a. Cuộc sống săn bắn, du mục và nơi cư trú
3.1 Chiến tranh với Tây Hạ
Lãnh thổ Mông Cổ bây giờ tiếp giáp với ba nước lớn: phía đông và đông nam, sau dãy Vạn Lý Trường Thành là đại Kim đang thời kỳ cường thịnh; phía nam là nước Tây Hạ; phía tây bên kia dãy núi Pamir là đế quốc Tây Liêu
Để chuẩn bị cho cuộc xâm lăng, bộ tổng tham mưu Mông Cổ cho rất nhiều quân do thám qua ba nước ấy quan sát tình hình.
Dân Tây Hạ thuộc giống Tây Tạng, xưa kia là bộ lạc Thát Bạt chiếm khu vực A La Chan và Ordos, đời Đường quy phục Trung Hoa. Sau khi chiến thắng Nãi Man. Thành Cát Tư Hãn mới biết rõ Tây Hạ qua kinh nghiệm bản thân. Ông xua quân đột kích vào vùng biên cảnh xứ này đốt phá mấy làng, thấy dân tộc này là dân đô thị không quen chinh chiến. Kỵ binh Mông Cổ đã xéo tan đám bộ binh chuyên phóng lao cuả họ, nhưng không muốn vào sâu hơn nữa, Đại Hãn cho rút quân về. Cho nên, người Tây Hạ không cho là quan trọng, họ quan niệm như một cuộc quấy nhiễu, cướp bóc thông thường của dân du mục.
Tây Hạ là một nước có thành trì, quân đội vũ trang và được huấn luyện theo Trung Quốc. Đại Hãn nhận thấy thượng sách là đem quân đội của mình thử sức trước tại nước này, đồng thời để rèn luyện binh sĩ quen với chiến thuật công thành.
Ông liền xua đoàn kỵ binh tiến vào Tây Hạ, đánh tan đạo quân ra nghinh chiến, tràn vào một ít làng nhỏ và tiến tới trước thành Wolohai1 - một thành lũy khá kên cố. Khí thế hăng, quân Mông Cổ liền áp tới hãm thành. Họ tiến công nhiều đợt liên tiếp, nhưng đều thất bại. Sau cùng Thành Cát Tư Hãn đích thân chỉ huy, tung ra một đợt tấn công nữa, nhưng cũng vô hiệu quả. Bây giờ mới thấy kỵ binh Mông Cổ không thể thành công trong lối đánh giặc này. Họ không thể kiên nhẫn chờ đợi, không biết tiến tới từng bước một…
Nỗi bất mãn và hoang mang lan tràn khắp các trại, nhưng Đại Hãn không nói tới chuyện rút quân. Sau đó ông đã nghĩ ra một quỷ kế : đề nghị với bọn chỉ huy trong thành nếu đem nạp gấp 1.000 con mèo và 10.000 chim én, ông sẽ hạ lệnh rút quân. Viên tướng Tây Hạ thủ thành Wolohai hết sức ngạc nhiên, họ rất dè dặt không dám
1
mở cửa thành. Lúc đó Thành Cát Tư Hãn đâu cần mở cửa thành mà cho binh sĩ Mông Cổ cột vào đuôi mỗi con vật nói trên một chùm bổi, châm lửa đốt, rồi thả tất cả ra. Bị lửa đốt đốt nóng, chim én kinh hoàng bay về chui vào các mái nhà tranh, mèo thì chạy cuồng loạn, rúc vào các xó nhà. Dân chúng trong thành nhốn nháo cả lên, rùng rùng đi đuổi bắt, nhưng bắt sao cho hết được. Chẳng bao lâu, lửa cháy lên lan tràn khắp bốn phía thành Tây Hạ, thì ngay lúc ấy, quân Mông Cổ ồ ạt trèo vào thành.
