IV. CÁC QUY LUẬT CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
b. Khái niệm chất, lượng
Chất là tên gọi tắt của chất lượng (là chất của sự vật, hiện tượng khách quan) dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng; là sự thống nhất hữu cơ của các thuộc tính, những yếu tố cấu thành sự vật, hiện tượng làm cho chúng là chúng mà không phải là cái khác (thể hiện sự vật, hiện tượng đó là gì và phân biệt nó với sự vật, hiện tượng khác). Như vậy, chất được xác định bởi chất của các yếu tố cấu thành (tổng hợp những thuộc tính cơ bản tạo thành chất cơ bản), bởi cấu trúc và phương thức liên kết giữa các yếu tố cấu thành sự vật, hiện tượng đó.
Đặc điểm cơ bản của chất 1) biểu hiện tính ổn định tương đối của sự vật, hiện tượng, nghĩa là khi sự vật, hiện tượng này chưa chuyển hoá thành sự vật, hiện tượng khác thì chất của nó chưa thay đổi. Mỗi sự vật, hiện tượng đều có quá trình tồn tại và phát triển qua nhiều giai đoạn; trong mỗi giai đoạn đó, sự vật, hiện tượng lại có chất riêng của mình. Như vậy, 2) mỗi sự vật, hiện tượng không phải chỉ có một chất mà có nhiều chất. Ph.Ăngghen viết, những chất lượng không tồn tại, mà những sự vật có chất lượng, hơn nữa, những sự vật có vô vàn chất lượng mới tồn tại.
Lượng dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật, hiện tượng về các yếu tố biểu hiện ở số lượng các thuộc tính, tổng số các bộ phận, đại lượng; ở trình độ quy mô và nhịp điệu vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Lượng của sự vật, hiện tượng còn được biểu hiện ra ở kích thước dài hay ngắn, quy mô to hay nhỏ, tổng số ít hay nhiều, trình độ cao hay thấp, tốc độ vận động nhanh hay chậm, màu sắc đậm hay nhạt v.v. Trong lĩnh vực xã hội và tư duy, lượng chỉ được nhận biết bằng tư duy trừu tượng. Đặc điểm cơ bản của lượng 1) tính khách quan vì lượng là lượng của chất, là một dạng vật chất nên chiếm một vị trí nhất định trong không
gian và tồn tại trong một thời gian nhất định. 2) Có nhiều loại lượng khác nhau trong các sự vật, hiện tượng; có lượng là yếu tố quy định bên trong, có lượng chỉ thể hiện những yếu tố bên ngoài của sự vật, hiện tượng; sự vật, hiện tượng càng phức tạp thì lượng của chúng cũng phức tạp theo. 3) Trong tự nhiên và xã hội, có lượng có thể đo, đếm được; nhưng trong xã hội và tư duy lại có những lượng khó đo lường bằng những số liệu cụ thể mà chỉ có thể nhận biết được bằng tư duy trừu tượng.