lắp đặt bồn bể và đường ống Dầu khí, đã tham gia và thi công nhiều công trình trọng điểm có qui mô lớn trong ngành dầu khí như: Kho xăng dầu Cù Lao Tào, Kho xăng dầu Nhà Bè của PV.Oil, Kho chứa LPG Gò Dầu, Kho & Trạm chiết nạp LPG Dung Quất của PVGas South, Hệ thống phân phối khí thấp áp Giai đoạn 2, Kho & Trạm xuất xe bồn LPG Dung Quất của PVGas, Gia công, lắp lắp dựng giàn RC Đồi Mồi của VSP. Công ty PVC-PT đã thực sự là một đơn vị mạnh trong lĩnh vực gia công chế tạo bồn bể của ngành dầu khí nói riêng và trong cả nước nói chung. Tuy nhiên thông qua các công trình mà Công ty đã thực hiện, cụ thể là các công trình chế tạo bồn cầu như LPG Gò Dầu, Kho & Trạm chiết nạp LPG Dung Quất, Kho & Trạm xuất xe bồn Dung Quất, Công ty tương đối bị động trong quá trình thi công vì toàn bộ phần gia công chế tạo bồn cầu phải thuê và giao cho đơn vị khác thực hiện do Công ty trong thời gian qua chưa có xưởng, chưa có đầy đủ thiết bị chế tạo chuyên về bồn cầu. Đây là mặt hạn chế trong lĩnh vực chế tạo bồn mà PVC-PT cần phải quan tâm đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của đơn vị và chủ động trong thi công. Việc giao cho đơn vị ngoài thực hiện việc chế tạo bồn cầu không những không nâng cao trình độ, chuyên môn của đội ngũ kỹ sư, công nhân mà còn lợi nhuận cũng bị giảm đáng kể đối với một đơn vị chuyên về công tác gia công chế tạo như PVC-PT.
Bên cạnh công tác gia công, chế tạo bồn là công tác chống ăn mòn, đến nay PVC-PT hiện vẫn đang sử dụng phương pháp chống ăn mòn theo phương pháp thuần túy là bằng phun cát, năng suất thấp, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hiện nay các đơn vị cơ khí chế tạo khác như VIETSOPETRO, SHIPYARD, VINASHIN, LILAMA, vv….. ít sử dụng phương pháp chống ăn mòn này do những nguyên nhân trên và đã chuyển sang công nghệ chống ăn mòn bằng phương pháp phun bi, phương pháp này đạt chất lượng và năng suất cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công tác chống ăn mòn bằng phương pháp phun bi hiện nay được các cơ quan ban ngành quản lý đánh giá rất cao, hạn chế tối đa về ô nhiểm môi trường xung quanh.
Đối với ngành dầu khí hiện nay, Các đơn vị khác đều phát triển mạnh theo lĩnh vực chuyên ngành của mình như, phát triển mạnh chuyên ngành dịch vụ có Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), phát triển mạnh chuyên ngành
thăm dò, khai thác các mỏ dầu, mỏ khí có Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Vietsovpetro (VSP), Tổng Công ty khoan Dầu khí (PV Drilling), phát triển mạnh chuyên ngành chế biến, kinh doanh sản phẩm dầu, khí có Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam, vì vậy để đồng hành và phát triển mạnh với các đơn vị này, đồng thời phù hợp với chủ trương của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, chủ trương của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu Khí Việt Nam, PVC-PT phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất Bình bồn Dầu khí với để nâng cao năng lực thi công các công trình trọng điểm của ngành dầu khí và đầu tư tạo ra một sản phẩm chủ lực để phát triển kinh doanh, tạo lợi nhuận nhất định cho đơn vị.