Quân Tây Hạ thua, phải chịu nghị hòa đem nạp cống phẩm cho Mông Cổ. Đại Hãn liền rút quân về đoàn trại. Quân Mông Cổ từ đó càng nôn nao khao khát những cuộc viễn chinh mới. Riêng Thành Cát Tư Hãn, ông đã thấy rõ sức mạnh của dân đô thị và những hạn chế của quân đội mình. Chỉ còn cách phải khai thác những kinh nghiệm vừa qua.
Sau trận này, Thành Cát Tư Hãn nhận thấy cần phải rèn luyện lại cấp chỉ huy quân sự, tạo một tập đoàn tướng lĩnh tinh thông binh pháp, có đầy đủ khả năng đối phó với mọi tình thế khó khăn. Do đó, tất cả tướng lĩnh và tù trưởng ở các nơi đều được Đại Hãn gọi về dự những lớp gảng về binh pháp của ông… Để ngăn ngừa sự trốn lánh, ông ra một điều luật mới ghi trong Yassa: “Ai có ý trốn tránh, không tới họp mặt để nghe huấn dụ của ta, người đó sẽ lâm vào số phận của một hòn đá rơi xuống nước, không ai còn thấy bóng nữa”[15,132].
Khóa học đầu tiên của trường quân sự Mông Cổ là khóa học về học về chiến thuật công thành: cách sử dụng thang dây, bao cát, cách chế tạo và sử dụng những cái mộc vĩ đại dùng để đỡ tên cho các đội xung kích. Mỗi bộ lạc phải chế tạo một số dụng cụ cần thiết để công thành, nạp vào kho quân cụ do những người chỉ huy phụ trách việc gữ gìn và phân phát lúc xuất chinh.
Ngoài ra không chỉ tổ chức những buổi huấn luyện về binh pháp mà còn luôn khuyến khích động viên quân sĩ phải đoàn kết: “các ngươi hãy đoàn kết chặt chẽ như năm ngón tay: lúc tấn công hãy như con chim ưng đáp xuống con mồi, lúc tiêu khiển hãy nhảy múa như con công, lúc gia chiến hãy lao vào kẻ địch như con ó lao xuống đàn gà..” [15,133].
Về Tây Hạ, năm đầu có đem nạp cống đầy đủ, nhưng qua năm sau không thấy họ cống nạp nữa. Thành Cát Tư Hãn liền vịn vào cớ đó khởi binh tái chiếm Tây Hạ. Ngay
trận đầu quân Tây Hạ bị đánh tan rã nhưng sau đó quân Mông Cổ lại giao chiến với một vương tử Tây Hạ chỉ huy, bị tổn thất nặng nề phải rút thành Ninh Hạ là đế đô nằm trên thượng lưu sông Hoàng Hà. Quân Mông Cổ đuổi theo và bao vây kinh thành.
Một lần nữa, quân Mông Cổ đành chịu bất lực trước những vách thành kiên cố. Thật ra lúc bấy giờ họ đã tiến tới trình độ có thể chiếm những thành nhỏ, nhưng Ninh Hạ là một đô thị lớn đông dân, phòng thủ thật vững chắc không dễ gì hạ nổi. Trong lúc đó Thành Cát Tư Hãn chỉ nghĩ tới nước Kim, muốn diệt đế quốc ấy càng sớm càng tốt. Thành Cát Tư Hãn nghe nói người Trung Quốc có chiến thuật tháo nước cho ngập thành, liền sai đi bắt một số người Trung Quốc về xây một cái đập lớn, đưa nước sông Hoàng Hà vào thành Ninh Hạ. Nhưng mới xây lên được phân nửa thì đập vỡ, nước tràn ra lụt hết cánh đồng mà quân Mông Cổ đang đóng trại. Họ phải cấp tốc cuốn lều chạy lên các đồi cao.
