưởng xóm hoặc người cao tuổi có uy tín trong khu vực).

Thủ tục xin khá đơn giản, bao gồm một chén nước, hương và giấy trúc. Lễ hội này thường được tổ chức ở một khu rừng có địa hình tương đối bằng phẳng. Thời gian tổ chức được chọn một ngày thìn (ngày Rồng) trong tháng 3 Âm lịch, nguyên nhân chọn ngày này vì họ quan niệm ngày này sẽ có Rồng phun nước làm mưa, mưa tưới tiêu cho các loại cây trồng và cho con vật có nước để sinh sống ở trần gian. Đây là lễ hội đã tồn tại lâu đời, với mục đích cầu cho mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc, sống lâu, không bệnh tật, mưa thuận gió hòa…

Dân làng sẽ cử ra 3 người đại diện là thành viên Ban tổ chức, những người này có trách nhiệm tổ chức vận động các hộ trong làng đóng góp tiền để mua một con trâu, một con chó, hai con gà để làm lễ vật cầu mưa. Sau khi đã chuẩn bị xong, ban tổ chức sẽ thông báo cho các hộ gia đình biết ngày tổ chức lễ cầu mưa, người tham gia lễ cầu mưa phải mặc quần áo mới và đúng trang phục. Chỉ có những người đàn ông và trẻ em mới được đến khu vực diễn ra lễ cầu mưa, còn phụ nữ phải ở nhà chuẩn bị lễ vật cúng tổ tiên tại nhà mình.

Để cho lễ cầu mưa thành công, không thể thiếu một thủ tục đầu tiên, đó là làm lễ xin các thầy cúng tiền bối. Người thầy cúng trong lễ hội cầu mưa phải là người có uy tín với làng bản, liêm khiết, trong gia đình không có người phụ nữ đang mang thai, có trang phục thầy cúng riêng, không có nhạc cụ đệm theo.

Trước hết thầy cúng thắp hương tại bàn thờ gia tiên, sau đó đặt giấy trúc, chén nước xuống một góc nhà và khấn xin. Lời khấn trong lễ cầu mưa như sau:

Hôm nay ngày đẹp trời Chúng con xin ông Cồ Ông Cồ cho mưa gió Để làm ruộng làm nương

71

Ông Cồ giờ ở đâu

Trong nấm mồ chôn sâu Một mẩu đời bạc mệnh Hay vừa mới nguội lạnh

Thiên hạ được ngày nay Nhờ có công ông Cồ Ông Cồ xin trời mưa Nhờ ngọn mai cao vút

Ông Cồ xin trời mưa Nhờ có lửa có khói Dân làng nổi trống lên Bụi tung bay mặt đất

Dân làng nổi kèn lên Tiếng kêu như gầm rú Gió hú bay cổng làng Mo cau dằng lấy cuống

Tiếng kêu lên trời cao Để xin trời mưa gió Ông Cồ đã phải lo

Ngày này qua tháng khác

Xin trời đổ cơn mưa Xin đất hãy chuyển mình

72

Cho nổi hình trên sóng Bong bong bay trên hồ

Xin mưa phải làm sao Trời thì ở trên cao Đất gọi trời không thấu Người gọi trời không thưa

Hãy gọi trời trên cao Hỡi trời cao đất rộng Một ngày bảy mặt trời Một đêm bảy mặt trăng

[23, tr 254 - 256]

Sau đó ông bọc tờ giấy trúc lên chén nước, nếu nước trong chén không bị thấm hoặc đổ ra ngoài thì việc xin phép mới linh nghiệm và lễ cầu mưa mới thành công. Cuối cùng, thầy cúng đốt tờ giấy trúc, hoàn tất thủ tục. Nơi thực hiện lễ cầu mưa thường là một bãi đất rộng, cao, ngay cạnh nương rẫy. Đồ tế lễ phải có rượu ngô, chó, gà, một thanh kiếm (có thể bằng sắt hoặc gỗ), một bát nước, bốn chén rượu, bốn ống hương bằng tre tượng trưng cho bốn phương trời. Các thiếu nữ chuẩn bị trang điểm, mặc trang phục truyền thống của người Lô Lô, các nhạc cụ cần thiết để vào lễ. Các trai bản thì lo làm lễ vật dâng cúng. Nhạc cụ không thể thiếu trong buổi lễ là trống đồng và nhị. Sau khi tiến hành xong các nghi lễ cầu mưa, mọi người trong làng bản lại cùng nhau ăn uống ngay tại nơi tổ chức nghi lễ.

Những nét hoang sơ trong “lễ cầu mưa” – thể hiện bản sắc văn hóa vùng cao rõ nét. Rất nhiều dân tộc khác (Mông, Tày…) cũng tiến hành nghi lễ cầu mưa, nhưng không dân tộc nào giống dân tộc nào; mỗi một dân tộc mang một sắc thái riêng. Lễ cầu mưa của người Lô Lô với nét nổi bật là sự xuất hiện của

73

tiếng trống đồng. Đây vừa là hoạt động tâm linh mang tính chất tín ngưỡng dân gian, lại vừa là dịp để mọi thành viên trong làng bản sum họp, gắn chặt tình đoàn kết tộc người.

- Lễ cúng cơm mới: Hàng năm một số dân tộc trồng lúa nương và lúa nước có nghi lễ cúng cơm mới. Nằm trong quỹ đạo đó, người Lô Lô cũng tiến hành cúng cơm mới. Mục đích là để mừng vụ thu hoạch thắng lợi và mong muốn một mùa sản xuất tới sẽ có thật nhiều thóc lúa trong nhà.

