Bài tập luyện tập vận dụng

Một phần của tài liệu Rèn luyện cho học sinh lớp 11 kỹ năng lập luận bác bỏ trong làm văn nghị luận (Trang 55 - 61)

9. Cấu trúc của luận văn

2.3.2.Bài tập luyện tập vận dụng

2.3.2.1. Mẫu bài tập

Bài tập luyện tập vận dụng thường có những mẫu bài tập sau:

- Luyện viết một đoạn văn bác bỏ một ý kiến sai lầm theo cách thức bác bỏ luận điểm;

- Luyện viết một đoạn văn bác bỏ ý kiến sai lầm theo cách thức bác bỏ luận cứ; - Luyện viết một đoạn văn bác bỏ ý kiến sai lầm theo cách thức bác bỏ lập luận. Mẫu bài tập luyện tập vận dụng là mẫu bài tập mang tính thực hành cao. Đây là mẫu bài tập luyện tập tạo lập văn bản theo một chủ đề cho trước, có yêu cầu về nội dung và cách thức thực hiện rõ ràng. Bài tập này nhằm phát huy khả năng diễn đạt và khả năng sử dụng lập luận bác bỏ vào trong việc tạo lập một đoạn văn bản ngắn. Loại bài tập này có ưu điểm là tiết kiệm

thời gian, giáo viên chấm bài nhanh chóng và có thể thấy ngay kết quả làm bài của học sinh.

Ví dụ 1: Hãy viết một đoạn văn ngắn bác bỏ điều sai lầm trong ý kiến sau:

"Học sinh theo môn văn thì không có tương lai".

Ví dụ 2: Hãy viết một đoạn văn có sử dụng thao tác lập luận bác bỏ để bày tỏ quan điểm của bạn về ý kiến: "Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học bình dân,

nôm na, không có giá trị cao về mặt nghệ thuật".

Ví dụ 3: Lập luận để bác bỏ sai lầm trong luận điểm "Có tiền là có hạnh phúc". Ví dụ 4: Lập luận để bác bỏ sai lầm trong luận điểm "Thật thà là cha dại".

2.3.2.2. Phân tích mẫu

Bài luyện tập về thao tác lập luận bác bỏ có tác dụng rèn luyện cho học sinh đầu óc phê phán, phân tích, biết nhận ra chỗ đúng, sai và biết cách phê phán và bác bỏ cái sai. Nếu một người mà thiếu đầu óc phê phán thì dễ dàng rơi vào trạng thái ba phải, dễ dãi, không có năng lực phân biệt đúng sai. Bên cạnh đó bài luyện tập vận dụng còn giúp học sinh biết cách viết một đoạn văn nêu ý kiến bác bỏ một ý kiến sai lầm, biết cách vạch ra cái sai trong luận điểm, hoặc cái sai trong luận cứ, trong cách lập luận.

Vấn đề trong phần luyện tập vận dụng là những vấn đề gần gũi, liên quan trực tiếp tới cuộc sống, suy nghĩ, tình cảm của học sinh. Với dạng bài tập này yêu cầu học sinh phải biết bày tỏ quan điểm của mình một cách rõ ràng, viết ra văn bản có sử dụng lập luận bác bỏ hoặc phát biểu bằng miệng những suy nghĩ có vận dụng thao tác lập luận bác bỏ. Có thể dùng ba dạng bài tập có sử dụng ba cách thức bác bỏ đã học: Bài tập bác bỏ luận điểm, bài tập bác bỏ luận cứ, bài tập bác bỏ lập luận.

* Bài tập bác bỏ luận điểm: Đây là loại bài tập yêu cầu học sinh dùng cách diễn đạt để vạch ra cái sai của bản thân luận điểm. Có thể sử dụng hai cách thông thường để bác bỏ là dùng thực tế để bác bỏ và dùng phép suy luận để bác bỏ.

Ví dụ: Hãy dùng cách bác bỏ luận điểm để bác bỏ ý kiến "nam vô tửu như kì vô phong".

Để làm được bài tập này học sinh phải dùng cách bác bỏ luận điểm, mà cụ thể là dùng thực tế để bác bỏ. Ví dụ về một bài viết của học sinh:

"Nam vô tửu như kì vô phong. Người xưa cho rằng phải biết uống rượu mới xứng đáng là nam nhi. Thực tế người Việt uống rượu quá nhiều. Từ thôn quê đến thành thị, từ người nông dân đến anh cán bộ, khi xong việc đều muốn ngồi lại với nhau để nhâm nhi. Đã ngồi vào bàn nhậu phải uống cho say. Không say không về. Có những lúc đi ngoài đường, xe cộ ồn ào vẫn nghe âm vang tiếng hô một hai ba dzô! Uống quá nhiều rượu bia gan thận không chịu nổi, lái xe không làm chủ được tốc độ. Ốm đau, bị tai nạn vào bệnh viện không có chỗ nằm. Có trường hợp năm bệnh nhân nằm chung một giường. Khi con người chưa biết quý sức khỏe của mình, ngành y có đầu tư nhiều cũng không giải quyết được nạn quá tải ở bệnh viện. Người nước ngoài nhận xét người Việt uống rượu quá nhiều. Họ cho rằng nếu hạn chế được việc uống rượu, đất nước Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh. Có những người không uống rượu nhưng vẫn sống rất mạnh mẽ, làm việc có hiệu quả, xứng đáng là bậc nam nhi. Đề cao việc uống rượu là quan niệm sai. Cuộc sống hiện đại con người cần phải biết nhận xét, đánh giá và lựa chọn cho mình một quan điểm sống”

