TÌNH HÌNH NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU ôn THI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH CÔNG tác hội NÔNG dân (Trang 76 - 78)

III. Nhiệm vụ và giải pháp.

A- TÌNH HÌNH NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Năm năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản do tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra, nước ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế, thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề nghiêm trọng; tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn, góp phần ổn định chính trị- xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu

chiếm vị trí cao trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản... Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng trưởng khá; riêng năm 2012 đạt 23,9 tỷ USD, chiếm 1/5 kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Khoa học, công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp được áp dụng rộng rãi góp phần tăng năng suất lao động, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Thành tựu đạt được trong sản xuất nông nghiệp có vai trò đóng góp to lớn của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.

Tuy nhiên, đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn thấp so với vị trí, tiềm năng và nhu cầu phát triển. Nông nghiệp nước ta phát triển chưa bền vững, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún; giá trị gia tăng nhiều mặt hàng còn thấp.

Nông dân nước ta chiếm gần 70% dân số và trên 50% lực lượng lao động xã hội; có truyền thống yêu nước và cách mạng, luôn trung thành với Đảng; có đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, giai cấp nông dân cùng nhân dân cả nước tạo nên những thành tựu to lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân; năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 9,6% (theo tiêu chí mới), thu nhập bình quân đầu người tăng gần 2 lần so với năm 2008. Điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe ngày càng được Nhà nước quan tâm hơn. Trình độ dân trí được nâng lên và ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường; dân chủ được mở rộng, quyền làm chủ của nông dân được phát huy. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân và Hội Nông dân ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, thực trạng nông dân hiện nay đa số vẫn là những hộ sản xuất quy mô nhỏ. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân tuy có bước cải thiện nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Nông dân băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế; về dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi; về ô nhiễm môi trường; về biến đổi khí hậu... các chính sách về thu mua tạm trữ, tiêu thụ nông sản, nhập khẩu muối, vật tư nông nghiệp; khai thác khoáng sản, khai thác hải sản; bảo hiểm nông nghiệp chưa mang lại quyền lợi thực sự cho nông dân. Nông dân khó tiếp cận các chính sách tín dụng của Nhà nước dẫn đến thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; chính sách về đất đai còn bất cập, việc thu hồi đất nông nghiệp, đền bù giải phóng mặt bằng,

tái định cư chưa phù hợp, dẫn đến một bộ phận nông dân mất đất sản xuất, không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Nông thôn nước ta tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp, thu hút sự tham gia tích cực của nông dân; mô hình nông thôn mới theo các tiêu chí bước đầu thực hiện đạt kết quả thiết thực, các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục được đổi mới, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường. Đã có 98,6% số xã có điện; 96,2% hộ có điện lưới thắp sáng; 49,2% số hộ nông dân có nhà kiên cố; 87,4% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; có 71,8% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 97,8% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 49,1% số xã có nhà văn hoá; 89,3% số xã có bưu điện văn hóa; 90,8% số xã có trường trung học cơ sở; hầu hết số xã có trường tiểu học và lớp mẫu giáo.

Mặc dù vậy, nông thôn phát triển còn thiếu quy hoạch, các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém, môi trường nông thôn bị ô nhiễm, năng lực ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế, vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nông thôn mới còn thiếu. Sự chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền còn lớn, đang có xu hướng nới dần khoảng cách.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU ôn THI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH CÔNG tác hội NÔNG dân (Trang 76 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(105 trang)
w