Bàn luận về kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tác động của hỗ trợ xã hội và bạo lực đối với phụ nữ đối với mối liên hệ giữa SKTT của người mẹ và SKTT của trẻ (Trang 68 - 71)

Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy vấn đề SKTT ở người mẹ và SKTT ở trẻ em có liên quan với nhau và chịu tác động của nhiều yếu tố như kinh tế xã hội [6] và tình trạng bạo lực gia đình. Các hỗ trợ xã hội có tác động trực tiếp, tích cực đối với tình trạng sức khỏe và được coi như là yếu tố điều chỉnh các hậu quả gây do các căng thẳng tâm lý xã hội, thực thể đối với vấn đề thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân [31], còn bạo lực gia đình là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc các RLTT ở phụ nữ và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em [18].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có sự liên quan giữa SKTT của trẻ và tình trạng SKTT của người mẹ 6 tháng trước đó. Cụ thể là mức độ biểu hiện lo âu của người mẹ (ở thời điểm 6 tháng trước) có tương quan các vấn đề về tập trung chú ý, không vâng lời, hành vi gây hấn ở trẻ. Mức độ biểu hiện lo âu ở người mẹ càng cao thì trẻ càng có nhiều vấn đề nêu trên. Kết quả của

nghiên cứu này nhất quán với các kết quả nghiên cứu của Catherine và cộng sự [9] và kết quả đánh giá điều tra ban đầu của Trần Đức Thạch trong chương trình SKTT cộng đồng tại Đà Nẵng và Khánh Hòa của VVAF [29, tr 2.] rằng SKTT của người mẹ là yếu tố nguy cơ và có thể dự báo các vấn đề SKTT ở trẻ em. Sự liên quan SKTT mẹ - con này, một lần nữa, phản ánh đặc điểm văn hóa của gia đình Việt Nam rằng người mẹ có vai trò hết sức quan trọng trong việc gần gũi, chăm sóc, nuôi dậy trẻ em trong gia đình. Vì có mối liên hệ chặt chẽ như vậy nên ta có thể hiểu được bất kỳ sự thay đổi nào trong tình trạng sức khỏe của người mẹ đều ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của con. Kết quả này sẽ giúp ích cho việc xây dựng chiến lược dự phòng và nâng cao tình trạng SKTT ở trẻ thông qua việc cải thiện tình trạng SKTT ở người mẹ.

Cũng theo kết quả nghiên cứu này, SKTT của người mẹ có liên quan với các hỗ trợ xã hội. Người mẹ càng nhận nhiều hỗ trợ xã hội thì càng ít biểu hiện trầm cảm, lo âu, ít ý tưởng tự tử và ít bị ảnh hưởng bởi trầm cảm, lo âu đến cuộc sống thường ngày của họ. Người mẹ nhận đầy đủ hỗ trợ hỗ trợ xã hội có ít vấn đề SKTT hơn người mẹ không nhận được bất kỳ hỗ trợ xã hội nào. Kết quả này cũng nhất quán với kết quả nghiên cứu của William W. Dressler [34, tr 39 - 48] cũng như các tác giả khác trên thế giới rằng những phụ nữ nhận được hỗ trợ từ người thân trong gia đình ít có biểu hiện trầm cảm hơn. Như vậy, các hỗ trợ xã hội, đặc biệt là các hỗ trợ từ người chồng và các thành viên trong gia đình, bạn bè, hàng xóm là các yếu tố bảo vệ người mẹ khỏi các vấn đề SKTT phổ biến. Điều này đã củng cố rằng SKTT không chỉ là vấn đề riêng của ngành y tế, mà còn là mối quan tâm của cộng đồng, xã hội vì muốn cải thiện tình trạng SKTT cho phụ nữ thì hệ thống hỗ trợ xã hội cũng cần được cải thiện theo để đáp ứng nhu cầu đó.

Tuy nhiên, mối liên hệ giữa sự thay đổi tình trạng SKTT của người mẹ và các hỗ trợ xã hội cần được nghiên cứu sâu hơn bằng các dự án quy mô hơn. Việc giảm các biểu hiện về trầm cảm, lo âu ở người mẹ tham gia nghiên cứu

này có thể do tăng các hỗ trợ xã hội (từ các dịch vụ của dự án LIFE-DM) hoặc do tình trạng SKTT của người mẹ được cải thiện (do tác động của dự án LIFE- DM) dẫn đến việc cho phép họ tìm kiếm hoặc trải nghiệm các hỗ trợ xã hội nhiều hơn. Bản chất của mối quan hệ này cần được nghiên cứu thêm trong thời gian tới.

Trong kết quả của nghiên cứu này, tình trạng SKTT của người mẹ còn liên quan đến tình trạng bạo lực. Cụ thể là các biểu hiện của trầm cảm, lo âu, mức độ ảnh hưởng của trầm cảm, lo âu, ý tưởng tự sát ở người mẹ có liên quan đến tình trạng bạo lực. Người mẹ bị bạo lực có nhiều vấn đề SKTT hơn so với người mẹ không bị bạo lực. Kết quả này nhất quán với các kết quả nghiên cứu của Ann L. Coker [5, tr 465-476] và nghiên cứu của Đỗ Ngọc Khanh [11, tr 149-163] rằng tình trạng bạo lực gây ra những ảnh hưởng nặng nề về thể chất và tâm thần cho phụ nữ nạn nhân. Như vậy, bạo lực là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc các RLTT cho phụ nữ. Từ đây, ta có thể thấy tình trạng bạo lực đối với người mẹ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tình trạng SKTT của trẻ thông qua mối tương tác mẹ - con. Vì vậy, để xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển đầy đủ của trẻ em bao gồm cả phát triển về SKTT thì chúng ta cần chú ý đến yếu tố bạo lực trong gia đình.

Do có mối tương quan giữa SKTT của người mẹ và SKTT của trẻ, nên trẻ là con của những người mẹ nhận được hỗ trợ xã hội có ít vấn đề SKTT hơn so với trẻ là con của những người mẹ không nhận được bất kỳ hỗ trợ xã hội nào. Tuy nhiên, tình trạng SKTT ở trẻ là con của những người mẹ bị bạo lực khác như thế nào so với trẻ là con của người mẹ không bị bạo lực cần nghiên cứu sâu hơn với cỡ mẫu lớn hơn. Trong phạm vi nghiên cứu này, do những hạn chế của nghiên cứu nên chúng tôi không có đủ bằng chứng để chứng minh cho giả thuyết rằng trẻ là con của những người mẹ không bị bạo lực thì ít có các vấn đề SKTT hơn trẻ là con của những người mẹ bị bạo lực.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ tác động của hỗ trợ xã hội và bạo lực đối với phụ nữ đối với mối liên hệ giữa SKTT của người mẹ và SKTT của trẻ (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w