Ý kiến bị bác bỏ trong ví dụ trên là một ý kiến sai lầm là: người đàn ông biết uống rượu mới xứng đáng là nam nhi đại trượng phu. Ý kiến đó đã bị bác bỏ bằng những dẫn chứng trong thực tế: có những người uống rượu gây tai nạn giao thông và không còn thực hiện được trọng trách của một nam nhi. Tuy nhiên có những người không uống rượu mà vẫn là những đấng nam nhi đích thực do họ luôn tỉnh táo khi giải quyết vấn đề, không bị men rượu làm cho u mê. Một ý kiến sai lầm nhưng luôn được cho là đúng lại bị bác bỏ một cách dễ dàng qua cách thức bác bỏ dùng thực tế. Những dẫn chứng thực

tế có sức mạnh to lớn trong việc đánh đổ những ý kiến không đúng đắn, thiếu chính xác.

Khi viết đoạn văn bác bỏ một luận điểm sai lầm giáo viên nên hướng dẫn học sinh cách dùng thực tế và phép suy luận để bác bỏ có hiệu quả nhất.

* Bài tập bác bỏ luận cứ: Đây là loại bài tập yêu cầu học sinh bác bỏ bằng

cách chỉ ra sự sai lầm trong lí lẽ và trong dẫn chứng.

Ví dụ 1: Hãy dùng cách bác bỏ luận cứ để chỉ ra sự sai lầm trong ý kiến sau

"Lời khen có tác dụng rất lớn đối với con người, nó giúp con người vui hơn, hạnh phúc hơn và không có lời khen xấu mà chỉ có những lời khen tốt".

Với bài tập trên, học sinh sẽ sử dụng những lí lẽ để bác bỏ ý kiến chưa chính xác được nêu ra trong đề bài:

"Lời khen quả là rất tốt. Lời khen giúp khích lệ lòng người, làm cho

mọi người cảm thấy thoải mái và hạnh phúc vì mình được tôn vinh. Tuy nhiên lời khen cũng có những biến tướng. Biến tướng của lời khen là những lời xu nịnh, bợ đỡ. Theo Tuân Tử, những lời mật ngọt chết ruồi này chỉ có thể bay ra từ miệng của những“kẻ thù ta”. Lời xu nịnh, bợ đỡ cũng là những lời khen, nhưng là khen những cái không đáng khen. Những lời khen như thế dễ khiến người ta ảo tưởng về mình, ngộ nhận mình tài giỏi tốt đẹp. Vì vậy mà lầm đường, sinh ra kiêu căng, ngạo mạn. Những lời khen đó dẫn ta đến vực thẳm tiêu vong tài năng, nhân phẩm, sự nghiệp.

Nhưng ở đời, thói thường ai mà chẳng thích được khen, không muốn

bị chê. Vậy làm sao để nhìn rõ bản chất của sự khen chê này? Muốn vậy mọi người phải luôn khiêm nhường trong lối sống, luôn nghĩ mình còn kém cỏi, quanh mình còn nhiều điều đáng học hỏi "trong ba người đi trước ta ắt có người là thầy ta".

Ví dụ 2: Nhất Chi Mai phê bình Vũ Trọng Phụng: "đọc văn Vũ Trọng Phụng thấy phẫn uất, khó chịu... vì cảm thấy tư tưởng hắc ám, căm hờn, nhỏ nhen ẩn trong đó". Sự chỉ trích của Nhất Chi Mai gồm ba luận cứ: hắc ám,

căm hờn và nhỏ nhen. Nhà văn Vũ Trọng Phụng bác lại một cách dõng dạc: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

"Hắc ám, có! Vì tôi là người bi quan; căm hờn cũng có, vì tôi cho rằng cái xã hội nước nhà mà lại không đáng căm hờn, mà lại cứ vui vẻ trẻ trung, trưởng giả, ăn mặc tân thờ, khiêu vũ... như các ông chủ trương thì một là không cải cách gì xã hội, hai là ích kỉ một cách đáng sỉ nhục. Còn nhỏ nhen thì là thế nào? Tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa, dâm đãng của bọn người có nhiều tiền, kêu ca những sự thống khổ của dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, bị cưỡng bức, muốn cho xã hội công bình hơn nữa... mà bảo là nhỏ nhen, thì há dễ Dô-la, Huy-gô, Man-rô, Đốt-xtôi-ép-xki, M.Goóc-ki, lại không cũng là nhỏ nhen?"