Việc đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Bình bồn Dầu khí là:
- Đáp ứng tính mở rộng ngành nghề kinh doanh của đơn vị, phát triển phù hợp với nhu cầu của thị trường, từng bước phát triển thành một đơn vị mạnh theo đúng chiến lược của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam;
- Đáp ứng và mở rộng hoạt động đầu tư, tạo ra sản phẩm mới, tạo ra nguồn lợi nhuận ổn định lâu dài, lấy thiết bị tôn bồn cầu, bồn trụ và kết cấu thép làm sản phẩm chủ lực cung cấp cho các hoạt động trong ngành dầu khí;
- Đáp ứng chuyên ngành gia công chế tạo bồn, đủ khả năng thi công các công trình kho chứa, bồn bể trong ngành dầu khí, đặc biệt là chế tạo các bồn cầu, đồng thời phát triển chuyên môn, kinh nghiệm của đội ngũ kỹ sư, công nhân trong quá trình gia công, chế tạo bồn cầu;
- Đáp ứng nhu cầu của công tác chống ăn mòn kết cấu trong quá trình gia công chế tạo bồn và chế tạo các sản phẩm cơ khí trong giai đoạn tới;
- Đáp ứng tính chủ động trong quá trình thi công, nâng cao nội lực chuyên ngành chế tạo bồn bể.
- Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, các sản phẩm mới của PVN cũng như PVC nhằm mục đích tiết kiệm kinh phí đáng kể trong việc nhập khẩu các thiết bị hàng năm phục vụ cho các hoạt động của ngành dầu khí nói riêng và cả nước nói chung. Giảm một lượng ngoại tệ đáng kể khi phải nhập khẩu các sản phẩm bồn chứa. Giảm đáng kể chi phí gia công tôn bồn, cũng như chủ động về thời gian và tiến độ.
- Tăng tính chủ động trong nước, giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực và thế giới.
- Thúc đẩy một số ngành công nghiệp khác phát triển như công nghiệp chế biến, tồn chứa, luyện kim, gia công cơ khí, vận tải, xây dựng v.v…
Đối với sản phẩm lốc tôn của dự án thì tính đến nay trong nước đã có một số đơn vị thực hiện, tuy nhiên trong ngành Dầu khí chưa có đơn vị nào thực hiện, mặc khác PVC-PT là đơn vị chuyên ngành Dầu khí thực hiện các công tác liên quan đến bồn bể, giàn khoan. Do đó khi dự án ra đời thì sẽ tăng tính chủ động của PVC-PT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng lợi nhuận. Mặt khác phải tận dụng tối đa lợi thế là Tổng Công ty PVC/Công ty PVC-PT là đơn vị trong ngành Dầu khí đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sản phẩm dự án nên sản phẩm sẽ tạo điều kiện xác suất trúng thầu EPC của PVC cao hơn nhiều so với các đối tác nước ngoài do chủ đông nguồn vật tư thiết bị với giá cả cạnh tranh.
3.7.4.2. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cảng dầu khí tổng hợp tại KCN Dịch vụ
Dầu khí Soài Rạp
Hiện nay, công nghiệp dầu khí được coi là ngành công nghiệp đi đầu trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, các lĩnh vực hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật, phục vụ cho công nghiệp tìm kiếm, thăm dò, khai thác và tràng trữ dầu khí của nước ta còn yếu, chủ yếu tập trung vào các loại hình dịch vụ đơn giản như cung ứng lao động, cung cấp dịch vụ công nghệ thấp,… Các dịch vụ công nghệ phức tạp, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao đều do các Công ty/Nhà thầu nước ngoài cung cấp đã làm giảm thiểu nguồn danh thu và lợi nhuận. Do vậy trong giai đoạn này Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án công nghiệp như Dự án nhà máy sản xuất Bình bồn Dầu khí phục vụ cho công tác gia công chế tạo bồn cầu, bồn trụ và kết cấu khác, dự án nhà máy ống thép hàn thẳng phục vụ cho dự án tuyến ống khí Lô B-Ô Môn, Dự án sản xuất que hàn, dự án sản xuất van,…
Song song với việc phát triển các dự án công nghiệp thì việc phát triển các cảng cũng được quan tâm hàng đầu trong thời gian này do hiện nay, các bãi lắp ráp của Xí nghiệp Liên Doanh dầu khí Vietsovpetro, cảng PTSC là những cảng, căn cứ của Nghành dầu khí được xây dựng từ những thập niên 1980 để thi công được các giàn cố định. Tuy nhiên, với cơ sở bãi lắp ráp và bến cảng như hiện có thì chỉ chế tạo được giàn cố định có độ sâu tới 80m. Như vậy từ các yếu tố kỹ thuật như bãi lắp ráp, nhà xưởng, bến cảng chật hẹp cũng như vị trí địa lý, thủy hải văn thì khu vực bãi cảng
hiện tại ở Bà Rịa-Vũng Tàu không có điều kiện để chế tạo chân đế vùng nước sâu và các cấu kiện kim loại chuyên dùng cho ngành dầu khí với sản lượng ngày càng lớn, vì vậy cần phải đầu tư cảng dịch vụ mới để đáp ứng được yêu cầu về quy mô và sản lượng các cấu kiện kim loại phục vụ cho việc phát triển chuyên ngành dầu khí biển. Trên cơ sở phân tích trên cho thấy, việc đầu tư kinh doanh dự án KCN dịch vụ Dầu khí Soài Rạp - Tiền Giang nhằm đón đầu cho thuê mặt bằng đầu tư xây dựng các dự án công nghiệp và kinh doanh khu cảng dịch vụ trong và ngoài ngành Dầu khí là rất cần thiết, mang tính chiến lược phát triển lâu dài, đáp ứng nhu cầu cần thiết của đơn vị hiện tại và trong tương lại.
Dự án KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp-Tiền Giang sau khi hoàn thành theo tầng giai đoạn đầu tư sẽ được khai thác tối đa nhất có thể để thu hồi vốn và đãm bảo tính hiệu quả cao của dự án. Doanh thu chính của dự án là kinh doanh dịch vụ cảng và cho thuê mặt bằng đầu tư các dự án công nghiệp. Trong đó kinh doanh dịch vụ cảng được đạt lên hàng đầu, sẽ đầu tư cảng tạm ngay giai đoạn đầu nhằm khai thác tối đa các dịch vụ cảng cho các dự án đang triển khai của các đơn vị trong ngành, là nguồn thu mang lại hiệu quả nhất của dự án với nhiều lợi thế sau:
- Khu cảng dịch vụ được đầu tư xây dựng trên Sông Soài Rạp là một nhánh của hệ thống sông Đồng Nai - sông Sài Gòn đổ ra biển Đông qua ngõ TP.HCM, Long An, Tiền Giang dài khoảng 40km, vị trí hẹp nhất của đoạn sông này là 750m và nơi rộng nhất lên đến 3km. Đặc biệt luồng tuyến này hiện nay đã có các tàu biển 5.000 tấn, 15.000 tấn, 25.000 tấn và 30.000 tấn ra vào thường xuyên là cơ hội để khai thác tối đa công suất cảng.
- Tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt cũng như lâu dài trong tương lai về nhu cầu xây dựng các dự án công nghiệp của các đơn vị trong ngành mà trước mắt là dự án Nhà máy ống thép hàn thẳng PV-pipe và Dự án Nhà máy sản xuất Bình bồn Dầu khí, dịch vụ dầu khí; khu cảng dịch vụ;
- Đáp ứng tính mở rộng ngành nghề kinh doanh của Công ty, phát triển phù hợp với nhu cầu của thị trường, từng bước phát triển thành một đơn vị mạnh theo đúng chiến lược của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam;
- Góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế một cách căn bản của tỉnh Tiền Giang, nâng cao tỷ trọng sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ
3.7.5. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chất lượng cao
Trong một doanh nghiệp, vai trò của nhân lực và vấn đề tổ chức nhân sự là hết sức quan trọng đối với khả năng thực hiện thành công các chiến lược mà Công ty đề ra. Nguồn nhân lực có thể được phân cấp như sau: đội ngũ lãnh đạo cấp cao (Ban Giám đốc), đội ngũ phụ trách chuyên môn (cán bộ các phòng ban) và đội ngũ thừa hành (công nhân, nhân viên).
