VII QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ VỀ CON NGƯỜI VÀ VAI TRÒ SÁNG TẠO LỊCH SỬ CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN
c. Cá nhân và vai trò của nó trong lịch sử
Cá nhân là cá thể người, là sản phẩm của sự phát triển xã hội; là chủ thể của lao động, của các quan hệ xã hội do những điều kiện lịch sử quy định; là một khái niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để chỉ một con người cụ thể, một đơn nhất của cộng đồng, có bản sắc riêng để phân biệt người này với người khác. Cá nhân là cá thể người có nhân cách, là thành viên của cộng đồng xã hội.
Con người, ngay từ khi sinh ra đã có những điều kiện cần thiết để trở thành cá nhân, nhưng chỉ được xem là một cá nhân khi đã trưởng thành về thể lực, trí lực và về xã hội. Con người là cá nhân trong các mối quan hệ xã hội và thông qua các mối quan hệ đó để khẳng định mình, khẳng định cái "Tôi" có bản sắc riêng, có đặc điểm riêng, đã đạt được một trình độ nhận thức nhất định và bản sắc, đặc điểm, nhận thức đó của con người là kết quả phát triển nội tại của chính nó trong một xã hội ở trình độ phát triển nhất định. Do vậy, phạm trù cá nhân dùng để chỉ sự riêng biệt trong sự thống nhất với những bản chất xã hội chung của cộng đồng người.
Cá nhân là một hiện tượng mang tính lịch sử. Mỗi một giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội đều có những kiểu cá nhân riêng của mình. Trong xã hội nguyên thuỷ (do điều kiện sinh hoạt thấp), chiếm hữu nô lệ (người nô lệ tồn tại như con vật biết nói) và trong xã hội phong kiến (đời sống vật chất và tinh thần phụ thuộc), con
người chưa thể tồn tại và hoạt động với tư cách là một cá nhân thực thụ. Cũng như đối với sự hình thành dân tộc, chủ nghĩa tư bản ra đời đã tạo những điều kiện cần thiết cho sự hình thành cá nhân. Xã hội sẽ vận động tới một trình độ, nơi mà sự phát triển của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển của mọi người, cho sự phát triển tự do và toàn diện của xã hội. Cần tránh những sai lầm chỉ thấy cá nhân mà không thấy xã hội, đòi hỏi xã hội, sao nhãng nghĩa vụ đối với xã hội- biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Chỉ thấy xã hội mà không thấy cá nhân- biểu hiện của chủ nghĩa bình quân, không thấy sự phát triển của xã hội là do đóng góp của các cá nhân
Lãnh tụ là những cá nhân có nhân cách, có tài năng, trí tuệ xuất chúng, phản ánh được xu hướng phát triển của xã hội; có đầy đủ quyết tâm và đạo đức tiêu biểu của thời đại, đề ra đường lối đúng đắn, biết tổ chức và động viên quần chúng hoạt động thực tiễn, phát huy được tính sáng tạo của quần chúng. Cá nhân kiệt xuất (lãnh tụ) là người đáp ứng cao nhất được yêu cầu của lịch sử. Bất kỳ một dân tộc nào, trong từng giai đoạn lịch sử của mình, khi nhiệm vụ của dân tộc đó được đặt ra và điều kiện giải quyết nhiệm vụ đó đã chín muồi, khi phong trào quần chúng rộng lớn đòi hỏi, thì sớm hay muộn, những con người kiệt xuất, những lãnh tụ với tài năng và nhân cách cần thiết sẽ xuất hiện. Vai trò của lãnh tụ gắn liền với tính lịch sử, tính thời đại. Điều kiện lịch sử quy định vai trò, phạm vi hoạt động của lãnh tụ. Vai trò của lãnh tụ chỉ có thể có được trong mối quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân trong lịch sử. Không có lãnh tụ chung cho mọi thời đại lịch sử. Mỗi thời đại có những lãnh tụ riêng với nhân cách và khả năng riêng để giải quyết những nhiệm vụ riêng trong mỗi thời đại đặt ra.
Lãnh tụ của giai cấp vô sản. Mục tiêu của cách mạng vô sản là giải phóng giai cấp vô sản và các giai cấp khác khỏi áp bức, bóc lột do vậy lãnh tụ của cách mạng vô sản khác với lãnh tụ của các giai cấp khác. C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.
Lênin là những lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới. Hồ Chí Minh là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam
Những đức tính cơ bản của lãnh tụ giai cấp vô sản là 1) Yêu nước, trung thành với lý tưởng cộng sản. 2) Hoạt động trên cơ sở nhận thức sâu sắc quy luật phát triển khách quan của xã hội; biết kết hợp lý luận với thực tiễn, định ra đường lối, sách lược, chiến lược đúng đắn; có năng lực tổ chức và lãnh đạo quần chúng. 3) Gắn bó với quần chúng, được quần chúng tin tưởng, yêu mến, kính phục. 4) Không mắc bệnh sùng bái cá nhân, không đặt mình trên nhân dân, trên nhà nước
Trong sự phát triển của xã hội, quan hệ giữa quần chúng với lãnh tụ là quan hệ biện chứng 1) Sự thống nhất giữa quần chúng với lãnh tụ thể hiện ở việc lãnh tụ xuất hiện trong phong trào cách mạng của quần chúng, là sản phẩm của thời đại, là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của phong trào quần chúng. Quần chúng với lãnh tụ thống nhất trong mục tiêu, lợi ích và hành động là cầu nối, là nội lực liên kết quần chúng và lãnh tụ với nhau thành khối thống nhất. 2) Sự khác nhau giữa quần chúng với lãnh tụ thể hiện ở vai trò của mỗi yếu tố đối với sự phát triển của xã hội. Lãnh tụ là người định hướng, dẫn dắt phong trào; nhưng quần chúng mới là lực lượng quy định sự phát triển của xã hội.
Bệnh sùng bái cá nhân là thần thánh hoá vai trò của lãnh tụ, coi lãnh tụ là người duy nhất quyết định lịch sử, quyết định đường lối chính sách phát triển của dân tộc, coi quần chúng nhân dân chỉ là người tuân theo, thực hiện. Tệ sùng bái lãnh tụ gây ra những tác hại như xa rời và coi nhẹ vai trò của quần chúng, quyền làm chủ của nhân dân; trù dập, gạt bỏ những người trung thực; chia rẽ nội bộ, phá hoại sự thống nhất trong nhân dân; làm cho quần chúng nhân dân không nhận thấy vai trò của mình trong lịch sử.
1. Sản xuất vật chất và vai trò của nó đối với sự tồn tại, phát triển của xã hội? (định nghĩa sản xuất vật chất, phương thức sản xuất; bốn vai trò của sản xuất vật chất đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội)
2. Phân tích nội dung quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất? (vị trí, vai trò của quy luật trong lý luận hình thái kinh tế-xã hội; các khái niệm; mối quan hệ biện chứng giữa các khái niệm; ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ quy luật)
3. Phân tích nội dung quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng? (vị trí, vai trò của quy luật trong lý luận hình thái kinh tế-xã hội; các khái niệm; mối quan hệ biện chứng giữa các khái niệm; ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ quy luật)
4. Tồn tại xã hội, ý thức xã hội và mối quan hệ biện chứng giữa chúng? (tồn tại xã hội; ý thức xã hộid; mối quan hệ biện chứng giữa chúng)
5. Hình thái kinh tế-xã hội (định nghĩa, cấu trúc, quá trình lịch sử-tự nhiên của sự thay thế nhau giữa các hình thái kinh tế-xã hội trong lịch sử)?
6. Giai cấp và đấu tranh giai cấp? (khái niệm giai cấp, định nghĩa giai cấp, định nghĩa đấu tranh giai cấp, vai trò của đấu tranh giai cấp đối với sự vận động, phát triển của xã hội)
7. Cách mạng xã hội? (khái niệm cách mạng xã hội, hình thức và vai trò của cách mạng xã hội đối với sự vận động, phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp) 8. Vấn đề con người trong chủ nghĩa duy vật lịch sử? (khái niệm con người và bản chất con người; khái niệm quần chúng nhân dân, vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân; cá nhân và vai trò của nó trong lịch sử)