Vũ Trọng Phụng đã bác bỏ ba luận cứ của Nhất Chi Mai: hắc ám, căm hờn, nhỏ nhen không phải bằng cách công kích lại Nhất Chi Mai mà bằng cách dùng lí lẽ chỉ ra ba điểm tiến bộ trong ba luận cứ bị phê phán để khẳng định quan niệm tiến bộ của mình đối với đời sống đương thời.

*Bài tập bác bỏ lập luận là loại bài tập yêu cầu học sinh sử dụng cách vạch

ra những mâu thuẫn, không nhất quán trong lập luận của đối phương hay chỉ ra sự đổi thay, đánh tráo khái niệm trong quá trình lập luận.

Ví dụ, Phạm Quỳnh khi viết về Truyện Kiều đã lập luận: "Một nước

không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; nước không thể không có quốc tuý, Truyện Kiều là quốc tuý của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta". Ngô Đức Kế đã bác bỏ

lập luận ấy như sau: "… thế thì từ Gia Long về trước, chưa có Truyện Kiều,

thì nước ta không có quốc hoa, không quốc tuý, không quốc hồn, thế thì cái văn trị vũ công mấy triều… đều ở đâu đem đến”.

Có thể thấy, cách lập luận của Phạm Quỳnh mang tính mâu thuẫn, phiến diện: Truyện Kiều là đỉnh cao nhưng không phải là tất cả. Cách bác bỏ của Ngô Đức Kế là vạch ra sự phiến diện trong lập luận đó.

2.3.2.3. Đề xuất qui trình rèn luyện

Bước 1: Giáo viên đưa bài tập, học sinh đọc bài tập và xác định yêu cầu bài tập. Bước 2: Lập dàn ý sơ lược.

Bước 3: Học sinh luyện tập, viết đoạn văn bác bỏ ý kiến sai lầm. Bước 4: Giáo viên nhận xét, đọc mẫu đoạn văn xuất sắc.

Ví dụ: Viết một đoạn văn ngắn bác bỏ ý cũ và tìm ý mới của câu thành ngữ

"Bới lông tìm vết".

+ Xác định vấn đề trong câu thành ngữ từ xưa tới nay là vấn đề được nhìn nhận theo quan điểm tích cực hay tiêu cực.

+ Lập dàn ý: Ý cũ của câu thành ngữ là gì? Ý mới của câu thành ngữ là gì? Làm cách nào để bác bỏ ý cũ và chỉ ra ý mới của câu thành ngữ?

+ Viết bài hoàn chỉnh.

+ Đọc văn của người để sửa văn của mình: " Trong nhiều cuộc họp tổng kết,

rút kinh nghiệm, người ta vẫn quen với những lời khen, tiếng vỗ tay, tịnh không có một lời phê bình, nhắc nhở nào. Thực tế, mọi hoạt động, mọi công tác đều có sai lầm, khuyết điểm,... Song ít ai dám thẳng thắn phê bình bởi họ e đồng nghiệp nhận xét mình là người "bới lông tìm vết". Thành ngữ ấy lâu nay bị hiểu theo nghĩa tiêu cực, đó là lấy những điều nhỏ nhặt để phê bình, nhắc nhở, ý chỉ thái độ hay soi mói, bắt bẻ thiếu thiện chí. Nhưng ta cũng biết rằng "nhân vô thập toàn", chẳng ai hoàn thiện cả, cũng chẳng có việc gì hoàn mĩ từ đầu đến cuối, nếu không thẳng thắn chỉ ra những sai lầm thì dễ trở thành bao che, dối trá. Từ đó không nhận ra khuyết điểm sẽ không có phương hướng sửa chữa, khắc phục. Lâu dần thành bệnh kinh niên thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Xã hội hiện đại không hiếm những bệnh kinh niên do ngại nhìn thẳng sự thật mà ra: bệnh thành tích, bệnh vô cảm, những sai trái, gian lận trong thi cử,... Bên cạnh đó, vì tính không toàn diện bẩm sinh của mỗi con người, mọi sự việc nên ai ai cũng mong muốn và luôn luôn phải vươn tới cái hoàn thiện. Trên con đường đi tìm sự toàn diện, việc nhìn ra khuyết điểm của

bản thân là một điều kiện tiên quyết: biết bệnh mới có thuốc chữa. Mặt khác, biết được khuyết điểm của người khác cũng là một cách để ta đề phòng, tránh đi vào vết xe đổ. "Bới lông tìm vết vẫn có mặt tích cực đối với những người thực sự muốn hoàn thiện bản thân và đặc biệt là không ngại phê bình." (Bài

viết của học sinh)

Một phần của tài liệu Rèn luyện cho học sinh lớp 11 kỹ năng lập luận bác bỏ trong làm văn nghị luận (Trang 55 - 61)