Đội ngũ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến các quyết định chiến lược và khả năng tổ chức thực hiện chiến lược. Do đó, đội ngũ lãnh đạo cấp cao cần có một chính sách rõ rệt về sự phân ranh giới giữa các loại công việc, phải xác định chính sách căn bản liên quan đến những hoạt động của Công ty, có tầm nhìn trung và dài hạn nhất định về lĩnh vực kinh doanh nhằm đạt được thế thuận lợi trong cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và tăng trưởng trong điều kiện nguồn lực hữu hạn của Công ty vào thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Ngược lại, nếu đội ngũ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp không đề ra được chính sách căn bản, rõ rệt mà để các biến cố diễn ra tự phát, đa dạng hoá một cách ngẫu nhiên thì kết cuộc sẽ là lãng phí tài nguyên nhân lực và vốn của doanh nghiệp.
Đội ngũ nghiệp vụ chuyên môn với vai trò là đội ngũ tiên phong trong việc thực hiện các nghiệp vụ tác nghiệp để thực hiện chiến lược, bao gồm lãnh đạo và nhân viên các phòng ban của Công ty. Do đó, Công ty cần có chính sách khuyến khích đội ngũ chuyên môn có ý thức nâng cao trình độ nghiệp vụ trong lĩnh vực mình phụ trách và có liên hệ với các phòng ban khác để tạo được một không khí cạnh tranh lành mạnh, thi đua cùng hoàn thành các chỉ tiêu bộ phận và có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các chiến lược chức năng.
Đối với đội ngũ công nhân thì trình độ chuyên môn nghiệp vụ của họ được thể hiện trong sự lành nghề và khả năng tiếp thu công nghệ mới trong công việc mà họ được phân công đảm nhiệm nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, chất lượng công trình. Do đó, cần có buổi học tập rút kinh nghiệm và phổ biến những kiến thức mới về công nghệ, kỹ thuật tại chỗ cần được tổ chức thường xuyên vì đây là hình thức tốt nhất để nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ công nhân và nó tạo
điều kiện cho các công nhân lành nghề phổ biến kinh nghiệm cho các công nhân mới và tạo được sự gắn kết giữa họ với nhau.
Trong thực tế của thị trường xây lắp chuyên ngành công tác phát triển nguồn nhân lực đặc biệt được xem trọng, Công ty đang sở hữu một đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ chuyên môn khá cao và còn rất trẻ, họ có sức khỏe, năng động và có khả năng làm việc độc lập, tuy nhiên các CBCNV này vẫn chưa có đủ năng lực để giúp Công ty định hướng chiến lược, đưa ra các chính sách công cụ nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển, phần lớn công việc này vẫn phải do Ban Giám đốc thực hiện. Bên cạnh đó các chức danh đòi hỏi trình độ ở mức chuyên nghiệp như Giám đốc quản lý dự án, chỉ huy trưởng công trình, trưởng các phòng ban chức năng công ty, kỹ sư trưởng phụ trách..,. Vì thế để thực thi chiến lược sản phẩm/dịch vụ, Công ty cần phải thực hiện các biện pháp sau:
- Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ của cán bộ quản lý vì đây là thành phần rất quan trọng trong việc trợ giúp Ban giám đốc Công ty đưa ra các chủ trương, đường lối đúng đắn để phát triển Công ty. Do môi trường hoạt động của ngành dầu khí thường xuyên thay đổi và khá nhạy cảm nên cần một đội ngũ cán bộ thực sự có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và phải thực sự năng động, chuyên nghiệp trong quá trình điều hành xử lý công việc và ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
- Công ty cần có kế hoạch tuyển dụng các kỹ sư trẻ, thợ lành nghề có trình độ chuyên môn phù hợp nhất là kỹ sư hàn, kỹ sư xây dựng, thông qua kênh phỏng vấn trực tiếp hoặc đăng ký tại các trường đại học, cao đẳng dạy nghề. Ngoài ra, Công ty còn thường xuyên tổ chức đào tạo tại chỗ trên cơ sở năng lực hiện có của Công ty như: có người kèm cặp hướng dẫn, có nhà xưởng để thực hành rèn luyện phát triển kỹ năng nghề và mời bên thứ ba có tư cách pháp nhân cấp chứng chỉ quốc tế nhất là đối với các ngành nghề có yêu cầu cao về kỹ thuật và an toàn như hàn, lắp dựng