I. PHÉP BIỆN CHỨNG VÀ PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
b. Những đặc trưng và vai trò cơ bản của phép biện chứng duy vật
- Đặc trưng cơ bản của phép biện chứng duy vật thể hiện ở
+ Sự thống nhất giữa nội dung thế giới quan duy vật biện chứng với phương pháp luận biện chứng duy vật tạo nên công cụ không những giải thích thế giới, mà còn nhận thức và cải tạo thế giới
+ Sự thống nhất giữa tính khoa học với tính cách mạng, giữa lý luận với thực tiễn tạo nên sự phản ánh đúng quy luật, ủng hộ sự vận động, phát triển hợp quy luật
29 Tư tưởng Hồ Chí Minh v con à đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia. H Nà ội, 1997, tr.4330 V.I.Lênin: To n tà ập, 2005, t.29, tr.155 30 V.I.Lênin: To n tà ập, 2005, t.29, tr.155
Ngoài hai đặc trưng cơ bản trên, phép biện chứng duy vật có đặc điểm là hệ thống các nguyên lý, quy luật, phạm trù của nó phản ánh sự vận động khách quan của các sự vật, hiện tượng trong cả ba lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy nên các quy luật của phép biện chứng duy vật vừa là quy luật của thế giới khách quan, vừa là quy luật của nhận thức. “Phép biện chứng đã được coi là khoa học về những quy luật phổ biến nhất của mọi vận động. Điều đó có nghĩa là những quy luật ấy phải có hiệu lực đối với vận động trong giới tự nhiên và trong lịch sử loài người cũng như với vận động của tư duy. Một quy luật như thế có thể nhận thức trong hai lĩnh vực của ba lĩnh vực đó, hay thậm chí trong cả ba lĩnh vực”31.
- Vai trò cơ bản của phép biện chứng duy vật thể hiện ở
+ Sự ra đời của phép biện chứng duy vật khắc phục được những hạn chế của phép biện chứng mộc mạc, chất phác cổ đại và phép biện chứng duy tâm của Hêghen
+ Phép biện chứng thực sự trở thành khoa học nghiên cứu những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy con người
+ Do vừa là hệ thống lý luận khái quát sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng của thế giới vật chất, vừa có chức năng phương pháp luận, nên phép biện chứng duy vật nêu ra được các nguyên tắc định hướng hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.
+ Phép biện chứng duy vật đem lại tính tự giác cao trong mọi hoạt động của con người. Mỗi nguyên lý, quy luật, phạm trù của phép biện chứng đều được xây dựng trên lập trường duy vật; mỗi luận điểm của phép biện chứng duy vật là kết quả cuối cùng của sự nghiên cứu, được rút ra từ giới tự nhiên và trong lịch sử xã hội loài người; được luận giải trên cơ sở khoa học; được chuẩn bị bằng sự phát triển trước đó của khoa học tự nhiên. Vì vậy, phép biện chứng duy vật đã đưa phép biện chứng từ tự phát đến tự giác.
Nội dung của phép biện chứng duy vật hết sức phong phú, phù hợp với đối tượng nghiên cứu là các mối liên hệ phổ biến và sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong cả ba lĩnh vực tự nhiên, xã hội, tư duy và từ trong những lĩnh vực ấy rút ra được những quy luật của mình. Nội dung của phép biện chứng duy vật gồm hai nguyên lý, sáu cặp phạm trù và ba quy luật cơ bản. Sự phân biệt giữa các nguyên lý với các phạm trù, quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật càng làm rõ ý nghĩa cụ thể của chúng. Hai nguyên lý khái quát tính biện chứng chung nhất của thế giới; các phạm trù phản ánh mối liên hệ, sự tác động biện chứng giữa các mặt của sự vật, hiện tượng, chúng là những mối liên hệ có tính quy luật trong từng cặp; còn các quy luật nghiên cứu các mối liên hệ và khuynh hướng phát triển trong thế giới sự vật, hiện tượng để chỉ ra nguồn gốc, cách thức, khuynh hướng của sự vận động, phát triển. Điều này càng thể hiện rõ những khía cạnh phong phú của sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng.