Thực trạng dạy học của giáo viên

Một phần của tài liệu Rèn luyện cho học sinh lớp 11 kỹ năng lập luận bác bỏ trong làm văn nghị luận (Trang 42 - 45)

9. Cấu trúc của luận văn

1.2.2.Thực trạng dạy học của giáo viên

Trong những năm trở lại đây công cuộc đổi mới chương trình sách giáo khoa THPT nói chung và sách giáo khoa Ngữ văn nói riêng đã thu được kết quả khả quan. Với việc đổi mới chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 thì mục tiêu là xây dựng chương trình như một chỉnh thể văn hoá mở, hiện tượng trùng lặp về văn bản tác giả, tri thức về sự phân phối điều hoà không hợp lí giữa các cấp độ được khắc phục. Trong chương trình lần này đã được nhìn xuyên suốt từ tiểu học cho đến trung học phổ thông.

Nhấn mạnh đến cả ba phương diện tri thức khoa học xã hội và nhân văn, kĩ năng, về giáo dục tình cảm thẩm mĩ cũng là nét nổi bật của chương trình mới, chương trình chuẩn đã liên kết phần Đọc văn với Tiếng Việt và Làm văn, coi trọng sự phát triển của loại thể. Đặc biệt là khắc phục được khoảng cách giữa Làm văn với đời sống thực tế. Điều này cũng có tác dụng không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh với các thao tác lập luận trong văn nghị luận.

Cùng với việc đổi mới chương trình sách giáo khoa ngữ văn, việc đổi mới phương pháp dạy học cũng đặt ra nhu cầu cấp thiết nhằm phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của học sinh, góp phần vào việc đào tạo những thế hệ công dân mới cho đất nước. Trên tinh thần đổi mới phương pháp dạy học thì các bài học không biên soạn theo hướng truyền thụ lí thuyết có tính ắp đặt cho mỗi giáo viên mà mỗi bài học là một quá trình dẫn dắt học sinh thông qua những bài tập, những thao tác hoạt động để hình thành kiến thức mới và rèn luyện kĩ năng. Cũng nhờ có sự đổi mới đồng bộ, toàn diện cả về chương trình lẫn phương pháp nên chất lượng giảng dạy Ngữ văn nói chung và Làm văn nói riêng đã thu được kết quả khả quan. Và đặc biệt là hạn chế được rất nhiều tình trạng giáo viên thuyết giảng lí thuyết khô cứng, rập khuôn, máy móc trong các giờ Làm văn. Các tiết học về thao tác lập luận đã được đổi mới cả về phương pháp, cách tổ chức và tính sáng tạo trong việc soạn giáo án. Lí thuyết không còn được dạy một cách khô cứng mà lồng ghép với thực hành. Giáo viên chú trọng nhiều hơn đến việc rèn luyện kĩ năng, vận dụng các thao tác lập luận cho học sinh một cách nhịp nhàng, nhuần nhuyễn, và thành công hơn cả là giáo viên đã giúp học sinh tiếp cận với cuộc sống thực tế một cách tinh tế; biến học sinh thành những chủ thể chiếm lĩnh kiến thức một cách thực sự, tạo cho học sinh những động cơ hứng thú với phân môn Làm văn. Qua mỗi bài viết, học sinh đã biết vận dụng những lí thuyết Làm văn vào thực hành, biết vận dụng những kinh nghiệm sống, những trải nghiệm của bản thân kết hợp với những thao tác lập luận, những kĩ năng làm văn của mình để bộc lộ tính sáng tạo, ý kiến chủ quan cá nhân một cách có lập trường, bản lĩnh đúng đắn.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đáng tự hào của một bộ phận giáo viên vẫn còn một bộ phận nhỏ những giáo viên còn thể hiện sự yếu kém trong năng lực tư duy, lười trau dồi, lười sáng tạo, vẫn còn những giờ Làm văn nhạt nhẽo và hời hợt, vẫn giữ lối tư duy, lối dạy cũ, tách rời giữa lí thuyết và thực hành chưa tạo được thu hút cho học sinh với phân môn Làm văn...

Trên đây là những vấn đề chung, những điểm tích cực và và cả những tiêu cực trong việc dạy học Làm văn của giáo viên. Đối với việc dạy thao tác lập luận mà cụ thể là Thao tác lập luận bác bỏ xin đưa ra một số thực trạng đáng lưu ý sau đây:

Đa số giáo viên đều nắm rõ mục tiêu của bài Thao tác lập luận bác bỏ là hiểu được mục đích, yêu cầu và cách thức lập luận bác bỏ trong văn nghị luận. Giáo viên đã hình dung ra phương pháp giảng dạy kết hợp lí thuyết và thực hành, biết vận dụng những kiến thức thực tế để hình thành cho học sinh một kĩ năng bác bỏ tối thiểu, từ đó nâng cao năng lực bác bỏ trong những bài luyện tập và luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận. Một kết quả thấy rõ là học sinh biết phân biệt cái đúng, cái sai, biết cách vạch trần cái sai lầm để bảo vệ cái đúng, chân lí theo đúng quy luật tư duy...

Tuy nhiên, bài học về Thao tác lập luận bác bỏ là bài học lần đầu tiên được đưa vào sách giáo khoa trong chương trình đổi mới, cho nên phần nhiều giáo viên cảm thấy lúng túng, thậm chí còn gặp khó khăn trong việc đưa ra những khái niệm, phân định những kiến thức lí thuyết, kĩ năng thực hành. Đặc biệt, giáo viên không nắm chắc các cách thức bác bỏ, nhầm lẫn giữa những cách thức bác bỏ, hay tư duy bác bỏ bị hạn chế... Chính vì vậy mà bài học về thao tác lập luận bác bỏ chưa đạt hiệu quả cao. Thiết nghĩ để dạy bài Thao tác

lập luận bác bỏ thành công và đặc biệt là hình thành cho học sinh kĩ năng lập

luận bác bỏ, người giáo viên phải học tập và trau dồi về kiến thức, tích cực chủ động trong tư duy và luôn mài sắc tư duy. Hơn nữa người giáo viên phải có năng lực cao trong việc nhận định cái đúng, cái sai, từ đó mới có thể giúp học sinh sử dụng thao tác lập luận bác bỏ một cách chính xác.

Có thể thấy rằng, dạy học thời hiện đại đòi hỏi phải có những người giáo viên thực sự hiện đại, năng động, tích cực đáp ứng được những yêu cầu của sự đổi mới. Dạy thao tác lập luận bác bỏ không khác gì dạy tư duy cho học sinh, mà dạy tư duy cho học sinh không thể là những người thầy có tư

duy thấp, lùn được. Việc cần thiết và quan trọng là người giáo viên cần nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và lương tâm với nghề, có như vậy thì người giáo viên mới có những định hướng rèn luyện trau dồi nghề nghiệp, và có như vậy thì mới hi vọng đào tạo ra những thế hệ con người phát triển toàn diện và hữu ích.

Một phần của tài liệu Rèn luyện cho học sinh lớp 11 kỹ năng lập luận bác bỏ trong làm văn nghị luận (Trang 42 - 45)