Nâng cao chất lượng giám sát rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP công thương việt nam chi nhánh hà nội luận văn ths (Trang 100 - 102)

Vietinbank – Chi nhánh Hà Nội phải xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro tín dụng toàn diện để giám sát cơ cấu, chất lượng danh mục tín dụng phù hợp với giới hạn rủi ro tập trung đã thiết lập. Hệ thống này phải đảm bảo cung cấp các báo cáo và phân tích chính xác và kịp thời.

Hệ thống báo cáo và giám sát danh mục sẽ trợ giúp cho việc đánh giá kịp thời để nắm bắt những thay đổi đặc điểm rủi ro danh mục và tình hình kinh doanh, từ đó giúp định hướng các chiến lược ứng phó với rủi ro tín dụng.

Giám sát liên tục và kiểm tra độc lập

NHCT phải thiết lập quy trình giám sát liên tục và có hiệu quả đối với tình trạng của từng khoản tín dụng. Các chỉ tiêu quan trọng về tình trạng tín dụng được theo dõi để phát hiện sớm và báo cáo các khoản nợ có vấn đề tiểm ẩn.

Bên cạnh việc giám sát liên tục, NHCT cũng thiết lập cơ chế kiểm tra độc lập trong quy trình quản lý rủi ro tín dụng. Tất cả hợp đồng tín dụng ngoại trừ những khoản tín dụng được quản lý theo danh mục phải được lựa chọn ngẫu nhiên và được đánh giá rủi ro độc lập bởi bộ phận kiểm toán nội bộ. Kết quả đánh giá này phải được lập thành văn bản và báo cáo trực tiếp lên, Ban kiểm soát HĐQT, UBRR thuộc HĐQT.

Hệ thống cảnh báo sớm

Một hệ thống quản lý thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống quản lí rủi ro tín dụng theo hướng thận trọng. Do đó, chất lượng của hệ thống thông tin quản lý là nhân tố quan trọng đóng góp vào tính hiệu lực và hiệu quả của quá trình quản lý rủi ro tín dụng.

Thêm vào đó, hệ thống phải đảm bảo kịp thời gửi thông tin cảnh báo tới các cấp có thẩm quyền liên quan khi các số dư rủi ro tín dụng gần chạm tới các giới hạn rủi ro. Tất cả số dư rủi ro tín dụng phải nằm trong hệ thống đo lường giới hạn rủi ro.

Sơ đồ 4.4: Hệ thống cảnh báo sớm đề xuất áp dụng

(Nguồn: tác giả đề xuất)

Kiểm tra sức chịu đựng

Kiểm tra sức chịu đựng đối với danh mục tín dụng phải được thực hiện thường xuyên để phát hiện những rủi ro mới nổi gây ảnh hưởng bất lợi đối với danh mục tín dụng của ngân hàng và để đánh giá khả năng ngân hàng trụ vững trong những điều kiện bất lợi. Những rủi ro mới phát sinh có thể bắt nguồn từ sự đổ vỡ của thị trường, sự cạnh tranh, biến động tình hình kinh tế vĩ mô và thay đổi quy định từ các cơ quan quản lý.

Việc nhận diện, mô phỏng tình trạng căng thẳng, các nhân tố rủi ro hoặc kịch bản căng thẳng, đề ra mục tiêu của việc kiểm tra sức chịu đựng phải được xây dựng bởi bộ phận kinh doanh và bộ phận quản lý rủi ro tín dụng, sau đó được BĐH và UBRR thuộc HĐQT phê duyệt.

Một cuộc kiểm tra sức chịu đựng thường bao gồm các bước sau: - Nhận diện các nguy cơ và mối liên hệ giữa các nguy cơ;

- Lựa chọn kịch bản căng thẳng;

- Lựa chọn danh mục và thời gian thực hiện Kiểm tra sức chịu đựng; - Những bộ phận tham gia và trách nhiệm của từng bộ phận.

Quy trình kiểm tra sức chịu đựng phải được văn bản hóa bao gồm mục tiêu, phạm vi, mô tả tóm tắt kịch bản và mức độ nghiêm trọng của tình huống căng thẳng, kỹ thuật thực hiện, giả định được sử dụng, kết quả định tính và định lượng của Kiểm tra sức chịu đựng, phân tích tác động tới tình hình tài chính của ngân hàng và kế hoạch hành động đối phó. Kết quả Kiểm tra sức chịu đựng phải được ghi nhận và nếu cần thiết, ngân hàng sẽ điều chỉnh chiến lược rủi ro và các giới hạn rủi ro tín dụng để đảm bảo rủi ro tín dụng nằm trong KVRR của ngân hàng.

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP công thương việt nam chi nhánh hà nội luận văn ths (Trang 100 - 102)