Tuy vậy tình thế của quân Tây Hạ cũng không có gì lạc quan hơn. Chiếm thành không được, quân Mông Cổ liền tràn ra khắp các làng mạc cướp phá tan tành, quân Tây Hạ cứ thế bế môn ở trong thành, chẳng làm gì khác hơn được và sau đó phải hòa nghị với Mông Cổ vào năm 1209 và chịu sự cống nạp nặng nề và khắt khe. Nói là nghị hòa nhưng thực chất ông đã làm mất sự thống trị của Tây Hạ, đã được các vua Tây Hạ thừa nhận là chúa tể, biến quốc gia này thành chư hầu chịu sự cống nạp cho người Mông Cổ và cung cấp binh lính cũng như hậu cần cho các chiến dịch trong tương lai.
Trong thời gian nghị hòa, Tây Hạ đã nhanh chóng khôi phục lại tiềm lực đất nước. Mặc dù đã chịu thần phục Mông Cổ nhưng khi Thành Cát Tư Hãn phát động cuộc chiến tranh với Kharesm1, tất cả các nước đều phải gửi quân đội tham gia cuộc chiến tranh đó nhưng riêng có Tây Hạ lại từ chối tham gia chiến tranh. Trong lúc đó lại cùng với nước Kim chiêu binh mãi mã chống Mông Cổ sôi động trở lại. Quân đội của họ tiến vào các tỉnh đã mất, đánh bại nhiều cánh quân Mông Cổ đóng lẻ tẻ, rồi tổ chức lại quân trú phòng ở những thành đã bị chiếm.
Thành Cát Tư Hãn liền rời Mông Cổ, mở cuộc chinh phạt ở mạn nam và mạn tây. Ông dẫn hết đám con cháu cùng với 180 ngàn quân tiến phát. Nhân dịp này ông đưa ra
1
một nguyên tắc cho mọi hoạt động trong tương lai : “Khi bắt tay vào một việc gì, dù gặp hoàn cảnh trắc trở như thế nào đi nữa, các ngươi phải cố gắng làm cho tới cùng. Đừng bao giờ chấm dứt cuộc chiến tranh, khi kẻ thù chưa hoàn toàn bị tiêu diệt”[15,246].
Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn cho quân tấn công kinh đô Tây Hạ. Quân Mông Cổ tràn vào Tây Hạ họ chiếm hết những ngọn đồi bao quanh một cái hồ bên sông Hoàng Hà. Đại Hãn sai một toàn xạ tiễn ưu tú nhất, bỏ ngựa đi trên mặt băng, khiêu khích quân địch. Kỵ binh Tây Hạ trượt băng ngã nhoài ra hết, binh sĩ kẻ té sấp, người nhào ngựa, mặc tình cho quân Mông Cổ bắn tên, phóng lao và dùng mã tấu chặt như chặt thịt trên thớt. Rồi đạo binh xạ tiễn này nhảy lên ngựa cùng với một đạo kỵ binh khác, phi vòng theo bờ hồ tấn công một đoàn pháo binh tới tiếp viện. Gươm vung cung loang loáng một buổi, quân Tây Hạ bị giết sạch, không sót một người nào. Tây Hạ bị diệt sau khi tồn tại 190 năm, từ 1038 đến 1227.
Như vậy cuộc viễn chinh lần thứ nhất đã thắng lợi rất dễ dàng, điều đó là nhờ vào khả năng hiểu biết tình hình đối phương cũng như những sáng kiến bất ngờ, độc đáo trong mỗi trận của Thành Cát Tư Hãn. Nhưng tham vọng của Thành Cát Tư Hãn không chỉ dừng lại ở đó mà còn muốn tiến xa hơn, ở những đất nước giàu có, phát triển hơn Mông Cổ. Và mục tiêu tiếp theo của ông chính là nước Kim. Qua cuộc chinh phạt này chúng ta còn thấy rõ hơn nữa tài dụng binh của ông cũng như sức mạnh của quân đội Mông Cổ.