Lễ cúng cơm mới thường được tổ chức vào khoảng tháng 9 Âm lịch và được tiến hành ở một gia đình cá thể. Vào cuối vụ lúa, sau khi lúa đã chín vàng, chuẩn bị đến lúc thu hoạch. Người Lô Lô sẽ chọn ngày lành tháng tốt để ra nương cắt khoảng 2 - 3 cụm lúa mang về phơi khô, sau đó giã thành gạo nấu cơm, đồ xôi để cúng tổ tiên.

Trong buổi cúng cơm mới, các thành viên trong gia đình cần chuẩn bị những lễ vật như sau: Cơm mới (xôi hoặc cơm tẻ); 1 con gà; Thịt lợn; 1 chai rượu; Một vài loại rau xanh; Hương vàng

Sau khi đã chuẩn bị xong lễ vật, họ sẽ đặt lên bàn thờ tổ tiên, và người đàn ông – người chủ gia đình sẽ tiến hành cúng. Nội dung bài cúng như sau:

Cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho gia đình làm ăn phát đạt thu hoạch được nhiều lương thực. Sang năm xin tổ tiên lại tiếp tục phù hộ gia đình làm ăn phát đạt hơn nữa, thu hoạch được nhiều lúa ngô hơn nữa [41].

Trong ngày cúng cơm mới, chủ gia đình sẽ mời anh em họ hàng, bà con láng giềng đến chia vui và cùng ăn uống.

Lễ cúng cơm mới của người Lô Lô nhìn chung diễn ra đơn giản hơn so với một số dân tộc khác.

Chẳng hạn lễ cơm mới “ổm mí mùa lô” của người Si La được tổ chức theo dòng họ. Trưởng họ sẽ chọn một ngày tốt, thích hợp với dòng họ mình rồi thông báo cho các gia đình sẽ mang hai con sóc, hai con chim, hai con cá đã

74

sấy khô và cơm, rượu đến tập trung ở nhà trưởng họ để làm lễ cúng cơm mới. Lễ cúng cơm mới của người Si La diễn ra một cách tượng trung, trưởng họ ra nương ngắt vài bông lúa mới rồi cắm lên bàn thờ tổ tiên ở nhà trưởng họ và bàn thờ tổ tiên ở các gia đình trong họ. Sau khi cúng xong, các gia đình sẽ ngồi ăn “cơm mới” chung ở nhà trưởng họ, vừa ăn uống vừa bàn công việc sản xuất và đời sống của họ.

Hay như lễ cơm mới “già txi ma gia va” của người Xá Phó thì lại diễn ra khá độc đáo và diễn ra trong 3 ngày liên tục với ý nghĩa mong muốn kéo dài thời gian thu hoạch, thóc lúa dư dật. Vào ngày làm lễ cơm mới, người già nhất trong gia đình sẽ ra nương một mình và gặt vài cụm lúa mới về cúng tổ tiên. Đến ngày thứ hai của lễ, hai vợ chồng chủ nhà sẽ cùng nhau lên gặt tiếp. Ngày thứ 3, cả nhà cùng lên nương và cùng gặt lúa. Một điều đặc biệt là khi lên nương gặt lúa các thành viên trong gia đình đều phải im lặng và không được nói chuyện. Đến khi lúa đã gặt được nhiều, người chủ nhà sẽ dứt bỏ “ta leo” đi, sau đó mọi người mới dược nói chuyện bình thường. Sau khi đã gặt lúa trên nương xong, người Xá Phó sẽ bày mâm cúng cơm mới. Sau khi cúng xong, người phụ nữ được ăn cơm trước, còn người đàn ông chỉ được ngồi mâm không có cơm mới và uống rượu.

Như vậy, so với một số dân tộc khác, lễ cúng cơm mới của người Lô Lô đơn giản hơn, và chỉ tổ chức ở quy mô gia đình. Đồng thời lễ cúng cơm mới chủ yếu chú trọng vào phần lễ. Điều này chứng tỏ, người Lô Lô rất có niềm tin với tổ tiên hay nói cách khác họ luôn tin tưởng sự thành kính của họ đối với tổ tiên sẽ giúp cho họ có được cuộc sống đầy đủ với thóc lúa và lương thực.

- Lễ cúng thần đất: Sau khi cấy lúa xong hoặc 2 – 3 ngày sau khi cấy lúa (tùy thuộc hoàn cảnh gia đình), người Lô Lô thường tiến hành cúng thần đất. Lễ cúng thần đất diễn ra vào tháng 5 Âm lịch.

75

Lễ cúng được tổ chức ngay tại nương lúa của mỗi gia đình. Mâm cúng của lễ cúng thần đất bao gồm: 2 con gà; 1 đĩa xôi; 1 chai rượu

Sau khi đã chuẩn bị xong lễ vật, họ đặt mâm cúng trên một cái sạp ở góc nương. Người tiến hành cúng (thầy cúng) sẽ thay mặt cả gia đình cúng ông thần đất.

Nói tóm lại, các nghi lễ trong nông nghiệp của người Lô Lô chủ yếu diễn ra trên quy mô gia đình hoặc làng bản (lễ hội cầu mưa). Các nghi lễ này đều nhằm mục đích là cầu xin tổ tiên cùng các thế lực siêu nhiên bảo vệ, chở che và phù hộ cho một mùa màng tươi tốt, sản xuất bội thu, lúa thóc ngô khoai đầy nhà. Để cuộc sống của họ đầy đủ hơn về vật chất.

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO CỦA NGƯỜI LÔ LÔ Ở MIỀN TÂY CAO BẰNG TỪ 1945 ĐẾN NAY (Trang 69 -75 )

×